NGUYỄN KHẮC ĐẠM (dịch)
Minh Tuấn (số hóa)
Những năm gần đây (thập niên 1960-1970), các nhà khoa học Liên Xô đã công bố một loạt những bản phân tích cơ bản về chủ nghĩa Mao, về những nguồn gốc lịch sử của nó và về những nguyên nhân xuất hiện của nó tại Trung Quốc, một đất nước kinh tế phát triển kém bị những quan hệ phong kiến và nửa phong kiến còn thống trị trong một quá khứ mới gần đây thôi và bị phụ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc về các mặt chính trị, kinh tế và tư tưởng.

Nghiên cứu về những biểu hiện của chủ nghĩa Mao tại Trung Quốc và trên thế giới, các nhà “Trung Quốc học” Liên Xô đã giành rất nhiều sự quan tâm đến những nguồn gốc của chủ nghĩa ấy trong các công trình nghiên cứu lịch sử về nước này. S.Tikhvinski, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô đã tóm tắt và khái quát những kết quả của các công trình nghiên cứu ấy trong cuốn “Lịch sử Trung Quốc và thời sự” (Mát-xcơ-va, 1976).
Gợi lại những quan hệ quốc tế của Trung Quốc trong thời cổ đại và trung thế kỷ, Tikhvinski nhắc lại rằng vào thời đó khái niệm “Đại Trung Quốc” đã được cấu tạo nên, đó là Trung Quốc là trung tâm của vũ trụ và nắm quyền tối cao. Theo khái niệm đó, tất cả các dân tộc khác đều là những người dã man, thua kém người Trung Quốc về mọi mặt và có “bổn phận đầu tiên”là “theo đòi văn minh”bằng cách thừa nhận quyền tối cao của các Hoàng đế Trung Hoa và theo “lối sống Trung Quốc”.
Tác giả đã khôi phục lại về chi tiết việc thiết lập vị trí cho một hệ thống phức tạp về những tiêu chuẩn của những quan hệ ngoại giao và thương nghiệp của Trung Quốc với bên ngoài cách đây hai nghìn năm. Những sự tiếp xúc buôn bán thông thường nhất, đặc biệt là những chuyến đi, đến của những đoàn lữ hành hoặc của những tàu thuyền, đã được trình bày như là những sự biểu hiện của lòng trung thành và của những sự cống nạp của những chư hầu của Hoàng đế Trung Hoa. Chính cái khái niệm vị chủng phong kiến đó được sửa đổi lại cho phù hợp với những nhu cầu của chủ nghĩa bá quyền, và nó đã được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh công nhận.
Khao khát quyền bá chủ thế giới, chủ nghĩa Mao trước hết trông vào sự bành trướng về chính trị và tư tưởng. Đồng thời, những yêu sách vô lý về lãnh thổ đối với Liên Xô. Ấn Độ và các nước khác, ý đồ công khai muốn thiết lập quyền lực của Trung Quốc ởnhiều nước ở Đông Nam Á được coi như là những chư hầu trước kia của Trung Quốc, tất cả những điều đó cho thấy rằng Bắc Kinh sẽ không ngần ngại sử dụng đến vũ lực. Việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam vào tháng 2-1979 là một bằng chứng.
Gợi lại lịch sử của các cuộc chinh phục của người Thát-đát Mông Cổ ở châu Á và châu Âu, sự thống trị của người Mãn-châu ở Trung Quốc, tác giả cho thấy những người Mao-ít (Maoist) trong công tác biên soạn lịch sử của họ được coi như là khoa học, đã đưa sự xâm lược và chính sách sức mạnh trở thành một thứ để tôn sùng, đi tới chỗ lý tưởng hóa những chếđộ chuyên chế của nước ngoài từng áp bức nhân dân Trung Quốc, đi tới chỗ ca ngợi những nhân vật khát máu như Thành Cát Tư Hãn, Khang Hi và những tên khác, những kẻ đã tiêu diệt toàn bộ nhiều dân tộc và hủy diệt những nền văn minh cổ đại. Nguyên nhân làm “bệ đỡ” cho một sự xuyên tạc sự thật lịch sử như vậy là do ý muốn của bọn sô-vanh Trung Quốc muốn lý giải cho những yêu sách về lãnh thổ của họ đối với Mông Cổ, những nước Cộng hòa Xô-Viết ởTrung Á và những lãnh thổ ở Đông Nam Á, mà những nước này vào một thời kỳ nào đó đã bị bọn phong kiến Mông Cổ, Thát-đát và Mãn-châu xâm chiếm.
