Hồi ký Đời Tôi (L. Trotsky) (Chương IV)

Hồi ký Đời Tôi của nhà cách mạng Leon Trotsky đã được nhóm Đệ tứ Cộng sản Việt Nam dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và xuất bản tại Pháp năm 1998 cũng như trên website Tủ Sách Nghiên Cứu. Do nhiều nguyên nhân, hiện tại ấn bản điện tử đã không còn trên mạng.

Nhận thấy tác phẩm cung cấp góc nhìn sâu và từ cá nhân của Trotsky, có thể giúp độc giả hiểu về chủ nghĩa Marx chân chính, hiểu cuộc đấu tranh phức tạp trước, trong và sau cách mạng Nga, Chuông Rè trân trọng đăng tải toàn văn tác phẩm này.

Nguyên tác: ЛЛЕЕВВ ТТРРООЦЦККИИЙЙ:: ММООЯЯ ЖЖИИЗЗННЬЬ II––IIII

Tủ sách Nghiên cứu dịch theo bản tiếng Pháp:

Léon Trotsky: Ma Vie

Nhà xuất bản Gallimard, Paris 1953

Hoàng Nguyễn đối chiếu, sửa chữa và chỉnh lý theo bản tiếng Hung: Lev Trockij: Életem

Nhà xuất bản Kossuth, Budapest 1989

Trình bày bìa: Hoàng Giang In lần thứ nhất tại Hungary, 1998

SÁCH VÀ NHỮNG XUNG ĐỘT ĐẦU TIÊN

Thiên nhiên và con người chiếm ít chỗ trong đời sống tinh thần hàng ngày của tôi so với sách vở và tư tưởng, không chỉ vào những năm còn đi học mà cả sau này, trong thời thanh niên của tôi. Mặc dầu được sinh ra ở nông thôn, tôi không nhậy cảm lắm với thiên nhiên. Tôi chỉ phát triển khả năng để ý và thấu hiểu tự nhiên vào thời sau này, khi tôi đã để lại sau lưng không chỉ thời niên thiếu mà cả những năm đầu của thời thanh niên. Một thời kỳ dài, con người đi qua ý thức của tôi như những chiếc bóng tình cờ. Tôi tự tìm hiểu bản thân và sách vở và trong đó, tôi lại kiếm tìm bản thân và tương lai của mình.

Tôi bắt đầu đọc sách từ năm 1887, hồi Môixây Philíppôvích đến Ianốpca: anh mang theo một chồng sách, trong số đó có cả những cuốn giọng điệu rất dân dã của Tônxtôi [Tolstoi]. Trong thời gian đầu, chúi vào sách không phải là một công việc nhẹ nhàng gì, thậm chí còn mệt nhọc là khác. Mỗi cuốn sách mới đem lại những trở ngại mới: những từ ngữ lạ lẫm, những tình cảnh sống khó hiểu và sự bấp bênh phân chia thực tại và hư ảo. Trong đa số trường hợp tôi không có ai để hỏi. Những khi ấy tôi thường lạc lối, tôi bỏ cuộc rồi lại bắt đầu từ đầu, niềm vui mơ hồ của sự hiểu biết trộn lẫn với nỗi sợ hãi những thứ mới lạ. Có thể so sánh việc đọc sách của tôi thời ấy như một chuyến đi xe ngựa buổi đêm trong thảo nguyên: ta nghe thấy tiếng bánh xe nghiến, tiếng người thì thào, những đống củi ven đường xuất hiện từ bóng tối; dường như mọi thứ đều quen thuộc, cùng lúc ấy, ta không biết điều gì đang xảy ra, ai đi và mang vác cái gì, ta không biết cả chính mình đang đi đâu, tiến hoặc lùi. Và không có ai giải thích cho bạn, theo kiểu của bác Grigôri, rằng ”đó là những nông dân chở ngũ cốc cho chúng ta”.

Ở Ôđétxa có nhiều sách vở hơn hẳn và tôi được hướng dẫn một cách chăm chú và ân cần. Tôi bắt đầu ngấu nghiến sách vở. Chỉ có thể tách tôi khỏi chúng khi mọi người bắt tôi đi dạo. Khi đi chơi, tôi sống lại những gì đã đọc và vội vã muốn biết phần tiếp theo. Cứ tối tối, tôi xin thêm mười lăm phút nữa, hoặc ít ra dăm phút, để đọc hết một chương. Tối nào cũng xảy ra những cuộc cãi cọ lặt vặt về chuyện đó.

Sự ham muốn được thấy, được biết, được chiếm lĩnh nảy sinh và tìm thấy lối thoát trong quá trình tiếp thu không mệt mỏi những trang sách in; bàn tay và đôi môi con trẻ của tôi lúc nào cũng vươn về ly rượu của sáng tạo văn học. Những điều thú vị, cảm động, niềm vui, nỗi buồn mà sau này cuộc sống sẽ giành cho tôi đều đã chứa đựng trong những cảm xúc khi tôi đọc sách, như mối liên tưởng hứa hẹn nào đó, như một bức phác thảo rụt rè và nhẹ nhàng bởi cây bút chì hoặc màu nước.

Trong những năm đầu tôi trọ học ở Ôđétxa, các buổi đọc sách chung ban đêm là những giờ, hay đúng hơn là những nửa giờ đẹp nhất trong ngày, khi tôi đã làm xong bài tập về nhà và chưa đi ngủ. Moisei Philíppôvích là người đọc, anh hay đọc Pútsơkin [Pouchkine] hoặc Nhêcơraxốp [Nékrassov] và thường đọc Nhêcơraxốp hơn. Nhưng cứ đến giờ đã định là chị Phanni Xôlômônốpna luôn lên tiếng:

  • Liôvútsca [Liovouchka], đến giờ đi ngủ rồi đấy.

Tôi nhìn chị van vỉ.

  • Này cậu bé, phải đi ngủ thôi – Môixây Philíppôvích nói.
    • Thêm năm phút nữa mà! – tôi van nài và người ta cho thêm năm phút. Sau đó tôi hôn từ biệt anh chị và đi ngủ với cảm giác rằng tôi có thể nghe anh đọc suốt đêm, nhưng vừa đặt đầu xuống gối là tôi đã ngủ ngay.

Xôphia [Sófhia], một nữ sinh lớp tám trường Trung học Cổ điển, bà con xa của tôi, tình cờ đến trọ tại gia đình Spenxe vài tuần để tránh cơn dịch sốt phát ban ở nhà cô. Đó là một cô gái rất có năng khiếu và đọc nhiều, dù cô hơi thiếu bản sắc và cá tính. Cô tàn tạ rất nhanh. Tôi hâm mộ cô, cứ mỗi ngày lại tìm thấy ở cô những kiến thức và phẩm chất mới và thường xuyên cảm thấy sự kém cỏi của mình. Tôi chép lại cho cô chương trình thi và giúp cô vô số những việc lặt vặt. Sau bữa trưa, khi người lớn đi ngủ, chúng tôi đọc cho nhau nghe rồi dự định cùng làm chung một tập thơ châm biếm với nhan đề Du lịch lên cung trăng. Trong công việc này tôi thường xuyên để mất nhịp thơ. Vừa gợi ra được một ý nhỏ nào đó, người chị cùng cộng tác với tôi liền nắm bắt lấy, phát triển nhanh đề tài và đưa ra hàng loạt khả năng khác; cô tìm vần rất dễ dàng và hầu như cuốn tôi theo. Khi thời gian sáu tuần tránh bệnh dịch đã trôi qua và Xôphia trở về nhà, tôi cảm thấy mình đã lớn.

