Lý do người Đông Đức thất bại

Loern Balhorn

Maxie Johnson (dịch)

Ba mươi năm kể từ ngày nước Đức thống nhất, những “bang mới” từng thuộc phía Đông vẫn gánh chịu những hậu quả của di cư và giải công nghiệp hóa (deindustrialization). Nếu như việc thống nhất chưa thể thực hiện những kỳ vọng đặt ra vào thập niên 1990, những người xã hội chủ nghĩa nên hiểu tại sao người dân Đông Đức không bảo vệ chế độ cũ – và tại sao phúc lợi xã hội và dịch vụ công không thể đáp ứng việc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa khả thi.

Hôm nay là ngày kỷ niệm ba mươi năm sự kiện thống nhất nước Đức – một sự kiện mang chung cuộc kết thúc chủ nghĩa xã hội nhà nước ở Đông Âu. Vào ngày 3 tháng 10 năm 1990, Cộng Hòa Dân Chủ Đức (GDR), một trong những thành viên sốt sắng nhất của khối Hiệp ước Warsaw, bị sát nhập vào Cộng Hòa Liên Bang Đức sau chiến thắng của đảng Dân Chủ Ki-tô Giáo (Christan Democrats) trong cuộc bầu cử. Trong vòng 11 tháng ngắn ngủi từ khi bức tường Berlin sụp đổ, một đường biên giới từng được xem là không thể lay chuyển đã biến mất và kéo theo nó là sự sụp đổ cả một hệ thống chính trị xã hội.

Thay vì đem đến tiến trình dân chủ hóa đặng hồi sinh chủ nghĩa xã hội như vài người hy vọng lúc ban đầu, những cuộc nổi dậy từ 1989 đến 1990 khắp Đông Âu đã củng cố trật tự tân tự do như một hệ quả khi họ chọn những quyền tự do dân sự cơ bản và quyền tự do di chuyển dù chỉ trên danh nghĩa. Các Đảng Cộng sản từng nắm quyền nhiều thập niên rơi vào hỗn loạn, chuyển thành những đảng Dân Chủ Xã Hội hoặc tan rã hoàn toàn. Khối Xô-Viết sụp đổ cũng giáng một đòn tinh thần vào cách Tả ở phía bên kia bức Màn Sắt, làm tiền đề cho sự tan vỡ của phong trào cộng sản quốc tế cũng như dọn đường cho xã hội dân chủ xoay trục sang chủ nghĩa tân tự do.

Nếu tình hình Đông Đức tồi tệ thì mọi thứ theo sau [sự sụp đổ] cũng như vậy. Vào đầu những năm 1990, tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt ở các quốc gia thuộc khối Đông Âu, kinh tế nhà nước sụp đổ khiến hàng triệu người phải di cư tìm kiếm việc làm. Tỉ lệ tử vong tăng cao và tuổi thọ của người dân giảm vài năm. Trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nhà kinh tế học Branko Milanović ước tính tỉ lệ nghèo đói ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ tăng chóng mặt, từ 4% vào năm 1989 lên 45% ở giữa thập niên tiếp theo.

Công dân Cộng Hòa Dân Chủ Đức tránh được cảnh cơ hàn cùng cực nhờ sát nhập với nhà nước phúc lợi Tây Đức, nhưng vẫn phải chứng kiến nền kinh tế sụp đổ và dân số giảm mạnh. Đến cuối thập niên tiếp theo, nền kinh tế đã có sự hồi sinh nhưng sức tăng trưởng tập trung chủ yếu ở các khu vực trả lương thấp, còn lời hứa nâng cao địa vị xã hội vẫn là ước mơ xa vời đối với đa số. Người Đông Đức sở hữu tài sản ít hơn hẳn so với người hàng xóm phía tây và cũng vắng bóng ở giáo dục bậc cao, chính trị và ban lãnh đạo của các tập đoàn. Không quá vô lý khi hàng triệu người trong số họ cảm thấy như công dân hạng hai sau ba mươi năm sống trong một quốc gia thống nhất.

