Hồi ký Đời Tôi của nhà cách mạng Leon Trotsky đã được nhóm Đệ tứ Cộng sản Việt Nam dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và xuất bản tại Pháp năm 1998 cũng như trên website Tủ Sách Nghiên Cứu. Do nhiều nguyên nhân, hiện tại ấn bản điện tử đã không còn trên mạng.
Nhận thấy tác phẩm cung cấp góc nhìn sâu và từ cá nhân của Trotsky, có thể giúp độc giả hiểu về chủ nghĩa Marx chân chính, hiểu cuộc đấu tranh phức tạp trước, trong và sau cách mạng Nga, Chuông Rè trân trọng đăng tải toàn văn tác phẩm này.
Nguyên tác: ЛЛЕЕВВ ТТРРООЦЦККИИЙЙ:: ММООЯЯ ЖЖИИЗЗННЬЬ II––IIII
Tủ sách Nghiên cứu dịch theo bản tiếng Pháp:
Léon Trotsky: Ma Vie
Nhà xuất bản Gallimard, Paris 1953
Hoàng Nguyễn đối chiếu, sửa chữa và chỉnh lý theo bản tiếng Hung: Lev Trockij: Életem
Nhà xuất bản Kossuth, Budapest 1989
Trình bày bìa: Hoàng Giang In lần thứ nhất tại Hungary, 1998
CHƯƠNG III
GIA ĐÌNH VÀ HỌC ĐƯỜNG
Năm 1888 bắt đầu những sự kiện lớn trong đời tôi. Tôi được gửi đi học ở Ôđétxa. Sự việc diễn ra như sau: Mùa hè, một người cháu của mẹ tôi về làng, anh tên là Môixây Philíppôvích Spenxe [Moisei Filippovitch Spenzer], một thanh niên hai mươi tám tuổi, thông minh và tốt bụng. Theo cách nói đương thời, Spenxe cũng hơi ”để cháy mình” và vì thế sau khi tốt nghiệp trung học, anh không được vào đại học. Anh cũng làm báo và làm thống kê đôi chút. Spenxe về nông thôn để tránh bệnh lao. Mônhia [Monia] – tên gọi trong gia đình của anh – là niềm tự hào của mẹ và các chị em do những khả năng xuất sắc và tính tình của anh. Sự quý trọng ấy lan sang cả gia đình tôi. Ai nấy đều vui mừng từ trước khi anh đến. Cùng mọi người, tôi cũng rất mong anh. Khi Mônhia bước vào phòng ăn, tôi đang còn đứng trên bậc thềm một phòng nhỏ ở góc – vẫn thường được gọi là ”phòng bọn trẻ’ -, không thể nhích lên một bước vì cả hai mũi giày cao cổ đều há miệng toang hoác. Không phải vì nghèo khổ – hồi đó chúng tôi đã rất khá giả rồi – nhưng ở nông thôn người ta không chú ý đến những điều ấy, ai nấy còn phải làm việc cật lực và mọi nhu cầu thì không lớn lắm.
– Chào cậu, chàng trai nhỏ – Môixây Philíppôvích nói. – Lại đây nào…
– Chào anh – đứa bé trả lời nhưng không động đậy.
Giữa những tràng cười lúng túng, người ta kể cho khách biết sự thể và anh vui vẻ nhấc tôi qua ngưỡng cửa rồi ôm chặt vào mình, đưa tôi ra khỏi tình thế khó khăn.
Trong bữa trưa, Mônhia được tất cả mọi người chú ý: mẹ tôi tiếp anh những miếng ngon nhất, bà hỏi anh ăn có vừa miệng không và gạn hỏi anh thích những món gì.
Buổi tối khi đàn bò về chuồng, Mônhia nói với tôi:
– Mình đi uống sữa tươi mới vắt đi, cầm lấy cốc… nhưng chú ý đừng cho tay vào trong cốc nhé, cầm bên ngoài thôi, chú bồ câu bé bỏng của tôi ạ.