Trong số những người quen biết xuất sắc của gia đình, có Xécgây Ivanôvích Xưtrépxki [Serguei Ivanovitch Sytchovsky], một nhà báo già lãng mạn, một học giả và nhà bình luận nổi tiếng ở miền Nam về Sếchxpia [Shakespeare]. Đó là một người có tài nhưng hỏng vì rượu chè. Vì quá chén, ông luôn có mặc cảm tội lỗi đối với mọi người, kể cả với con trẻ. Ông quen Phanni Xôlômônốpna từ thời còn trẻ và thân mật gọi cô là Phaniútsca [Faniouchka]. Ngay từ buổi đầu, Xécgây Ivanôvích rất quý tôi. Sau khi gạn hỏi tôi về những gì xảy ra trong trường, ông giao cho tôi một đề tài: so sánh hai bài thơ Nhà thơ và người buôn sách của Pútsơkin và Nhà thơ và người công dân của Nhêcơraxốp. Tôi lạnh toát cả người. Tôi chưa đọc tác phẩm thứ hai trong hai tác phẩm kể trên và Xưtrépxki làm tôi rất sợ vì tư cách nhà văn của ông. Hai từ ấy đối với tôi là một tiếng vang dội từ một đỉnh cao xa vời.

  • Chúng ta sẽ đọc ngay hai bài thơ này – Xécgây Ivanôvích nói và bắt đầu đọc với giọng tuyệt vời.
    • Cháu hiểu chứ? Thế thì bắt đầu đi!

Tôi được đưa vào phòng, người ta trao cho tôi tác phẩm của Pútsơkin và Nhêcơraxốp cùng giấy và

mực.

  • Nhưng em không thể làm được – tôi thì thào vào tai chị Phanni Xôlômônốpna một cách ảo não -, em viết gì bây giờ.
    • Đừng hồi hộp – chị trả lời và vuốt ve tóc tôi -, em hiểu thế nào thì cứ viết như thế, đơn giản thôi mà. Chị có đôi tay nhẹ nhàng và giọng nói dịu dàng. Tôi tự trấn tĩnh lại một chút, nghĩa là tìm cách vượt lên được tính tự ái bản thân đang bị khiếp đảm và bắt đầu viết,

Gần một giờ sau, mọi người bắt tôi nộp bài. Tôi cầm tờ giấy lớn đầy chữ viết và trao nó vào tay nhà văn với một nỗi run rẩy chưa từng biết đến trong nhà trường. Xécgây Ivanôvích im lặng đọc lướt qua vài dòng rồi quay lại phía tôi, mắt ông tỏa ra những tia lửa, ông kêu lên:

-Này, thử nghe cậu ta viết… Thế mới thực là một chàng trai cừ khôi chứ! Và ông đọc to:

  • ”Nhà thơ sống cùng với thiên nhiên thân yêu mà mỗi âm thanh vui hay buồn đều có tiếng dội

trong tim anh…”

Xécgây Ivanôvích giơ ngón tay lên:

  • Tuyệt vời quá…”mà mỗi âm thanh”, các vị nghe chứ, ”vui hay buồn, đều có tiếng dội trong tim

anh”…

Và những câu nói ấy ghi sâu vào trái tim tôi, khiến tôi nhớ suốt đời…

Bữa trưa Xécgây Ivanôvích đùa cợt nhiều, ông hồi tưởng, kể chuyện, hứng khởi vì ly vốt-ca luôn

được chuẩn bị sẵn cho ông. Thỉnh thoảng ông lại nhìn tôi từ góc bàn phía bên kia và kêu lên:

  • Cậu viết cừ quá, phải ôm hôn cậu mới được.

Ông dùng khăn mặt lau chùi cẩn thận bộ ria và đôi môi rồi đứng dậy khỏi ghế và loay hoay đi

vòng quanh bàn. Tôi ngồi đợi như đợi một tai họa, một tai họa vui mừng nhưng vẫn cứ là một tai họa.

  • Đứng dậy cậu, Liôvôtrơca [Liovotchka], đến trước ông ấy đi – Môixây Philíppôvích thì thào với

tôi.

Sau bữa trưa, Xécgây Ivanôvích đọc thuộc lòng bài thơ châm biếm Giấc mơ của Pôpốp [Popov].

Tôi quan sát hết sức chăm chú bộ ria xám bạc mà những lời hài hước được tuôn ra từ đó. Tình trạng nửa say, nửa tỉnh của nhà văn không làm uy tín của ông bị suy suyển chút nào trong mắt tôi. Lũ trẻ con rất có khả năng trìu tượng hóa mọi việc.

Đôi khi trước lúc hoàng hôn, tôi đi dạo với Môixây Philíppôvích và nếu anh đang vui vẻ, chúng tôi nói về đủ thứ chuyện khác nhau. Một lần, anh kể cho tôi nội dung vở nhạc kịch Phauxtơ [Faust] mà anh rất thích. Tôi nghe như muốn nuốt lấy lời của anh và mơ ước được xem vở ấy một lần trên sân khấu. Cứ theo giọng người kể, tôi cảm thấy chúng tôi đang đến gần một đoạn rắc rối. Tôi cổ vũ cho người kể và sợ không được biết đoạn tiếp sau của câu chuyện. Nhưng Môixây Philíppôvích tự làm chủ được mình và anh tiếp tục như sau: ”Và thế rồi… Grétchen [Gretchen] có một đứa con trước ngày cưới…”

Khi qua được điểm kịch tính ấy, cả hai chúng tôi đều cảm thấy dễ chịu hơn và câu chuyện kết thúc

không mấy khó khăn.

Lần khác tôi phải nằm với một miếng gạc trên họng. Để an ủi, người ta cho tôi đọc Ôlivơ Tuýtxtơ [Oliver Twist] của Đíchken [Dickens]. Câu nói đầu tiên của ông bác sĩ trong nhà hộ sinh – nhận xét rằng người phụ nữ không đeo nhẫn trên tay – khiến tôi thấy ngỡ ngàng:

  • Thế nghĩa là thế nào? – tôi hỏi Môixây Philíppôvích. – Sao lại có chuyện cái nhẫn ở đây?

Anh trả lời với giọng ngập ngừng:

  • Thế này, cậu ạ… khi người ta chưa có gia đình thì không có nhẫn.

Tôi lại nhớ đến Grétkin. Và số phận của Ôlivơ Tuýtxtơ tỏa ra trong suy tưởng của tôi từ chiếc nhẫn, chiếc nhẫn không có ấy. Thế giới những mối quan hệ con người thuộc phạm vi cấm đoán tràn vào ý thức của tôi qua sách vở, và còn rất nhiều điều tôi nghe được tình cờ, thường là những lời thô tục, khiếm nhã, giờ đây được khái quát hóa, được làm đẹp và nâng lên một mức độ cao hơn trong văn học.

Vào thời gian ấy, tác phẩm mới ra đời của Tônxtôi mang tên Sức mạnh của bóng tối làm sôi động dư luận. Người ta nói đến nó với nhiều ngụ ý và bình luận cuốn sách một cách sa đà. Pôbêđônốtxép [Pobiédonotsev] xin Alếchxanđơrơ Đệ tam cấm trình diễn vở này trên sân khấu. Tôi biết Môixây Philíppôvích và Phanni Xôlômônốpna – sau khi đã bắt tôi đi ngủ – cùng nhau đọc vở bi kịch ấy ở phòng bên. Tôi chỉ nghe tiếng thì thầm đều đều.

  • Thế em có được đọc không? – tôi gạn hỏi.
    • Không, chú bồ câu của tôi ạ, còn quá sớm đối với em – họ trả lời tôi bằng một giọng cương quyết

khiến tôi không dám nài nỉ thêm.

