Thế yếu của người Nga (I)

Thế yếu của người Nga (I)

Hoàng Phi

Sau hơn 100 ngày chiến tranh đẫm máu, kết cục cuộc chiến ở Ukraine vẫn còn rất khó định đoạt. 

Chiến tranh là một hiện tượng xã hội vô cùng phức tạp, vượt trên khả năng trí óc con người để hiểu hay tính toán hết tất cả những biến số của nó. Một cụm từ yêu thích của Robert McNamara là “sương mù chiến tranh”, một môi trường mịt mù, bất định chung mà cả hai bên tham chiến gặp phải – trong khi đang vật lộn với nhau. Một ẩn dụ có lẽ còn hợp lí hơn nữa là hình ảnh hai người vật lộn với nhau ở dưới đáy một hồ nước đục. Ở đây, không chỉ nhận thức của hai bên về nhau và về môi trường xung quanh bị biến dạng đi, ngay cả bản thân mỗi chuyển động, mỗi hành động của họ đều bị cản trở, làm cho kém hiệu quả, bởi một thứ trở lực (friction) luôn hiện hữu. Clausewitz coi mỗi cuộc chiến như nằm “trôi nổi” ở đâu đó giữa ba “cực” chi phối, một trong số đó là yếu tố may rủi, xác suất. Sang đến thời hiện đại, những môn đồ khác của ông, điển hình là giáo sư Alan D. Beyerchen, đã áp dụng lý thuyết hỗn mang (chaos theory) trong toán học vào lĩnh vực này để làm rõ thêm tính phi tuyến tính (nonlinearity) của chiến tranh. 

Khi nhìn vào các trận đánh và các cuộc chiến trong lịch sử, chúng ta thấy đầy rẫy các quyết định “ngớ ngẩn”, các tính toán sai lầm, những cuộc chiến với kết quả được định đoạt sẵn, và cũng đồng thời đầy những khoảnh khắc mà lịch sử đã có thể xảy ra theo những kịch bản rất khác. Hiểu được những tính chất nói trên là điều mấu chốt để hiểu về lịch sử. Quả thật, đối với giới chuyên viên quân sự phương Tây, việc thấm nhuần sự thật này, thấm nhuần lí thuyết của Clausewitz, là điều kiện tiên quyết, là bước nền trước khi người ta đi nghiên cứu chuyên sâu hơn vào từng vùng cụ thể. Về nguồn cơn của sự bất định này, mình đã có một bài viết ở viết cách đây khá lâu Và có kế hoạch viết thêm một bài nữa về sự bất định chiến lược (strategic uncertainty).

Thế nhưng, ở Việt Nam, góc nhìn này vẫn còn là một thứ mới mẻ, và người ta vẫn coi chiến tranh như là một thứ gì đó gần với truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa hơn là chiến tranh trong thực tế. Có một xu hướng coi chiến tranh chỉ đơn giản như nước đi cờ của các vị nguyên thủ, hay như cái cách mà một nhân vật quân sư tài trí nào định đoạt ra hết các đường đi nước bước, mọi chuyện chỉ cứ như thế mà an bài. Một số tay lưu manh như Trung Hoàng, Thiên Lương, với thói quen bình luận về mọi thứ trên đời mà không thực sự hiểu về chuyện gì, liên tục tung tin về thế thắng lợi không thể cản bước của người Nga. Họ cố vẽ lên một bức tranh trong đó nước Nga ở Putin đang chiến thắng tất cả, giành lấy tất cả mà (hầu như) không chịu tổn thất nào về phe mình. Họ bất chấp tất cả những bước lùi gần đây về ngoại giao cũng như quân sự của người Nga, coi đó chỉ như nước cờ đã được tính toán sẵn từ trước của Putin. Đối với những người thực sự hiểu về chuyện quân sự và địa chính trị, đây là một điều nực cười, nhưng ngôn ngữ của đám lưu manh này lại dễ thu hút một bộ phận lớn đám đông không hiểu chuyện.

