Biên dịch: Trang Van
Sử gia Walter Scheidel tuyên bố đã tìm ra bí mật kinh ngạc cho sự vươn lên thống trị thế giới của châu Âu: [đó là] sự sụp đổ của đế quốc La Mã. Công trình của Scheidel là một kỳ tích học thuật ấn tượng, có sức lan tỏa toàn cầu, nhưng lập luận của ông sau rốt lại không thuyết phục.
Bài phê bình tác phẩm Escape From Rome: The Failure of Empire and the Road to Prosperity, do Walter Scheidel (Princeton University Press, 2019) thực hiện.
Câu hỏi làm thế nào châu Âu và người bà con Bắc Mỹ của họ trở nên thống trị thế giới là chủ đề cuốn hút giới sử học từ lâu. Cuộc tranh luận học thuật đưa ra rất nhiều giải thích khác nhau về việc làm thế nào và từ bao giờ châu Âu nắm quyền lực, từ cuộc nổi lên của chủ nghĩa tư bản nông nghiệp và phát triển không đồng đều giữa các nhà nước lãnh thổ hùng mạnh cho đến sự bành trướng thực dân của chính châu Âu.

Có vài lý do cho sự đa dạng ý kiến trên. Những người giữ vai trò chủ đạo của cuộc tranh luận thường làm việc với các cách hiểu khác nhau về thời hiện đại, một khái niệm khó nắm bắt. Họ cũng phải tính đến một thực tế là lịch sử hiếm khi cho chúng ta những bước ngoặt rõ ràng để xác định và phân tích. Hơn nữa, sự đa dạng trong tiến trình phát triển đến thời hiện đại ở những vùng khác nhau trên thế giới lại không hề biệt lập với nhau. Chuỗi ảnh hưởng qua lại giữa chúng khiến việc xác định đâu là nhân tố trọng yếu trở nên khó khăn hơn.
Walter Scheidel chưa bao giờ ngần ngại giải quyết các câu hỏi lịch sử quan trọng trong nghiên cứu của ông. Cuốn sách gần đây nhất của Scheidel, Escape from Rome, cho rằng châu Âu đã theo một con đường phát triển tuyến tính và khá bạo lực. Theo Scheidel, lời giải thích cho sự bá quyền của châu Âu rất đơn giản: cùng với sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã vào thế kỷ V, châu Âu đã có thể rũ bỏ những kiểm thúc chính trị và bắt đầu bắt đầu cuộc quân hành cô độc, lâu dài và “đau đớn” hướng tới thời hiện đại.
Đối với Scheidel, sự kết thúc của La Mã dọn đường cho cái ông gọi là “Sự phân kỳ vĩ đại đầu tiên” (the First Great Divergence). Đáp lại lời bông đùa của Monty Python, “Người La Mã để lại gì cho ta nhỉ?”, Sheidel xướng lên một câu trả lời đơn giản: điều hữu ích nhất họ từng làm là biến khỏi cuộc đua. Ông tin rằng thế giới như chúng ta biết là kết quả của việc La Mã biến mất.
Nhãn quan sử học của Scheidel
Walter Scheidel được đào tạo thành một sử gia về thế giới La Mã, giảng dạy lịch sử cổ đại tại Đại học Stanford. Ông, [trước hết] là một học giả rất độc đáo, chưa nói đến nỗ lực nghiên cứu không biết mệt mỏi; qua hơn hai thập niên, ông mở rộng phạm vi nghiên cứu đến những phần rộng lớn hơn của lịch sử, từ nghiên cứu so sánh các đế chế cổ đại, chế độ nô lệ và phúc lợi con người, đến khả năng dùng học thuyết tân-Malthus và Darwin soi rọi vào quá khứ hoặc sự tiến hóa dài hơi của bất bình đẳng kinh tế.