Tuy nhiên tôi nhận thấy cuốn sách mỏng mới tinh này xuất hiện trên một ngăn sách quen thuộc. Thừa lúc người lớn đi vắng, tôi vẫn cứ đọc vở kịch ấy của Tônxtôi. Nó tác động đến tôi ít hơn nhiều so với điều những người nuôi dạy tôi lo ngại. Những đoạn bi thảm nhất – như đoạn đứa bé bị bóp cổ hay chuyện những mẩu xương bị vỡ vụn ra như thế nào – không cho tôi một cảm giác thực tế khủng khiếp, tôi chỉ coi

chúng như một hư cấu sách vở, một ý tưởng sân khấu, tóm lại tôi hoàn toàn không hiểu bản chất của câu

chuyện.

Trong vụ nghỉ hè, trên nóc tủ, ngay dưới trần nhà và giữa đám giấy cũ, tôi tìm thấy một quyển sách do anh cả tôi đem về từ Êlidavétgơrát. Mở ra tôi thấy một vẻ gì lạ thường và bí hiểm trong đó. Đây là biên bản tòa án về việc một cô gái nhỏ bị giết sau khi bị hãm hiếp. Cuốn sách đầy ắp những nhận xét về y tế và pháp lý, tôi đọc nó trong trạng thái hoàn toàn hoảng sợ, như một kẻ lạc vào rừng trong đêm tối, đụng đầu vào những cây cối hình thù ma quái lờ mờ dưới ánh trăng và không tìm nổi đường ra. Nhưng ấn tượng ấy đã tan đi rất nhanh. Tâm lý con người, đặc biệt là tâm lý trẻ em có những đệm, những phanh hãm, những lối thoát, những bộ phận giảm tốc, đó là một hệ thống lớn được thiết lập hoàn thiện để phòng ngừa những va chạm quá đột ngột hoặc quá sớm.

Tôi đến nhà hát lớn lần đầu tiên khi học lớp dự bị. Đó là một điều khó tưởng tượng và không thể diễn tả nổi. Người ta cho tôi đi xem một vở kịch tiếng Ucơraina mang tựa đề Nada Xtôđôlia [Nazar Stodolia], tôi cùng đi với ông khán trường Grigôri Khôlốt [Gregory Kholod]. Lần ấy, mặt tôi tái nhợt – sau này ông Grigôri kể lại điều đó với Phanni Xôlômônốpna – và tôi cảm thấy đau khổ vì không đủ sức chứa được hết niềm vui tràn ngập trong lòng. Trong giờ giải lao giữa các hồi, tôi không nhúc nhích khỏi chỗ ngồi để khỏi bỏ qua chút gì, lạy Chúa lòng lành! Buổi biểu diễn kết thúc bằng một vở hí kịch Anh bạn cùng nhà thổi kèn lệnh. Căng thẳng của vở bi kịch được giải tỏa bằng những trận cười thỏa thuê. Tôi cựa quậy người trên ghế ngồi, ngoảnh đầu về phía sau rồi lại căng mắt lên sân khấu.

Về nhà tôi kể lại vở Anh bạn cùng nhà thổi kèn lệnh và thêm vào câu chuyện các chi tiết mới để gây nên những tràng cười như tôi vừa mới trải qua. Và tôi buồn rầu nhận thấy mình không đạt được mục đích.

  • Thế cậu không thích vở Nada Xtôđôlia phải không? – Môixây Philíppôvích hỏi tôi.

Tôi cảm thấy sự trách móc trong những câu nói ấy; nhớ lại những đau khổ của Nada, tôi đáp:

  • Sao lại không? Vở kịch thật tuyệt vời.

Trước ngày lên năm thứ ba, tôi sống một thời gian ngắn gần Ôđétxa ở nhà chú tôi, một kỹ sư. Một bữa, tôi được xem một buổi biểu diễn nghiệp dư trong đó anh Cơrugơliacốp [Krougliakov], học sinh trường tôi thủ vai người đày tớ. Đó là một cậu bé yếu phổi, mặt đầy những vết hoe, có cặp mắt rất thông minh nhưng rất ốm yếu. Tôi rất quyến luyến anh và vật nài anh tổ chức chung một buổi biểu diễn với tôi. Cuối cùng chúng tôi chọn Người hiệp sĩ keo kiệt của Pútsơkin. Tôi đóng vai người con, còn Cơrugơliacốp đóng vai người cha. Tôi hoàn toàn tuân thủ sự hướng dẫn của anh và bỏ ra nhiều ngày liền để học thuộc lòng các khổ thơ Pútsơkin. Thật là một trạng thái đầy hồi hộp và xúc động tuyệt vời! Nhưng chẳng bao lâu tất cả đều sụp đổ: cha mẹ Cơrugơliacốp cấm anh diễn kịch, viện lý do anh không được khỏe. Sau ngày tựu trường anh chỉ có mặt ở trường vài tuần đầu. Mỗi lần tôi đợi anh ở cổng trường để nói chuyện với anh về văn học trên quãng đường về nhà. Nhưng ít lâu sau, Cơrugơliacốp vắng mặt hoàn toàn. Tôi biết anh ốm, vài tháng sau được tin anh chết vì bệnh lao.

Ma lực của sân khấu chiếm lĩnh tôi trong nhiều năm. Sau đó tôi mê nhạc kịch Ý mà thành phố Ôđétxa rất tự hào. Đang còn học năm thứ sáu, tôi đã dạy tư nhằm mục đích kiếm tiền để đi xem hát. Trong nhiều tháng liền, tôi thầm yêu trộm nhớ một giọng nữ cao có cái tên bí ẩn là Giudéppina Uyghét [Giuseppina Huguette] và tôi tưởng như nàng từ trên trời lượn xuống sân khấu nhà hát kịch Ôđétxa chỉ trong một quãng thời gian ngắn.

Tôi không được phép đọc báo chí, nhưng về khoản này chế độ cũng không nghiêm khắc lắm. Và dần dần, đôi khi cũng phải nhường bước, tôi được quyền đọc báo, chủ yếu là những tờ ra từng kỳ. Báo chí Ôđétxa nói nhiều nhất về sân khấu, đặc biệt là về nhạc kịch và dư luận công chúng dường như chỉ va chạm nhau trong sự sùng bái sân khấu. Chỉ trong lĩnh vực đó, các báo chí được phép bày tỏ chút ít sự say mê của mình.

Trong thời gian này, một ngôi sao viết báo giải trí từng kỳ tên là Đôrôsêvích [Dorochévitch] đang lên như diều. Một thời gian ngắn, Đôrôsêvích trở thành người chủ của những suy tưởng mặc dầu ông chỉ viết về những chuyện nhỏ nhặt, nhiều khi còn vô nghĩa. Nhưng rõ ràng ông có tài và dưới hình thức mạnh dạn của những tin tức xét ra là vô hại, dường như ông đã đục một lỗ thông hơi cho cái thành phố Ôđétxa bị bế quan tỏa cảng bởi Dêliônưi Đệ nhị. Tôi sốt ruột vồ lấy tờ báo buổi sáng, lục tìm chữ ký của Đôrôsêvích. Các bài báo của nhà văn này đã làm say mê những ông bố có tư tưởng tự do và cả những đứa con chưa có ý tưởng cực đoan.

Ngay từ những năm đầu, tôi đã ham mê viết văn; sự ham mê ấy theo đuổi tôi, khi yếu, khi mạnh, nhưng tóm lại nó ngày càng lớn lên. Thế giới các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ luôn luôn là thứ hấp dẫn nhất đối với tôi, tôi biết lối vào thế giới đó chỉ mở ra với một số ít người ưu tú.