Tác giả cũng lưu ý một điều là sự thống trị quân phiệt của người Mãn Châu ở Trung Quốc rất giống với những phương pháp mà những người Mao-ít đã sử dụng để bắt nhân dân Trung Quốc phải tuân theo. “Sự bất lực của các nhà cầm quyền Mãn Châu trong việc tìm ra những giải pháp đúng đắn cho những vấn đề của đất nước đã quyết định sự ưu tiên của các phương sách quân sự – chính trị trong đường lối chính trị của họ, sự tìm kiếm quyền lực bằng sức mạnh tàn bạo đã được kết hợp với một sự kiểm tra kiểu cảnh sát đặc biệt gay gắt tình trạng tinh thần của nhân dân và việc bắt các thần dân của đế quốc phải vào khuôn phép một cách có hệ thống”, Tikhvinski viết. Các Hoàng đế Mãn-châu còn đặc biệt quan tâm tới sự “uốn nắn lại tinh thần” bằng cách cho “xâm nhập các ý niệm” và các quy tắc xử thế theo đạo lý. Cái hệ thống bắt phải tuân theo những điều kiện nhất định này có thể được xem như là sự báo hiệu trước cho chính sách “chỉnh phong” và cho “sự xâm nhập những tư tưởng của người cầm lái vĩ đại” trong chính sách của những người Mao-ít.
Tác giả đã xem xét vấn đề quan trọng và hiện lại của sự nảy sinh ra chủ nghĩa dân tộc tư sản ở Trung Quốc và tác động của nó đối với sự lãnh đạo của phái Mao-ít trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tác giả đã đưa ra ánh sáng những nguồn gốc xã hội của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và trình bày những mâu thuẫn nội lại trong sự hình thành của chủ nghĩa ấy, do ảnh hưởng của những bộ phận khác nhau trong giai cấp tư sản đem lại, từ những đại địa chủ tư sản hóa, giai cấp tư sản mại bản và tư bản quan liêu tới những phần tử dân chủ của giai cấp tư sản dân tộc và của giai cấp tiểu tư sản. Sự tồn tại dai dẳng của hệ tư tưởng dân tộc phản động này là một nguyên nhân của sự phản bội của bè lũ Mao-ít trong Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với chủ nghĩa Mác- Lê-nin.
Tác giả cũng phân tích chính sách “Tự Cường” của các giới lãnh đạo Trung Quốc (1860-1895) để phát hiện ra những nguồn gốc của một thứ “chủ nghĩa biệt lập”đặc thủ (khái niệm “dựa vào chính lực lượng của mình”), được sử dụng để đem đối lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với cộng đồng xã hội chủ nghĩa và được đem áp đặt đối với các nước khác, chủ yếu là các nước đang phát triển.
