Phỏng vấn Giáo sư Khoa học Chính trị David Ost
Người phỏng vấn: Daniel Finn
Biên dịch: Hàm Ninh
Bốn thập niên trước, chế độ cộng sản Ba Lan đối mặt với thách thức từ một phong trào công nhân độc lập mạnh mẽ và cuối cùng bị phong trào ấy đánh bại. Hiểu về vận mệnh của Công đoàn Đoàn kết trong và sau thời đại cộng sản là cần thiết để am tường chính trị nước Ba Lan ngày nay.
Xung đột giữa phái dân túy bảo thủ dân tộc và đối thủ tân tự do của họ thống trị nền chính trị Ba Lan hiện đại, đẩy các lực lượng cánh Tả vào không gian nhỏ bé. Nhưng Ba Lan hậu cộng sản có thể đã theo một con đường rất khác.
Suốt thập niên 1950-1960, phái cộng sản cải cách tranh luận về một diện mạo chủ nghĩa xã hội dân chủ hơn so với mô hình Xô-viết. Năm 1980, bất bình của nhân dân đối với chế độ khiến phong trào Công đoàn Đoàn kết trỗi dậy và là một trong những cuộc vận động công nhân lớn nhất ở châu Âu từ sau Đệ nhị thế chiến. Hiểu về số phận của Công đoàn Đoàn kết sau khi xuất hiện là rất quan trọng để chúng ta hiểu về nhà nước Ba Lan ngày nay.
David Ost tận mắt chứng kiến sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết và sau này, ông viết một quyển sách về sự trỗi dậy và tan rã của phong trào: The Defeat of Solidarity: Anger and Politics in Postcommunist Europe (Tạm dịch: Thất bại của Công đoàn Đoàn kết: Giận dữ và Chính trị châu Âu hậu Cộng sản).
Đây là bản ghi từ podcast Long Read của Jacobin. Bạn có thể nghe toàn bộ bài phỏng vấn ở đây.

DF: Tại sao Ba Lan là quốc gia đặc biệt rắc rối đối với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh?
DO: Tôi nghĩ điều đó có căn nguyên sâu xa. Ông nói Ba Lan là rắc rối của Liên Xô, nhưng thật ra Ba Lan luôn là vấn đề đối với nước Nga. Ba Lan sở hữu đường biên giới dài với Nga. Nếu ông lần ngược về thế kỷ XVIII, Ba Lan là một trong những nước lớn ở châu Âu, lúc đó Nga vẫn tương đối yếu. Khối Thịnh vượng chung Ba Lan và Lít-va là một cường quốc đủ mạnh đến mức vào đầu thế kỷ XVII, lực lượng Ba Lan thực tế đã chiếm đóng Mát-xcơ-va.
Dưới sự lãnh đạo của Pi-ốt Đại đế, Nga trở thành một đại cường vào đầu thế kỷ XVII. Đến cuối thế kỷ ấy, đến lượt Ba Lan suy yếu nghiêm trọng. Bởi không thể và không muốn hình thành một hệ thống chuyên chế bấy giờ đang phát triển ở Nga, Phổ và Áo, nước Ba Lan cuối thế kỷ XVIII bị ba cường quốc này phân cắt. Nga đoạt lấy phần quan trọng nhất là Vác-xa-va và kiểm soát, về cơ bản, từ những năm 1790 đến tận năm 1918 với một giai đoạn gián đoạn nhỏ thời bị Napoleon xâm lược.
Mối quan hệ hỗn tương này luôn dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn khi một đảng cộng sản xuất hiện ở nước Ba Lan độc lập trong thập niên 1920. Ba Lan giành được độc lập năm 1918 và đảng Cộng sản ở đây, giống như tất cả các đảng cộng sản khác, rất thân thiện với Liên bang Xô-viết. Nhưng bởi hoàn cảnh lịch sử Ba Lan-Nga – gần nhất là năm 1920, hai quốc gia đã xảy ra chiến tranh trên phần lớn tuyến biên giới Ukraine giữa họ – nhiều người Liên Xô luôn xem Ba Lan là mối đe dọa tiềm tàng.
Cú sốc lớn nhất rất đỗi quan trọng với lịch sử xảy đến năm 1938 khi Stalin phê phán Đảng Cộng sản Ba Lan trở thành “một ổ gián điệp”, theo ngôn từ của ông dù chẳng hề có chứng cứ. Tất nhiên đảng cộng sản nào cũng có gián điệp. Nhưng tuyệt đối không có bằng chứng nào biện minh cho tuyên bố của Stalin về trường hợp đặc biệt của Ba Lan, và lịch sử đã phán xét điều đó. Kết quả là vào đỉnh điểm cuộc thanh trừng của phái Stalin, Quốc tế Cộng sản chính thức giải thể toàn bộ Đảng Cộng sản Ba Lan.
Các thành viên lãnh đạo của Đảng Cộng sản Ba Lan bị gọi đến Mát-xcơ-va. Đa số họ bỏ mạng trong các cuộc thanh trừng hoặc bị lưu đày. Dù vậy, đến năm 1945, khi Liên Xô sắp chiến thắng trong Đệ nhị Thế chiến, các lãnh đạo Xô-viết nhận ra họ cần một Đảng Cộng sản mạnh ở nước Ba Lan.
Một số người cộng sản thoát nạn thanh trừng thời tiền chiến – trớ trêu thay phần lớn là vì họ đang cảnh ngục tù tại Ba Lan nên không thể đến Liên Xô – được kêu gọi thành lập một Đảng Cộng sản mới là Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (Polish United Workers’ Party – PUWP). Tuy nhiên, giới lãnh đạo Xô-viết luôn chất chứa cảm giác nghi ngờ và không tin tưởng đối với đất nước Ba Lan cũng như những người cộng sản Ba Lan.
DF: Đã có một thời điểm hoặc một cơ hội cải cách sớm hơn ở Ba Lan vào cuối thập niên 1950 khi Władysław Gomułka nắm quyền ở Ba Lan – về mức độ nào đấy là đi ngược lại ý muốn của ban lãnh đạo Xô-viết, mặc dù ông giữ Ba Lan ở trong khối Xô-viết. Lúc ấy, năm 1956, quần chúng ủng hộ nhiệt thành đối với những gì Gomułka cố gắng thực hiện. Song cho đến cuối thập niên sau, cả ông và chế độ cộng sản nói chung chẳng còn nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tại sao cuộc cải cách đó thất bại?
DO: Gomułka là một nhân vật quyến rũ. Ông ấy là một trong những nhà cộng sản ở lại Ba Lan vào giai đoạn tôi nói đến và đó là lý do tại sao ông sống sót. Ông là một người Cộng sản nhưng luôn có cảm tình mạnh mẽ đối với nền độc lập của Ba Lan.
Vào cuối thập niên 1940 đã diễn ra một số cuộc thanh trừng của phái Stalin ở các nước Đông Âu. Gomułka bị thanh lọc khỏi ban lãnh đạo và bị quản thúc tại gia. Ông gặp may mắn hơn những người đồng cấp ở Tiệp Khắc, Hungary và Bungary vì họ đều bị xử tử. Vận may đến với Gomułka sau cái chết của Stalin năm 1953 và đặc biệt sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 2 năm 1956 khi lãnh đạo mới là Nikita Khrushchev tố cáo Stalin.