Lên năm thứ hai, chúng tôi quyết định ra một tờ tạp chí. Về việc đó rất nhiều lần tôi hỏi ý kiến

Môixây Philíppôvích, anh còn đặt tên cho tờ tạp chí là Cáplia [Kaplia] (Giọt nước), ngụ ý lớp thứ hai trường Trung học Hiện đại Xanh Pôn đóng góp giọt nước nhỏ bé này vào đại dương văn học. Nhân dịp ấy tôi làm một bài thơ mang tính cưong lĩnh. Đa số thơ và truyện ngắn là của tôi. Một trong những cây vẽ của chúng tôi trang trí tờ bìa rất rườm rà. Ai đó đề nghị giới thiệu tờ tạp chí cho ông Cơrưgianốpxki. Anh I. trọ học ở nhà thày giáo đảm nhận việc này. Anh đã thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc: rời khỏi ghế, anh lại bàn thày giáo, quả quyết đặt tờ Cáplia lên bàn, cúi chào lễ phép và trở về chỗ ngồi bằng những bước chân mạnh mẽ. Cả lớp nín thở và im phăng phắc.

Ông Cơrưgianốpxki nhìn tờ bìa, nhăn đôi lông mày cùng râu mép và râu cằm rồi bắt đầu đọc tác phẩm của chúng tôi. Một sự im lặng bao trùm cả lớp học, chỉ có tiếng lào xào khe khẽ của các trang giấy tờ tạp chí.

Rồi thầy Cơrưgianốpxki đứng lên bục và đọc bằng một giọng trầm lắng bài Giọt nưóc nhỏ trong

trẻo của tôi.

  • Có hay không? – thầy hỏi.
    • Thưa hay ạ! – tiếng trả lời khá đồng thanh.
    • Hay thì cũng hay đấy – thầy Cơrưgianốpxki nói -, nhưng tác giả của nó không biết thi pháp. Nào,          hãy thử xem, anh có biết thế nào là một âm tiết không?

Quay về phía tôi, ông đoán ra ngay tôi dưới cái bút danh khá lộ liễu. Tôi thú thật với thầy là tôi không biết.

  • Vậy thì tôi sẽ nói cho các anh nghe về chuyện này.

Và thế là – để dành phần ngữ pháp và cú pháp vào các buổi khác -, ông giảng giải cho lũ học sinh

lớp hai về những bí ẩn của âm luật học. Cuối cùng ông nói:

  • Về phần tờ tạp chí, tốt hơn cả là đừng làm tạp chí, cũng chẳng cần đến ”đại dương văn học”, chỉ

nên là một cuốn vở bài tập…

Bởi vì trong thực tế, người ta cấm ra tạp chí trong nhà trường. Nhưng giải pháp lại đến từ một phía khác. Đời học sinh êm đềm của tôi đột ngột bị cắt đứt, tôi bị đuổi khỏi trường Trung học Hiện đại Xanh Pôn.

Từ thuở thơ ấu ban đầu, tôi đã có nhiều cuộc xung đột xuất phát từ ”mảnh đất của cuộc chiến chống lại sự chà đạp luật pháp”, như cách nói của một luật gia. Tôi thường xuyên gắn bó hay đoạn tuyệt với bạn bè trên cơ sở ấy. Sẽ quá dài nếu điểm qua tất cả các tình huống, nhưng trong nhà trường tôi đã có hai vụ nghiêm trọng.

Xung đột trầm trọng nhất của tôi xảy ra với ông Buốcnang khi tôi học lớp hai, chúng tôi gọi ông là ”người Pháp” tuy ông là người Thụy Sĩ. Trong nhà trường, tiếng Đức được dạy trên một tầm gần như tiếng Nga. Nhưng với tiếng Pháp thì mọi thứ trở nên khá khó khăn. Đại đa số học sinh mới được làm quen với thứ tiếng này lần đầu trong nhà trường, đặc biệt, tiếng Pháp là ngoại ngữ khó đối đối với học sinh Đức, con cái những kiều dân. Buốcnang sát phạt ghê gớm những học sinh này. Nạn nhân đầu bảng của ông là Vácke, một kẻ quả thực học rất kém. Nhưng một hôm, số đông – thậm chí tất cả mọi người – đều có ý kiến là Buốcnang không công bằng khi cho Vácke điểm ”1”. Hơn thế nữa, vào hôm đó Buốcnang cũng đặc biệt khát máu vì ông ta đã nuốt một liều gấp đôi số kẹo chữa bệnh tiêu hóa.

  • Cho ông ấy một bản hợp tấu đi! – lũ học sinh thì thào, nháy mắt nhìn nhau và lấy cùi tay huých nhau. Tôi cũng thuộc số ấy, không phải những đứa cuối, thậm chí còn thuộc loại đầu tiên đề xuất ra.

Trước đó, đã nhiều lần chúng tôi tổ chức những bản ”hợp tấu” như thế, nhất là với ông giáo dạy vẽ

mà chúng tôi thù ghét vì bản tính ngu xuẩn đến độc ác của ông ta.

Một bản ”hợp tấu” là như thế này: khi thày giáo đi ra cửa, cả lớp tiễn thày bằng một tiếng ầm ì to, nhưng không đứa nào hé môi để không bắt được quả tang thủ phạm. Đã hai lần chúng tôi tiễn Buốcnang như thế, nhưng rất khẽ, chỉ thì thào thôi vì chúng tôi sợ ông. Nhưng lần này chúng tôi táo tợn ra mặt. Ông ”người Pháp” vừa cắp nách cuốn sổ đầu bài của lớp thì một tiếng hú vang lên từ góc trái và lan thành một làn sóng đậm đặc đến chiếc ghế băng gần cửa ra vào.

Tôi cũng làm hết sức mình. Buốcnang đã ra đến thềm cửa, ông quay ngoắt trở lại và nhào vào giữa lớp, đứng đối diện với lũ trẻ thù địch, mặt mày tái nhợt, mắt tóe lửa nhưng lặng thinh không nói gì. Bọn trẻ ngồi ở bàn liền lấy lại ngay vẻ mặt vô tội nhất, đặc biệt là những đứa ngồi ở bàn đầu. Lũ ở cuối lớp làm bộ lục lọi cặp như chẳng có việc gì xảy ra. Buốcnang dừng lại nửa phút rồi quay ra cửa, giận dữ tới mức tà áo căng ra như cánh buồm. Lúc đó một tiếng hú đồng thanh tiễn ông ”người Pháp”, theo ông rất xa dọc hành lang.

Đầu giờ học hôm sau Buốcnang, Svanêbắc và ông chủ nhiệm Maye [Mayer] cùng đến lớp. Chúng

tôi gọi Maye là ”con cừu” vì ông có đôi mắt lồi, cái trán dô ra bướng bỉnh và trí óc đần độn. Svanêbắc nói

lời khai mào, cẩn thận cố tránh những hiểm hóc của lối chia động từ và biến thể tiếng Nga, Buốcnang hầm hè trả thù, còn Maye trợn tròn mắt dò xét lũ học sinh từng đứa một, ông gọi tên những thằng nghịch nhất và nói với chúng:

  • Này, chắc chắn là có mày vào đấy!…

Một số chối, lũ còn lại im lặng. Như thế, mười hoặc mười lăm cậu bị phạt ”nhịn bữa trưa”: phải lưu lại lớp một hai giờ. Những đứa khác được thả ra, tôi cũng ở trong số ấy, mặc dầu khi điểm danh tôi thấy dường như Buốcnang nhìn tôi soi mói. Tôi không làm gì để được thả nhưng cũng không tự đi đầu thú. Ra khỏi lớp, tôi còn có ý tiếc rẻ vì giá ở lại cùng chúng bạn thì vui hơn.

Sáng hôm sau, trên đường đi đến trường và đã gần như quên hết câu chuyện bữa trước, tôi gặp ở

cổng trường một cậu bạn cùng lớp thuộc nhóm bị phạt:

  • Này nghe đây – anh nói với tôi -, tai họa đấy, hôm qua Đanhilốp [Danilov] mách lẻo cậu với Maye rồi, Maye đã cho mời Buốcnang, cả ông hiệu trưởng cũng đến. Họ gạn hỏi xem cậu có phải là đầu trò không.

hiện:

tốt lành.