Phần cuối cùng được giành cho lịch sử hiện đại Trung Quốc, về tầm vóc của những mối liên hệ hữu nghị với Liên Xô trong thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xem xét về mặt này của những công trình của các nhà nghiên cứu Xô viết, chúng ta thấy có chuyên đề của D. Borissov:
Liên Xô và căn cứ cách mạng ở Mãn-châu (1945 – 1949) (Mát-xcơ-va, 1975; xuất bản lần thứ hai có bổ sung, 1977). Tác giả đã trình bày lịch sử chính sách đối nội và đối ngoại đặc biệt của Mao Trạch Đông. Điều rõ ràng là chính sách đó đã bỏ qua đường lối chung xã hội chủ nghĩa được Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua năm 1953 và kỳ họp khóa 1 của Đại hội lần VIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác nhận (1956). Tikhvinski đã gợi lại một cách có tính chất thuyết phục những sự phản xạ tai hại của chính sách này của Mao Trạch Đông về mặt phát triển xã hội — kinh tế của Trung Quốc, về sự hợp tác toàn diện của Trung Quốc với Liên Xô và cộng đồng xã hội chủ nghĩa, và đặt ra một cách đúng đắn vấn đề tác dụng của thượng tầng kiến trúc của xã hội Trung Quốc đã bị bọn Mao-ít biến dạng đi đôi với cơ sở của xã hội đó, và đối với những nền tảng của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội được thiết lập trong các kế hoạch năm năm đầu tiên của Trung Quốc.
Thời gian gần đây, nhiều tác giả Xô viết đã chú ý tới thời kỳ này hay thời kỳ khác của lịch sử những quan hệ Xô — Trung, mà đặc điểm về nguyên lý đó đã được đưa ra trong những văn kiện của Đảng Cộng sản Liên Xô. Chúng tôi xin nêu ra đây những tác phẩm cơ bản về mặt này như cuốn: Lịch sử quan hệ kinh tế và thương nghiệp của Liên Xô với Trung Quốc (1917 – 1974) (Mát-xcơ-va 1977) do Sladkovski, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô viết, và cuốn: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc, 1969 — 1976. Những nhân tố chính và những khuynh hướng chủ yếu (Mát-xcơ-va, 1977) do Koloskov viết. Tác giả thứ nhất dựa vào rất nhiều sự kiện, và xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân, trải ra nhiều năm trong lĩnh vực các quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đã cho thấy sự phong phú lớn lao của sự giúp đỡ vô tư của Liên Xô đối với nhân dân Trung Quốc đang đấu tranh cho giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác giả thứ hai được nổi bật lên bằng việc ông phân tích chính sách đối ngoại sô-vanh và nước lớn của các nhà lãnh đạo theo Mao, và bằng việc ông vạch rõ sự tự tố cáo lẫn nhau của bọn Mao-ít này công khai liên kết với chủ nghĩa đế quốc để chống lại cộng đồng xã hội chủ nghĩa, chống lại phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chống lại cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc.
Cần phải đặc biệt giới thiệu công trình nghiên cứu cơ bản của O.Borissov và Koloskov, những nhà “Trung Hoa học”Xô viết nổi tiếng, cuốn: Những quan hệ Xô -Trung (xuất bản lần thứ hai có bổ sung, Mát-xcơ-va, 1977). Tác phẩm đã gợi lại những mối quan hệ từ năm 1945 đến năm 1977 và những khuynh hướng lớn trong sự viện trợ quốc tế chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với các lực lượng cách mạng Trung Quốc, làm nổi bật lên tính chất lê-nin-nít trong chính sách của Liên Xô đối với Trung Quốc.
Cần lưu ý rằng những mối quan hệ với Liên Xô đã đóng một vai trò đặc biệt trong sự phát triển của Trung Quốc từ sau Tháng Mười năm 1917 và là một nhân tố chủ yếu trong những sự biến đổi triệt để của xã hội Trung Quốc. Các tác giả cũng đã đưa ra một nguồn tư liệu phong phú để làm nổi bật lên mối liên quan hữu cơ giữa việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc trong mười năm đầu tiên sau sự thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với lịch sử các quan hệ Xô — Trung. Việc này được tiến hành trong ba chương đầu tiên giành cho thời kỳ: Từ sự đại bại của chủ nghĩa đế quốc Nhật tới khi kết thúc kế hoạch năm năm đầu tiên của Trung Quốc (1953 — 1957).