Trước khi nghiên cứu chi tiết tác phẩm Escape from Rome, rất đáng để chúng ta tóm tắt những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp nghiên cứu rộng khắp của ông về chủ đề đế chế. Chưa cần khái lược lý lịch trí thức của ông, chúng ta có thể nhìn thấy những câu hỏi nghiên cứu lớn của ông trong ba tuyến nghiên cứu kế tục: đế chế, bình đẳng và phát triển kinh tế.
Mối quan tâm chính của Scheidel là lịch sử so sánh của các đế chế triều cống. Nguyên lý trung tâm trong luận điểm của ông là các đế chế triều cống xuất hiện đây đó trên thế giới tại những nơi nông nghiệp lần đầu ra đời, đã gây ra sự gia tăng bất bình đẳng. Trong thời kỳ đồ đá cũ ([cách đây] ba trăm đến một trăm nghìn năm), bất bình đẳng xã hội và kinh tế vẫn là một hiện tượng lẻ tẻ và nhất thời. Tuy nhiên, từ thời kỳ Holocen trở đi, kéo dài một trăm nghìn năm, nó là một quá trình chuyển đổi chậm chạp nhưng liền mạch, sang phương thức sinh tồn mới và các hình thức tổ chức xã hội mới – các cộng đồng nông nghiệp và du mục – đã làm xói mòn chủ nghĩa quân bình của người nguyên thủy, thay thế nó bằng thứ bậc bền vững và chênh lệch thu nhập và phú hữu.
Động cơ chính của sự phát triển này là sự bòn rút bằng cướp bóc. Sự xuất hiện của một số nhóm người có tài sản tích lũy từ cướp bóc, cống nạp và đánh thuế không công bằng đã sinh ra cái mà Scheidel gọi là “một phần trăm nguyên thủy”. Đây là một nhóm thiểu số nhỏ so với toàn bộ dân số, được tạo thành từ các nhóm tinh hoa tuy cạnh tranh nhưng vẫn thường gắn bó chặt chẽ với nhau, tất cả đều cố gắng hết sức để giành được đặc lợi chính trị và lợi ích thương mại tạo ra từ việc xây dựng nhà nước và hội nhập đế quốc.
Trong các đế quốc triều cống, những tầng lớp tinh hoa không quan tâm đến – hoặc không có khả năng – cải thiện hoạt động kinh tế của chính họ, vì động lực chính của các tổ chức kinh tế và chính trị ấy là duy trì quyền kiểm soát không ngừng với những nguồn lực và tài sản có thể chiếm đoạt. Đến lượt mình, [điều đó] làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng xã hội đương hiện hữu.
Càng tồn tại lâu, các đế quốc triều cống – với đặc điểm là sự xoắn xít giữa quyền lựckinh tế và chính trị, cùng những tác động phân cực của nó đối với xã hội – càng chứng tỏ là một phương tiện làm gia tăng không ngớt sự bình đẳng.
Bốn kỵ sĩ
Trong tác phẩm “The Great Leveler” năm 2017, Scheidel đã chỉ ra rằng không nhất thiết có mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng. Bất bình đẳng có thể gia tăng trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng hoặc trì trệ. Mở rộng quan điểm này, Scheidel cho rằng bất kỳ sự can thiệp nào được thiết kế để giảm bất bình đẳng thông qua việc phân phối lại của cải tích lũy bằng các biện pháp bất bạo động đều thất bại nghiêm trọng.
Văn minh – dù chúng ta định nghĩa thuật ngữ đó như thế nào – không thích hợp với sự bình đẳng hòa bình. Thế lực duy nhất đủ khả năng làm giảm bất bình đẳng là ngoại lực và những quật khởi mãnh liệt. Theo Scheidel, những quật khởi này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phá vỡ trật tự đã thiết lập và “nén” sự phân phối thu nhập và phú hữu.
Scheidel xác định bốn loại bạo lực dứt điểm khác nhau đủ khả năng xóa bỏ bất bình đẳng, mà ông gọi là “Bốn kỵ sĩ”: chiến tranh vận động quần chúng, cách mạng chuyển đổi, thất bại cấp nhà nước và đại dịch chết chóc. Trong lịch sử, những yếu tố này đã gây ra cái chết của hàng trăm triệu người, và những đỉnh cao về tỷ lệ tử vong này đã san bằng khoảng cách giữa những người có và không có – đôi khi đáng kể, như trong thế kỷ XX – do đó làm nảy sinh cái mà Scheidel gọi là “Cuộc Nén Vĩ đại.”