 Không lập lại

Phần lớn chính trị gia Đức có lẽ đều nhận định là tại thời điểm đó, quá trình chuyển giao đã có thể thực hiện khác đi, cẩn trọng hơn và giảm được được phần nào hậu quả cho kinh tế và xã hội. Tuy vậy, họ sẽ nói thêm rằng thế giới đã trở nên tươi đẹp hơn sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa nhà nước độc tài và thất bại lùi vào dĩ vãng. Chủ nghĩa tư bản không hoàn hảo, nhưng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới phải giam cầm người dân để giúp hệ thống tiếp tục tồn tại.

Bóng ma chế độ độc tài và trì trệ kinh tế hay được gán thành đặc điểm cuộc sống ở các nước Đông Âu, trở thành “bằng chứng” không thể chối cãi để tung hô chủ nghĩa tư bản là chế độ kinh tế xã hội khả thi duy nhất, và là thứ cần thiết. Hơn nữa, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội năm 1989 cho thấy khi đứng trước sự lựa chọn, đa số người lao động chọn sự dư dả vật chất của chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ tự do thay vì những gì chủ nghĩa xã hội đề xướng.

Những khẳng định này hoàn toàn giả dối. Chính những cuộc nổi dậy ở Đông Đức được dẫn dắt bởi yêu cầu được bầu cử tự do, và sau khi nhận được điều ấy, 50% dân số đã bỏ phiếu cho một chính phủ bảo thủ, đồng nghĩa với việc nhanh chóng sát nhập với phía Tây tư bản. Mặc dù khi ấy nhiều người chưa hiểu rằng điều này đồng nghĩa với sự biến mất của nhà nước phúc lợi Đông Đức, những gì công nhân nhận được dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không đủ để đảm bảo sự trung thành của họ trong thời khắc quyết định. Các hạn chế của chủ nghĩa xã hội nhà nước –gian lận bầu cử, hạn chế đi lại và thiếu thốn hàng tiêu dùng – cuối cùng đã đạp đổ những giá trị ban đầu của nó. Song liệu có thể có một kết thúc khác hay không?

Tái sinh từ tro tàn

Sự xuất hiện của nhà nước xã hội chủ nghĩa tại Đông Đức không thể tách rời với thất bại của phong trào công nhân Đức, từng là phong trào lớn mạnh nhất thế giới, dưới tay đảng Quốc xã của Adolf Hitler. Sau khi củng cố quyền lực vào năm 1933, chúng thanh trừng có hệ thống những tổ chức cánh Tả và giết hại hàng nghìn chiến sĩ. Sáu năm sau, chúng đẩy châu Âu vào một cuộc chiến vô tiền khoáng hậu, ra sức tàn phá và tổ chức diệt chủng dân Do Thái ở châu Âu trước khi Đệ tam đế chế bị người Xô-Viết, Mỹ và Anh đánh bại năm 1945 và chia cắt.

Những người cộng sản nhận một nhiệm vụ bất khả khi được giao trọng trách tái thiết trật tự trong vùng Xô-Viết: Làm sao để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một quốc gia vừa hứng chịu sáu năm bom đạn chiến tranh, mười hai năm bị phát xít khủng bố, bị các đại cường chiếm đóng chia đôi và đang ngập trong nghĩa vụ bồi thường chiến phí? Làm sao họ có thể tin tưởng tầng lớp lao động, lực lượng xã hội mà mà người Mác-xít tin là luôn chiến đấu vì xã hội chủ nghĩa, sau khi bọn họ thất bại hoàn toàn trong việc ngăn cản bọn Quốc xã?

Kể cả về cuối cuộc chiến, chỉ có một rất nhỏ dân Đức đấu tranh có tổ chức. Ngược lại với viễn tượng của những người cộng sản về một cuộc cách mạng quần chúng với ý thức giai cấp, chủ nghĩa xã hội đến với Đông Đức bằng lưỡi lê của Hồng Quân, đội quân đã đánh bại cuộc xâm lược của Đức và giải phóng phần lớn châu Âu, và mất ít nhất hai mươi triệu công dân để làm được điều đó. Và dễ hiểu thôi, những người Xô-Viết sẽ ở lại.