Mục đích của mình của mình khi viết bài này là để phản bác lại những góc nhìn một chiều như vậy về cuộc chiến ở Ukraine hiện tại và về chiến tranh nói chung. Trọng tâm trong bài này sẽ là để chỉ ra một số điểm yếu trong vị thế chiến lược của người Nga ở thời điểm hiện tại, ở nhiều cấp độ khác nhau, từ đấy cho thấy rằng viễn cảnh một chiến thắng hoàn toàn của người Nga là không tưởng. Liệu người Nga có thể kết thúc cuộc chiến này với một số kết quả có lợi nhất định không? Có thể. Nhưng cửa sổ cơ hội của họ càng ngày sẽ càng hẹp lại. Đây cũng có lẽ là lí do họ đang ráo riết muốn đàm phán với Ukraine và phương Tây, và cũng có thể là lí do những tên lưu manh như Thiên Lương càng phải to mồm để tạo thanh thế (?).

1. Hạn chế về tổ chức quân đội của nước Nga
1.1. Tổ chức quân đội là gì?

Tổ chức quân đội (force design, hay force organization) là một yếu tố quan trọng để cân nhắc mỗi khi người ta muốn đánh giá thực lực quân đội của một quốc gia. Tổ chức quân đội có thể nói lên rất nhiều điều về các tính toán chính trị, địa chính trị và chiến lược của nó. Nếu ví quân đội như một công cụ, thì việc tổ chức quân đội giống như việc ta cụ thể hóa nó cho một kẻ thủ tiềm năng. Tất nhiên, nếu ta cho một vị chỉ huy quân sự một khoản tiền và nguồn nhân lực vật lực vô hạn, thì anh ta có thể biến đạo quân của mình thành một cỗ máy tổng quát có thể đương đầu một cách hiệu quả với bất cứ loại đối thủ nào. Nhưng thực tế định đoạt rằng nguồn lực mà mỗi nhà nước có thể đầu tư cho quân đội của mình là có giới hạn, và vì vậy tổ chức quân đội là để làm sao tạo ra một lực lượng quân sự hiệu quả nhất để phục vụ một số kịch bản nhất định trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Một ví dụ đáng chú ý là Thủy quân Lục chiến Mỹ trong Force Design 2030 của họ đã quyết định loại bỏ một số tiểu đoàn pháo binh truyền thống, tiểu đoàn tăng, quân cảnh, công binh để lấy số tiền được giải phóng ra từ đó trang bị thêm một số đơn vị tên lửa tầm xa. Động thái này là một biểu hiện của chính sách chuyển đổi sang châu Á của lực lượng này, chuyên biệt hóa tổ chức và vũ khí của mình cho kịch bản chiến tranh biển đảo với Trung Quốc. 

Khái niệm tổ chức quân đội ở đây gần với khái niệm học thuyết (doctrine), nó cũng dựa vào hoàn cảnh địa chính trị cụ thể của 1 quốc gia và đối thủ tiềm năng của nó. Nhưng trong khi doctrine hướng đến tác chiến chiến thuật, chiến dịch thì force design hướng đến việc tổ chức quân đội sao cho phù hợp. Tổ chức quân đội vì vậy gần gũi với cấp độ chiến lược hơn một chút, nhưng ảnh hưởng của nó là xuyên suốt ở cả ba cấp độ chiến thuật, chiến dịch, chiến lược. Học thuyết và tổ chức quân đội là hai khái niệm riêng biệt, nhưng chúng tương hỗ lẫn nhau.

Những ai tìm hiểu về việc thiết kế súng đạn, hay việc xây dựng lực lượng hải quân hẳn đều hiểu rằng bản chất của chúng là việc thỏa hiệp (compromise), đánh đổi (tradeoff). Thỏa hiệp giữa các yêu cầu khác nhau (mà thường là trái ngược nhau) để đạt đến một sự cân bằng tinh tế, một hệ thống hiệu quả. Tổ chức quân đội cũng tương tự như thế. Áp lực lớn nhất dẫn đến sự thỏa hiệp này, trước tiên, như đã nói bên trên, là vấn đề ngân sách, nhưng đồng thời cũng có những thứ khác như độ phủ sóng quyền lực của nhà nước, mối quan hệ quân sự-dân sự (giữa quân đội với chính quyền cũng như giữa quân đội với nhân dân nói chung), nhân khẩu học của một nước, tham vọng của các lãnh đạo chính trị, môi trường quốc tế, kĩ thuật-công nghệ quân sự đương thời.v.v. 

Tổ chức quân đội là một vấn đề rất rộng, nhưng đề hiểu về nó  ta có thể liệt kê những cân nhắc thường trực:

– Chọn lựa hệ thống quốc phòng dựa chủ yếu trên quân đội chuyên nghiệp, lính  nghĩa vụ, dân quân hay một sự kết hợp nào đó giữa ba lực lượng này.