Sự can thiệp đế quốc của Châu Âu
Trong Escape from Rome, Scheidel chuyển từ “Great Compression” sang câu hỏi lịch sử lớn thứ ba, đó là “Sự trỗi dậy của phương Tây”. Nếu các đế quốc triều cống tạo ra sự bất bình đẳng, và nếu sự gián đoạn bạo lực là cách duy nhất để giảm bớt điều đó thì câu hỏi đặt ra là: điều gì đã gây ra cuộc Đại Phân ly giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới?
Scheidel trả lời câu hỏi này một cách cởi mở. Ông liên kết tất cả các giải thích khác nhau của sử gia về sự xuất hiện của phương Tây với sự vắng mặt của bất kỳ đế chế quy mô cỡ La Mã trong phần lớn châu Âu sau sự suy tàn của chính La Mã.
Với Scheidel, hoàn cảnh cụ thể nào khiến Đế chế La Mã tan rã không thực sự quan trọng. Thay vào đó, ông tập trung vào các cơ sở hạ tầng quyết định sức mạnh đặc biệt của Rome trong thời kỳ hoàng kim trước khi tiếp tục vấn đề tại sao không có gì giống như Đế chế La Mã từng quay trở lại châu Âu.
Đối với Scheidel, bí mật của sự thống trị đế quốc La Mã nằm ở kỹ thuật tổ chức. Ông thay đổi hiểu biết của chúng ta về các khả năng và thực thể của quyền lực trong bá quyề La Mã – và cách thức chúng thay đổi sau khi [La Mã] sụp đổ – trên nhiều lĩnh vực: hậu cần [đảm bảo] sự cơ động của quân đội; quy mô và chất lượng xóa mù chữ; công nghệ canh tác và năng lực vận chuyển thương mại; ảnh hưởng và phạm vi của kiểm soát tư pháp; và mô hình thu chi tài chính.
Quyền lực tài khóa đóng một vai trò quan trọng trong định hình bối cảnh địa chính trị thời đế chế. Quan hệ nhân quả giữa chủ nghĩa tài khóa và chủ nghĩa đế quốc này cho thấy sẽ không thể xây dựng một đế chế rộng lớn như La Mã nếu không có sự tập trung đủ năng lực đầu vào các tài nguyên vật chất (thuế) hoặc lao động quân sự (bắt buộc).
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi La Mã sụp đổ:
Năng lực nhà nước tách rời và thực sự trở nên trái ngược với chính khái niệm chủ nghĩa đế quốc kể cả chủ nghĩa tài khóa: một kiểu động lực khai thác mới đã ra đời tập trung vào hòa hợp nội khối và các chính sách phát triển mang tính chiến lược. Cả đế chế truyền thống và cách đánh thuế bóc lột trước tiên đều phải bị tàn lụi để sự tiến hóa này hãn hữu.
Tất cả những nỗ lực sau đó nhằm khôi phục một thứ gì đó tương tự như Đế chế La Mã đều thất bại, cho dù những nỗ lực đó được thực hiện bởi người châu Âu (từ Charlemagne đến Hapsburgs) hay các đế chế không phải châu Âu (từ đế chế Hồi giáo đến Ottoman). Cả Napoléon và Hitler đều không thể thành công trong việc đạt đến tàm vóc của người La Mã, dù chỉ trong vài năm.
Từ Đế chế đến Thịnh vượng
Cốt lõi lập luận của Scheidel là châu Âu sẽ không phát triển theo con đường đã biết nếu một nhà nước đế quốc còn tồn tại: nếu không xuất hiện hình thái đa trung tâm nhờ sự sụp đổ của La Mã, hai khái niệm dường như có thể thay thế cho nhau trong cách sử dụng của Scheidel là hiện đại và thịnh vượng, sẽ không xuất hiện. Hình thái đa trung tâm thời hậu La Mã ở châu Âu là một hiện tượng lâu dài khiến Đế chế La Mã trở thành một ngoại lệ hiện thực trong lịch sử châu Âu.
