Hồi ký Đời Tôi của nhà cách mạng Leon Trotsky đã được nhóm Đệ tứ Cộng sản Việt Nam dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và xuất bản tại Pháp năm 1998 cũng như trên website Tủ Sách Nghiên Cứu. Do nhiều nguyên nhân, hiện tại ấn bản điện tử đã không còn trên mạng.
Nhận thấy tác phẩm cung cấp góc nhìn sâu và từ cá nhân của Trotsky, có thể giúp độc giả hiểu về chủ nghĩa Marx chân chính, hiểu cuộc đấu tranh phức tạp trước, trong và sau cách mạng Nga, Chuông Rè trân trọng đăng tải toàn văn tác phẩm này.
Nguyên tác: ЛЛЕЕВВ ТТРРООЦЦККИИЙЙ:: ММООЯЯ ЖЖИИЗЗННЬЬ II––IIII
Tủ sách Nghiên cứu dịch theo bản tiếng Pháp:
Léon Trotsky: Ma Vie
Nhà xuất bản Gallimard, Paris 1953
Hoàng Nguyễn đối chiếu, sửa chữa và chỉnh lý theo bản tiếng Hung: Lev Trockij: Életem
Nhà xuất bản Kossuth, Budapest 1989
Trình bày bìa: Hoàng Giang In lần thứ nhất tại Hungary, 1998
NÔNG THÔN VÀ THÀNH THỊ
Tôi không rời khỏi làng trong chín năm đầu của cuộc đời mình. Bảy năm tiếp theo, tôi về làng mỗi vụ hè, đôi khi cả vào dịp lễ Giáng sinh và Phục sinh. Cho đến năm gần mười tám tuổi, tôi gắn bó mật thiết với Ianốpca và với tất cả những gì xung quanh nó. Trong những năm đầu của thời thơ ấu, làng quê có ảnh hưởng hết sức lớn lao đối với tôi. Giai đoạn tiếp theo, ảnh hưởng đó bị cạnh tranh bởi tác động của thành phố và nó đã phải nhường bước trên toàn trận tuyến.
Nông thôn cho tôi kiến thức về nông nghiệp, về máy xay, máy bó lúa của Mỹ. Nó đưa tôi gần gũi với những nông dân – người trong vùng đến xay thuê và cả những người từ các tỉnh thuộc chính phủ Ucơraina đến kiếm ăn với một cái liềm và bị vắt vai. Sau này, nhiều điều trong cuộc sống thôn dã bị lãng quên, mờ nhạt trong ký ức tôi, nhưng ở mỗi bước ngoặt mới của cuộc đời chúng lại xuất hiện và giúp tôi trong việc này, việc khác.
Trong môi trường tự nhiên của nó, nông thôn cho tôi thấy những điển hình của tầng lớp quý tộc bại sản hay của sự đầu cơ tư bản đang lên. Nó bộc lộ cho tôi khá nhiều biểu hiện của mối quan hệ giữa người với người trong cái thô thiển tự nhiên của những mối quan hệ ấy. Do vậy tôi cảm nhận thấm thía hơn một thứ văn hóa khác, cao hơn nhưng cũng chứa đựng lắm mâu thuẫn hơn là văn hóa đô thị.
Ngay từ các vụ nghỉ hè đầu, đã có sự đối chiếu thành thị và nông thôn trong nhận thức của tôi. Tôi trở về nhà với một nỗi hăm hở vô biên. Tim tôi như nhảy lên vì vui mừng. Tôi mong gặp lại tất cả mọi người và khoe mình với họ. Cha tôi đón tôi ở Nôvưi Bugơ. Tôi cho ông xem tất cả những điểm ”5” của mình và giảng giải với ông: từ giờ trở đi tôi đã là học sinh lớp một, tôi rất cần một bộ đồng phục lễ hội.
Chúng tôi đi ban đêm bằng xe hòm, một anh thư ký trẻ làm nhiệm vụ đánh xe. Trong thảo nguyên, nhất là ven bờ thung lũng, không khí lạnh và ẩm ướt trùm lên người, thành thử tôi được trùm trong một chiếc áo choàng dạ lớn. Say sưa vì thay đổi chỗ ở, vì đi đường, vì những kỷ niệm và cảm tưởng, càng ngày tôi càng kể không biết mệt về học đường, về những buổi đi tắm, về cậu bạn Cốtxchia R. của tôi, về nhà hát. Không ngừng một phút, tôi kể từ đầu đến cuối, trước tiên là chuyện Nada Xtôđôlia, rồi đến Anh bạn cùng nhà thổi kèn lệnh. Cha tôi lắng nghe, thỉnh thoảng thiếp đi rồi lại choàng dậy và cười thỏa mãn. Anh thư ký trẻ lâu lâu quay đầu lại và nhìn ông chủ: chà, câu chuyện thật hay!…
Tờ mờ sáng tôi thiếp đi và chỉ thức dậy khi đến Ianốpca. Tôi thấy cán nhà nhỏ kinh khủng, bánh mì nhà quê thì màu xám. Tất cả lối sống nông thôn với tôi vừa thân thuộc vừa xa lạ. Tôi cũng kể cho mẹ và các chị em tôi về sân khấu, nhưng đã không nồng nhiệt như hồi đêm với cha tôi. Trong xưởng tôi gặp Vichia và Đavít, họ thay đổi đến mức tôi gần như không nhận ra: cả hai đều lớn lên nhiều và vạm vỡ. Nhưng họ cũng nhìn tôi với con mắt khác. Họ thưa ”anh” với tôi ngay. Tôi phản đối.