– Biên chế các đơn vị quân đội như thế nào, bao nhiêu là lính chính quy, bao nhiêu là lính dự bị.

– Tổ chức các cấp bậc chỉ huy (chain of command) như nào, đơn vị con nào sẽ trực thuộc đơn vị mẹ nào.

– Tỉ lệ các binh chủng như nào với nhau, cả ở việc tỉ lệ binh chủng trong quân đội nói chung (A) và tỉ lệ trong mỗi đơn vị nói riêng (B). Ví dụ: trong quân đội Nga, (A) thể hiện ở việc họ có thiên hướng tập trung quân đội vào các đơn vị tăng liên giáp và bộ binh cơ giới, trong khi vai trò bộ binh hạng nhẹ (light infantry) bị xem nhẹ. (B) thể hiện ở việc ở trong mỗi đơn vị nhất định, sẽ có bao nhiêu pháo binh, phòng không, tình báo, trinh sát đi kèm.

– Tỉ lệ giữa đơn vị hỗ trợ và đơn vị tham chiến là bao nhiêu, kích thước đơn vị như thế nào là phù hợp với yêu cầu tác chiến.

– Vũ khí trang bị sẽ được thu mua hay sản xuất từ đâu.

– Tỉ lệ giữa sĩ quan, hạ sỹ quan (NCOs: Non-commissioned officer) và binh lính là bao nhiêu. 

1.2. Tổ chức quân đội trong quân đội Nga và những vấn đề của nó

Từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, giới quân sự Nga có cố gắng nỗ lực rời xa mô hình tập trung nặng vào lính nghĩa vụ trực chiến đông đảo của thời trước, chuyển đổi sang mô hình tinh giản hơn, chuyên nghiệp hơn. Quân đội Nga hiện nay bao gồm hai thành phần chính, lính hợp đồng (contract service) và lính nghĩa vụ (conscript). Lính hợp đồng là những người tình nguyện chuyên nghiệp, được huấn luyện tốt hơn, trang bị tốt hơn và trả lương tốt hơn. Lính nghĩa vụ tuyển hai lần mỗi năm, và có những rào cản về hiến pháp trong việc triển khai lính nghĩa vụ ở nước ngoài. Một đạo quân chỉ hoàn toàn chuyên nghiệp sẽ có độ sẵn sàng cao, khả năng tác chiến mạnh, với chi phí tương đối thấp, nhưng đổi lại sẽ khó có thể trụ được trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài – một thanh kiếm nhỏ, sắc nhưng dễ gãy. Một đạo quân chỉ toàn lĩnh nghĩa vụ thì sẽ ngược lại, chi phí duy trì cao trong khi khả năng sẵn sàng thấp, khó triển khai ra nước ngoài, khó tác chiến trong những cuộc chiến cường độ thấp đòi hỏi sự chính xác cao – một thanh đao lớn nhưng cùn. Một đạo quân nghĩa vụ đông đảo vẫn có thể được duy trì và huấn luyện cho đến một trạng thái sẵn sàng cao, nhưng nó sẽ lại tốn một chi phí lớn không tưởng.

Cũng giống như xu hướng chung của thế giới, người Nga sau năm 1991 tập trung vào việc biến lính hợp đồng thành thành phần chủ đạo trong quân đội của mình. Đến năm 2013, người ta lại nhận thấy rằng nếu chỉ dựa vào lính chuyên nghiệp không thôi thì sẽ khó mà đủ lực lượng cho một cuộc chiến cấp vùng quy mô lớn. Vì vậy họ đảo ngược lại một số cải cách trước đấy và tiếp nhận một mô hình hỗn hợp: làm sao để có lực lượng lớn nhưng chi phí thấp, nhưng đồng thời độ sẵn sàng cao.  