Tôi học được ở Mônhia nhiều điều trước đó tôi chưa biết: phải cầm cốc thế nào, tắm rửa ra sao, làm thế nào đọc cho đúng một số từ ngữ và tại sao sữa vừa vắt lại rất bổ cho phổi. Spenxe đi dạo, viết lách, chơi ky; anh dạy tôi môn số học và tiếng Nga, chuẩn bị cho tôi vào lớp một. Tôi theo anh hào hứng nhưng cũng đượm một nỗi băn khoăn: tôi cảm thấy ở anh mầm mống của một kỷ luật với những nhu cầu cao hơn. Đó là khởi đầu của nền văn minh thành thị.
Mônhia rất thân mật đối với mọi bà con của anh ở nông thôn, anh hay nói đùa và hát bằng một giọng nam cao mềm mại. Nhưng cũng có những khoảng khắc anh sa sầm mặt, lặng lẽ và kín đáo ngồi vào bữa trưa. Những khi ấy mọi người băn khoăn nhìn anh và gạn hỏi: anh làm sao thế, ốm à? Anh đáp ngắn gọn và lẩn tránh. Cứ không rõ ràng như thế và phải đến cuối kỳ anh ở với chúng tôi, tôi mới đoán ra nguyên nhân của những cơn lặng lẽ này: Mônhia bị chấn động bởi sự thô lỗ hoặc bất công của miền thôn dã. Không phải chú hay dì của anh là những người chủ cay nghiệt, không, không có lý do nào để khẳng định như vậy – mối quan hệ với công nhân và nông dân ở đây cũng không tệ hơn các trang trại khác. Nhưng cũng chẳng khá hơn là bao. Nghĩa là người ta đối xử cứng rắn với họ. Một lần, anh thư ký dùng chiếc roi da dài quất vào một người chăn cừu vì anh này đã giữ bầy ngựa cho đến tối mịt bên bờ nước. Mônhia tái mặt
và nghiến răng thì thầm:
– Đồ khốn kiếp!
Và tôi cảm thấy quả thực đó là điều khốn nạn. Không biết nếu không có Mônhia, tôi có cảm thấy như thế không? Tôi chắc là có. Nhưng rõ ràng anh đã giúp tôi thấy điều đó. Chỉ một việc này cũng khiến tôi biết ơn anh một đời.
Spenxe chuẩn bị cưới cô hiệu trưởng một trường nhà nước ở Ôđétxa dành cho các nữ sinh Do Thái. Ở Ianốpca không ai biết cô, nhưng ngay từ đầu, ai nấy đều cho rằng hẳn cô phải là người ưu tú: vì là nữ hiệu trưởng và vì là vợ tương lai của Mônhia. Người ta định vào mùa xuân sang năm sẽ đưa tôi đến Ôđétxa, tôi sẽ trọ tại gia đình Spenxe và vào trường trung học.
Người thợ may trong khu quần cư may vội vã cho tôi bộ trang phục, mọi người bỏ vào một cái thùng to những lọ bơ, mứt và các thứ quà khác để biếu bà con ngoài thành phố. Phút giã từ kéo dài, tôi khóc to, mẹ tôi cùng các chị tôi cũng khóc và khi đó lần đầu tiên tôi cảm thấy Ianốpca và mọi người ở đó quý báu biết chừng nào đối với tôi. Cỗ xe ngựa chở chúng tôi vượt qua thảo nguyên đến nhà ga. Tôi khóc một mạch cho đến khúc rẽ ra đường lớn. Từ Nôvưi Bugơ [Novy Boug], chúng tôi đáp tàu hỏa tới Nhicôlaiép và xuống tàu thủy ở đó. Tiếng còi tàu làm tôi thấy rờn rợn sau lưng, nó vang lên như báo hiệu một cuộc sống mới. Nhưng đây mới là sông Bugơ [Boug], biển cả vẫn còn ở trước mặt tôi. Rất nhiều, rất nhiều thứ khác nữa đang chờ đợi tôi. Bến cảng đây rồi, một người đánh xe, một phố nhỏ mang tên Pốcrốpxki [Pokrovosky] và một tòa nhà lớn cũ kỹ, ở đó có trường dành cho các nữ sinh với cô hiệu trưởng. Người ta quan sát tôi từ mọi phía, hôn lên trán và lên má tôi: thoạt đầu là một phụ nữ trẻ, rồi một bà già, mẹ cô. Như thường lệ, Môixây Philíppôvích vẫn bông đùa, anh hỏi tôi về Ianốpca, về tất cả những người sống ở đó mà chúng tôi biết và về cả những con bò cái. Nhưng lúc này, lũ bò cái là những con vật vô nghĩa đến mức tôi cảm thấy phát ngượng khi phải nhắc đến chúng giữa nhóm người thanh lịch như thế.