Theo Scheidel, chính thể đế quốc chuyên chế, tập trung đã kìm hãm các nền văn minh của châu Á và châu Phi và khiến thần dân của họ rơi vào cảnh đói nghèo. Điều này đã ngăn cản mọi chuyển động tiến đến sự hiện đại và phát triển kinh tế, với những quyết định độc đoán xuất phát từ bộ máy quan liêu và giai cấp thống trị tham nhũng, hám lợi.
Mặt khác, “hệ thống các nhà nước châu Âu”, xuất hiện khá sớm ở châu Âu thời hậu La Mã. Sau đó, nó vẫn giữ vị trí là một cơ chế chính trị cho phép châu Âu tận hưởng tất cả những lợi thế của sự thống nhất mà không gặp trở ngại nào – như Scheidel nhận thức về chúng – của một hệ thống chính trị đế quốc.
Scheidel chú ý đến những giải thích có nguồn gốc từ chính trị và thể chế. Điều này một phần là bởi sự thất bại của các học giả châu Âu khác – như David Landes, Eric Jones và Michael Mann – trong việc chứng minh các hình thức phát triển công nghệ, kinh tế và văn hóa làm nền tảng cho sự trỗi dậy của châu Âu là đặc thù của khu vực. Nhưng ông cũng muốn tách bạch giữa các tác nhân chính trị và kinh tế. Điều này cho phép Scheidel phân biệt giữa cái mà ông gọi là “Sự phân kỳ vĩ đại đầu tiên” của sơ kỳ Trung cổ diễn ra trong lĩnh vực chính trị và Sự phân kỳ lớn được thiết lập tốt hơn trong thời kỳ hiện đại, về cơ bản được xác định bởi sự ngăn cách to lớn về năng suất kinh tế.
Ngay cả khi sự đột phá về năng lực kinh tế và sự phát triển của chúng chỉ đến vào thế kỷ XIX, đối với Scheidel, chúng thực sự có nguồn gốc rất sâu xa, vượt khỏi những dấu hiệu của sự phát triển hiện đại hóa đã xuất hiện trong hai thế kỷ trước. Khi nói đến các động lực cơ bản, Scheidel kết luận, “con đường dài dẫn tới sự thịnh vượng bắt nguồn từ cuối thời cổ đại”, từ thời điểm châu Âu thoát khỏi ách đế chế của La Mã.
Luận điểm cốt lõi của Scheidel không mới cũng chẳng phải là nguyên sáng. Đấy là một truyền thống học thuật mạnh mẽ, kéo dài từ Max Weber đến những nhân vật đương đại như Ian Morris, cho thấy cuộc trỗi dậy của châu Âu là kết quả của sự phát triển chính trị đặc biệt của châu lục, cũng như xung đột nội bộ đặc hữu và chủ nghĩa đa trung tâm là rất đỗi tự nhiên ở khu vực châu Âu chứ những khu vực khác lại không như thế. Tuy nhiên, công trình của Scheidel nổi bật so với tác phẩm xuất bản trước đó bằng cách phát triển phương pháp luận tiếp cận toàn diện hơn nhiều, với sự pha trộn giữa các quan sát so sánh và ngược với sự thật, nhờ tác giả bao quát nhiều lĩnh vực và hiểu biết sâu rộng để hỗ trợ lập luận của mình.
Châu Âu, Trung Quốc và phần còn lại
Vấn đề đầu tiên của công trình là cách tiếp cận nhị nguyên đối với lịch sử thế giới. Scheidel dành phần lớn tác phẩm để sắp xếp sự tương phản giữa Tây Âu và Trung Quốc, Ông tập trung vào tính nhị nguyên bởi truyền thống đế chế Trung Hoa kiên cố một cách bất thường theo các tiêu chuẩn lịch sử của thế giới và trở thành một điểm đối lập lý tưởng điển hình so với chủ nghĩa đa trung tâm lâu dài của châu Âu hậu La Mã.