Bài nói của Khrushchev gây ra động loạn lớn khắp Đông Âu. Ở Hungary, nó khiến nền thống trị của Đảng Cộng sản tạm thời sụp đổ, dẫn đến cuộc xâm lược của Xô-viết vào tháng 11 năm 1956. Gần như cùng lúc đó ở Ba Lan, Gomułka nổi lên như một người đầy quyền uy bởi ông là một người Cộng sản, nhưng lại là người bị Stalin đàn áp. Đa số nhân dân hậu thuẫn ông.
Gomułka khuyến khích một số hoạt động dân chủ với thâm ý mở ra khả năng lớn lao hơn nhằm đặt vấn đề và thảo luận về lịch sử gần đây của quốc gia. Ông còn tạo ra những thay đổi to tát trong nông nghiệp. Ba Lan trở thành nước Đông Âu duy nhất chuyển từ nông nghiệp tập thể hóa sang nông trang tư hữu. Ông thực hiện một số đàm phám với Giáo hội Cơ Đốc.
Đúng như giới trí thức quan tâm, ở Ba Lan đã có một thời kỳ tự do báo chí hơn hẳn trước đó. Nhưng từ cuối thập niên 1950, Gomułka cố gắng đàn áp [nền tự do]. Ông là một người rất tự tin vào bản thân và khả năng hiện đại hóa của mình, song ông lại không thực sự tin tưởng vào giới trí thức cánh tả quốc nội. Đến năm 1958, ông thành công trong việc đàn áp phong trào “hội đồng công nhân” xuất hiện từ năm 1956 vốn tập hợp công nhân cánh tả với cánh tả xã hội chủ nghĩa song chống phái Stalin.
Liệu thử nghiệm cải cách là một thất bại chăng? Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận điều đó theo lề lối lịch sử. Năm 1956 đã thay đổi đáng kể Ba Lan. Từ đó, người ta có khả năng thảo luận những ý tưởng đối lập và cũng có những thử nghiệm bên lề.
Gomułka cầm quyền từ 1956 đến năm 1970. Dưới thời ông, phong trào sinh viên Cánh tả mới đã xuất hiện từ thập niên 1960 với một số phát triển và thành tựu đáng kể. Vài người trong số họ sẽ trở thành lãnh đạo của Công đoàn Đoàn kết.
Đây cũng là thời điểm giai cấp công nhân trở nên lớn mạnh hơn. Ngành công nghiệp đóng tàu rất quan trọng trong thập niên 1960, song một cuộc biểu tình của công nhân đã bị đàn áp dữ dội năm 1970. Lúc đó, Gomułka phải từ chức.
DF: Phong trào ấy vào cuối thập niên 1960-hoặc giả tôi nên nói là vài phong trào – về mặt nào đó là một trong những tiền thân của Công đoàn Đoàn. Ông đã chứng kiến liên tục từ một phong trào sinh viên phản đối thách thức chế độ và tiếp theo là phong trào biểu tình của công nhân. Nhưng hai chuyển động ấy khá là khác biệt nhau. Chúng phát triển theo những tuyến riêng và không tụ hội lại. Vì sao lại xuất hiện tình trạng đó?
DO: Phần lớn sử luận giai đoạn đều nhìn thời kỳ từ 1956 đến 1970 như một thời kỳ của cái được gọi là chủ nghĩa xét lại – chủ nghĩa cộng sản xét lại. Một trong những nguồn tư liệu là trước tác của Karl Marx. Thật thú vị nếu ta biết họ xem trước tác của Karl Marx là thể loại đương đại nào đó trong thập niên 1950-1960. Thế nhưng phần lớn tác phẩm của Marx từ tuổi hai mươi – lúc ấy ông đang nói về dân chủ cấp tiến như trong các bản thảo năm 1844 – trên thực tế hãy còn chưa xuất bản hoặc được dịch rộng rãi trên thế giới tính đến thập niên 1950.
Sau khi Stalin qua đời, một trong những trào lưu đối lập lớn ở Đông Âu là phong trào xét lại Mác-xít nơi họ trích dẫn Marx và nói về những khả năng thay thế. Đấy là thời kỳ xét lại bởi vì nó mang đến sự phục sinh một loại tư tưởng Mác-xít. Song đấy cũng là thời gian phe đối lập trông đợi giới toàn trị thay đổi. Phe xét lại đọc Marx thời trẻ vậy mà vẫn không kêu gọi công nhân nổi dậy. Thay vào đó, họ tìm đến những nhân vật như Gomuła trong ban lãnh đạo đảng để thực hiện cải cách.
Phong trào đối lập tả cấp tiến chỉ hiện hữu trong thập niên 1960. Năm 1964, một lá thư ngỏ nổi tiếng do nhà hoạt động Cộng sản hai sử gia trẻ và sử gia trẻ Jacek Kuroń và Karol Modzelewski thảo, kêu gọi dân chủ hóa thực sự và một nhà nước công nhân thực chất.
Lập luận cơ bản của họ là quan điểm Tờ-rốt-kít (Trotskyist) phản đối chế độ đang trở nên tham nhũng và tổ chức bị quan liêu. Họ đòi hỏi quyền lực thực sự của công nhân chân chính, về một cuộc cách mạng từ bên dưới. Hai người này nhanh chóng bị tống vào tù, song họ đã khuyến khích phong trào sinh viên nổ ra trước tiên ở Đại học Vác-xa-va và lan đến những nơi khác.
Tình hình trở nên xấu đi vào năm 1968. Sinh viên ở Đại học Vác-xa-va tổ chức cuộc biểu tình chống sự đàn áp của chính phủ. Chính phủ sau đó gia tăng mức độ kiểm soát và đàn áp một cách rất quyết liệt. Như ông nói, lúc ấy công nhân không tham gia phong trào. Thật ra nhiều công nhân trẻ cũng xuống đường biểu tình. Nhưng nhìn chung các nhà máy vẫn hoạt động.
Tại sao vậy? Bởi vì cho đến lúc dó, vẫn chưa hình thành mối liên kết nào giữa công nhân và sinh viên. Như tôi lưu ý, phong trào xét lại trước hết tập trung thuyết phục ban lãnh đạo đảng về sự cần thiết phải thay đổi. Các nhóm đối lập không hề cố gắng tổ chức với nhau.
Phong trào sinh viên bị đàn áp gay gắt và nhanh chóng. Sinh viên cùng thành phần đối lập bị tống vào tù hay thậm chí bị lưu đày. Quan chức của Đảng lợi dụng thời điểm này để đuổi người Do Thái rời khỏi đất nước.