Ở đây các tác giả đã cho thấy rằng sở dĩ nhân dân Trung Quốc giành được thắng lợi năm 1949 là nhờ vào chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó vừa chú ý tới tính đặc thù của Trung Quốc vừa chú ý tới sự ủng hộ của các đảng Mác-xít — Lê-nin-nít khác: rằng trong giai đoạn khôi phục, với sự giúp đỡ quốc tế chủ nghĩa của các nước xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đã có thể vượt qua những khó khăn bên trong và bên ngoài và chuẩn bị cho bước quá độ tiến lên xây dựng có kế hoạch chủ nghĩa xã hội; rằng những tiến bộ quan trọng được ghi nhận trong nền kinh tế và những sự biến đổi dân chủ ở nước này là nhờ có sự hy sinh của nhân dân Trung Quốc và có sự giúp đỡ vô tư của Liên Xô; vì nó đã cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay từ năm 1953 đã vạch ra được đường lối chung quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Mười năm tồn tại đầu tiên của nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa đã được chứng minh rất rõ khi chúng ta đọc trong công trình nghiên cứu này, rằng tất cả những điều kiện khách quan lúc ấy đều có thể đưa những quan hệ Xô -Trung đi theo hướng tích cực đó và điều này phù hợp với các quyền lợi cơ bản của những người lao động ở Liên Xô và Trung Quốc, cũng như của tất cả các dân tộc. Thi hành một chính sách quốc tế chủ nghĩa lê-nin-nít không thay đổi với Trung Quốc, Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô đã cố gắng không mệt mỏi nhằm phát triển và củng cố tình hữu nghị, sự liên minh và sự hợp tác nhiều mặt giữa Liên Xô và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, giữa Đảng Cộng sản Liên xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giữa các dân tộc của hai nước này.
Các tác giả đã nhận thức rằng, ngay từ 1956-1957, người ta đã thấy rõ cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở Trung Quốc được tăng lên giữa một bên là đường lối Mác-xít và quốc tế chủ nghĩa, và bên kia là đường lối tiểu tư sản và dân tộc chủ nghĩa. Do đó những quan hệ với Liên Xô bị suy kém đi.
Bắt đầu từ khi kết thúc những năm 50, độc lập đối với ý muốn của nước chúng ta (Liên Xô), những mối liên hệ ấy ngày càng biểu lộ một cách công khai những khuynh hướng tiêu cực không ngừng sâu sắc thêm. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bắt đầu từ bỏ chính sách hữu nghị và hợp tác với Liên Xô và với các nước xã hội chủ nghĩa khác để đi theo chính sách đấu tranh giữa các nước. Những chương khác đã đề cập chi tiết tới những vấn đề khác nhau: Những sự biểu hiện của các khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và chống Liên Xô trong chính sách của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và những nguyên nhân của những khuynh hướng này; những quan hệ Xô-Trung trong quá trình biến đổi từ đường lối đặc biệt của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh thành chính sách đối nội và đối ngoại hiện nay và sự việc những người này mở rộng cuộc đấu tranh công khai chống Đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước Liên Xô: những quan hệ Xô-Trung trước và trong quá trình của cuộc “Cách mạng văn hóa” trứ danh, khi mà chủ nghĩa chống Liên Xô được tuyên bố như là một bộ phận cấu thành chủ yếu trong chương trình chính trị của Đại hội lần IX Đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi xảy ra những sự khiêu khích vũ trang của Trung Quốc vào tháng ba năm 1969 ở biên giới Liên Xô.