Giải pháp của họ là mô hình cụm tiểu đoàn chiến thuật (Battalion tactical group, BTG). Mỗi BTG là một đơn vị có yếu tố hợp đồng binh chủng được xây sẵn trong tổ chức của nó, được tổ chức cho một nhiệm vụ cụ thể. Nó sẽ bao gồm thành lực lượng chiến đấu tương đương với một tiểu đoàn bộ binh cơ giới, hoặc một tiểu đoàn tăng, với các đơn vị hỗ trợ đi kèm. BTG cũng giống như cách mà người Đức nhóm các đơn vị của mình vào một đội hình tình thế (ad hoc formation) trong Thế chiến thứ hai để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên chiến trường, được gọi là các Kampfgruppe (battlegroup), nhưng BTG mang tính cố định hơn một chút (semi-permanent). Mỗi BTG sẽ thường có đến 700-800 người, và mỗi lữ đoàn của lục quân Nga được mong đợi là có thể gọi ra 2 BTG. Các BTG sẽ được biên chế bằng lính hợp đồng, còn thành phần còn lại của đơn vị sẽ được biên chế bằng lính nghĩa vụ. Việc xen lẫn lính nghĩa vụ và ở đây dẫn đến một lực lượng với các cấp độ sẵn sàng khác nhau. Một lữ đoàn với 3500 người chẳng hạn, sẽ chỉ có sức chiến đấu thực tế trong khung thời gian gần bằng một nửa con số đấy.

Quân đội Nga được tổ chức phù hợp cho một cuộc chiến ngắn cường độ cao. Giả định của các nhà hoạch định Nga là: Trong 1 kịch bản đối đầu với một đối thủ ngang tầm (near-peer threat), giới lãnh đạo chính trị sẽ cho phép việc tổng động viên để nâng mức độ biên chế.

Cũng bởi vì tổ chức quân đội như này nên các kịch bản khả thi nhất mà giới quân sự phương Tây nghĩ đến trong một cuộc đối đầu với Nga sẽ tương tự như Crimea 2014: tấn công phủ đầu để chiếm một dải lãnh thổ, rồi dùng chiến tranh hạn chế và duy trì lực lượng vượt trội này khiến cái giá của việc đòi lại mảnh đất đó là quá cao, để ép đối thủ phải kí hòa ước, biến đây thành chuyện đã rồi. Chiến lược này có một cái tên riêng: fait accompli. Nhưng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin hiện nay đặt quân đội Nga vào một thế khó, phải tấn công một đất nước với dân số hơn 40 triệu người trên vùng lãnh thổ rộng hơn 600 nghìn ki-lô-mét vuông, đặt họ vào một nhận thức sống còn, tất cả với một quân đội thời bình

Thực tế giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy rõ, các mũi tấn công đột phá của Nga thường chỉ đủ lực lượng để tiến lên trong một thời gian ngắn, chiếm các nút giao thông chính, sau đó phải dừng lại, bất động rất lâu, phần vì khó khăn trong hậu cần, phần vì không có các đơn vị tuyến sau lên tiếp ứng, chiến đấu với các đơn vị Ukraine đã bị vây, thiết lập một đường dây liên lạc-tiếp vận an toàn để tiến lên tiếp.

Điều này lại càng bị làm trầm trọng hơn bởi thực tế là các BTG của Nga bị rút ruột nhân sự, dẫn đến việc quân số của chúng nhỏ hơn bình thường rất nhiều. Trong khi số lính hợp đồng giảm trong giai đoạn 2016-2020, bộ quốc phòng của Nga lại có kế hoạch tăng số BTG từ 66 lên 126. Không những thế, lục quân Nga còn phải cạnh tranh nguồn lính hợp đồng với không quân và hải quân, và những lực lượng này đòi hỏi nhân lực được đào tạo kĩ thuật cao hơn.

Sự khó khăn trong nhận định nằm ở chỗ: một đơn vị nhỏ hơn 20% về quân số không có nghĩa là khả năng tác chiến của nó sẽ bị giảm đi 20%. Con số này thậm chí có thể đạt đến 50%, bởi vì trong quân sự, độ tập trung quân số (mass) lớn hơn dẫn đến hiệu quả tác chiến lớn hơn theo một cách không tương xứng (disproportionate effect). Thêm nữa, số nhân sự hiện có ở trong các BTG được phân bổ không đồng đều, nằm chủ yếu ở trong các binh chủng thiết giáp, pháo binh và bộ binh cơ giới, nhưng thiếu bộ binh hạng nhẹ đi kèm (light infantry). Quân Nga có tình trạng thừa khí tài nhưng thiếu nhân lực. Các đơn vị bộ binh cơ giới cũng vì thiếu người nên ít có khả năng rời khỏi xe của mình để chiến đấu như là light infantry. Thiếu bộ binh đi kèm để cảnh giới, trinh sát, chiếm đóng, các đoàn xe cơ giới của Nga dễ làm mồi cho các đơn vị chống tăng của Ukraine.