Trong vùng Xô-Viết chiếm đóng ở phía Đông, họ có thể dựa vào hàng chục nghìn người cộng sản và những người chống phát xít trong đảng Xã hội chủ nghĩa Thống Nhất (SED) vừa thành lập để thay mặt họ cai trị. Nhưng họ phải đối mặt với mười sáu triệu người, phần lớn vừa mới là đảng viên Quốc xã và phải được tái hòa nhập xã hội. Trong khi phe cộng sản ở các quốc gia như Ý và Nam Tư nhận được sự ủng hộ của phần đông dân chúng nhờ vai trò dẫn dắt của họ trong cuộc đấu tranh giải phóng, những người cộng sản ở Đông Đức lại không có chỗ dựa như vậy. Sự trái ngược này tiếp tục dai dẳng ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức trong suốt thời gian tồn tại, tính chính danh của chế độ luôn dựa vào hình ảnh về kết quả công cuộc chống phát xít do họ tự họa, trong khi thực tế, họ được tạo ra và phải phụ thuộc vào Moscow.

Sự sắp đặt khó khăn

  Hỗn loạn thời hậu chiến tạo ra hai vấn đề lớn ngay lập tức: Đầu tiên, giống như các quốc gia “dân chủ nhân dân” ở Đông Âu, ngay từ đầu, GDR đã phải đối mặt với những thử thách kinh tế cực kỳ khó khăn, họ không thể nhập khẩu công nghệ từ phương Tây và buộc phải tái thiết một cách độc lập. Thứ hai, kinh nghiệm từ thập niên 1930 và 1940 tạo ra sự ngờ vực về nhân dân trong giới lãnh đạo Cộng Sản. Sử gia Martin Sabrow gọi họ là “thế hệ lãnh đạo hồ nghi”, những người tìm cách sử dụng quyền lực nhân danh công nông nhưng không thể dựa vào công nông để thực hiện quyền của chính họ.

Phần lớn những “nhà lãnh đạo” này đã hoạt động nhiều năm trong các tổ chức kháng chiến, chịu tù đày nhiều năm và trại tập trung (vài người không chỉ là cộng sản, họ còn là người Do Thái), và đều thực tâm muốn xây dựng một nước Đức chống phát xít. Wilhelm Pieck, người duy nhất được mang danh hiệu “Chủ tịch” của GDR, là một trong những người cộng sản có tiếng nhất – năm 1919 ông đã bị bắt cùng với Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht vào đêm họ bị sát hại bởi các binh sĩ cực hữu. Erich Honecker, người sau này đã dẫn dắt GDR từ 1971 đến 1989 và trở thành biểu tượng cho sự thất bại của chế độ trong mắt hàng triệu người, từng dũng cảm phục vụ trong hàng ngũ quân kháng chiến và bị giam cầm mười năm trong trại giam của bọn Quốc xã. Có không ít những người như vậy hàng ngũ lãnh đạo của GDR.

Mặc dù sự hiện diện của Xô-Viết đảm bảo quyền lực độc tôn của người cộng sản, phần lớn dân chúng đều ủng hộ các chính sách cải cách ban đầu của chính phủ – đặc biệt là cải cách ruộng đất cho nông dân và thanh trừng các thành phần từng là Quốc xã ra khỏi đời sống công. Trong khi một vài tên Quốc xã giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ ở phía Tây, ví như trưởng đoàn ngoại giao Herbert Blankenhorn và chủ tịch quốc hội Tây Đức Hans Troßmann, Đông Đức đã dồn lực để thanh lọc bộ máy quản lý khỏi ảnh hưởng của Quốc xã – nỗ lực được hỗ trợ bởi hàng chục ủy ban chống phát xít do công nhân dẫn dắt trong cuộc chiến.

Với những ai sống sót qua chế độ phát xít và muốn xây dựng một nước Đức mới và tốt đẹp hơn, GDR là lựa chọn tự nhiên. Một số trí thức cánh tả và nghệ sĩ, như nhà soạn kịch nổi tiếng Bertolt Brecht, nhà soạn nhạc Hanns Eisler, triết gia Ernst Bloch và nhà lý luận pháp lý Wolfgang Abendroth, đã chọn gia nhập phía Đông và đóng góp công sức cho lý tưởng chung. Vài người bỏ đi trong sự thất vọng, một số khác chọn ở lại, chỉ trích sự yếu kém và chuyên chế của chính quyền mới nhưng trung thành với thứ họ tin là nỗ lực đứng đắn nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Ngoài những con người nổi tiếng này, ta nên nhớ có hơn năm trăm nghìn người chọn di cư về Đông chứ không phải Tây trong thập niên đầu tiên của GDR. Ước vọng của những chính trị gia tiên phong này được lột tả trong quốc ca mới của đất nước, chấp bút bởi chính Eisler: “Từ tro tàn đứng dậy, hướng mắt đến tương lai”.