– Làm sao có thể khác được? – anh chàng Đavít rám nắng, gầy gò và trầm tĩnh đáp lại. – Anh đã là người có học thức.
Trong thời gian tôi đi vắng, Ivan Vaxiliêvích đã lấy vợ. Nhà bếp của kẻ ăn những người ở nằm cạnh xưởng, được sửa thành căn hộ cho anh; nhà bếp chuyển vào một nhà mới, tường đất, ngay sau xưởng.
Tuy nhiên không phải chỉ có thế. Đột nhiên tôi cảm thấy một bức tường dựng lên giữa tôi và những gì đã đánh dấu thời thơ ấu của tôi. Mọi thứ đều như thế nhưng cũng không phải như thế nữa. Người và vật hình như đã bị thay thế. Tất nhiên trong vòng một năm, những thay đổi này khác đã xảy ra. Nhưng cái chính là cách nhìn của tôi đã thay đổi. Ngay từ lần thăm nhà đầu tiên, một thứ xa cách đã diễn ra giữa tôi và gia đình: thoạt đầu trong những việc nhỏ nhặt rồi với năm tháng, nó trở nên nghiêm trọng và sâu sắc hơn.
Ảnh hưởng kép của thành thị và nông thôn đã tác động đến cả thời kỳ đi học của tôi. Ở thành phố, tôi cư xử tự tin hơn hẳn mọi người: trừ một vài xung đột hiếm hoi, nhưng dữ dội như với ông ”người Pháp”, hoặc với thầy dạy văn và ngôn ngữ, tôi tiến bước khá đều đặn, tuân thủ dây cương kỷ luật của gia đình và nhà trường. Nguyên nhân điều này tôi thấy một phần nằm ở tập quán sống của gia đình Spenxe, nơi những mối quan hệ cá nhân được tạo dựng trên các yêu cầu hợp lý và những tiêu chuẩn tương đối cao; phần khác trong guồng sống đô thị. Nói đúng ra, những mâu thuẫn của thành thị không nhỏ hơn chút nào so với mâu thuẫn ở nông thôn, ngược lại thậm chí còn lớn hơn; nhưng ở thành phố chúng được che đậy, sắp xếp, quy chế hóa hơn nhiều. Những người thuộc các giai cấp xã hội khác biệt chỉ tiếp xúc với nhau trong các vụ việc làm ăn, ngoài ra họ dường như không tồn tại đối với nhau. Ngược lại ở nông thôn, mỗi người buộc phải sống dưới con mắt những người khác. Mối lệ thuộc của người này vào người khác cũng hiển hiện rõ ràng như chiếc lò so trồi lên khỏi tấm đệm ghế cũ. Ở làng, tính tôi không điềm đạm mà hay sinh sự hơn rất nhiều. Ngay cả với chị Phanni Xôlômônốpna khi chị về nhà tôi chơi, mỗi khi chị thận trọng đứng về phía mẹ hoặc chị tôi, tôi cũng hay gây gổ và tỏ ra hỗn láo với chị mặc dù ở thành phố quan hệ giữa tôi với chị chẳng những tốt mà còn đầy tình thương mến. Những cuộc đụng độ đôi khi chẳng bắt nguồn từ đâu, nhưng lắm lúc chúng bị gây ra bởi những việc nghiêm trọng hơn.
Mặc bộ quần áo mới giặt, thắt lưng da có khóa đồng, đội mũ cát-két gắn một huy hiệu vàng lấp lánh dưới nắng, tôi hoàn toàn choáng lộn. Phải phô điều này cho mọi người được biết chứ! Tôi cùng cha đi xe ra đồng vào thời cao điểm của vụ gặt mùa thu. Anh thợ cả Áckhíp [Arkhip] hay càu nhàu nhưng hiền hậu đi đầu lên một đỉnh đồi, theo sau anh là mười một thợ gặt và mười hai chị bó lúa. Mười hai cái liềm cắt lúa và bầu không khí bị hun đốt. Khi làm việc, Áckhíp vận chiếc quần đơm một khuy sừng, các chị xếp lúa mặc váy rách hoặc áo sơ mi bằng vải mộc. Từ xa, nghe tiếng lưỡi hái mà tưởng như tiếng bầu không khí nóng rung rung.
– Đưa đây cho tôi – cha tôi nói -, để xem rạ mùa đông như thế nào…
Ông đón lưỡi hái từ tay Áckhíp và thế vào chỗ anh. Tôi nhìn ông hồi hộp. Động tác của cha tôi đơn giản, quen thuộc, dường như ông không làm việc mà chỉ chuẩn bị làm; bước chân ông nhẹ nhàng thăm dò như thể ông tìm nơi để có thể ra tay. Ông sử dụng lưỡi hái trong tay một cách đơn giản, hoàn toàn không hăm hở, thoạt nhìn có thể cho rằng ông chưa được chắc tay lắm, nhưng nhát cắt rất thấp, rất bằng – ông tiện đứt và thuận tay hất sang trái những gì đã bị hớt thành một dải liên tục.
Áckhíp liếc nhìn cảnh đó và có thể thấy rằng anh tán thưởng công việc của cha tôi. Những kẻ còn lại nhìn theo nhiều cách: người thì thân thiện – thấy chưa, ông chủ thạo việc; kẻ khác lạnh lẽo – gặt cho mình mà lại, hèn gì, với cả cũng chỉ là làm mẫu thôi.
Có thể tôi chưa diễn đạt được thành lời những gì mình thấy, nhưng tôi cảm thấy vô cùng chính xác cái cơ chế phức tạp của những mối quan hệ. Khi cha tôi bước sang một thửa ruộng khác, tôi cũng tập thử với lưỡi hái.