Hầu hết cộng đồng Do Thái nhỏ bé không tham gia các cuộc biểu tình, nhưng một số lãnh đạo chủ chốt [của biểu tình] có gốc Do Thái, cộng sản. Cánh dân tộc chủ nghĩa của Đảng bắt lấy và đổ lỗi người Do Thái gây ra các cuộc biểu tình của sinh viên. Hàng nghìn người Do Thái vô can đột nhiên thấy mình không được hoan nghênh (persona non grata), bị đuổi việc và “được đề nghị” một vé xuất ngoại. Kể cả khi không gặp phải những vấn đề này, đây cũng là giai đoạn suy thoái đạo đức.
Năm 1970, mọi thứ thay đổi khi công nhân nhà máy đóng tàu Gdansk bãi công phản đối giá cả tăng vọt và bất mãn về việc tăng tốc làm việc. Giống trước đây, họ chưa có tổ chức hay mối liên hệ với những người khác. Song trong suốt thập niên 1970, phe đối lập bắt đầu tạo ra những tổ chức trung gian này.
Toàn bộ ý niệm về xã hội dân sự bắt đầu xuất hiện. Hiện thực những năm 1970 là các nhóm trung gian đã kết nối nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội Ba Lan. Điều đó tạo ra cơ sở cho năm 1980.
DF: Ông đề cập ở đây – và có lẽ đáng để đi vào chi tiết một chút đối với độc giả chưa quen với lịch sử Ba Lan hậu chiến – thực tế là vào cuối thập niên 1960, có một chiến dịch bài Do Thái công khai do đảng và chính phủ Ba Lan hậu thuẫn.
Đúng vậy và điều này thật đáng kinh ngạc. Trong chừng mực đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa những nhóm trong Đảng Cộng sản (tên chính thức là Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, viết tắt là PUWP). Ta có cái mà chúng ta gọi là một phong trào cải cách tự do trong Đảng, phần nào ủng hộ các cuộc biểu tình của sinh viên với ý niệm “Hãy thảo luận nhiều hơn, hãy cởi mở với một số tiến trình dân chủ”.
Ta nhớ lại năm 1968, Mùa xuân Pra-ha đã nổ ra ở Tiệp Khắc. Nhưng chống lại khuynh hướng đó là sự xuất hiện của cánh dân tộc chủ nghĩa kết bè với Gomułka trong PUWP.
Chúng ta nên trở lại thời kỳ phái Stalin vào cuối thập niên 1940 để biết thêm chút ít. Lúc ấy, việc đàn áp đã được tiến hành, tất nhiên, với bàn tay của những người cộng sản Ba Lan phái Stalin. Một số người trong bọn họ là người cộng sản gốc Do Thái, và vào năm 1968 đấy là nhóm bị cánh dân tộc chủ nghĩa trong PUWP nhắm đến. Người ta nói: “Chúng tôi là phái chống Stalin thực thụ và nhìn này, người Do Thái đương dẫn đạo phái Stalin!” – sự đánh tráo lịch sử trơ trẽ, ngoài trừ việc tất nhiên ta có thể tìm thấy một số cá nhân là người Do Thái ở cương vị lãnh đạo phái Stalin.
Năm 1968 xuất hiện một số cuộc biểu tình sinh viên và vài người trong số họ là con em của người cộng sản Do Thái tự do. Lúc này cánh dân tộc chủ nghĩa của Đảng Cộng sản bắt đầu tấn công sinh viên biểu tình và nói rằng: “Nhìn xem, những tay cộng sản tự do này từng theo phái Stalin còn bây giờ lại nom rất quốc tế chủ nghĩa. Chúng tôi phản đối họ và chúng tôi đại diện cho chủ nghĩa cộng sản Ba Lan thực thụ, cho chủ nghĩa xã hội Ba Lan thực thụ. Và chúng tôi muốn duy trì sự lãnh đạo của những người Ba Lan chân chính.”
Gomułka nhanh chóng mất kiểm soát tình hình và về cơ bản là ông đầu hàng những người theo chủ nghĩa dân tộc do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mieczysław Moczar lãnh đạo. Phái cộng sản dân tộc chủ nghĩa bắt đầu cáo buộc tất cả sinh viên [tham gia biểu tình] là cực đoan và là Do Thái.
Cách thức hoạt động của hệ thống là quan chức đảng toàn quốc tìm kiếm sự chỉ đạo trong những phát biểu của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Bấy giờ Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương bị phe “cộng sản dân tộc chủ nghĩa” chi phối. Khắp đất nước, họ bắt đầu thanh trừng người Do Thái kể cả những người không làm chính trị.
Tất cả đều rất tồi tệ, đặc biệt có lẽ vì trở thành người Do Thái ở Ba Lan vào thời điểm đó nghĩa là trở thành một người dám tỉnh táo chọn ở lại nước Ba Lan, mặc cho đây là nơi từng diễn ra cuộc diệt chủng Do Thái (Holocaust), mặc cho sự thủ tiêu toàn bộ thế giới Do Thái Ba Lan tiền chiến. Phần lớn người Do Thái ở lại đều là những người thiên tả: xã hội chủ nghĩa, phái Bund, phục quốc Do Thái cánh tả (left-Zionist) hoặc phi chính trị, đều là những người ít nhiều thiện cảm với chế độ cho phép họ xây dựng lại cuộc sống và ở mức độ nào đó, cũng là một cộng đồng Do Thái.
Tuy nhiên, khi những người cộng sản dân tộc chủ nghĩa nắm quyền kiểm soát, người Ba Lan gốc Do Thái bất ngờ bị kêu gọi công khai lên án chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Chúng ta nhớ điều này xảy ra ngay sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 và trở thành cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn đối với khối Xô-viết, khối vốn càng ngày càng thân Ả-Rập và bài Israel.
Chính phủ nói: “Dĩ nhiên chúng ta sẽ tạo điều kiện cho những người không cảm thấy mình giống người Ba Lan chân chính được rời đi”. Nhiều người Ba Lan gốc Do Thái bị cưỡng bách xuất ngoại và hàng nghìn trong số họ thực sự đã rời khỏi đất nước. Đấy cũng là bước ngoặt của phong trào đối lập vì bất kỳ ai như những nhà hoạt động cánh tả này từng kêu gọi Đảng Cộng sản thay đổi, nay nhìn vào Đảng và không thể không kết luận nó đã trở thành một đảng xã hội chủ nghĩa dân tộc đang thì thanh trừng giống như bọn phát xít cực đoan nhất của Ba Lan tiền chiến từng làm. Đó là một sự chuyển đổi ngoạn mục.
Tôi mạn phép chỉ nói sơ qua về năm 1970. Phong trào biểu tình kết thúc vào giữa năm 1968 trong khi những cuộc thanh trừng bài Do Thái kéo dài một năm hoặc lâu hơn đến cuối năm 1970. Vào tháng 12 năm 1970, khi Gomułka tuyên bố tăng giá cả hàng hóa như một cách giải quyết các vấn đề kinh tế nội bộ đất nước, công nhân ở các thành phố đóng tàu và cảng quan trọng của vùng Baltic là Gdansk và Szczecin phản đối, bãi công và tuần hành rời khỏi nhà máy, tiến vào trung tâm thành phố. Họ tuần hành đến những trụ sở của Đảng Cộng sản địa phương và trong một số trường hợp, thậm chí họ còn đốt phá đồn cảnh sát và văn phòng PUWP.