Củng cố nhà nước chống phát xít

Sự tách biệt giữa thực tế và ước mơ cao thượng ấy được biểu trưng một cách mạnh mẽ bằng Bức tường Berlin, thứ cắt đôi thủ đô nước Đức, chia lìa bạn bè và đôi lúc cả những gia đình. “Bức tường chống lại Phát xít”, tên gọi chính thức của nó dựng lên vào tháng tám năm 1961, mười hai năm sau khi GDR thành lập, mười sáu năm sau khi Hồng Quân đánh bại bọn Quốc xã.  Nó là kết quả của một thập niên quân sự hóa “biên giới trong lòng nước Đức” dài 1400 kilomet, bắt đầu từ năm 1952 khi những đoạn dây thép gai đầu tiên được căng ra.

Không giống như các nước khác ở Đông Âu, cách quân Đồng Minh chia cắt nước Đức cho phép công dân bất đồng với GDR có thể rời sang phía Tây tư bản trong khi vẫn ở trong cùng một quốc gia. Và đã có 3,5 triệu người làm điều ấy trước khi Bức tường được dựng lên. Rất nhiều trong số đó là những chuyên gia theo đuổi mức lương cao hơn ở phương Tây, điều này đặt ra một vấn đề sống còn với một quốc gia non trẻ đang rất cần lao động tay nghề cao để tái thiết nền kinh tế đã vỡ vụn.

Trong khi Tây Đức được hưởng những khoản vay hào phóng và viện trợ kinh tế từ Kế hoạch Marshall của Mỹ, nhanh chóng bước vào giai đoạn bùng nổ kinh tế với tên gọi là “Phép màu sông Rhine,” phía Đông bị buộc phải bồi thường chiến phí cho Liên bang Xô-Viết, tháo dỡ và vận chuyển hàng nghìn nhà máy về phía đông – chiếm 30% năng lực công nghiệp còn sót lại của họ. Tốc độ tăng trưởng thụt lùi so với phía Tây và khoảng cách giữa mức sống của lao động ngày càng lộ rõ. Thậm chí cả cuộc nổi dậy ngày 17 tháng 6 năm 1953, ngày nay được xem như một cuộc bạo loạn đòi dân chủ và thống nhất nước Đức – lại được châm ngòi phần lớn do sự bất bình về kinh tế, thể hiện rõ ràng bởi một trong những khẩu hiệu chính vào lúc đấy: “Làm khoán là giết người.”

Đương nhiên GDR không có vấn đề gì với việc những tên cựu Quốc xã, bảo thủ hay những đối thủ chính trị rời bỏ đất nước. Trong suốt Chiến tranh lạnh, Đông Đức thường chọn cách trục xuất những người bất đồng chính kiến để đổi lấy những khoản tiền lớn từ chính phủ Tây Đức, thay vì tốn tài nguyên quý giá vào việc giam giữ hay giám sát. Nhưng phải làm gì với những người muốn rời đi vì thiếu thốn về kinh tế chứ không phải vì lý do chính trị? Bằng cách nào có thể ổn định xã hội và củng cố trật tự xã hội chủ nghĩa nếu như năm nào cũng mất hàng trăm nghìn lao động có năng lực?

Hai năm trước khi Bức tường được xây dựng, GDR một lần nữa phải đối mặt với những khó khăn kinh tế mang tính chất sống còn. Những người Xô-Viết chưa từng ủng hộ chia cắt Đông và Tây Berlin bằng rào cản vật lý, bởi họ vẫn nuôi hi vọng chiếm được quyền kiểm soát toàn thành phố. Nhưng đến cuối thập niên 1950, Đông Đức không thể ngăn cản luồng di cư ngày càng mạnh và phải cầu xin Moscow đóng biên giới vĩnh viễn, nếu không GDR sẽ tự sụp đổ. Thay vì thể hiện sự quyết đoán, đây là biểu hiện của sự yếu kém của bộ máy chính quyền, mắc kẹt trong cuộc Chiến tranh lạnh đã tạo nên nó mà bản thân nó cũng không thể giải quyết. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều công dân cho rằng Bức tường là một bước đi độc đoán tạm thời nhưng cần thiết để bảo vệ quốc gia xã hội chủ nghĩa non trẻ khỏi sự lật đổ và tan rã.