– Cậu để rạ dưới gót giày, dưới gót giày, còn phần đế phía trước thì thả lỏng ra, đừng đè chặt!
Song trong cơn hồi hộp, tôi không biết cái mũi giày hay cái đế giày ở đâu và vung lưỡi hái lần thứ ba thì đã cắm phập nó vào đất.
– Hê, hê, cứ thế thì chẳng mấy chốc sẽ đi toi cái lưỡi hái – Áckhíp nói. – Cậu còn phải học ông nhiều.
Tôi cảm thấy trên mình cái nhìn chế giễu của một cô gái xếp lúa, người rám nắng và đầy bụi bặm; vội vàng rút lui, mồ hôi của tôi tuôn ra như suối dưới cái mũ cát-két có gắn huy hiệu đẹp.
– Về mà ăn bánh ngọt với mẹ – tôi nghe giọng chế nhạo của Mutudốc sau lưng. Tôi biết anh thợ gặt đen như củ súng này: anh nhập cư hẳn ở Ianốpca sau ba năm làm việc tại đây. Đó là một người khéo tay nhưng hay đặt điều nói xấu, năm ngoái anh cố tình nói những lời độc địa về ông bà chủ trước mặt tôi.
Tôi thích sự bạo dạn và can đảm của anh ta, đồng thời những lời nhạo báng thô lỗ của anh làm nảy nở trong tôi sự thù ghét bất lực. Tôi muốn nói một lời nào đó để biến anh thành đồng minh của tôi, hoặc trái lại, lấy quyền lực để bịt miệng anh nhưng tôi lại không biết những thứ đó…
Khi ở đồng về nhà, tôi thấy bên cửa ra vào một phụ nữ đi đất. Dựa vào tường, chị ngồi xổm bên tấm đá, không dám ngồi lên nó; đó là mẹ của Igơnátca [Ignatka], cậu mục đồng cám hấp. Chị đi bộ bảy dặm để xin một rúp, nhưng chẳng có ai ở nhà và không ai cho chị đồng rúp ấy. Chị sẽ còn đợi đến chiều. Trái tim tôi se lại khi nhìn bóng hình chị, con người thể hiện cả sự khốn cùng và nhẫn nhục.
Một năm sau tình hình cũng không khá hơn tại Ianốpca. Còn trái lại nữa là khác. Chơi bóng chày về, tôi gặp cha tôi đi từ đồng, mệt mỏi và bực dọc, toàn thân đầy bụi bặm, theo sau là một nông dân bé nhỏ ăn mặc lôi thôi, chân trần lấm chấm đen, ông ta rảo bước và cầu khẩn cha tôi:
– Lạy Chúa, cho con xin lại con bò cái, con thề sẽ không để nó vào ruộng nhà ông nữa. Cha tôi trả lời:
– Con bò của mày chỉ ăn có mười cô-pếch, nhưng làm tao hại đến mười rúp đấy! Người nông dân lại van vỉ nhưng trong lời cầu khẩn của ông có pha chút căm hờn.
Cảnh tượng này làm tôi rung động đến tận đường gân thớ thịt sâu thẳm nhất. Tâm trạng hứng khởi của tôi sau trận đấu bóng chày dưới các cây lê, nơi tôi đã đánh bại oanh liệt các chị gái, đột nhiên nhường chỗ cho nỗi thất vọng tràn trề.
Tôi đi rất nhẹ qua trước mặt cha tôi rồi nhào vào phòng ngủ, nằm vật ra giường và khóc nức nở không ngừng dù tôi đã có thẻ học sinh năm thứ hai. Cha tôi qua lối vào phòng ăn, người nông dân theo ông đến bậc thềm, chân đất dậm lên nền. Tôi nghe thấy tiếng người nói rồi người nông dân bước đi.
Mẹ tôi từ trạm xay lúa về, tôi nhận ra giọng bà, tôi nghe thấy mọi người chuẩn bị bữa trưa rồi tiếng bà gọi tôi. Tôi không trả lời, chỉ khóc. Cuối cùng tôi cảm thấy nước mắt cũng có hương vị của niềm hạnh phúc tuyệt vời. Cửa mở và mẹ tôi cúi xuống bên tôi.
– Sao thế con, Liôvôtrơca?
Tôi không trả lời. Cha mẹ tôi thì thầm.
– Con khóc vì cái lão nông dân loắt choắt ấy chứ gì? Nhưng lão ta đã nhận lại được con bò cái, lại chẳng bị phạt xu nào.
– Không phải vì thế đâu – tôi đáp, mặt vùi vào gối, xấu hổ với ý nghĩ: thế mà cũng khóc.
– Ngay cả tiền phạt ông ta cũng không phải nộp – mẹ tôi tiếp tục trấn an.
Cha tôi đoán ra lý do làm tôi buồn và ông nói với mẹ tôi. Chỉ cần liếc qua là ông đã nhận ra khá nhiều việc
Một hôm trong lúc chủ nhà đi vắng, một tên đội trưởng hiến binh thô tục, tham lam, hỗn láo đến nhà tôi, y đòi kiểm tra thẻ căn cước của các công nhân. Thấy hai tờ đã quá hạn, y liền cho gọi chủ nhân từ đồng về và tuyên bố: họ bị bắt giữ và sẽ bị chuyển hồi về nguyên quán cùng đoàn tù khổ sai trong lần gần nhất.