Lòng dũng cảm của tôi như biến đâu mất. Vừa đúng lúc đó, thày chủ nhiệm Piốt Páplôvích xuất

  • Đến chỗ ông hiệu trưởng đi.

Việc ông chủ nhiệm đứng chờ tôi trước cửa và nói với một giọng như thế chẳng báo hiệu điều gì

Hỏi đường những người trực cửa, tôi đến một hành lang chưa từng biết, tại đó có phòng của hiệu

trưởng và tôi dừng lại trước cửa. Khi ông hiệu trưởng đi qua cạnh tôi, ông nhìn tôi một cách ý nghĩa và lắc đầu. Tôi đứng đờ người, dở sống dở chết. Ông hiệu trưởng lại ra khỏi phòng và chỉ nói: ”Tốt, tốt”. Tôi cảm thấy chẳng tốt chút nào.

Vài phút sau đến lượt các thày giáo ra khỏi phòng hội đồng ở bên cạnh, đa số đi vội về lớp họ và chẳng ai để ý đến tôi. Đáp lại lời chào của tôi, Cơrưgianốpxki nhăn mặt láu lỉnh như muốn nói: ”Cậu dính vào một việc tồi tệ, tiếc cho cậu nhưng chẳng làm được gì”.

Còn Buốcnang, khi tôi lễ phép chào ông, ông ta đến sát gần tôi, cúi hẳn người xuống rồi vung tay

nói:

  • Cậu học sinh đứng đầu năm thứ hai lại là một con quái vật về đạo đức.

Ông dừng lại một giây, phủ lên người tôi một hơi thở không mấy nhẹ nhàng rồi nhắc lại ”một con

quái vật về đạo đức”. Sau đó ông quay lưng và bỏ đi.

Một chút sau ”con cừu” cũng đến chỗ tôi.

  • A! Đồ lợn – Maye nói vẻ thích thú ra mặt -, rồi chúng ông sẽ cho mày biết tay!

Cực hình bắt đầu kéo dài từ đây. Người ta không cho tôi vào lớp và bỏ buổi dạy ngày hôm ấy. Một cuộc thẩm vấn diễn ra. Buốcnang, ông hiệu trưởng, Maye, thanh tra Caminxki làm thành một ban điều tra tối cao về vụ ”quái vật đạo đức”, là tôi.

Hình như câu chuyện đã bắt đầu như thế này: trong giờ bị phạt lưu, một học sinh đã nói với Maye: ”Thật bất công, thưa thầy; người kêu thì được thả ra: B. (Brônsten) kích động những người khác và anh ta cũng kêu, thế mà được thả ra. Có Cácxơn ở đây này, cậu ấy cũng biết đấy”. ”Không thể có chuyện ấy – Maye trả lời. – B. là một đứa ngoan”.

Nhưng Cácxơn, chính cái thằng hồi xưa đã nói cho tôi biết ông mục sư Binneman là người thông minh nhất Ôđétxa, lại chứng nhận lời của đứa tố giác, và bọn khác cũng làm theo. Maye liền cho mời Buốcnang. Được các thầy giáo khuyến khích và thúc đẩy từ trên; bắt chước lẫn nhau, có thêm mười, mười hai đứa trong lớp đứng ra tố cáo tôi.

Thế là đột nhiên bọn chúng nhớ lại bao nhiêu thứ: ”Năm ngoái trong buổi đi dạo chơi B. đã nói thế này, thế nọ về thầy hiệu trưởng…, B. đã đưa bài cho anh này, anh nọ…, B. cũng tham gia trong bản ”hợp tấu” tiễn thầy Dơmigơrốtxki [Zmigrodsky]…”

Vácke, đứa mà vì nó chúng tôi đã làm tất cả chuyện này, thuật lại rất mùi mẫn như sau.

  • Tất nhiên tôi đã khóc khi thầy Gútxtáp Xamôilôvích cho tôi điểm ”1”. B. sán lại gần, đặt tay lên vai tôi và nói: ”Đừng khóc nữa Vácke, chúng ta sẽ viết một lá thư lên ông thanh tra để ông ấy tống cổ Buốcnang đi”.
    • Một lá thư, cho ai cơ?
    • Cho ông thanh tra!
    • Không thể thế được! Thế mày trả lời ra sao?
    • Dĩ nhiên tôi không nói gì hết Đanhilốp còn bồi thêm:
    • Vâng, vâng, B. đã đề nghị chúng tôi viết một lá thư lên ông trưởng phòng giáo dục huyện, nhưng

không ký tên vào đó để khỏi bị đuổi học; mỗi người chỉ viết một chữ cái vào lá thư thôi.

  • Ra là vậy – Buốcnang nuốt nước bọt la lên. – Nghĩa là mỗi đứa chúng mày viết một chữ cái để kết

lại thành một từ!

Không trừ một ai, tất cả đều bị thẩm vấn. Một số đứa chối thẳng thừng, bất luận phải trái. Trong số này có Cốtxchia R., anh khóc cay đắng khi thấy người ta dìm chết bạn tốt nhất của anh, một học sinh đứng đầu lớp. Những người phủ nhận ngoan cố bị bọn tố giác bôi xấu, chúng bảo họ là bạn thân thiết của tôi. Bầu không khí trầm lắng bao trùm lên lớp học. Đa số co mình lại im lặng. Trong vụ này Đanhilốp đóng vai trò số một, điều đã và cũng sẽ không xảy ra với hắn bao giờ. Tôi đứng sững ở hành lang trước phòng ông hiệu trưởng, cạnh một chiếc tủ đánh véc-ni vàng, như một kẻ tội nhân trầm trọng, bị buộc tội chống lại nhà nước. Lần lượt, những nhân chứng được gọi lên phòng hiệu trưởng để đối chất với bị cáo. Cuối cùng tôi bị tống về nhà.

  • Anh về đi và bảo bố mẹ anh đến trường.
    • Cha mẹ tôi ở xa, tận nhà quê cơ.
    • Thế thì bảo những người bảo lãnh anh đến đây.

Mới hôm qua tôi là người đứng đầu lớp, vượt xa kẻ thứ hai. Những nghi ngờ của Maye cũng không hề đụng chạm đến tôi. Thế mà hôm nay tôi bị xô từ đỉnh cao xuống, còn Đanhilốp, kẻ mà ai cũng biết là đứa lười biếng và hư hỏng nổi tiếng, lại lăng mạ tôi trước cả lớp và ban lãnh đạo nhà trường.

Vậy việc gì đã xảy ra? Có lẽ vì tôi đã quá cương quyết bảo vệ một kẻ bị áp bức, người chẳng gần gũi gì với tôi và bản thân cậu ta cũng chẳng gợi cho tôi tí chút tình cảm nào? Hay vì tôi quá tin vào sự đoàn kết trong lớp học?

Dĩ nhiên, việc rút ra những kết luận kể trên là điều tôi không mấy nghĩ đến trên đường về qua phố nhỏ Pốcrốpxki. Mặt mày ủ dột, tim đập lộn xộn, nghẹn ngào trong tiếng khóc, tôi kể lại việc đã xảy ra: những người bảo lãnh ra sức an ủi tôi, dù chính họ cũng phát hoảng. Chị Phanni Xôlômônốpna đến tìm gặp ông hiệu trưởng, ông thanh tra Cơrưgianốpxki, ông Iurơsencô, chị cố giải thích, thuyết phục, dựa vào cả kinh nghiệm giáo dục của bản thân chị.

Chị làm tất cả những việc đó mà tôi không biết. Tôi ngồi nhà trong góc học tập của mình, chiếc cặp đeo vai của tôi được khóa lại, lăn lóc trên bàn và tôi ngao ngán. Sẽ ra sao đây?