Tuy nhiên, các chuyên gia về lịch sử Trung Quốc lập luận, bởi vì Trung Quốc và châu Âu đều là hai khu vực rộng lớn và đa dạng, chúng ta nên thay thế các so sánh rộng và tổng quan hai khu vực này bằng nghiên cứu tập trung các khu vực cụ thể, có thể so sánh được trong khoảng thời gian được phân định rõ ràng. Họ nhấn mạnh rằng những đánh giá như vậy cho chúng ta một bức tranh mới về “sự khác biệt” giữa châu Âu và Trung Quốc. Sự phân hóa đó dường như không phải là một hiện tượng sâu xa, dù là nguyên nhân hay hậu quả của nó, mà chỉ là một hiện tượng tương đối ngắn hạn, xuất phát từ sự khác biệt của kinh tế chính trị hơn là văn hóa chính trị.
Cách đối xử của Scheidel đối với phần còn lại của thế giới, tốt nhất, không là gì khi so sánh với châu Âu và Trung Quốc. Ví dụ, Tây Á thỉnh thoảng xuất hiện trong mối tương liên với sự khởi đầu của Hồi giáo, được Scheidel mô tả như một thực thể chính trị thống nhất, nguyên khối. Điều này đi ngược lại việc mô tả đặc điểm của khu vực trong các tài liệu chuyên môn gần đây, vốn đã nhấn mạnh đến sự đa dạng và phức tạp vốn có của nó. Châu Phi không có đặc điểm nào, ngoài Maghreb, mà Scheidel gồm thâu như một phần mở rộng đơn thuần của Islamdom.
Theo định nghĩa của Scheidel, Nam Á có thể đang trên con đường phát triển một hệ thống cạnh tranh lâu dài, đa quốc gia không khác với châu Âu, nhưng ông không giải thích tại sao quá trình này bắt đầu hay liệu nó có thực sự hoàn thành hay không. Nếu Scheidel dấn thân vào lĩnh vực lịch sử Nam Á hoặc châu Phi, điều đó sẽ thách thức cách tiếp cận nhị nguyên đặc trưng cho toàn bộ tác phẩm, buộc tác giả phải công nhận rằng sự phát triển chính trị trên toàn thế giới không đồng nhất hoặc cụ thể cho một khu vực nhất định.
Đế chế là một thực tiễn phổ biến – thực sự là một hình mẫu tổ chức chính trị thường trực trong suốt phần lớn lịch sử – chứ không phải là tội lỗi ban đầu của các dân tộc không thuộc châu Âu. Nếu chúng ta nhận ra thực tế này, nó mang hàm ý rằng “đế chế” là một phạm trù mô tả hữu ích nhưng lỏng lẻo, không phải là một tiêu chuẩn khái niệm cứng nhắc để dựa vào đó các giả thuyết có thể được kiểm tra. Đơn vị chính trị thường đứng đối lập với đế chế, chính thể tự trị, cũng phổ biến như nhau. Niềm tin của Scheidel rằng [đế chế] là điểm đặc biệt của châu Âu không phù hợp so với tư liệu lịch sử.
Các xã hội châu Âu và không phải châu Âu thường trải qua các giai đoạn phát triển tương đương cho đến thời điểm mà cuộc chinh phục thuộc địa của người trước làm thui chột tiềm năng phát triển độc lập của xã hội sau và phá vỡ quỹ đạo lịch sử của chúng.
Các lực lượng xã hội và chính trị tương tự như các lực lượng hoạt động ở châu Âu đã hoạt động ở nơi khác, và các chính phủ không phải đế quốc cai trị nhiều xã hội ngoài châu Âu, từ các vương quốc lớn và nhỏ đến các nhà nước đô thị với nhiều hình thức quản lý thực sự nằm dưới sự kiểm soát của cộng đồng thương nhân. Thậm chí có một số nước cộng hòa. Các xã hội châu Âu và phi châu Âu thường trải qua các giai đoạn phát triển tương đương cho đến thời điểm mà cuộc chinh phục thuộc địa của người châu Âu làm thui chột tiềm năng phát triển độc lập của xã hội phi châu Âu và phá vỡ quỹ đạo lịch sử của chúng.