Trong số những kẻ ”phạm tội”, có một ông già cổ rám nắng hằn những vết nhăn sâu, người kia là cháu họ ông, một thanh niên. Cả hai quỳ gối trần trên nền đất nện ở cửa ra vào, ông già quỳ trước và anh thanh niên sau ông, họ cúi sát đất lạy lục và lặp đi lặp lại:
– Nhân danh Chúa cao vời, xin rủ lòng thương chúng con!
Tên hiến binh vạm vỡ, đậm mồ hôi vung vẩy thanh kiếm, nhấp chút sữa lạnh được đem lên từ kho
chứa dưới hầm và đáp lại:
– Tao chỉ làm phúc ngày lễ thôi mà bữa nay lại là ngày thường…
Tôi thấy mình như đứng trên lửa bỏng và lắp bắp một câu phản đối gì đó bằng giọng nghẹn ngào.
– Đây không phải chuyện của cậu – tên hiến binh nghiêm khắc nói, tách rời từng âm tiết một.
Chị cả tôi giơ ngón tay ra hiệu tôi đừng nói vào. Tên hiến binh đưa hai người thợ đi.
Tôi giữ chân kế toán trong vụ hè. Lần lượt, tôi, anh và chị tôi ghi vào sổ đăng ký các công nhân được tuyển dụng, điều kiện tuyển dụng cùng những khoản chi trả bằng hiện vật hoặc bằng tiền. Khi tổng kết, thanh toán, tôi hay phụ việc cho cha tôi, khi ấy chúng tôi thường có những cuộc cãi cọ ngắn, bị nén lại vì sự có mặt của các công nhân. Người ta không lừa ai bao giờ, song các điều kiện trong hợp đồng luôn được diễn giải rất chặt chẽ. Các ông thợ, nhất là những người nhiều tuổi nhận ra cậu bé đứng về phía họ và điều đó làm cha tôi bực bội.
Sau những cuộc cãi vã kịch liệt, tôi cắp nách một cuốn sách, bỏ đi và đôi khi không trở về ăn bữa trưa. Sau một lần cãi cọ như thế, tôi bất ngờ gặp cơn giông ngoài đồng, sấm rền không ngớt, thảo nguyên nín thở dưới cơn mưa rào lớn, dường như các tia chớp tấn công tôi lúc từ phía này, lúc từ phía khác. Tôi đi đi lại lại, người ướt sũng, lội bì bõm trong đôi giày và chiếc mũ cát-két của tôi biến thành một máng nước. Khi trở về đến nhà, mọi người liếc mắt nhìn trộm tôi. Chị tôi bắt tôi thay quần áo khô và cho tôi ăn.
Cuối kỳ nghỉ hè, theo thường lệ tôi cùng cha tôi trở về thành phố. Những khi đổi tàu, chúng tôi không thuê người vác mà tự mang lấy hành lý. Cha tôi xách những thứ nặng nhất và cứ nhìn dáng lưng và cánh tay dang ra của ông, tôi biết ông khó nhọc. Tôi thấy thương ông và cố xách những gì tôi xách được. Thỉnh thoảng trong số hành lý, chúng tôi cũng mang một chiếc thùng lớn đựng quà cáp của dân làng đem biếu bà con ở Ôđétxa, khi ấy phải thuê người vác. Cha tôi trả công rất chi li. Người phụ vác không bằng lòng và lắc đầu vẻ phật ý. Việc này bao giờ cũng làm tôi cảm thấy khó chịu. Nếu tôi đi xe tàu một mình và phải thuê người vác, tôi tiêu vung tiền túi rất nhanh, bao giờ cũng sợ trả chưa đủ và tôi băn khoăn tìm ánh mắt của người phụ vác. Tôi phản ứng lại tính dè sẻn của gia đình như vậy và suốt đời tôi vẫn thế.
Ở nông thôn cũng như ở thành thị, tôi đã sống trong môi trường tiểu tư sản, nơi mà mọi cố gắng đều hướng về sự làm giàu. Thành thử, tôi xa cách môi trường nông thôn những năm đầu của thời thơ ấu và cả thế giới thành thị của những năm tôi đi học. Tôi rời bỏ bản năng góp nhặt, lối sống và tầm nhìn tiểu tư sản bằng một động lực bất ngờ và xa rời chúng trong suốt cuộc đời.
Trong các vấn đề tôn giáo và dân tộc, thành thị và nông thôn không đối lập với nhau, ngược lại, chúng bổ sung cho nhau từ nhiều mặt.
Gia đình tôi không có tư tưởng sùng đạo. Thoạt tiên, một vài biểu hiện bên ngoài còn sót lại bởi ảnh hưởng của sức ỳ: trong những ngày lễ lớn, cha mẹ tôi đến nhà thờ Do Thái của khu kiều dân, ngày thứ bảy mẹ tôi không may áo quần, ít ra cũng không may trước mặt mọi người. Nhưng những tập tục nghi lễ ấy càng yếu dần đi theo ngày tháng, khi lũ trẻ lớn lên và gia đình cũng khá giả hơn. Từ thời thanh niên, cha tôi đã không tin vào Chúa và sau này ông nói thẳng ra điều đó trước mặt vợ con. Mẹ tôi muốn tránh vấn đề này, mỗi khi nhắc đến nó bà lại ngước mắt nhìn trời.
Khi tôi lên bảy hoặc tám tuổi, mọi người coi lòng tin vào Chúa như một thứ chính thống. Có lần, một ông khách – như thường lệ, cha mẹ tôi đem khoe những đứa con mình và bắt tôi phải đưa ra những bức tranh cùng thơ ca do tôi làm – đã hỏi tôi:
– Thế Chúa Trời là gì?
– Chúa Trời là một loại người – tôi trả lời không chút ngập ngừng.
Nhưng ông khách lắc đầu.