Ông hiệu trưởng nói: chúng tôi sẽ triệu tập Hội đồng Giáo dục để xem xét mọi mặt về vấn đề này.

Câu nói thật dễ sợ.

Phiên họp trôi qua. Môixây Philíppôvích đi xem kết quả. Tôi bồn chồn, hồi hộp chờ anh về, hơn nhiều so với những lần sau này khi chờ phán quyết của tòa án Nga hoàng. Tôi nghe tiếng kẹt thường ngày của cửa ra vào dưới nhà, tiếng những bước chân quen thuộc leo lên bậc thang sắt, cửa phòng ăn mở ra và cùng lúc ấy chị Phanni Xôlômônốpna cũng xuất hiện ở buồng bên. Tôi vén nhẹ tám màn che.

  • Bị đuổi học – Môixây Philíppôvích nói, giọng rất mệt mỏi.
    • Bị đuổi? – Phanni Xôlômônốpna nghẹn ngào hỏi lại.
    • Ừ, bị đuổi – Môixây Philíppôvích nhắc lại, giọng còn nhỏ hơn.

Tôi không nói gì chỉ đưa mắt nhìn Môixây Philíppôvích và chị Phanni Xôlômônốpna rồi rút lui

sau tấm màn che.

Trong kỳ nghỉ hè, Phanni Xôlômônốpna về ít bữa tại nhà chúng tôi ở Ianốpca, chị kể về tôi:

  • Khi nghe nói từ ấy, cậu ta xanh mét cả người khiến tôi cũng phát hoảng. Tôi không khóc, tôi đau khổ vì bị hành hạ.

Trong phiên họp của Hội đồng Giáo dục, người ta tranh luận về ba hình thức đuổi học: đuổi và cấm không được vào học bất cứ một trường nào khác, đuổi vĩnh viễn khỏi trường Trung học Hiện đại Xanh Pôn, hoặc đuổi nhưng tôi được quyền trở lại học trường cũ. Hình thức thứ ba nhẹ nhàng nhất được quyết định

Tôi run rẩy nghĩ đến việc cha mẹ tôi sẽ tiếp nhận tin này như thế nào. Những người bảo lãnh tôi tìm mọi cách để chuẩn bị cho cha mẹ tôi tiếp nhận cú đòn này và giảm nhẹ nó. Phanni Xôlômônốpna viết một lá thư dài cho chị cả tôi, chị dặn dò về cách báo tin cho cha mẹ tôi. Tôi ở lại Ôđétxa cho đến cuối năm học và trở về nhà vào kỳ nghỉ hè như thường lệ.

Trong những đêm dài, khi cha mẹ tôi đã đi ngủ, tôi kể cho anh chị tôi sự việc đã diễn ra như thế nào, tôi sắm lại vai các thầy và các học trò. Anh và chị tôi còn những kỷ niệm rất mới mẻ về đời học sinh của họ. Cùng lúc đó, họ xem xét tôi dưới cái nhìn của người hơn tuổi, khi lắc đầu, khi thì cười phá lên vì những điều tôi kể. Một hôm đang cười, chị tôi chuyển sang khóc, gục đầu xuống bàn và nức nở hồi lâu. Họ quyết định là tôi sẽ tạm lánh ở nhà một người bạn nào đó một, hai tuần và trong khi tôi đi vắng, chị tôi sẽ thuật lại tất cả cho cha tôi nghe. Bản thân chị cũng sợ phải làm nhiệm vụ đó. Sau thất bại trong chuyện học hành của anh cả tôi, cha đặt hết kỳ vọng vào tôi. Những năm học đầu cũng hứa hẹn một thành công rực rỡ và bây giờ, tất cả biến thành mây khói trong phút chốc…

Một tuần sau, khi cùng anh bạn Grisa [Gricha] (chính là cháu của ông Môixây Kharitônôvích, người có bàn tay trái ”thích hợp cho cả việc hòa tấu nhạc”) trở về nhà, tôi hiểu ngay là mọi người đã biết hết. Mẹ tôi vồn vã tiếp đón Grisa, nhưng làm ra vẻ không để ý đến tôi. Trái lại, cha tôi xử sự như chẳng có chuyện gì xảy ra. Chỉ vài hôm sau, trong một ngày nóng bức, khi đi làm đồng về và ngồi hóng mát ở cửa ra vào, ông đột nhiên hỏi tôi trước mặt mẹ:

  • Nói cho bố biết, con đã huýt sáo vào ông hiệu trưởng như thế nào? Thế này phải không? Hai ngón tay đút vào miệng?

Ông làm cử chỉ huýt sao và bật cười

Mẹ tôi ngạc nhiên và nhìn cả hai người, từ cha sang tôi. Nụ cười trên gương mặt bà xen lẫn vẻ bất

bình: làm sao có thể bông đùa về những chuyện kinh khủng như thế?

Nhưng cha tôi vẫn tiếp tục gạn hỏi:

  • Chỉ cho cha thấy con đã huýt sáo như thế nào?

Và càng ngày ông càng cười vui vẻ. Dù buồn bực đến mấy, rõ ràng ông thấy thích đứa con của ông, dù đứng đầu lớp, vẫn dám cả gan huýt sáo những ông sếp cấp bậc cao. Tôi quả quyết với ông là chúng tôi không huýt sáo mà chỉ rì rầm vô hại thôi, nhưng không sao thuyết phục được ông. Cha tôi nhất định cho là tôi đã huýt sáo. Cuối cùng mẹ tôi òa khóc.

Suốt vụ hè tôi hầu như không chuẩn bị gì cho kỳ thi. Những việc xảy ra đã làm tôi chán học một thời gian. Với tôi đây là một mùa hè bực dọc, cáu tiết, những cuộc cãi lộn nổ ra bất cứ lúc nào. Tôi về lại Ôđétxa hai tuần trước khi thi, nhưng ở đó tôi cũng chỉ học hành uể oải. Có lẽ tôi chuẩn bị môn tiếng Pháp kỹ hơn. Nhưng trong kỳ thi Buốcnang chỉ hỏi tôi vài câu qua loa. Các thầy khác còn hỏi ít hơn. Tôi được vào năm thứ ba. Ở đó tôi gặp lại hầu hết mọi người: những kẻ đã phản bội tôi, bảo vệ tôi hoặc đứng tránh ra một bên. Điều này quyết định những mối quan hệ của tôi trong một thời gian dài. Tôi đã không nói chuyện với nhiều kẻ, cả chào hỏi cũng không, ngược lại đối với những người đã đứng cạnh tôi trong giờ phút khó khăn, tôi càng trở nên thân thiết hơn.

Có thể nói rằng đó là một thứ thử thách chính trị đầu tiên đối với tôi. Những nhóm người đã hình thành trong tình huống ấy: bọn phản bội và ghen ghét một bên, những người trung thực và dũng cảm ở cực bên kia và bọn trung lập ở giữa, chúng dao động và không có lập trường ổn định. Trong những năm tiếp theo, ba nhóm ấy vẫn tồn tại, tôi còn gặp lại chúng nhiều lần trong những hoàn cảnh khác nhau.

Người ta chưa quét hết tuyết trên các đường phố, nhưng trời đã ấm lên. Các mái nhà, hàng cây và lũ chim sẻ cho thấy xuân đã về. Cậu học sinh năm thứ tư đi học về, trái với lệ thường, cậu cầm một sợi dây da của chiếc cặp trong tay vì chiếc khóa đã bị tung ra. Cậu cảm thấy chiếc áo dài trên mình thật vô ích và nặng nề, nó làm cậu toát hết mồ hôi. Cậu bé nhìn mọi vật xung quanh – và trước hết là bản thân cậu – bằng một cặp mắt khác hẳn. Tia nắng đầu xuân cho cậu biết có những thực tế hùng vĩ gấp bội so với một trường học, với ông thanh tra, với chiếc cặp buộc lơi lỏng trên vai, hơn những bài học, những ván cờ, những bữa trưa, hơn cả đọc sách và nhà hát và cuối cùng, hơn cả đời sống thường ngày. Nỗi lo nghĩ về những thứ xa lạ, những thế lực không cưỡng được trùm lên mọi cá nhân, xoáy vào đứa bé đến tận xương tủy và gợi cho nó nỗi đau ngọt ngào, âm dịu của sự bất lực.