Sự kiện tiếp theo là công nhân ở Gdansk bị đuổi khỏi nhà máy. Song công nhân không biết điều này nên sáng hôm sau họ vẫn nối thành đoàn dài đến nơi làm việc. Thay vì để công nhân vào, quân đội xem họ như một mối đe dọa. Họ bị dồn vào chân tường và súng bắt đầu nổ.
Cuộc thảm sát tháng 12 năm 1970 là một trong những sự kiện tồi tệ nhất ở châu Âu thời hậu chiến và cho đến nay là vụ giết chóc hàng loạt lớn nhất ở Ba Lan trong giai đoạn sau 1945. Người công nhân không có vũ khí, cố gắng vào nhà máy, đã bị quân đội và cảnh sát Ba Lan khai hỏa. Ít nhất vài chục người đã thiệt mạng.
Điều đó đã dẫn đến sự thay đổi trong ban lãnh đạo với việc Edward Gierek lên thay Gomułka. Ông nắm quyền đến khi phong trào Công đoàn Đoàn kết nổi lên năm 1980.
DF: Bước sang thập niên 1970, Ủy ban Bảo vệ Công nhân (Workers’ Defense Committee – KOR) xuất hiện như chiếc cầu nối giữa các cuộc biểu tình cuối thập niên 1960 và sự trỗi dậy của chính Công đoàn Đoàn kết. Một số người ông đề cập trước đó như Jacek Kuroń đã tham gia. Ý nghĩa của việc đó là gì?
Đầu những năm 1970 là thời kỳ phe đối lập rất mất tinh thần. Không ai biết phải làm gì hoặc có thể làm gì. Gierek cố gắng hiện đại hóa Ba Lan. Thập niên 1970 là thời kỳ hòa hoãn giữa các siêu cường, như cách chúng ta thường gọi. Điều đó có nghĩa là các quốc gia như Ba Lan từng bị tẩy chay gay gắt trong phần lớn hoạt động thương mại ở khối các nước Đông Âu và thế giới tư bản, nay đã có thể tham gia vào nền kinh tế thế giới.
Gierek bắt đầu vay rất nhiều tiền để cố gắng hiện đại hóa ngành công nghiệp Ba Lan. Kết quả là Ba Lan rơi vào bẫy nợ kinh điển của Thế giới thứ Ba như ta hay gọi. Đất nước gánh khoản nợ khổng lồ, [song cũng] hiện đại hóa ngành công nghiệp và cung cấp tất cả chủng loại hàng tiêu dùng nước ngoài cho người dân. Nhưng sau đó họ không có khả năng trả nợ. Áp lực khủng hoảng kinh tế là không thể tránh khỏi.
Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR) xuất hiện năm 1976. Không phải ngẫu nhiên mà tổ chức này ra đời vào thời điểm ấy vì năm 1976 là lúc bẫy nợ bắt đầu đóng sập. Chúng khiến Ba Lan biến đổi mạnh mẽ vào nửa sau thập niên 1970. Nhiều khoản nợ quốc tế đến hạn thanh toán và nước Ba Lan đơn giản là không thể trả nợ.
Tất nhiên, điều đó cũng là do phương Tây trong thập niên 1970 chìm sâu trong khủng hoảng của chính mình. Một mặt họ phải đối mặt với thách thức của các tổ chức công đoàn đối với tỷ suất lợi nhuận tư bản, và mặt khác, giá dầu tăng, với sự vươn lên của Thế giới thứ Ba và giá dầu tăng gấp ba lần, khiến các nền kinh tế phương Tây rơi vào suy thoái.
Ba Lan cũng như nhiều quốc gia mắc nợ khác, không thể trả nợ. Năm 1976, chính phủ công bố một đợi tăng giá lớn khác từ ngày này sang tháng nọ. Đây là lúc KOR ra đời bởi vì những đợt tăng giá đột ngột trong bối cảnh mức sống suy giảm nhanh chóng đã dẫn đến bãi công và biểu tình ở một số thành phố. Nhà máy máy kéo Ursus ngoại ô Vác-sa-va là một trong những trung tâm như thế.
Chế độ đàn áp công nhân một cách mau chóng. Họ hủy bỏ việc tăng giá đột xuất song cũng bắt giữ nhiều người tổ chức biểu tình, những người này bị mang ra xét xử và bị bỏ tù. Các nhà hoạt động chính trị thực sự không biết phải phản ứng như thế nào nhưng họ nói: “Chúng tôi phải thiết lập liên lạc với những công nhân này. Hãy cố gắng bảo vệ họ.”
KOR vận động quyên tiền bảo lãnh cho công nhân. Họ nhờ luật sư và tổ chức hỗ trợ gia đình [các công nhân]. Nhờ vậy, họ thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với công nhân, chính xác đây là điều chưa hề có ở thời kỳ xét lại thập niên 1960. Trong những năm 1970, ta đã tập trung hoàn toàn vào tổ chức độc lập thay vì cố giành lấy lợi ích từ bộ máy quan liêu của Đảng. Chính trong bối cảnh đó, khái niệm xã hội dân sự xuất hiện trở lại dựa trên thực tiễn đối lập của Đông Âu thập niên 1970.
Và điều đó thu hút tôi trong những năm 1970. Tôi sinh năm 1955. Giữa những năm 70 của thế kỷ XX, là một học sinh đã tốt nghiệp, tôi đến thăm Ba Lan năm 1976 lần đầu. Rõ ràng cuối thập niên 1970 phong trào đối lập ở Ba Lan và Đông Âu đã quyến rũ tôi rất nhiều. Sự hấp dẫn của KOR là họ không tự biến mình thành một ban lãnh đạo mới hay một đảng chính trị cố đoạt lấy quyền lực. Thay vào đó, họ tập trung xây dựng liên kết giữa các nhóm xã hội khác nhau vốn là những nhóm tự tổ chức. Ngay sau cuộc đình công năm 1976, KOR cùng những nhà hoạt động công nhân giúp thúc đẩy một ủy ban gọi là Công đoàn Tự do – tiền thân của Công đoàn Đoàn kết.
Người thuộc cánh Tả biết điều trớ trêu là chủ nghĩa xã hội cầm quyền ở các quốc gia yếu kém kinh tế. Đây là sự trớ trêu đối với chủ nghĩa Mác cổ điển vì những người mác-xít luôn nghĩ chủ nghĩa xã hội sẽ xuất hiện trước tiên ở các quốc gia giàu nhất, tư bản nhất. Chủ nghĩa xã hội lại xuất hiện ở các nước nghèo hơn và chủ nghĩa xã hội nhà nước đã định liệu phát triển tăng tốc các nước như thế.