– Không, không, Chúa Trời không phải là người
– Thế thì Chúa Trời là gì? – đến lượt tôi vặn lại vì ngoài con người ra, tôi chỉ biết thú vật và cây cỏ.
Ông khách và cha mẹ tôi lúng túng đưa mắt và mỉm cười với nhau như cách người lớn vẫn làm khi lũ trẻ con đả động đến các vấn đề nan giải muôn thuở.
– Chúa Trời là một đấng tinh thần – ông khách nói.
Đến lượt tôi mỉm cười bối rối nhìn lên mặt người lớn xem họ có chế giễu tôi không.
Nhưng không, hoàn toàn không phải trò đùa. Không còn cách nào khác, tôi phải chấp nhận điều này. Tôi quen nhanh chóng với chuyện Chúa Trời là một đấng tinh thần thuần túy. Cũng như một kẻ mọi rợ, tôi liên hệ ý tưởng Chúa Trời với ý tưởng về tinh thần của chính tôi mà tôi gọi là linh hồn, tôi đã biết rằng, tinh thần tức hơi thở sẽ mất đi khi con người qua đời. Nhung lúc đó tôi chưa biết đây là một học thuyết có tên là thuyết vật linh.
Vào kỳ nghỉ hè đầu tiên, khi tôi sắp sửa ngủ trên chiếc ghế dài trong phòng ăn, tôi bắt chuyện về Chúa Trời với D., một sinh viên đến chơi Ianốpca, anh cũng nghỉ trưa trên chiếc đi-văng. Thời đó, tôi bán tín bán nghi về sự hiện hữu của Chúa Trời. Tôi không chú ý đặc biệt đến vấn đề này, nhưng giá có một câu trả lời xác đáng thì cũng hay.
– Sau khi người ta chết, linh hồn biến đi đâu? – tôi hỏi, đầu ngả trên gối.
– Thế nó biến đi đâu khi người ta ngủ? – trả lời.
– Nhưng mà những khi ấy,… vẫn… – tôi đáp lại, cố chống cơn buồn ngủ.
D. tiếp tục tấn công:
– Thế linh hồn một con ngựa biến đi đâu khi nó lăn quay ra chết?
Lời bác bỏ ấy khiến tôi thỏa mãn hoàn toàn và tôi chìm vào giấc ngủ thanh thản.
Trong gia đình Spenxe, tuyệt đối không có tư tưởng tôn giáo, trừ một bà cô già nhưng không ai tính đến. Tuy nhiên, cha tôi muốn tôi biết Kinh Thánh trong nguyên bản, đó là một trong những điều tự đắc cơ bản của ông. Vì thế ở Ôđétxa, tôi có những tiết học riêng về Kinh Thánh với một cụ già rất thông thái. Những buổi học ấy chỉ kéo dài vài tháng, chúng không hề củng cố chút nào về đức tin trong tôi. Phát hiện trong lời nói của ông thày một chút sắc thái lập lờ đối với văn bản chúng tôi đang nghiên cứu, tôi hỏi ông bằng sự thận trọng của nhà ngoại giao:
– Nếu chúng ta đặt giả thiết – như nhiều người nghĩ – rằng không có Chúa Trời thì thế giới xuất
hiện như thế nào?
– Hừm – thầy trả lời -, con có thể đặt câu hỏi này cho chính bản thân người đó.
Cụ già chỉ giảng giải bằng những lời vòng vo như thế. Tôi hiểu rằng người dạy đức tin cho tôi cũng chẳng tin vào Chúa Trời và vì thế, cuối cùng tôi hoàn toàn yên tâm.
Học sinh của trường Trung học Hiện đại thuộc nhiều dân tộc và tôn giáo khác nhau. Tùy theo từng tôn giáo, giáo lý ”thánh hiền” được nhiều thầy giảng giải: một linh mục nhà thờ chính thống, một mục sư Tin Lành, một cha Thiên Chúa giáo và một giáo trưởng Do Thái.
Ông linh mục là cháu họ của vị tổng giám mục và như lời thiên hạ, ông được các bà sủng ái. Đó một thanh niên đẹp như trong tranh, có mái tóc vàng hoe giống chúa Kitô, nhưng hoàn toàn là kẻ thế tục với cặp kính gọng vàng, mái tóc bồng vàng chóe và trưng diện đến mức không ai chịu nổi. Trước giờ học giáo lý, các học sinh được chia ra từng nhóm, những kẻ không theo đạo chính thống bị đưa ra khỏi lớp, đôi khi ngay trước mặt ông linh mục. Đối với họ, ông ta có một vẻ mặt đặc biệt: ông khinh khỉnh nhìn những người đi ra, tuy có giảm đi chút ít bởi tấm lòng rộng lượng của chúa Kitô.
– Các anh đi đâu? – ông hỏi một trong những người ra khỏi lớp.
– Chúng con theo Thiên chúa giáo – người kia đáp.
– A! Thiên chúa giáo…
Ông linh mục lặp lại và đu đưa cái đầu.
– Tốt, tốt, tốt… thế còn các anh kia?
– Chúng con là Do Thái.
– Do Thái, trẻ con Do Thái, ờ… ờ… ờ…
Một ông cha cố Ba Lan nhập vào đám học sinh Thiên Chúa giáo như một bóng đen, lúc nào ông cũng đi nép vào tường, ông đến rồi vụt biến đi chẳng ai nhận ra đến nỗi trong những năm đi học chưa bao giờ tôi thấy rõ khuôn mặt cạo nhẵn nhụi của ông. Một người tốt bụng tên là Dieghenman [Ziegelmann] dạy Kinh Thánh và lịch sử dân tộc Do Thái bằng tiếng Nga cho các học sinh Do Thái. Chẳng ai coi trọng những giờ học ấy.