Cậu ta về đến nhà, đầu óc quay cuồng, khúc nhạc đau đớn vang động trong tai, nó ném chiếc cặp lên bàn, nằm xoài ra giường, vùi đầu vào chiếc gối và bật lên khóc mà không hề biết. Để tìm nguyên cớ cho những giọt nước mắt của mình, cậu nhớ lại những cảnh buồn bã trong các bài tập đọc và trong chính đời nó, và cứ như bỏ thêm củi vào lò, cậu khóc, khóc mãi bằng những giọt nước mắt lo âu của tuổi xuân. Nó sắp tròn mười bốn tuổi.

Từ thời thơ ấu, đứa bé đã bị một bệnh mà các thầy thuốc trong những hồ sơ chính thức gọi là bệnh viêm niêm mạc dạ dày và ruột mãn tính. Căn bệnh ấy cứ ngấm ngầm hành hạ cậu suốt đời. Cậu bé thường xuyên phải uống thuốc và ăn theo chế độ. Những chấn động thần kinh hầu như bao giờ cũng tác động trở lại bộ máy tiêu hóa của nó. Vào năm thứ tư, căn bệnh nặng đến mức cậu không thể tiếp tục việc học hành. Sau một thời gian dài chữa trị nhưng vô hiệu, các thầy thuốc quyết định cho thằng bé về ở nông thôn.

Trong những giờ phút ấy, tôi đã chấp nhận quyết định của các bác sĩ với một nỗi vui mừng hơn là phiền muộn. Nhưng còn phải được sự đồng ý của cha mẹ tôi. Và còn phải tìm được một gia sư ở làng để khỏi mất một năm học. Điều này gây nên những tốn kém mà ở Ianốpca thì mọi người không ưa những sự tiêu pha tốn kém. Tuy nhiên nhờ Môixây Philíppôvích, công việc được sắp xếp ổn thỏa. Người ta tìm được một thầy phụ đạo: ông G., người bé nhỏ, mớ tóc dày bắt đầu hoa râm ở hai thái dương, vốn là một sinh viên đại học. Đó là một người hơi tự phụ, hơi lông bông, ba hoa và không có tính khí, thuộc loại người rủi ro chỉ mới có nửa học vấn đại học. Ông làm thơ và đã in được hai bài trên một tờ báo ở Ôđétxa. Lúc nào ông cũng đem hai số báo ấy bên mình và sẵn sàng đưa ra khoe.

Mối quan hệ của chúng tôi đầy sóng gió và xuống dốc thường xuyên. Ban đầu, G. ngày càng suồng sã với tôi, ông luôn nhấn mạnh chỉ muốn là bạn tôi. Nhằm mục đích ấy, ông chìa tôi xem tấm hình một cô Clápđia [Klavdia] nào đó và nói về mối quan hệ phức tạp của ông với cô này. Rồi đột nhiên ông tháo lui và đòi hỏi ở tôi sự kính trọng của học trò đối với thầy giáo. Tất cả mớ bòng bong ấy có một kết cục chẳng ra sao: chúng tôi cãi vã ồn ào rồi đoạn tuyệt vĩnh viễn. Nhưng hình ảnh ông gia sư cũng để lại những dấu ấn trong tôi: dù sao một người tóc đã hoa râm lại thổ lộ với tôi chuyện kín phức tạp về quan hệ của ông với một phụ nữ, người nhìn trong ảnh rất hấp dẫn. Tôi cảm thấy mình già dặn hơn từ dạo đó.

Ở các lớp trên, thầy Gamốp [Gamov] dạy môn văn thay thầy Cơrưgianốpxki. Đó là một người còn trẻ, tóc vàng hoe, mũm mĩm, cận thị nặng và ốm yếu, ông chẳng cảm thấy một chút hứng thú hay yêu mến gì với bộ môn của mình. Chúng tôi uể oải bước thấp bước cao theo ông từ chương này sang chương khác của cuốn sách giáo khoa. Thêm vào đấy, Gamốp không tận tâm mấy, ông kéo dài đến vô tận việc chấm bài cho chúng tôi. Năm thứ năm chúng tôi phải làm bốn bài luận ở nhà trong một học kỳ. Tôi ngày càng ham thích loại bài này. Không chỉ đọc những sách tham khảo được thầy giáo hướng dẫn, tôi còn đọc rất nhiều cuốn khác, ghi lại những số liệu, những sự kiện để trích dẫn, tôi đánh dấu và biến hóa những câu văn tôi thích, tóm lại tôi học với tinh thần hăng hái không phải bao giờ cũng dừng lại ở mức ”đạo văn” vô tội. Có mấy học sinh cũng như tôi, không coi bài luận là công việc khổ sai. Những học sinh năm thứ năm hồi hộp chờ sự phán xét bài vở của mình; người lo lắng, kẻ hi vọng. Nhưng ”quan tòa” không lên tiếng. Điều này cũng xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai. Đến tam cá nguyệt thứ ba, tôi nộp một quyển vở chứa đầy các bài luận. Một, hai, rồi ba tuần trôi qua. Không một chút tăm hơi. Bằng lời lẽ thận trọng, chúng tôi nhắc Gamốp. Ông thoái thác. Đến giờ sau Iablônốpxki [Iablonovsky], một trong những tác giả sốt sắng nhất, hỏi thẳng thừng Gamốp:

  • Thầy giải thích ra sao về việc chúng em không được biết kết quả bài tập và thực sự điều gì đã xảy ra với những cuốn vở ấy?

Gamốp thô bạo ngắt lời anh. Iablônốpxki không chịu lùi bước. Nhíu đôi lông mày vốn dĩ đã sát nhau trên sống mũi, anh nóng nảy lay lay nắp bàn và cao giọng rằng không thể làm như thế được.

  • Tôi khuyên anh im đi và ngồi xuống – Gamốp trả lời. Nhưng Iablônốpxki không ngồi xuống và cũng không im lặng.
    • Mời anh ra khỏi lớp – Gamốp quát lên.

Quan hệ của tôi với Iablônốpxki đã xấu đi từ lâu. Chuyện xảy ra giữa tôi với ông Buốcnang hồi năm thứ hai làm tôi thận trọng hơn. Nhưng lần này tôi vẫn cảm thấy không thể im lặng được và tôi tuyên bố:

  • Thưa thầy Antôn Mikhailôvích [Anton Mikhailovitch], bạn Iablônốpxki nói đúng và tất cả chúng

em ủng hộ bạn ấy…

  • Đúng, đúng thế – vài người khác cũng nói.

Gamốp bắt đầu bối rối rồi nổi giận:

  • Thế này là thế nào? – ông gào lên lạc cả tiếng. – Bản thân tôi cũng biết phải làm gì và vào khi

nào… Các anh không được ra lệnh cho tôi… các anh phá rối trật tự…

Chúng tôi đã đánh trúng vào điểm yếu của ông.

  • Chúng tôi muốn được thấy bài luận của mình, có thế thôi – một người thứ ba đứng lên nói. Gamốp không tự kiềm chế được nữa.
    • Iablônốpxki, ra khỏi lớp!

Iablônốpxki không nhúc nhích.

  • Đi, đi thôi! Còn đợi gì nữa? – người ta thì thào với anh từ mọi phía.