1.3. Từ khó khăn trong tổ chức quân đội đến thế khó của chính phủ Putin trong tương lai

Sau khi giai đoạn đầu của cuộc chiến trôi qua và người Nga không đạt được mục tiêu chính trị cực điểm của mình (đánh đổ chính quyền Zelensky) bằng một đòn tấn công quân sự hạn chế với cường độ cao, họ buộc phải thu hẹp mục tiêu của mình. Vào thời điểm hiện tại, họ đã giảm số mặt trận của mình từ 5 xuống 2, tập trung nỗ lực vào phần phía đông của Ukraine xung quanh Luhansk Oblast. Mục tiêu của Putin – ta có thể suy ra được – là chiếm lấy một giải đất phía duyên hải phía Đông Nam của Ukraine, kéo dài đến vùng Kramatorsk ở phía Đông.

Tuy nhiên chiến tranh đã bước sang giai đoạn tiêu hao giằng co kéo dài, và người Nga không thể dựa vào lực lượng hiện có của mình để kéo dài chiến dịch thêm. Sau những thành quả nhỏ lắt nhắt trong vòng 1 tháng vừa qua, lực lượng Nga ở phía Đông có dấu hiệu kiệt sức, và vào thời điểm bài viết này được viết, Ukraine đã bắt đầu có những cuộc phản công nhỏ, mang tính địa phương. Thời cơ cho người Nga để thực hiện fait accompli vì vậy đã qua từ lâu. Để thực sự tạo ra một bước đột phá, phá thế giằng co ở Ukraine, họ sẽ phải áp dụng tổng động viên một phần hoặc toàn bộ nước Nga. Việc đặt nước Nga, xã hội Nga, kinh tế Nga sang trạng thái thời chiến có thể coi như là ngưỡng cực điểm của một nỗ lực leo thang như thế.

Việc tổng động viên nước Nga trong hoàn cảnh hiện tại, có thể dẫn đến những hệ quả to lớn sau trên nhiều phương diện:

Thứ nhất, việc tổng động viên một phần hoặc toàn bộ xã hội của Nga đòi hỏi việc Putin phải thay đổi cách ông ta đóng khung cuộc xung đột hiện tại từ một “chiến dịch quân sự đặc biệt” sang “chiến tranh”. Điều này đồng nghĩa với một sự thừa nhận thất bại trong nỗ lực trước đó của người Nga, ảnh hưởng đến uy tín chính trị của chính phủ Putin. Việc động viên cũng đòi hỏi thay đổi một số luật lệ trong Hiến pháp Nga, đòi hỏi một nỗ lực nắm quyền lực lớn hơn nhiều của chế độ Putin, trong bối cảnh xói mòn niềm tin từ một bộ phận người dân.

Thứ hai, việc động viên quân đội thường dẫn đến những bất ổn chính trị-xã hội rất lớn, kể cả với một chế độ toàn trị tưởng chừng như vững chắc của Putin. Nên nhớ rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Sa Hoàng là thất bại của quân đội Nga trong Thế chiến thứ Nhất. Việc chuyển đổi sang trạng thái kinh tế thời chiến sẽ gần như chắc chắn dẫn đến sự sụt giảm sâu tiêu chuẩn sống của dân Nga, chưa nói đến những tác động kinh tế đến từ ngoại cảnh như là cấm vận, lạm phát do thao túng thị trường.

Thứ ba, việc huy động quân đội ra chiến trường đòi hỏi thời gian huấn luyện, tổ chức và trang bị kéo dài, không chỉ đối với binh lính bình thường mà với cả tầng lớp sĩ quan. Đây không chỉ đơn giản là việc tăng thêm người và trang bị. Việc hiệp đồng tác chiến, tổ chức thông tin liên lạc, tổ chức hậu cần, quân y cho mười tiểu đoàn rất khác với cùng những hoạt động như thế cho mười sư đoàn. Sự khác biệt về lượng ở đây dẫn đến sự khác biệt căn bản về chất. Lần cuối cùng người Nga tổ chức một hoạt động quân sự lớn như thế này là khi họ xâm lược Tiệp Khắc 1968. Trong khi đó các cuộc tập trận quy mô lớn chưa chắc đã đem lại kết quả gì, hay nói lên được điều gì về performance của các đơn vị, bởi vì vấn nạn tham nhũng trong quân đội Nga. Nói cách khác, nếu người Nga muốn đào lại được kiến thức (know-how) về vận động chiến với các đội hình lớn, họ sẽ cần một thời gian dài. Họ có khả năng học hỏi và thích nghi, nhưng bản thân chuyện này cũng đòi hỏi một sự quyết tâm chính trị mà thời Thế chiến thứ Hai họ có nhưng chưa chắc bây giờ họ đã có.