Vấn đề dân tộc không bao giờ làm tôi bận tâm vì không dễ nhận ra nó trong đời sống thường nhật.
Mặc dù những đạo luật đặc biệt ban bố năm 1881 khiến cha tôi không được mua đất – đó luôn là tham vọng
của ông – và chỉ được thuê đất bằng tên người khác; nhưng tất cả những điều này đụng chạm đến tôi quá ít.
Là con một địa chủ khá giả, tôi thuộc về giai cấp có lợi quyền hơn là những người bị áp bức.
Trong gia đình và ở trang trại, người ta dùng thứ tiếng Nga có lẫn tiếng Ucơraina. Khi tôi đăng ký vào trường học, một định lượng hạn chế (numerus clausus) mười phần trăm đối với người Do Thái khiến tôi mất một năm học, nhưng sau đó lúc nào tôi cũng thuộc số học sinh đứng đầu lớp và tôi không cảm thấy trực tiếp tác động của định lượng ấy. Các học sinh thuộc dân tộc thiểu số trong trường cũng không bị đàn áp ra mặt. Ở một mức độ nào đó, thành phần chủng tộc phong phú – chẳng những của các học sinh mà cả trong số giáo viên – cũng góp phần tạo nên điều này. Nhưng vẫn có thể cảm thấy một thứ chủ nghĩa sô- vanh tiềm ẩn và thỉnh thoảng nó nổ ra. Thầy giáo dạy sử Liubimốp khoái trá vặn hỏi một học sinh Ba Lan về việc những người theo đạo chính thống bị tổ tiên anh ta đàn áp như thế nào ở Bêlôrútxia và Lítva [Lithuanie]. Míchkiêvích [Mickiévitch], một cậu bé da nâu gầy gò, mặt mày tái mét, răng nghiến chặt đứng trước mặt thày giáo và không nói một lời nào.
– Này, anh làm sao đấy? – Liubimốp thúc giục cậu ta với một vẻ thích thú trông thấy. – Sao anh lại im lặng?
Một học sinh không chịu được nữa nói:
– Míchkiêvích cũng là người Ba Lan và là người Công giáo.
– À, à thế à… – Liubimốp kéo dài giọng với một vẻ ngạc nhiên giả trá. – Ở trường này, không có những sự phân biệt như thế…
Tôi phản ứng gay gắt trước những điều giả dối đểu cáng của ông thày dạy sử đối với các học sinh Ba Lan, sự gây gổ độc ác của lão Buốcnang ”người Pháp” với học sinh người Đức và cái lắc đầu của tay linh mục trẻ khi nhìn thấy ”lũ trẻ con Do Thái”. Sự bất bình đẳng giữa các dân tộc hẳn đã là một trong những động lực ngấm ngầm khiến tôi chán ghét chế độ, nhưng lý do này hoàn toàn tan biến đi trong những bất công khác của xã hội và chẳng những không đóng vai trò cơ bản, sự bất bình đẳng ấy còn không có vai trò độc lập.
Ý thức về ưu thế của toàn thể đối với bộ phận, của quy luật đối với sự việc, của lý thuyết đối với kinh nghiệm cá nhân đã nảy sinh sớm trong tôi và lớn mạnh lên cùng với tháng năm. Thị thành đóng vai trò quyết định trong việc hình thành ý thức này, cái ý thức sau đó trở nên nền tảng thế giới quan của tôi. Khi bọn học sinh – đã học vật lý và khoa học tự nhiên – nói những điều mê tín về ngày thứ hai, cho đó là một ngày xấu, hoặc bảo điều bất hạnh sẽ tới nếu một cha cố qua đường trước mặt họ, tôi vô cùng phẫn nộ và coi đó là một xúc phạm đến tư tưởng. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để lôi kéo các bạn tôi ra khỏi những tín ngưỡng nhục nhã ấy.
Khi ở Ianốpca người ta phải vất vả lắm để tính diện tích một thửa ruộng có dạng hình thang, tôi dùng theo cách của Ơcơlít [Euklitde] và giải phăng bài toán trong vòng hai phút. Nhưng đáp số của tôi không phù hợp với kết quả ”thực nghiệm” và người ta không tin tôi. Tôi chỉ cho họ sách giáo khoa hình học, tôi thề thốt về khoa học, tôi giận dữ, tôi hỗn hào nhưng không thuyết phục được ai và đành chịu thất vọng.
Tôi tranh cãi dữ dội với Ivan Vaxiliêvích, người thợ máy của làng vì anh không từ bỏ hi vọng thiết kế một động cơ vĩnh cửu vào một lúc nào đó. Với anh, định luật bảo toàn năng lượng là thứ lý thuyết không mấy liên quan đến đối tượng anh tìm tòi.
– Sách là một chuyện, còn thực hành lại là chuyện khác… – anh nói.
Tôi không hiểu được và không chịu được những người nhân danh sai lầm thông thường hoặc những mơ tưởng phi lý để từ bỏ các chân lý bất di, bất dịch.