Tận dụng hết sức những gì có thể

Đàn áp và kiểm duyệt gắt gao là một phần tất yếu của cuộc sống ở phía Đông. Nhưng nếu như chỉ tóm gọn GDR bằng hình ảnh Bức tường và công an ngầm sẽ không giúp chúng ta hiểu hơn bằng cách nào và tại sao nó như thế, cũng như làm lu mờ mọi thứ khác từng diễn ra tại quốc gia này. Hàng triệu người ở Đông Đức và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã tin tưởng chế độ, dù là ở nhiều mức độ khác nhau trong hàng chục năm. Angela Davis đã nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Humboldt tại Đông Berlin. Liệu chúng ta có phải tin rằng tất cả mọi người đều bị tẩy não? Hay cuộc sống và xã hội ở đấy có những mặt tốt để tạo ra sự ủng hộ như vậy?

Bức tường xấu xí, đáng sợ và đối với nhiều người là bi thống. Nhưng GDR đã có được cơ hội từ sự ổn định kinh tế và địa chính trị mà Bức tường mang lại để xây lên một xã hội phồn thịnh dù khiêm tốn và đảm bảo sự công bằng xã hội giữa các tầng lớp và giới tính. Công nhân được đảm bảo việc làm, nhà ở và con cái được trông nom cả ngày, cùng lúc đó thực phẩm thiết yếu và các món hàng khác được trợ giá rất nhiều. Mặc dù lương bổng chỉ bằng một nửa so với phía Tây, nếu như điều chỉnh giá cả tỉ lệ với thu nhập, sức mua của công nhân GDR không hề kém cạnh. Việc này kết hợp với sự thiếu hụt hàng tiêu dùng kéo dài đã dạy cho người dân cách dựa vào nhau và giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn – điều đến nay vẫn còn thể hiện trong các cuộc khảo sát, cho thấy người ở phía Đông dành nhiều sự quan tâm hơn đối với sự bất công trong xã hội và họ hiểu được tầm quan trọng của sự đoàn kết.

Trái ngược với quan niệm phổ biến lúc đó về một tầng lớp quan chức Đảng suy đồi kí sinh trên công sức của lao động xã hội chủ nghĩa, sự cách biệt về giai cấp ở GDR giảm rõ rệt cả về vật chất lẫn văn hóa. Công nhân được trả công tốt hơn nhiều so với nhân viên cổ cồn trắng, và khoảng cách giữa người lao động chân tay và lao động có trình độ, nhìn chung, chỉ có 15%. Thậm chí cả những người tinh hoa của Đảng, sống cách biệt ở một khu ngoại ô có hàng rào ở bắc Berlin có tên là Wandlitz, có chất lượng sống thực sự quá khiêm tốn nếu so với tầng lớp cai trị hiện nay.

Đặc biệt ở những thập niên đầu tiên từ khi thành lập, hệ thống giáo dục của GDR mở rộng cửa cho dân chúng, đưa hàng nghìn công nhân trẻ vào đại học, sau đó là vào hệ thống quản lý trung tầng của nền kinh tế quốc dân và của Đảng. Trong khi thứ bậc theo trạng huống cũ vẫn tiếp tục tồn tại ở phía Tây, đặc trưng bởi cách chia ba cấp học gần giống hệ thống trường học thời trung đại, ở phía Đông, đa số công nhân mới xuất hiện và đón nhận sự bình đẳng với nhiều mức độ khá nhau như một sản phẩm của quá trình xã hội hóa. Tất cả học sinh Đông Đức học ở những trường như nhau cho đến lớp 10, và con của các công nhân – chí ít là những công nhân tuân thủ đường lối chính trị – được hưởng ưu tiên vào giáo dục bậc cao. Thay thế những tên tư sản cũ là tầng lớp cai trị mới được tuyển chọn từ chính giai cấp lao động, tầng lớp này trở thành nền móng của cả văn hóa lẫn xã hội dưới thể chế này. Văn hóa vô sản, hoặc chí ít là một phiên bản được chau chuốt và được chính quyền chấp nhận, trở nên phổ biến công khai và những dấu hiệu khoe mẽ về đẳng cấp bị bài xích.