Vào những năm 1970, Ba Lan chắc chắn đã thuộc nhóm nước phát triển bất kể khu vực nông thôn hãy còn lớn và nghèo khổ. Nhóm hoạt động cánh tả xung quanh KOR ý thức chủ nghĩa xã hội luôn là sự kiểm soát của công nhân đối với vận mệnh chính họ: công nhân, trí thức và nông dân có khả năng tổ chức với nhau. Họ nói: “Hãy gia nhập cùng nhau, hãy để những nhóm độc lập này làm việc cùng nhau. Chúng ta không cần đến chủ nghĩa tư bản” – họ chống chủ nghĩa tư bản – “Song hãy biến hệ thống này trở nên dân chủ hơn và để công nhân và sinh viên được cất lên tiếng nói”. KOR trở thành một loại hình kết nối các nhóm và tổ chức đối lập khác nhau. Đây là điều đã làm nên sự đoàn kết. Đến năm 1980, giờ đây ta sẽ chứng kiến mối liên hệ giữa những nhóm xã hội khác nhau mà trước đây chưa từng tồn tại.
DF: Trong mấy tháng của năm 1980-1981, Công đoàn Đoàn kết dường như không đề ra quan điểm lật đổ chế độ – ít nhất không phải là quan điểm rõ rệt. Nhưng đồng thời, sự tồn tại của một công đoàn độc lập phổ biến hơn ngay cả Đảng Cộng sản, tự nó là thách thức hữu hình đối với logic của toàn bộ hệ thống. Ông giải thích thế nào về khoảng trống đó trong suy nghĩ của họ – nếu đó thực sự là một khoảng trống?
DO: Đấy là điều có lẽ đã khiến mọi loại cải cách hầu như không thể diễn ra năm 1980-1981. Mâu thuẫn rõ ràng này là trọng tâm của phong trào đối lập dân sự thập niên 1970. Tôi đặt tên quyển sách đầu của của mình là “Công đoàn Đoàn kết và Chính trị Phản Chính trị”. “Phản Chính trị” là khẩu chính chính của những năm 1970 và thậm chí là của thời kỳ đầu của Công đoàn Đoàn kết. Nói cách khác, họ phát biểu: “Nhìn xem, chính trị là về chính sách đối ngoại. Đó là nói đến những liên minh nước ngoài. Chúng ta không liên quan gì đến điều đó”.
Phe đối lập tuyên bố họ biết mình là một phần của khối Xô-viết và điều đó không thể thay đổi. Liên Xô đã xâm lược Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968. Những ai ủng hộ Công đoàn Đoàn kết hẳn có lý do cảnh giác điều đó khả dĩ xảy ra lần nữa. Đây là những nhân vật cánh Tả mới vốn là trí thức chủ chốt trong phong trào Công đoàn Đoàn kết, giống như cánh Tả phương Tây thập niên 1960.
Cánh Tả phương Tây những năm 1960 không mang tính cách mạng cổ điển: họ không phải là cánh Tả cũ, mà là cánh Tả mới. Họ không kêu gọi lật đổ chính phủ Lao động ở Anh hay chính phủ Mỹ để thay bằng một Đảng Cộng sản chấp chính. Đây đã là một giai đoạn khác. Ở nước Ba Lan cũng vậy, họ nói: “Để một chủ thể mới nắm quyền lực không quan trọng nữa”. Đó là lý do tại sao họ là một phần của Cánh tả Mới. Những người cánh tả ấy chỉ trích Liên Xô và các cuộc cách mạng từ-trên-xuống. Họ không muốn thay đổi hệ thống mà muốn dân chủ hóa nó.
Tuy nhiên, ông nói đúng khi cho rằng việc có một công đoàn độc lập tạo ra thế khó khăn cho hệ thống. Tính độc lập của người lao động không phù hợp với nền kinh tế kế hoạch nơi chính phủ làm việc với doanh nghiệp và công đoàn trung thành nhằm hoạch định những gì xí nghiệp sản xuất. Đây đó xuất hiện cảm giác rằng hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa không thực sự cho phép Công đoàn Đoàn kết.
Tôi nghĩ một thỏa thuận có thể thành hiện thực vào năm 1981. Khi khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn vào cuối năm 1981, Công đoàn Đoàn kết hoạt động tích cực hơn và số lượng bãi công của công nhân phản đối tình trạng thiếu hụt gia tăng nhanh chóng, người ta bắt đầu kêu gọi một loại liên minh hay hiệp ước – thỏa thuận giữa chính phủ và Công đoàn Đoàn kết khả dĩ cho phép các thay đổi từ từ trong hệ thống.
Nhưng tình thế lại không đáp ứng điều đó. Leonid Brezhnev vẫn tại vị. Mikhail Gorbachev chỉ lên nắm quyền ở Liên Xô năm 1985. Vào tháng 12 năm 1981, chính phủ ban bố lệnh thiết quân luật để thay thế [cho quá trình cải cách].
Tôi nhớ vài người trong phong trào Công đoàn Đoàn kết từng nói – và điều này có phần giả dối hoặc mang ý nghĩa tình thế – “Chính phủ đã giúp đỡ chúng tôi”. Họ không biết có thể làm được gì nữa. Làm thế nào ta có thể khiến xã hội dân chủ hơn nếu không thay đổi hệ thống chính trị? Họ nói: “Khi người ta đàn áp chúng tôi, người ta đã giữ cho huyền thoại Công đoàn Đoàn kết được tồn tại”.
Đó là những gì đã xảy ra trên thực tế. Công đoàn Đoàn kết như một công đoàn có thể không còn tồn tại sau tháng 12 năm 1981, mà như một phong trào, một huyền thoại, một khẩu hiệu, tồn tại xuyên suốt những năm 1980.
DF: Khi phong trào đạt đỉnh cao vào đầu thập niên 1980, trước cuộc đảo chính, và kể cả sau đó, cánh Tả ở Tây Âu và Bắc Mỹ phản ứng như thế nào? Và các chính phủ phương Tây phản ứng ra sao?
DO: Điều này thật hấp dẫn. Một mặt, chính phủ nói: “Chúng tôi ủng hộ sự chuyển đổi ở Đông Âu nhưng không cần nhiều đến như vậy”
Ví dụ, tôi nhớ mình đã đọc tờ Wall Street Journal hồi tháng 8 năm 1980 giữa lúc cao điểm bãi công ở Gdansk. Trong bài xã luận của tòa soạn, họ viết như sau: “Dĩ nhiên, thật tốt khi công nhân ở các nước Cộng sản ấy đòi hỏi tự do, nhưng từ quan điểm của các nhà đầu tư và nhà băng đang cho Ba Lan vay mượn nhiều tiền của, đến cân nhắc lợi ích của các nhà tài phiệt, chủ nghĩa xã hội nhà nước an toàn hơn cho chúng ta, bởi vì họ không cho phép các cuộc bãi công”. Thật kỳ lạ, đó cũng chính là quan điểm họ đưa ra để ủng họ hộ các chính phủ hà khắc trong Thế giới thứ Ba.
Những nhóm chính hậu thuẫn Công đoàn Đoàn kết lúc bấy giờ là các phong trào cánh tả. Đến năm 1980-1981, đa phần phe cánh Tả đã thay đổi. Tất nhiên phe cánh tả cũ hãy còn rất mạnh nhưng cũng có một sự phát triển thú vị đang nổi lên trong phe cánh tả thủ cựu ở phương Tây thời đó. Họ được biết đến như là phong trào cộng sản châu Âu và rất mạnh ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha – trên hết có lẽ là ở Tây Ban Nha. Đây là những người trung thành với Liên Xô và vẫn duy trì sự trung kiên ấy sau cuộc xâm lược Hungary năm 1956.