Về sau này, ý thức rằng cái tổng quát có ưu thế trên cái cá biệt đã trở thành bộ phận không thể tách rời trong các công trình văn học và trong đường lối chính trị của tôi. Chủ nghĩa kinh nghiệm thiển cận, thái độ cúi đầu trước sự việc – đôi khi chỉ là một sự tưởng tượng, nhiều lúc bị suy diễn sai trái – đối với tôi thật đáng thù ghét. Tôi tìm các quy luật trên các sự kiện. Cố nhiên việc này lắm khi dẫn tôi đến những tổng quát hóa vội vàng, nhầm lẫn, nhất là trong những năm tôi còn trẻ, khi tôi còn thiếu các hiểu biết đầy đủ về khoa học và cuộc đời. Nhưng trong mọi lĩnh vực, tôi chỉ cảm thấy mình có khả năng tiến bộ và tung hoành nếu tôi nắm được trong tay sợi dây khái quát hóa. Chủ nghĩa xã hội cách mạng cấp tiến trở thành trục chính của đời sống tinh thần trong tôi, xuyên suốt cuộc đời, bắt nguồn chính từ sự thù nghịch tư tưởng với những thứ đấu tranh tầm thường bới lông tìm vết, với chủ nghĩa kinh nghiệm và nói chung, với tất cả những thứ không được hình thành trong một ý thức hệ, không được khái quát hóa trên phương diện lý thuyết.
Tôi thử nhìn lại bản thân mình thời đó. Không chút nghi ngờ, tôi là một cậu bé đầy tự phụ, sôi sục, có thể là khó gần. Khi đứa bé ấy vừa đi học, nó không có mấy ý thức về sự trội hơn đối với các bạn cùng lứa. Đúng là ở làng người ta đem nó ra khoe với khách đến chơi, nhưng tại đó nó không có ai để so sánh khả năng của mình. Còn lũ trẻ thành phố đôi khi về Ianốpca, chúng luôn có cái uy thế ”bề trên” không thể với tới được của các học sinh trung học, đó là chưa kể đến lợi thế về tuổi tác khiến người ta chỉ có thể nhìn chúng từ dưới lên.
Ngược lại, trường học là một đấu trường cạnh tranh kịch liệt. Kể từ giây phút được đứng đầu lớp, bỏ xa đứa thứ nhì, chú bé người Ianốpca cảm thấy nó có khả năng hơn những kẻ khác. Lũ trẻ chơi với nó thừa nhận nó hơn bọn chúng. Điều này không thể không ảnh hưởng đến tính tình của nó. Các thầy giáo cũng rất hay khen ngợi nó; một vài thầy như ông Cơrưgianốpxki còn đưa nó lên vị trí rất cao. Nói chung các thầy đối xử với nó tốt nhưng dè chừng. Ở lũ học sinh thì có sự phân chia: nó có những bạn bè rất thân thiết nhưng cũng có những kẻ thù địch.
Nó không phải không biết tự phê bình, thậm chí còn đòi hỏi rất cao với bản thân. Nó chưa bằng lòng với kiến thức đã có và những nét chính trong tính khí nó, với thời gian, ý thức ấy càng trở nên mạnh mẽ. Nó giận dữ khi thấy mình chưa nói sự thực, nó luôn luôn trách mình khi chưa đọc những cuốn sách mà các bạn khác tự tin nhắc đến… Cố nhiên những điều này gắn liền với tính tự ái của nó. Ý tưởng muốn thành người giỏi hơn, thông minh hơn, hiểu biết hơn, không để cho nó yên. Nó suy nghĩ về số phận con người và đặc biệt, số phận nó nói riêng.
Một buổi tối, Môixây Philíppôvích đi qua trước mặt tôi và trịnh trọng hỏi:
– Này cậu em, cậu có suy nghĩ về cuộc đời không?
Người bảo lãnh tôi thường dùng đến lối tu từ đùa cợt bằng một kiểu nói châm biếm như trên sân khấu. Nhưng lần này, câu hỏi ấy khiến tôi cảm thấy như bỏng rát cả cơ thể. Đúng, tôi đang suy nghĩ về cuộc đời; chỉ có điều tôi chưa biết định nghĩa tất cả những băn khoăn, day dứt của một cậu bé đứng trước tương lai bằng khái niệm ấy. Tôi có cảm tưởng người bảo lãnh của tôi đã thấu tỏ tất cả.
– Nào, thấy chưa, có phải là tôi đoán đúng không? – anh nói bằng giọng khác hẳn, vỗ nhẹ vào lưng tôi và về phòng mình.
Trong gia đình Spenxe có những chính kiến về chính trị không? Có, đó là những ý tưởng tự do chủ nghĩa ôn hòa; trong trường hợp Môixây Philíppôvích, là cảm tình mơ hồ với chủ nghĩa xã hội pha chút sắc thái dân túy và tư tưởng Tônxtôi. Người ta hầu như không bao giờ nói chuyện chính trị, nhất là trước mặt tôi: có thể họ sợ tôi nói quá đi vài lời trước bạn bè và gây tai họa cho gia đình. Khi trong câu chuyện của người lớn, tình cờ ai đó nhắc đến những sự kiện liên quan đến phong trào cách mạng – ví dụ ”chuyện này xảy ra vào năm Alếchxanđơrơ Đệ nhị bị ám hại” – thì điều đó như từ một quá khứ xa xôi, dường như người ta nói: ”vào năm Côlômbô [Colomb] tìm ra châu Mỹ”.