Một thành quả chính trị từ sự chuyển đổi xã hội này là công nhân, mặc dù không thể công kích thể chế một cách công khai, thực sự đã tự tin và sẵn sàng lên tiếng về những vấn đề tại nơi lao động. Trong quyển sách mới đây về cuộc đấu tranh giai cấp của GDR, Steffen Mau miêu tả việc nhà nước tung hô công nhân là “giai cấp thống trị” đã cho họ nhiều thời gian để phản ánh các vấn đề và định hình điều kiện làm việc của họ. Nghiên cứu của Kristen R.Ghodsee cho thấy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động cùng việc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em đã giúp họ giảm mạnh sự phụ thuộc vào chồng. Họ có thể tự do li dị những người chồng bạo hành và sống một cuộc sống độc lập hơn nhiều. Hiện tại, ở Đông Đức điều này là một trong những thứ người dân cảm thấy tiếc nhất về chế độ cũ: bây giờ họ có thể tự do chỉ trích chính quyền nhưng lại không thể gây ảnh hưởng lên nơi họ làm việc.

Câu chuyện có phần nào tương tự xuất hiện trong chính trị. Các cuộc bầu cử ở GDR, mặc dù bị nhiều người cho là một sự giả tạo, ít ra cũng gây ra áp lực cho các quan chức Đảng thể hiện sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của dân chúng, nếu không cử tri sẽ không đến bầu cử và làm họ bẽ mặt. Một ví dụ điển hình là cuộc trung cầu dân ý năm 1968 về Hiến pháp thứ hai của GDR, tổ chức vào đầu tháng Tư sau hai tháng nhận sự đóng góp của công luận. Hàng triệu công dân đã tham gia vào các cuộc tranh luận này và hàng nghìn người đã gửi những ý kiến chỉ trích cũng như góp ý xây dựng qua thư. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý gần như đã được quyết định từ trước, nhưng chính phủ đã thêm vào một số gợi ý của nhân dân cũng như trả lời thành thật những câu hỏi then chốt.

Thời gian trôi qua cũng làm lu mờ đi những đặc điểm tốt đẹp của GDR. Nền kinh tế kế hoạch tập trung của Đông Âu gặp nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh toàn cầu, tụt hậu so với phương Tây giàu có và tiến bộ hơn, họ cũng thất bại trong việc thay đổi quá trình sản xuất. Đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973, GDR buộc phải gánh thêm nhiều khoản nợ khổng lồ để giữ nền kinh tế khỏi sụp đổ và gặp nhiều vướng mắc trong việc đầu tư vào công nghệ mới. Cuộc Chiến Tranh Lạnh tăng nhiệt vào đầu thập niên 1980 với việc Liên bang Xô-Viết đưa quân vào Afganistan và hành động leo thang của chính quyền Reagan khiến tâm lý bị bao vây tăng cao.

Sự bất bình với cuộc sống sau Bức màn Sắt lan rộng và ngày càng mạnh mẽ do ảnh hưởng của những sự kiện trên. Sau nhiều thập niên với việc thăng tiến xã hội rộng mở, cấu trúc xã hội của GDR trở nên xơ cứng và những người trẻ thường nhận ra họ không thể thăng tiến sự nghiệp. Những khó khăn về kinh tế chồng chất đồng nghĩa với việc các công nhân dù tiếp tục được nhận lương khá khẩm và hưởng nhiều dịch vụ xã hội, lại không có đủ hàng hóa cho họ tiêu thụ. Những mặt hàng mà người lao động mua được thì lại có chất lượng kém hơn trông thấy so với phía Tây, và truyền thông Tây Đức nhắc đến chuyện này hàng ngày.