Thứ tư, kể cả khi người Nga có thể chiếm được đất ở vùng Kramatorsk, điều gì sẽ ngăn cản người Ukraine tiếp tục cuộc chiến, phản công lấy lại? Napoleon chiếm được Moscow nhưng người Nga vẫn không chịu kí hòa ước, dẫn đến sự sụp đổ của ông ta. Chủ nghĩa dân tộc Ukraine và cái cách người Nga là bên gây hấn xâm lược trước dẫn đến việc người Ukraine không thiếu ý chí (will) để tiếp tục cuộc chiến ở đây. Thứ họ thiếu có thể là khả năng gây chiến (war capacity) cho một cuộc chiến quy mô lớn. Ở điểm này người Ukraine phải phụ thuộc vào ý chí chính trị của các cường quốc phương Tây. Đây là một biến số khó đoán và là một điểm yếu của Ukraine. Nhưng người Ukraine vẫn có thể lựa chọn theo đuổi một cuộc chiến bất cân xứng (asymmetric war), trong đó họ dùng một lực lượng nhỏ trong khả năng của mình liên tục quấy rối, phản công giành lại đất, buộc người Nga phải duy trì một lực lượng lớn (mà hiện tại họ không có đủ) để bảo vệ. Liệu người Nga có sẵn sàng cho một kịch bản chiến tranh cường độ thấp hơn nhưng kéo dài không chấm dứt như vậy? 

Thứ năm, xét đến logic của sự leo thang, việc tổng động viên quân đội cũng như nhìn nhận lại xung đột ở Ukraine như một cuộc chiến thay vì một “chiến dịch quân sự đặc biệt” đồng nghĩa với việc người Nga chấp nhận đầu tư thêm một nguồn lực lớn nâng tầm cuộc xung đột.

Câu hỏi đặt ra là việc chiếm đóng một dải đất nhỏ ở phía Đông Ukraine có đủ để biện minh cho những cái giá người Nga đã trả trong quá khứ và sẽ còn phải trả cao hơn nữa trong tương lai?

Quả thật, bản thân việc leo thang trong chiến tranh thường kéo theo những đòi hỏi mục tiêu cao cấp hơn, nhưng chính sách là đơn phương còn chiến tranh là một sự tương tác, việc đòi hỏi một mục tiêu cao cấp hơn cũng khiến kẻ thù đặt ra nhiều nỗ lực hơn, khó chấp nhận thất bại hơn. Nước Nga nói chung chưa chắc sẽ là kẻ chiến thắng trong một cuộc đua gia tăng về nỗ lực này. Kinh tế của Nga đặt cạnh kinh tế của khối NATO là một sự so sánh khập khiễng. Người Nga có thể hy vọng cô lập Ukraine khỏi sự trợ giúp của khối NATO, nhưng đây là một điều khó nếu ta xét đến sự thật rằng Nga là người gây hấn trước trong con mắt của thế giới. Trọng tâm chiến lược của Ukraine có ba mặt: quân đội Ukraine, chính phủ Ukraine và sự liên kết của Ukraine với các “bạn bè” quốc tế của họ. Các hoạt động chiến tranh tuyên truyền của người Nga là công cụ duy nhất họ có thể làm để tấn công vào mặt thứ ba này.

Nói sâu hơn một chút về điểm thứ năm. Các nhà chính trị học online ở Việt Nam thường chế giễu các mối quan hệ đồng minh trong quan hệ quốc tế ở phương Tây. Ví dụ mà họ lấy ra phổ biến nhất là chuyện Mĩ đi đêm với Trung Quốc và bỏ rơi chính quyền VNCH vào năm 1974. Điều này, cộng hưởng với trải nghiệm của chính chúng ta trong lịch sử bang giao của Việt Nam, dẫn đến một sự nghi ngờ sâu sắc về tính bền vững của các mối quan hệ đồng minh, tương hỗ trong quan hệ quốc tế thế giới. (Chúng ta không có truyền thống đồng minh chính trị và đồng minh quân sự với các nước lân cận. Mối đồng minh với Liên Xô chỉ bắt đầu vào những năm 1960 và kéo dài mặn nồng đến hết năm 1975. Mối quan hệ đồng minh với Trung Quốc kết thúc trong trái đắng 1979.)