Môi trường tôi sống xa lạ với chính trị. Trong những năm đi học, tôi không có những chính kiến chính trị và cũng không thấy nhu cầu cần phải có. Nhưng những khuynh hướng tự phát của tôi lại mang tính đối lập. Tôi thù ghét sâu sắc trước chế độ hiện hành, trước những bất công chuyên chế. Cái đó đến với tôi từ đâu? Từ thời đại Alếchxanđơrơ Đệ tam, từ chế độ cảnh sát bạo hành, từ sự bóc lột của lũ địa chủ, những hà lạm của bọn viên chức, từ sự cự tuyệt quyền lợi cho các dân tộc thiểu số, những bất công trong trường, ngoài phố, từ những quan hệ mật thiết của tôi với nông dân, người ở, công nhân, từ những câu chuyện nghe được trong nhà xưởng, từ tinh thần nhân đạo bao trùm trong gia đình Spenxe, từ thơ Nhêcơraxốp và những cuốn sách khác, tóm lại, từ bầu không khí xã hội đương thời. Tôi phát hiện ra trong mình có cá tính phản kháng ấy do tiếp xúc với hai người bạn cùng lớp: Rốtdêvích [Rodzevitch] và Côlôgơrivốp [Kologrivov].
Vơlađimia [Vladimir] Rốtdêvích là con một đại tá, học giỏi thứ nhì trong lớp. Anh năn nỉ xin với bố mẹ cho phép mời tôi đến chơi nhà vào một ngày chủ nhật. Họ tiếp tôi khá lạnh nhạt nhưng cũng tử tế. Ông đại tá và bà vợ ít trò chuyện với tôi, dường như họ muốn thử tôi. Trong ba bốn giờ ở gia đình Rốtdêvích, có lẽ hai lần tôi vấp phải một cái gì đó xa lạ làm tôi lo ngại, thậm chí thù ghét: khi người ta đụng chạm đến vấn đề tôn giáo hoặc quyền lực. Cái giọng bảo thủ hiền từ ngự trị trong gia đình ấy làm tôi như bị thụi vào ngực. Vơlađimia bị cha mẹ cấm không được gần tôi, thành thử quan hệ chúng tôi đứt đoạn. Sau cuộc cách mạng thứ nhất, ở Ôđétxa có một gã ”trăm đen” rất nổi danh mang họ Rốtdêvích, hẳn là một thành viên của gia đình này.
Ấn tượng của tôi về Côlôgơrivốp còn mạnh mẽ hơn. Anh được vào thẳng học kỳ hai, năm thứ hai. Đó là một chàng trai cao ráo và dị hình, khá kỳ quặc trong lớp. Anh chăm chỉ đến mức không thể tưởng tượng được. Hễ có thể là anh học thuộc lòng tất cả mọi thứ. Ngay trong tháng đầu đến trường, anh đã mụ đầu vì thế. Khi bị thày giáo địa lý gọi lên bảng trả lời, chẳng chờ câu hỏi Côlôgơrivốp đã tuôn ngay:
- Giêxu Kitô [Jesus Christ] giáo giảng hòa bình…
Anh tưởng đang học giờ giáo lý Cơ đốc, giờ này liền sau giờ địa lý.
Một lần trò chuyện với Côlôgơrivốp – anh khá nể tôi vì tôi đứng đầu lớp – tôi buông một câu phê bình ông hiệu trưởng hay một ai đó không nhớ nữa.
– Có thể nói như thế về thầy hiệu trưởng được không? – Côlôgơrivốp hỏi với vẻ phật ý thành thật.
– Tại sao không? – Tôi hỏi lại, ngạc nhiên một cách thành thật không kém.
– Nhưng ông ấy là cấp trên của chúng ta. Và nếu cấp trên của cậu ra lệnh cho cậu đi bằng đầu thì nhiệm vụ của cậu là tuân lệnh chứ không được kêu ca.
Đây là những lời lẽ của anh ta. Câu tuyên bố đầy tính công thức ấy làm tôi ngạc nhiên. Lúc đó tôi không nghĩ ra rằng anh ta chỉ nói những điều đã được nghe nhiều lần trong cái gia đình phong kiến của anh. Và mặc dù chưa có chính kiến riêng nhưng tôi cảm thấy có những cái nhìn mà tôi không thể chấp nhận được, cũng như tôi không ăn nổi thức ăn thiu thối.
Đồng thời với mối căm thù mù quáng nhằm vào chế độ chính trị của nước Nga, tôi bắt đầu lý tưởng hóa ngoại quốc – Tây Âu và Mỹ – mà không nhận thấy. Căn cứ vào những nhận xét được bổ sung bằng trí tưởng tượng và những điều tản mạn, rải rác, tôi hình dung ra hình ảnh một nền văn hóa cao, bao trùm tất cả mọi người, không trừ ai. Sau này, tôi còn thêm vào đấy quan niệm về một chế độ dân chủ lý tưởng. Chủ nghĩa duy lý thời non trẻ của tôi bảo tôi rằng nếu chúng ta hiểu được cái gì đó thì tức thời ta cũng thực hiện được chúng. Vì thế tôi thấy thật vô lý chuyện châu Âu vẫn còn mê tín, giáo hội vẫn có một vai trò lớn và ở Mỹ người da đen vẫn bị khủng bố. Cái cách lý tưởng hóa được tiếp thu lúc nào không biết từ môi trường tiểu tư sản và tự do chủ nghĩa vẫn còn cho đến tận sau này, khi những tư tưởng cách mạng bắt đầu thâm nhập vào tôi. Trong những năm đó, hẳn tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu tôi đã biết – nếu tôi có thể biết – rằng nước Cộng hòa Đức do những người xã hội dân chủ nắm quyền cho phép những kẻ theo chủ nghĩa quân chủ cư trú, nhưng lại chối từ quyền tỵ nạn của những nhà cách mạng. Từ đó, may là tôi đã không ngạc nhiên trước nhiều điều. Cuộc sống loại trừ khỏi con người tôi chủ nghĩa duy lý và dạy tôi phép biện chứng. Có là Hécman Muynle [Hermann Müüller] đi chăng nữa cũng không thể làm tôi ngạc nhiên.