Bước đầu của những năm 70 đã mở ra cho thấy một thời kỳ mới trong sự tiến triển của tình hình bên trong và của chính sách đối ngoại của Trung Quốc (chương 9). Theo các tác giả, thời kỳ xác định chế độ Mao Trạch Đông đã được đánh dấu bằng sự việc là Bắc Kinh, sau khi đã phá hoại khả năng trở lại một chính sách láng giềng tốt đẹp được nảy sinh từ cuộc gặp gỡ của những người đứng đầu chính phủ của hai nước vào tháng chín năm 1969 và từ khi bắt đầu những cuộc đàm phán về việc giải quyết các cuộc xung đột biên giới, bằng mọi cách đã chống lại việc thi hành đường lối bình thường hóa quan hệ Xô-Trung do Dại hội lần XXIV Đảng Cộng sản Liên Xô thiết lập. Bỏ qua tất cả những sáng kiến xây dựng của Liên Xô, một lần nữa các nhà lãnh đạo Bắc Kinh lại xác định chủ nghĩa chống Liên Xô của họ trong Đại hội lần X Đảng Cộng sản Trung Quốc và trong Hiến pháp 1975.
Những chương cuối cùng (10 và 11) bao gồm thời kỳ từ tháng giêng năm 1975 tới tháng Tám năm 1977 khi mà những hiện tượng khủng hoảng trong chính sách đối nội và đối ngoại ngày càng thêm gay gắt, khi mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn liên tục leo thang chống Liên Xô ngay cả khi những quyết định của Đại hội lần XXV Đảng Cộng sản Liên Xô và của những Đại hội của các đảng anh em đã tạo thuận lợi cho việc trở lại những quan hệ hữu nghị và hợp tác với Liên Xô và với các nước xã hội chủ nghĩa khác. Việc một nhóm “mới “ lên nắm chính quyền ở nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không thay đổi chút nào tình trạng này.
Từ khi Mao Trạch Đông qua đời, Liên Xô đã đề ra một loạt sáng kiến chứng minh cho ý muốn thành thật của mình trong việc cải thiện những mối quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Thế nhưng, không chịu từ bỏ chủ nghĩa chống Liên Xô, các nhà lãnh đạo Trung Quốc một lần nữa lại xác định việc theo đuổi chính sách này của họ và họ đã lợi dụng từng thời cơ nhỏ để biểu hiện sự chống đối không hề suy giảm của họ đối với Liên Xô. Đại hội lần XI Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa chủ nghĩa Mao trở thành lập trường tư tưởng và chính trị của Đảng, đã coi những luận điểm quân phiệt chủ nghĩa và nước lớn của Mao Trạch Đông như là cái của Đảng và đã thực sự tuyên bố một chính sách đấu tranh chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Không phải là một điều ngẫu nhiên nếu chúng ta biết cuộc viếng thăm nước Mỹ của Đặng Tiểu Bình vào tháng hai vừa qua cũng có tính chất chống Liên Xô và khiêu khích.
Các tác giả đã trả lời bằng cách khẳng định vấn đề tìm hiểu xem những ý đồ của liên Xô muốn bình thường hóa quan hộ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có một ý nghĩa gì không, trong khi Bắc Kinh vẫn ngoan cố chống Liên Xô; và các tác giả cũng nhấn mạnh rằng chính các sáng kiến đó của Liên Xô đã được dùng để lật mặt nạ cái tinh thần chống chủ nghĩa xã hội trong chính sách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Bất chấp những sự phản ứng của Bắc Kinh, các sáng kiến này đã được tất cả những ai trên thế giới thực lòng mong muốn sự hợp tác Xô Trung lại được tái lập nhiệt liệt chào đón. Ngoài ra các sáng kiến này cũng chỉ rõ cho nhân dân Trung Quốc thấy rằng đất nước chúng ta đã làm mọi cái có thể làm được để phục hồi quan hệ láng giềng tốt giữa hai nước.
Giá trị lý luận và thực tiễn của các tác phẩm kể trên (đều viết bằng tiếng Nga) là ở chỗ chúng vạch ra cho mọi người thấy rõ những nguồn gốc lịch sử, chính trị và tư tưởng của chủ nghĩa Mao, và chứng minh vai trò xâm lược hiện nay của nó trên trường quốc tế.
Guennadi Astofiev — Les histertens1 sovlétiquetsur 1’essence réaclionnafre du maotsme — Sciences Sociales N° 4 — 1979, tr.95 — 100