Tuy nhiên vào thập niên 1970-1980, hầu hết bọn họ khó mà xem Liên Xô là một mô hình hoàn hảo của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đúng là Liên Xô ban hành chính sách phúc lợi nhà nước nhưng đó là những chính sách mang tính gia trưởng. Những nước áp dụng mô hình Xô-viết đều không trao cho công nhân quyền lực đối với chính bản thân họ, vậy nên ở thời điểm tốt nhất, đấy cũng chỉ là hệ thống phúc lợi gia trưởng (paternalistic welfare systems). Như thế cũng tương đối tốt – ngày nay chúng ta thiếu một số chính sách phúc lợi của các hệ thống ấy – song chúng là từ trên xuống, không phải từ dưới lên. Khi họ nhìn thấy Công đoàn Đoàn kết – một phong trào thực sự của công nhân do thợ điện Lech Wałęsa dẫn đầu, hầu hết những người cánh tả thủ cựu quay sang và trở thành người ủng hộ nhiệt thành cho Công đoàn Đoàn kết.
Sự ủng hộ đối với phong trào này khá rộng rãi trong phe cánh Tả mới. Sau khi chính quyền ban bố lệnh thiết quân luật – như tôi nghe các nhà hoạt động Công đoàn Đoàn kết nói, nguồn hỗ trợ lớn nhất đến từ công đoàn Pháp và Ý là những người buôn lậu máy quay phim hoặc cung cấp tiền bạc để thúc đẩy khả năng xuất bản ngầm của phe đối lập Công đoàn Đoàn kết. Họ cung cấp tất cả các loại hỗ trợ trong lúc thiết quân luật.
Chính phủ các nước phương Tây cũng bắt đầu ủng hộ Công đoàn Đoàn kết sau đó. Ronald Reagan được bầu và nhậm chức tổng thống sau khi Công đoàn Đoàn kết thành lập rất ủng hộ Công đoàn Đoàn kết. Đồng thời, ông ta tại đàn áp những phong trào lao động cấp tiến ở Tây và Trung Mỹ. Thật giả dối khi nói: “Chúng tôi ủng hộ phe phản đối chủ nghĩa Cộng sản”, nhưng trên thực tế họ không thực sự ủng hộ công nhân. Tuy nhiên, sự đoàn kết xung quanh Công đoàn Đoàn kết ở một mức độ nhất định đã làm tê liệt cánh tả ở phương Tây.
Tôi nhớ mình đến Mỹ năm 1982 sau khi Ba Lan thiết quân luật và nói chuyện với thính giả cánh tả với tư cách là một nhà phê bình tả phái về chủ nghĩa xã hội nhà nước ủng hộ phong trào Công đoàn Đoàn kết. Tôi thấy nhiều người cánh tả phương Tây từng ủng hộ Công đoàn Đoàn kết nay nói rằng: “Nhìn xem, chính phủ tư sản đang ủng hộ họ”.
Tôi nhắc lại lần nữa, mặc dù công luận không biết nhiều đến việc ấy, bất chấp tất cả lời nói khoa trương, phong trào công đoàn phương Tây đã hỗ trợ nguồn lực cho Công đoàn Đoàn kết trong thời kỳ họ hoạt động ngầm. Các chính phủ tư sản nói thì hay song họ không thực lòng muốn lật đổ thế quân bình của Chiến tranh Lạnh.
Ta có thể hồi tưởng về một tổng thống George Bush năm 1989 hãy còn nghi ngờ viễn cảnh Liên Xô tan rã. Ông ta công du đến Kiev và phát biểu phản đối kiểu đổ vỡ như thế. Bush muốn duy trì những phân định thời Chiến tranh Lạnh thủ cựu. Giới tư bản lúc ấy cũng bảo thủ và ủng hộ sự thống trị của siêu cường trên thế giới. Chúng lợi dụng phong trào Công đoàn Đoàn kết một cách bất nhẫn dù không thực sự ủng hộ phong trào.
Ngược lại, đa số cánh Tả ủng hộ nỗ lực của Công đoàn Đoàn kết, dẫn đến sự mở rộng phạm vi tương tác của họ trong thập niên 1980. Mọi thứ sau đó thay đổi nhanh chóng, dĩ nhiên là sau năm 1985 khi Mikhail Gorbachev vươn đến quyền lực. Những ngã rẽ khác cho Đông Âu đột nhiên xuất hiện mà trước đó chẳng thể thực hiện được.
DF: Điều gì đã xảy đến với Công đoàn Đoàn kết với tư cách là một phong trào trong thời kỳ giữa cuộc đạo chính cuối năm 1981 và sự tái xuất của họ năm 1989 với những đàm phán khiến chính phủ sụp đổ? Đặc tính của họ đã thay đổi như thế nào – nếu có?
DO: Lúc thiết quân luật được ban hành và hoạt động công đoàn bị cấm, Công đoàn Đoàn kết rõ ràng không còn là một công đoàn nữa. Họ trở thành cái gì? Họ trở thành một huyền thoại, một khẩu hiệu.
Ở một số nơi đã xuất hiện tiểu tổ công đoàn bất hợp pháp, song một tiểu tổ như thế giống với nhóm đối lập chính trị hơn là một công đoàn bởi nó không có đối tác, không có người đối thoại và càng không thể thương lượng với cấp quản lý. Ba Lan thời thiết quân luật là một chế độ đàn áp quyết liệt từ trên xuống dưới.
Công đoàn Đoàn kết tách thành nhiều nhóm khác nhau. Trong đó họ cũng có cánh tả và cánh hữu. Cánh tả tập trung vào tiến trình dân chủ nhưng cũng bắt đầu ủng hộ thị trường. Điều đó trông có vẻ là sự mỉa mai thật sự. Làm thế nào cánh Tả lại chuyển sang thị trường [tự do]? Ở đây lần nữa ta cần phải hiểu thấu bản chất chủ nghĩa xã hội nhà nước.
Một trong những nhà xã hội học cánh tả quan trọng nhất của Đông Âu là tác gia Hungary Ivan Szelényi. Szelényi là đồng tác giả của quyển sách rất quyền uy trong thập niên 1970 Intellectuals on the Road to Class Power (tạm dịch: Trí thức trên đường vươn đến Quyền lực Giai cấp) dẫn đến việc nhà nước xã hội chủ nghĩa Hungary buộc ông lưu ông. Chủ đề chính của Szelényi luôn là cách thức quan chức lãnh đạo của chủ nghĩa xã hội nhà nước ngăn cản công nhân tự tổ chức.