Nhún vai, đảo lòng trắng mắt trên khuôn mặt rám nâu, Iablônốpxki giẫm mạnh chân lên sàn, cậu ra khỏi lớp và sập cửa thật mạnh

Đầu giờ học sau, Caminxki lặng lẽ vào lớp, vẫn trên đôi giày đế cao su. Điều này không báo hiệu chút gì tốt lành. Cả lớp im lặng như ri. Bằng một giọng kim hơi rè như của một kẻ vừa qua cơn say rượu, ông hiệu trưởng cất lời cảnh cáo ngắn gọn nhưng vô cùng nghiêm khắc trước toàn lớp: ông dọa đuổi những kẻ phạm tội rồi thông báo các mức trừng phạt: Iablônốpxki nhận hai mươi tư giờ giam cấm cố và hạnh kiểm ”3”, tôi bị hai mươi tư giờ cấm cố, kẻ phản kháng thứ ba nhận mười hai giờ. Đó là đòn ngáng thứ hai trên con đường học hành của tôi. Lần này, vụ việc không có những hậu quả nghiêm trọng hơn. Gamốp không trả bài cho chúng tôi và mọi việc kết thúc như thế.

Cũng trong năm đó Nga hoàng mất. Sự việc có vẻ khủng khiếp gần như không thể tin được, nhưng cũng xa vời như một cơn động đất ở một xứ sở xa lạ. Tôi không thấy thương tiếc và cảm tình với vị Nga hoàng ốm yếu đó, chúng tôi cũng chẳng buồn bã vì cái chết của ông. Ngày hôm sau khi đến trường, tôi cảm thấy một nỗi kinh hãi, khiếp đảm không giải thích nổi ở đó.

  • Nga hoàng đã mất – lũ học sinh nói với nhau và không biết nói gì thêm, không tìm được lời lẽ để

biểu lộ tình cảm vì chúng cũng không biết thứ tình cảm ấy là gì.

Ngược lại, chúng biết chúng được nghỉ học và mừng rỡ ngấm ngầm trong lòng, nhất là những đứa không chuẩn bị bài hoặc sợ bị gọi lên bảng. Ông gác cổng hướng tất cả mọi người về phía hội trường lớn, ở đó đang chuẩn bị tang lễ. Một cha cố đeo kính gọng vàng buông vài lời ngắn gọn thích hợp với hoàn cảnh: con cái buồn rầu khi cha chúng mới mất: nỗi đau còn lớn hơn bao nhiêu khi người cha của cả một dân tộc ra đi.

Nhưng chúng tôi chẳng thấy buồn gì cả. Nghi lễ kéo dài. Mỏi mệt và chán ngắt. Mọi người được lệnh phải khâu một mảnh băng tang lên cánh tay áo trái và một mảnh nữa lên vành mũ cát két. Ngoài ra, mọi việc vẫn tiếp diễn như thường lệ.

Ở năm thứ năm các học sinh đã bắt đầu bàn bạc về việc lựa chọn những trường cao hơn và con đường theo đuổi sau này. Người ta nói nhiều về kỳ tuyển sinh, về các giáo sư đại học Pêtécbua tìm cách đánh hỏng thí sinh như thế nào, họ ra đề hóc búa ra sao và ai là những chuyên gia ở Pêtécbua giúp việc chuẩn bị thi cử cho các thí sinh. Trong số học sinh đàn anh, một số hàng năm vẫn lên Pêtécbua, vẫn hỏng thi, vẫn về chuẩn bị lại rồi lại lao đầu vào thử thách. Chỉ riêng ý nghĩ về các kỳ thi tương lai đã làm không ít kẻ lạnh gáy từ hai năm trước đó.

Không có sự cố gì đặc biệt trong năm thứ sáu. Ai cũng muốn kết thúc năm học càng nhanh càng tốt. Buổi thi tốt nghiệp diễn ra rất long trọng, trong phòng lớn, với sự tham gia của các giáo sư đại học được phòng giáo dục quận gửi đến. Mỗi lần như thế ông hiệu trưởng lại trịnh trọng mở phong bì do ngài trưởng phòng giáo dục gửi đến, trong đó có bài thi viết. Sau khi đề thi được đọc lên, chúng tôi đồng thanh thở dài vì khiếp đảm như thể cả lũ bị dìm xuống nước lạnh. Thần kinh căng thẳng đến mức mọi người cảm thấy hoàn toàn không giải nổi các bài tập. Nhưng rồi chúng tôi thấy mọi thứ cũng chẳng đến nỗi kinh khủng lắm. Khi hai giờ làm bài gần kết thúc, các thầy giáo giúp chúng tôi đánh lừa sự cảnh giác của những vị đại diện. Làm bài xong tôi không nộp mà ngồi rốn lại trong phòng thi, được sự chấp thuận ngầm của thanh tra Cơrưgianốpxki, tôi trao đổi thư từ sôi nổi với các bạn đang còn trầy trật với bài vở.

Lớp bảy được coi là lớp phụ. Trường Xanh Pôn vốn không có lớp bảy, thành thử phải đăng ký học một trường khác. Trong khoảng thời gian chờ đợi, chúng tôi là những ”công dân” tự do. Nhân dịp này, ai nấy đều sắm một bộ thường phục. Hôm phát chứng chỉ tốt nghiệp, chúng tôi tập trung thành một nhóm đông tại vườn mùa hè, nơi các nữ ca sĩ tạp kỹ hát trên bục, học sinh vốn bị cấm ngặt vào đây. Tất cả đều thắt cà vạt, hai chai bia được đặt trên bàn và chúng tôi phì phèo thuốc lá trong miệng. Ai nấy thầm cảm thấy lo lắng về sự liều lĩnh của mình.

Chúng tôi vừa mở chai bia thứ nhất thì thầy giám thị Vinhem [Wilhelm] xuất hiện bên bàn, ông có biệt danh ”con dê cái” vì giọng nói eo éo. Theo bản năng chúng tôi toan đứng dậy và cảm thấy tim hơi thắt lại. Nhưng không có gì đáng sợ.

  • À, thì ra các anh đã ở đây rồi… – Vinhem nói giọng đượm buồn và hào hiệp chìa tay bắt từng người. Anh K. nhiều tuổi nhất trong số chúng tôi – người có một chiếc nhẫn ở ngón tay út – thẳng thắn mời ông cạn chén với chúng tôi. Điều này đã hơi quá. Vinhem nghiêm túc từ chối lời mời, ông vội vã chào chúng tôi và lại đi lùng sục các học sinh khác vi phạm khu vườn cấm. Càng yên tâm hơn bao giờ hết, chúng tôi lao vào uống bia.

Bảy năm tôi sống trong trường Hiện đại, kể cả năm dự bị, không thiếu những niềm vui, nhưng rõ ràng niềm vui ít hơn những tủi hờn. Những kỷ niệm thời học sinh của tôi, dù không phải hoàn toàn màu đen, nhưng cũng nhuốm màu xám. Đứng ngoài mọi sự cố của trường học, nặng nề hay vui vẻ, chúng tôi cảm thấy sự thờ ơ lạnh nhạt và hệ thống hành chính hình thức đè nặng lên mình. Khó nhắc được tên một thày giáo nào mà tôi thực sự hồi tưởng lại với lòng yêu quý. Mặc dù trường tôi không thuộc loại tồi nhất. Dẫu sao, trường vẫn dạy cho tôi những kiến thức sơ đẳng, thói quen làm việc có phương pháp và khiến tôi tuân thủ kỷ luật bên trong. Sau này, những thứ ấy trở nên cần thiết đối với tôi. Cùng lúc đó, trái hẳn với mục đích được đề ra, nhà trường đã gieo trong tôi sự căm thù đối với thể chế hiện hành. Dù sao những hạt giống ấy cũng không rơi vào sỏi đá.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s