Cái chết lâm sàng của một chính sách thu hút nhân tài

Hàm Ninh

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn, Thân Nhân Trung đã nói điều đó vào thời Hậu Lê.

Chính sách thu hút nhân tài là Việt kiều

Để thu hút chuyên gia đầu ngành trong mảng khoa học và công nghệ, chính phủ đã đưa ra một số chính sách nhằm mời gọi kiều bào Việt Nam trên thế giới, mà trọng tâm là những giáo sư, tiến sĩ ở các doanh nghiệp, viện và đại học uy tín về nước công tác. Bước đi này được thể chế hóa vào năm 2014 với Nghị định 87 và nó cũng phù hợp với lộ trình phát triển khoa học-công nghệ của nước cùng chế độ là Trung Quốc, nơi có đến 72% giám đốc lab nghiên cứu khoa học công nghệ quốc gia là Hoa Kiều.

Các nhà hoạch định chính sách dự kiến vai trò chuyên gia Việt kiều trong hệ thống là đủ lớn, là lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ, chứ không phải là một chuyên viên quèn.

Đi kèm với Nghị định 87 là một số văn bản dưới luật khác hướng dẫn các chế độ, đặc biệt về lương, thưởng đối với chuyên gia, như Thông tư 24, Nghị định 27/2020, Nghị định 94/2020, Nghị quyết 20/2018Quyết định 17/2019 của TPHCM…

Những nội dung cải tiến về cơ chế, đặc biệt là về đãi ngộ tiền lương, phúc lợi đối với chuyên gia, một cách mác-xít, là tương đối tiến bộ, có triển vọng hơn so với mặt bằng chung khối công lập. Chúng tôi đơn cử:

  • Lương của chuyên gia có thể được tính theo viên chức hạng I, là hạng cao nhất trong thang bảng lương
  • Chuyên gia không phải là công dân VN được ưu đãi cấp giấy phép lao động theo thủ tục rút gọn
  • Chuyên gia được hỗ trợ chi phí cho gia đình đến sống tại VN (50% tiền thuê nhà, tối đa 7.000.000đ/tháng)
  • Chuyên gia được hưởng 1% kinh phí đề tài cấp thành phố hoạc tương đương trở lên, tối thiểu 50 triệu/đề tài, tối đa 1 tỷ đồng.
  • Khả năng thăng tiến, khen thưởng danh hiệu cấp Nhà nước cao hơn so với đồng liêu

Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò là một đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, đã từng thu hút được nhiều nhân tài về vào đầu thập niên 2000, tiếp tục được trung ương cho phép thí điểm thu hút nhân tài về nước trên cơ tầng chính sách này.

Thực tế, từ năm 2014 toàn thành phố chỉ tuyển được 19 nhân tài, trong đó có 5 chuyên gia Việt Nam, 6 chuyên gia nước ngoài cùng 8 kiều bào về làm việc tại 4 đơn vị, gồm Khu Công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học – công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học. Đến khi kết thúc chương trình thí điểm, 14/19 chuyên gia ngừng hợp đồng. Trong số 5 chuyên gia còn lại chỉ duy nhất có TS. Hoàng Thế Bân còn làm việc, bốn vị kia vẫn chưa làm việc được với thành phố!

Có thể nói ngắn gọn, chương trình thí điểm và chương trình chính thức (cho đến thời điểm hiện nay) đã thất bại trong việc thu hút và giữ chân (chứ chưa nói đến phát huy sở trường) nhân tài là chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều đầu ngành.

Bất cập đối với chuyên gia

Mặc cho những ưu đãi vừa kể trên, từ góc độ so sánh chính sách, chúng ta thấy trước sự thất bại của cơ chế thu hút nhân tài này bởi hai lý do: đãi ngộ kém và quy trình tuyển dụng nhiêu khê. Xin hãy xem xét tiêu chuẩn chuyên gia, nhà khoa học:

– Có bằng tiến sỹ, đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

– Có bằng tiến sỹ, đã làm việc trên 3 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

Nghị định 87/2014/NĐ-CP

Với yêu cầu này, người ta phải suy nghĩ cách thực tế: Lương của tiến sĩ ở các nước phát triển là bao nhiêu?

Theo số liệu cập nhật vào ngày 20/11 của Indeed, lương tiến sĩ ở Mỹ dao động trong khoảng rộng, từ 56.000 đến 125.000 USD đối với nhà nghiên cứu, từ 50.000 đến 103.000 đối với học giả giảng dạy đại học.

Lương tiến sĩ trung bình ở Nhật khoảng 33.600 USD/năm. Ở Trung Quốc là hơn 17.500 USD/năm, còn ở Pháp là hơn 36.000 USD.

Càng có thâm niên, lương càng cao, đặc biệt là các vị trí ở doanh nghiệp.

https://tienphong.vn/dao-tao-khat-khe-tien-si-o-my-nhan-luong-hang-tram-nghin-usd-post992024.tpo | https://www.glassdoor.com/Salaries/france-phd-student-salary-SRCH_IL.0,6_IN86_KO7,18.htm

Và từ cơ sở này, nhìn lại, chính phủ ta quy định lương của tiến sĩ trong chương trình thu hút nhân tài là bao nhiêu?

Chuyên gia, nhà khoa học được chi trả mức lương hàng tháng với số tiền bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số của Bảng lương Chuyên gia cao cấp, cụ thể: Giáo sư, Phó giáo sư được hưởng hệ số 9,40; các trường hợp còn lại được hưởng hệ số 8,80.

*Lương cơ sở hiện tại: 1.490.000đ

Điều 14 Quyết định 17/2019/QĐ-UBND

Cái gọi là đãi ngộ tốt chỉ gói ghém một cách rất dè sẻn, tính theo thang bảng lương của nhà nước. Bất kỳ một nhân viên văn phòng nào với năng lực trung bình, trong môi trường thăng tiếng trung bình, giữ vị trí quản lý tầm trung ở khu vực tư nhân Việt Nam, đều được chi trả mức lương cao hơn lương của chuyên gia, nhà khoa học. Xin hãy tham khảo mức lương được khảo sát ở luong.com.vn:

  • Trưởng phòng nhân sự (kinh nghiệm tối thiểu 3 năm): Lương dao động từ 12~25 triệu đồng/tháng. Trung vị 17 triệu đồng/tháng.
  • Quản lý cửa hàng tổng hợp: 12~29 triệu đồng/tháng. Trung vị 17,7 triệu đồng/tháng

Tất nhiên ngoài lương, chuyên gia được hưởng thêm khoản kinh phí 1% đề tài và hỗ trợ tiền thuê nhà tối đa 7.000.000đ/tháng. Song le, đây là những mức hỗ trợ chẳng hấp dẫn với người mang vị thế là chuyên gia, nhà khoa học uy tín ở nước ngoài.

Bên cạnh sự kém hấp dẫn của phúc lợi là quy trình tuyển chọn thu hút nhân tài. Đấy thực chất chỉ là sự sao chép của quy trình tuyển chọn cán bộ nhà nước, được “gia cố” thêm trở thành quy trình tận 14 bước từ cấp cơ sở lên đến cấp UBND thành phố chỉ để tuyển dụng 1 nhân tài!

Còn nhiều yếu tố nữa đến từ phía chính sách khiến chuyên gia ngần ngại về Việt Nam công tác. Ví dụ về tính độc lập trong quản trị tổ chức, cả về tài chính và nhân sự chuyên môn, là cơ sở hạ tầng nghiên cứu, là văn hóa công sở. Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ cố gắng phác thảo thế khó của các đơn vị, tổ chức khi đương đầu với chính sách thu hút chuyên gia.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s