Lịch sử không có giải pháp thay thế
Vấn đề thứ hai đối với lập luận của Scheidel nằm ở chỗ ông chấp nhận quan điểm lịch sử duy mục đích và tiến hóa. Điều này có nghĩa là tất cả những suy đoán phản thực tế của anh ta đều hướng về một hướng. Nhà sử học xem xét một loạt các yếu tố được ghi chép đầy đủ trong đó quan điểm của ông ngăn chặn quyết liệt sự tái hợp của một đế chế bá quyền thực sự ở châu Âu sau khi thành Rome sụp đổ.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông đảm bảo rằng không có cách kể câu chuyện hợp lý nào có thể dẫn đến kết cục như vậy. Scheidel coi đó là điều hiển nhiên, châu Âu luôn đi theo một hướng cụ thể và không xem xét bất kỳ bằng chứng nào có thể gợi ý khác. Ông ấy nhìn vào lịch sử châu Âu để tìm những yếu tố mà ông nghĩ là giải thích cho sự phát triển sau này của nó, và sau đó loại bỏ mọi thứ khác.
Nói cách khác, lập luận của Scheidel là bất cứ điều gì đã xảy ra đều phải xảy ra, và phải xảy ra theo đúng cách mà nó đã xảy ra. Quy tắc mà ông đã thiết lập khi bắt đầu nghiên cứu đã ngăn cản bất kỳ cuộc khám phá có ý nghĩa nào về các con đường thay thế. Trên thực tế, bất kỳ toan tính nào không khả thi và sự loại bỏ khả năng xảy ra các kết quả thay thế, hoặc khả năng tái tạo cùng một kết quả nếu một sự kiện quan trọng diễn ra theo cách khác, đều có nguy cơ rơi vào quyết định luận.
Trên thực tế, khi người ta thay đổi một biến số quan trọng duy nhất trong tiến trình lịch sử, thì sẽ sớm trở nên không thể kiểm soát được diễn biến tiếp theo của các sự kiện. Chuỗi nhân quả càng dài thì các liên kết từ mắt xích này sang mắt xích khác càng mỏng và yếu đi. Số lượng bước chúng ta thực hiện từ sự kiện ban đầu càng nhiều thì khả năng mọi thứ sẽ diễn ra theo cùng một quy trình trong kịch bản giả định này càng ít như chúng đã làm trong kịch bản thực tế. Chỉ với lợi ích của nhận thức muộn màng mà trí óc – ngay cả bộ óc nhạy bén của một nhà sử học như Scheidel – mới có thể tái tạo lại một chuỗi các sự kiện trung gian dường như dẫn đến một kết quả cuối cùng.
Thoát khỏi Marx và trở lại Darwin
Vấn đề thứ ba và cuối cùng liên quan đến động cơ của sự thay đổi lịch sử. Ngược lại với những người thích nghĩ rằng tiến bộ có thể đạt được trong hòa bình và hòa hợp, Scheidel cho rằng câu chuyện về châu Âu vẫn là câu chuyện về những thất bại, dị thường và những nỗ lực không thành công để xây dựng một đế chế bá quyền.
Ông tin rằng quá trình chuyển đổi đau đớn từ các chính thể trung cổ yếu ớt và bị phân tán sang các nhà nước hiện đại đầu tiên tập trung hơn và ngày càng có năng lực hơn một phần lớn là do chiến tranh thúc đẩy. Chủ nghĩa đa trung tâm và áp lực của chiến tranh tỏ ra có lợi cho sự phát triển thương mại, vì cạnh tranh đã bỏ ngõ các chính thể trước những ảnh hưởng và thử nghiệm mới dưới các hình thức chinh phục, chủ nghĩa thực dân, và cuối cùng là sự bành trướng tư bản chủ nghĩa.