Nếu chịu hiểu sâu hơn về lịch sử phương Tây – một điều không tưởng với những người mặc định bài Tây – thì ta sẽ thấy rằng truyền thống đồng minh vì lợi ích là một đặc điểm cố hữu trong ngoại giao của phương Tây. Kể cả rằng các mối quan hệ đồng minh có thay đổi theo thời gian, nhưng giai cấp thống trị, giai cấp ngoại giao của các chính thể phương Tây cũng đã tích lũy được những quy tắc tiêu chuẩn (norm), kinh nghiệm, kĩ năng, cách xử lý xung đột trong các mối quan hệ đồng minh với nhau. Chuyện bỏ rơi hay phản bội đồng minh, nếu có, chỉ là ngoại lệ, chứ không phải điều bình thường. Người ta nói đến ví dụ của sự bỏ rơi mà phớt lờ đi hàng tá ví dụ của những quan hệ đồng minh cùng nhau đi đến chiến thắng cuối cùng trong lịch sử. Không nên đánh giá thấp sự sẵn sàng của thế giới phương Tây trong việc trợ giúp bạn bè của họ, nhất là khi phần lớn thế giới phương Tây, kể cả những nước trước đây có truyền thống trung lập như Thụy Điển hay Phần Lan, được kết nối với nhau dựa trên một đạo thống của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism). Hành vi ngoại giao của các nước châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ Nhất đến nay thường được đánh dấu bằng sự rụt rè, nhưng khi được kích động bởi một cái cớ nào đó họ cho là xác đáng, tiềm lực kinh tế-quân sự của họ cộng lại thường mang tính áp đảo. Bản thân anh họa sĩ người Áo cũng đã mắc sai lầm tương tự như vậy, khi Thỏa thuận Munich 1938 cho anh ta một góc nhìn sai lầm là Anh và Pháp sẽ không dám làm gì khi Đức tuyên chiến với Ba Lan. Sự tham chiến của Anh, Pháp (đứng sau là Mĩ) là một thất bại chiến lược đáng kể của anh họa sĩ trong Thế chiến thứ Hai.

Kết luận tạm thời

Những khó khăn này của người Nga, kết hợp với khó khăn về kinh tế và nhân khẩu học mà chúng tôi sẽ trình bày trong những bài viết sau có lẽ là đủ để cho chúng ta nghi ngờ những lời khẳng địch chắc nịch về một chiến thắng mọi mặt của người Nga ở Ukraine. Có một điều nực cười đó là những người bài Tây thường hay lấy những bài báo từ phương Tây có ý kiến ủng hộ cho quan điểm của mình, trong khi lờ đi những bài có quan điểm ngược lại. Họ rất sẵn sàng chỉ vào quan điểm của bất cứ ông Tây da trắng để nói rằng: “Đấy, chúng mày thấy chưa, đến bọn Tây cũng phải thừa nhận điểm A, B này đấy!” Giả định của họ là xã hội phương Tây là một thể thống nhất, ý kiến của phương Tây là một thể thống nhất, và một ý kiến riêng lẻ có thể đại diện được hết. Xét từ điểm này, những con ếch ngồi đáy giếng này có lẽ họ còn rồ Tây hơn bất cứ ai khác.

Chiến tranh nhiều khi xét cho cùng là một cuộc đấu về ý chí. Ý chí của chính quyền hai bên, ý chí của nhân dân hai bên, ý chí của chính quyền và người dân thế giới: chúng ta có rất nhiều biến số trừu tượng cần phải xét đến trong một bể thông tin nhiễu loạn của truyền thông. Clausewitz từng nói rằng để định hướng trong màn sương mù những thứ trừu tượng đó cần đến đầu óc của một Newton hay Euler.  Bản thân những người lãnh đạo cũng không phải người làm chủ thế cục, mà nhiều khi họ chỉ phản ứng theo tình hình hiện ra trước mắt. Qua bài viết này mình hy vọng là chúng ta sẽ hiểu về chiến tranh theo một góc nhìn bớt duy lý (rationalist) đi một chút.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s