Đảng cầm quyền, điều hành bởi một thế hệ cựu chiến binh chống Phát xít bảy tám mươi tuổi trở ngày càng cứng nhắc, không thể thích ứng với tình thế ngày càng xấu đi và chọn giải pháp tự bảo vệ mình. Khi Mikhail Gorbachev thực hiện Perestroika (tiếng Nga nghĩa là Cải tổ) ở Liên bang Xô-Viết, quốc gia được đề cao là người thầy vĩ đại của GDR trong hàng thập niên, lãnh đạo SED từ chối thay đổi một cách bảo thủ và đẩy mạnh các biện pháp đàn áp. Khi mọi chuyện lên đỉnh điểm vào năm 1989, phần lớn lao động ở Đông Đức đã không còn đứng cùng phía với thể chế nữa, bất kỳ nỗ lực cải tổ nào từ phía trên đều bị coi là hành động của những kẻ cơ hội chủ nghĩa chứ không còn là nỗ lực thật sự để cải thiện tình hình.

Chúc may mắn lần sau

Khi mà “xã hội chủ nghĩa thực sự tồn tại” đã không còn hiện diện nữa, câu hỏi liệu nó có thể thực sự thay thế chủ nghĩa tư bản hiện tại đã trở thành thừa thãi. Tình hình chính trị của chúng ta hiện nay khác xa nửa đầu đầu thế kỷ XX. Những gì còn sót lại của phong trào cộng sản chỉ còn là cái bóng mờ nhạt, nếu chủ nghĩa phát xít xuất hiện ở châu Âu một lần nữa, sẽ chẳng có Hồng Quân nào đến để giải cứu chúng ta. Nếu chúng ta muốn có một con đường cho chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI, nó sẽ phải khác hẳn so với con đường của những người đi trước.

Sẽ thực là vô trách nhiệm nếu như chúng ta bác bỏ quãng thời gian này như một nhánh khác của mô hình Stalin. Liệu chúng ta có gọi đó là chủ nghĩa xã hội hay không, tất cả nhân dân sống và làm việc ở GDR đã dành bốn mươi năm xây dựng một xã hội mà họ hiểu là vậy và đạt được nhiều thành tựu. Tương tự như các đồng chí của họ ở Cuba hay Việt Nam, chính quyền của họ bắt đầu với sự vây hãm và phải chịu những thiệt thòi to lớn về vật chất, phải bắt đầu từ những xã hội rỉ máu bởi sự kém phát triển, đàn áp và chiếm đóng. 

Không có gì để nghi ngờ việc thiếu vắng một hệ thống chính trị dân chủ và nền tự do ngôn luận khiến GDR thất bại trong việc tận dụng các ý kiến trái chiều và giải quyết các thách thức từ sự phát triển kinh tế chính trị mới. Dù các mối đe dọa từ bên ngoài là thật, các biện pháp được đề ra để giải quyết lại trở thành mối họa lớn nhất. Kiểm duyệt và đàn áp, ban đầu được coi là biện pháp tạm thời cho đến khi nhà nước của công nhân phát triển hoàn toàn, lại chính là thứ tha hóa họ và khiến họ chống lại nhà nước mang danh mình.

Những gì GDR trải qua không phải là thứ mà những người theo chủ nghĩa xã hội muốn lặp lại. Dù vậy, chúng ta có thể nhìn nhận thành quả của nó về giáo dục, nhà ở, chăm sóc trẻ em và quan hệ lao động như một bằng chứng rằng xã hội không cần phải xoay quanh lợi ích của những kẻ giàu có và thị trường tự do không phải cách duy nhất để tổ chức một nền kinh tế.  Đảm bảo mọi người đều đủ ăn, có nơi ở, được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận giáo dục – điều mà hiện nay bất kỳ xã hội tư bản nào cũng không thể làm được.

Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng sau 172 năm kể từ lúc Marx và Engels lần đầu xuất bản Tuyên ngôn Cộng sản, chủ nghĩa xã hội gần như chưa bao giờ đạt đến quyền lực chỉ với một cuộc cách mạng thuần túy do công nhân lãnh đạo như những người Mác-xít thường nhắm tới, và cũng không có lý do gì để điều đó sẽ thay đổi trong tương lai gần. Để thành công, những người theo chủ nghĩa xã hội cần một chiến lược sẵn sàng tiếp nhận sự đổi mới và sẵn sàng hành động theo những gì thời cuộc cho phép. Thường thì sẽ phải có sự thoả hiệp. Bức tường Berlin và sự thất bại của chính quyền dựng lên nó cho thấy mọi sự thỏa hiệp đều có giới hạn, trước khi chúng trở thành thứ phá hoại chính chủ nghĩa xã hội.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s