Sự nhấn mạnh sâu sắc này vào những xung đột dai dẳng trong nội bộ như một lực lượng biến đổi đưa xã hội học lịch sử của Scheidel gần hơn nhiều với chủ nghĩa tiến hóa tân Darwin (điều mà ông thừa nhận một cách rõ ràng). Trong bối cảnh này, yếu tố năng động trong quá trình tiến hóa không phải là sự điều chỉnh của các loài sinh vật đối với một môi trường nhất định mà là sự xung đột của các chủng văn hóa xã hội với nhau thông qua chiến tranh. Cách tiếp cận này cũng đánh dấu sự trở lại truyền thống trước đó, muộn của thời kỳ Victoria về tư tưởng xã hội tiến hóa, vốn mang lại niềm tự hào về vị trí cho “sự tồn tại của những người khỏe mạnh nhất”.
Nhưng Scheidel bỏ qua thực tế rằng bạo lực do các quốc gia châu Âu gây ra cho các dân tộc không thuộc châu Âu là một chức năng của sự phát triển tư bản chủ nghĩa chứ không phải là sự kế thừa ban đầu thời trung cổ. Khả năng gây ra bạo lực của các quốc gia châu Âu đối với phần còn lại của thế giới đã có sự leo thang về chất do kết quả của sự phát triển đó, ở cấp độ cao hơn nhiều so với, ví dụ, các đội quân Thập tự chinh thời Trung cổ đã tràn vào Trung Đông.
Bản chất bạo lực của sự bành trướng tư bản chủ nghĩa – dưới các hình thức lần lượt là tư bản thương mại và công nghiệp – có nghĩa là chúng ta không thể coi các quyền lực chính trị và kinh tế tách biệt với nhau như những giai đoạn khác nhau của một quá trình lịch sử tuyến tính. Điều này làm cho lập luận quan trọng của Scheidel về mối liên hệ giữa hai Phân kỳ lớn là không thể xác minh được.
Không có sự tiến hóa tuyến tính từ tổ chức chính trị của châu Âu đầu thời trung cổ đến sự phát triển hiện đại của nền kinh tế thế giới. Thay vào đó, chúng ta có thể xác định các quỹ đạo đa dạng ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới đã tạo ra những khoảng cách ngắn hạn trong năng suất kinh tế. Sự phân kỳ khu vực này không tồn tại và phát triển một cách tách biệt: chúng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhau, chồng chéo và đan xen theo thời gian.
Bất kỳ độc giả nào cũng sẽ phải công nhận sự uyên bác rộng lớn mà Scheidel thể hiện trong Escape from Rome . Ông phù hợp với tham vọng trong quan niệm của cuốn sách với sự rõ ràng và hùng vĩ của việc chuyển tải nó. Kết quả là một tác phẩm kích thích, kích thích tư duy sẽ thu hút được sự quan tâm của độc giả hàn lâm cũng như không chuyên.
Tuy nhiên, có những lý do chính đáng để không đồng ý với một số tiến bộ của lý thuyết Scheidel [đề ra]. Việc tìm kiếm một lời giải thích tổng thể duy nhất của ông cho một trong những câu hỏi hóc búa nhất trong lịch sử cuối cùng đã không thành công. Chúng ta sẽ còn tranh luận về nguyên nhân của Sự phân kỳ lớn trong một thời gian dài – ngay cả khi chúng ta đạt đến điểm mà bản thân sự phân kỳ đó đã trở thành một trang trong sử sách.
GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ
Paolo Tedesco dạy lịch sử tại Đại học Tübingen. Các mối quan tâm nghiên cứu chính của ông bao gồm lịch sử xã hội và kinh tế của cuối thời cổ đại và đầu thời kỳ Trung cổ, lịch sử nông nghiệp so sánh, số phận của tầng lớp nông dân trong các loại xã hội khác nhau và chủ nghĩa duy vật lịch sử.