Szelényi nói vì thế trong bối cảnh của chủ nghĩa xã hội nhà nước, việc du nhập vài cơ chế thị trường có thể đem lại lợi thế cho người lao động. Đấy là do hệ thống chủ yếu khen thưởng bất kỳ ai trung thành với Đảng Cộng sản. Thế còn những công nhân bất trung với đảng – không phải bởi họ yêu chủ nghĩa tư bản mà bởi vì họ muốn quyền tự chủ thực sự của công nhân, thì sao? Với nhóm này, việc áp dụng một số cơ chế thị trường có thể có lợi bởi nhờ đó họ có phương tiện chăm sóc bản thân.
Chúng ta cần ghi nhớ trong thập niên 1980, môi trường thế giới tư bản chủ nghĩa phương Tây cũng trai qua những thay đổi đáng kể. Lúc Công đoàn Đoàn kết xuất hiện năm 1980, nền dân chủ xã hội hãy còn khá mạnh ở phương Tây mặc dù họ bắt đầu bị lung lay. Margaret Thatcher vừa cầm quyền ở Anh song cuộc chiến chống công đoàn của bà ta chưa thành công. Reagan cũng vậy, ông vừa vươn đến quyền lực.
Tuy nhiên đến năm 1984, nền dân chủ xã hội phương Tây tan thành từng mảnh lớn. Ở Pháp, François Mitterrand thành danh khi từ bỏ các chính sách xã hội chủ nghĩa. Từ đó đã bắt đầu thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tân tự do.
Nhưng ta nên nhớ chủ nghĩa tân tự do lúc đầu được một số công nhân, đặc biệt là những ai bị bộ máy quan liêu và nhà nước áp chế, coi như là cơ hội. Chủ nghĩa tân tự do nhắm đến loại bỏ tất cả những điều này và với nhiều người, điều đó dường như là một sự phát triển dân chủ và có lợi.
Stuart Hall viết hồi đầu thập niên 1980 về cách chủ nghĩa tân tự do có thể trở thành một hệ tư tưởng tập hợp một số công nhân. Ông ấy nói về nước Anh là quốc gia mà sự quan liêu và kiểm soát nhà nước kém hơn hẳn so với Đông Âu. Nay chúng ta không hiểu nổi điều đó, thế nhưng chủ nghĩa tân tự do với những lời kêu gọi gạt nhà nước ra khỏi bức tranh kinh tế và cho phép các tác nhân kinh tế tự điều hành đã có sức hấp dẫn ngay từ đầu – và không nơi nào khác hơn là ở Đông Âu nơi sức hấp dẫn ấy mãnh liệt nhất.
Tôi nghĩ trong những người đối lập Ba Lan thập niên 1980 có những người có niềm tin tốt, một số còn lại thì xấu. Vài người trong số họ thực sự hỏi làm thế nào có thể sử dụng thị trường để kiến tạo điều kiện cho nền dân chủ. Nhưng cũng có những niềm tin xấu bởi nhiều nhà hoạt động và trí thức trong Công đoàn Đoàn kết mới nổi ủng hộ thị trường bắt đầu cảnh giác với hình thức hoạt động lớn, mạnh bạo mà công nhân Ba Lan bộc xuất trong năm 1980-1981.
Nhóm này ủng hộ cải cách thị trường bởi họ muốn đảm bảo công nhân sẽ không trở lại với tư cách là một lực lượng chính trị mạnh. Các nhà chức trách Cộng sản Ba Lan, đặc biệt sau khi Gorbachev lên nắm quyền cũng đồng tình với cải cách thị trường. Bắt đầu khoảng năm 1987, ta sẽ thấy các lãnh đạo PUWP bắt đầu nói chuyện với một số thành viên cánh tả của Công đoàn Đoàn kết để cố gắng đạt được thoả hiệp.
Vẫn có nhiều người phản đối điều đó trong nội bộ Công đoàn Đoàn kết nhưng đa số họ đến từ phía Hữu: họ không chỉ trích chủ nghĩa tư bản, nhưng chắc chắn họ nghiêng về phía dân tộc chủ nghĩa hơn. Chủ nghĩa dân tộc quan tâm một số khía cạnh về tính xác thực của Ba Lan và một vài trong số đó nối dài đến chủ nghĩa bài Do Thái, chống Ukraine và chống phương Tây mà ngày nay rất thịnh hành ở Ba Lan.
Nhờ vào kết quả của các cuộc đàm với với nhà cầm quyền Cộng sản, phe đối lập tự do Công đoàn Đoàn kết nổi lên mạnh mẽ hơn. Tại đàm phán Bàn Tròn năm 1989, họ đạt được thoả thuận với PUWP đưa đến việc khôi phục Công đoàn Đoàn kết và bầu cử tự do một phần. Chính phủ phi Cộng sản đầu tiên cầm quyền ở Ba Lan năm 1989, hai tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ.
DF: Điều gì xảy ra sau năm 1989 và chuyển đổi sang chế độ đa đảng ở Ba Lan?
DO: Điều đó đưa chúng ta đến lịch sử hiện tại. Tôi viết một quyển sách tựa là Sự thất bại của Công đoàn Đoàn kết và tựa đề nói lên điều tôi nghĩ đã xảy ra – một sự thất bại của tính đoàn kết theo hai nghĩa, sự thất bại của một tổ chức và sự thất bại của tinh thần đoàn kết. Năm 1989 là đỉnh cao của chủ nghĩa tân tự do và trí thức Công đoàn Đoàn kết, với sự hỗ trợ của Công đoàn Đoàn kết như một công đoàn, đã giám sát liệu pháp sốc triệt để và chuyển đổi thị trường.
Dĩ nhiên, những người Ba Lan bình thường và công nhân Công đoàn Đoàn kết bình thường là đối tượng thụ hưởng kết quả của tiến trình này. Họ phải gánh chịu sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế. Một cách tự nhiên, rất nhiều người trong số họ bất bình trước quá trình chuyển đổi.
Ta vẫn thấy một số người tự xem họ là cánh tả giúp mang lại chủ nghĩa tư bản. Đó là một khoảnh khắc lịch sử thú vị để nhìn lại. Tôi luôn tin cách để hiểu sự vận động của xã hội, đặc biệt trong cánh Tả, không đơn giản như thế hệ nhà hoạt động xã hội trẻ hay nói: “Giới lãnh đạo trước đây đã phản bội phong trào”. Nói vậy rất dễ nhưng tôi nghĩ phần lớn nhà lãnh đạo thực hiện thay đổi bởi họ tin vào điều đó, bởi họ tin nó tốt cho phong trào họ đang tham gia.
Jacek Kuroń là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Năm 1964, Kuroń cùng với Karol Modzelewski viết một loại “Thư ngỏ gửi Đảng” kiểu Tờ-rốt-kít, kêu gọi cách mạng công nhân thực thụ. Năm 1989, ông trở thành bộ trưởng lao động trong chính phủ hậu cộng sản đầu tiên ở Ba Lan, mở đầu cho quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản.
Kuroń hiểu sự nghịch lý một cách hoản hảo, ông nói: “Tôi ở trong tình thế kỳ quặc bởi vì tôi thấy mình là một người cánh tả, nhưng bây giờ không phải thời gian cho chính trị cánh tả. Chúng ta giờ đây buộc phải xây dựng chủ nghĩ tư bản nhanh chóng, thế thì sau đó ta mới có nền dân chủ xã hội”.
Tôi nghĩ đây là sự hiểu lầm hoàn toàn rằng bất kỳ nền dân chủ xã hội nào cũng khả thi. Thực tế, khoảng mười năm sau đó, Kuroń tự mình cũng đi đến kết luận ấy, một mực phủ nhận và hối hận về công việc bộ trưởng sau năm 1989 của mình. Tuy nhiên, Kuroń và nhiều người cựu cánh tả tham gia rất nhiều vào sự thúc đẩy chuyển đổi thị trường của Ba Lan. Họ biết công nhân không thích điều đó nhưng họ lặp đi lặp lại quan điểm “không có giải pháp thay thế”.
Họ không trao cho công nhân quyền phản đối hợp pháp. Họ không muốn nói về giai cấp. Năm 1989 với Ba Lan dĩ nhiên cũng giống như các nước Đông Âu, là lúc họ sáng tạo một xã hội có giai cấp tư sản. Phe cải cách muốn tạo ra những ông chủ quyền uy.
Họ còn ý định sắp xếp lại công nhân thành giai tầng khác với thời kỳ xã hội chủ nghĩa nhà nước, giai tầng ấy không cảm thấy được trao quyền và cũng không nhận mình là một chủ thể quan trọng. Đây là thời kỳ hình thành giai cấp sâu sắc nhưng cánh Tả Ba Lan không thể và sẽ không dùng ngôn ngữ giai cấp để mô tả nó.
Điều đó mở đường cho chủ nghĩa dân tộc quay trở lại. Ngay từ năm 1990 hoặc 1991, người dân nơi đây đã nói dù chủ nghĩa tư bản tổng thể là tốt – mọi người đều ủng hộ tư bản chủ nghĩa vào thời điểm đó, bởi vì người ta thấy tư bản là địch thủ của kẻ thù của họ – sự chuyển đổi sang tư bản không tốt lắm đối với công nhân bởi “người Ba Lan thực thụ” không chịu trả giá vì quá trình này. Họ sử dụng cùng một loại ngôn ngữ yêu nước mà người Ba Lan Cộng sản đã dùng năm 1968 trong thời điểm dân tộc chủ nghĩa bài Do Thái. Họ bắt đầu chỉ trích người nước ngoài hoặc những ai không theo đạo Cơ Đốc chân chính.
Đầu thập niên 1990 khi tôi trở về đây, tôi có thể thấy cánh Tả đang sụp đổ bởi họ không có chương trình nghị sự tốt và không thể tổ chức công nhân Ba Lan vốn bị quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường làm tổn thương. Thay vào đó, điều trớ trêu là cánh Hữu lại ủng hộ công nhân. Đôi khi tôi đọc thấy vài tờ báo bảo thủ Ki-tô vào đầu thập niên 1990 bênh vực người công nhân.
Khác biệt tất nhiên là cánh Hữu không nói công nhân bị quá trình chuyển đổi làm tổn thương. Họ nói đất nước (naród) đang bị thương và cố gắng thể hiện điều đó bằng những thuật ngữ dân tộc chủ nghĩa.
Nền dân chủ xã hội ở phương Tây chỉ khả thi khi cánh Tả bắt đầu thách thức chủ nghĩa tư bản và đòi hỏi một sự thay thế. Trớ trêu ở Ba Lan lúc ấy cũng như phần lớn Đông Âu là phe cánh Tả đều chống cộng, ủng hộ dân chủ và phần nào đó là ủng hộ tư sản. Họ không cố gắng tổ chức công nhân. Họ để cho cánh Hữu tận dụng sự giận dữ của người dân về chủ nghĩa tư bản.
Bi kịch to lớn xuất hiện từ đây. Ngay từ thập niên 1990, tôi dự đoán cánh hữu sẽ nổi lên thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ ở Ba Lan bởi vì người lao động chịu nhiều đau khổ song cánh Tả không giúp tổ chức họ. Ai đó sẽ tổ chức sự giận dữ trong xã hội tư sản bởi vì chủ nghĩa tư bản tạo ra sự tức giận. Nếu cánh Tả không làm, cánh Hữu sẽ làm.
DF: Bốn mươi năm trôi qua cho phép ta có thuận lợi để đưa ra góc nhìn, ông cho rằng di sản của Công đoàn Đoàn kết là gì và ông nghĩ những người ở cánh Tả nói riêng ghi nhớ phong trào ấy như thế nào?
DO: Tôi nghĩ họ nên được ghi nhớ như một phong trào của cánh Tả. Người cánh Tả cần học hỏi lịch sử. Phái Stalin ngày nay không phải là thách thức lớn với cánh Tả – tôi hiểu điều đó như bất kỳ ai. Tuy vậy, tôi cũng hiểu nếu cánh Tả muốn đưa ra một giải pháp thay thế tốt, đứng đắn, khả dĩ chấp nhận được và tiến bộ so với chủ nghĩa tư bản, họ cần ghi nhớ những di sản của chủ nghĩa Stalin và đảm bảo làm điều gì đó tốt hơn.
Công đoàn Đoàn kết thực sự là một phong trào cần lao, tập hợp những công nhân và trí thức không ủng hộ chủ nghĩa tư bản hay tư hữu. Họ kêu gọi dân chủ cấp tiến và đề xuất những ý tưởng mới về cách quản lý mọi thứ.
Một trong những đổi mới sáng giá nhất họ đề xướng khi Đảng Cộng sản đương đàn áp họ năm 1980-1981 là cái mà họ gọi là bãi công chủ động. Họ nói, “Chúng tôi đình công, nhưng vẫn làm việc”.
Ở phương Tây, điều đó chẳng có ý nghĩa gì – nếu ông đang bãi công, ông không làm việc. Song ở đây là một nước xã hội chủ nghĩa. Họ nói: “Chúng tôi là chủ sở hữu thực sự vì vậy chúng tôi sẽ tiếp quản xí nghiệp. Chúng tôi bãi công, chúng tôi đang không làm việc cho cấp quản lý của nhà nước, nhưng chúng tôi sẽ quyết định đích đến của đầu ra. Chúng tôi sẽ gửi than đá đến nơi người ta cần. Chúng tôi sẽ không để đảng phân phối nó.”
Ý tưởng về việc người lao động tự mình kiểm soát và chỉ đạo mọi việc chính là ý tưởng phong trào Công đoàn Đoàn kết hướng tới. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng đối với cánh Tả. Khi công nhân gặp cơ hội và khi không có nguồn vốn tư bản không lồ đè nén họ, họ sẵn sàng và có thể đưa ra ý tưởng riêng. Chúng ta hãy tin cậy người công nhân.
Vấn đề nằm ở chỗ, phong trào Công đoàn Đoàn kết tự thân họ không phải là ví dụ về cách thay đổi nhà nước. Đó là vấn đề chính trị họ chẳng thể giải quyết. Nhưng những gì Công đoàn Đoàn kết làm cho chúng ta thấy khả năng đáng kinh ngạc và sự say mê của công nhân trong việc tự cai trị và tự quản một cách nghiêm túc.