Căn nhà không lớn. Người ta dành cho tôi một góc trong phòng ăn, được che chắn bởi một bức màn. Tôi đã ở đấy trong bốn năm đầu của đời học trò.
Lập tức tôi tự khép mình hoàn toàn vào quyền lực của thứ kỷ luật hấp dẫn nhưng khắt khe của Môixây Philíppôvích mà tôi đã dự cảm từ hồi ở làng. Trật tự sống trong gia đình không đến nỗi nghiêm khắc, quy củ thì đúng hơn: chính vì thế trong thời gian đầu tôi thấy nó nghiêm ngặt. Tôi phải đi ngủ vào lúc chín giờ. Chỉ sau này khi học lên những lớp cao, người ta mới cho phép tôi ngủ muộn hơn. Dần dà tý một, từng bước người ta dạy tôi phải biết chào buổi sáng, phải rửa tay và các móng, không được đưa dao lên miệng, phải cám ơn người phục vụ khi họ dọn thức ăn cho mình, không được đến chậm trễ và nói xấu ai sau lưng họ. Tôi được biết vài chục từ mà chúng tôi coi như không có vấn đề gì ở làng, không phải tiếng Nga chính gốc mà là tiếng Ucơraina bị nói sai lạc đi. Ngày này qua ngày khác, tôi tìm ra những mảnh mới của một môi trường văn minh hơn cái nơi tôi đã sống trong chín năm đầu của cuộc đời mình. Ngay cả kỷ niệm về nhà xưởng cũng bắt đầu phai mờ, mất sức quyến rũ trước những cám dỗ của văn học cổ điển và sân khấu. Tôi trở thành một tiểu thị dân. Nhưng đôi khi hình ảnh xóm làng chợt sáng rực trong ý thức của tôi, hấp dẫn như một thiên đường bị đánh mất. Những lúc ấy tôi buồn bã đứng ngồi không yên, tôi lấy ngón tay viết những lời chúc tụng mẹ tôi lên kính cửa sổ hoặc vùi đầu vào gối mà khóc.
Cuộc sống ở gia đình Môixây Philíppôvích khá đạm bạc, tiền tài chỉ vừa đủ. Ông chủ nhà không có việc làm cố định. Anh dịch và chú giải những vở bi kịch Hy Lạp hoặc viết những mẩu chuyện cho trẻ em. Spenxe nghiên cứu kỹ Slôsse [Schlosser] và các sử gia khác để lập nên những niên biểu, cạnh đó anh giúp vợ quản lý nhà trường. Chỉ sau này anh mới thành lập một nhà xuất bản nhỏ, phát triển rất khó khăn trong những năm đầu nhưng sau đó thăng tiến rất nhanh. Mười, mười hai năm sau, Spenxe trở thành người xuất bản sách quan trọng nhất miền Nam nước Nga, anh có một nhà in lớn và là chủ nhân một cơ nghiệp. Tôi sống sáu năm trong gia đình ấy, đúng vào thời kỳ đầu tiên của nhà xuất bản. Tôi làm quen với công việc sắp chữ, sửa bản in thử, lên trang, in ấn, gấp và đóng bìa. Việc sửa bản in thử là trò giải trí làm tôi thích thú. Tôi rất thích tờ giấy mới in xong, say mê ấy có từ những năm xa xôi thuở còn đi học.
Như lệ thường trong các gia đình tư sản và nhất là tiểu tư sản, đội ngũ kẻ hầu người hạ đóng một vai trò không mấy nổi bật nhưng khá quan trọng trong đời tôi. Đasa [Dacha], cô hầu đầu tiên có một tình bạn đặc biệt bí mật với tôi: cô trao cho tôi những chuyện bí ẩn nhất của mình. Sau bữa trưa, khi mọi người đã đi nghỉ, tôi lẻn xuống nhà bếp. Ở đó Đasa nói đủ thứ chuyện linh tinh, không ra đầu, ra đũa về cuộc đời và mối tình đầu của cô.
Sau Đasa, gia đình lại có một cô hầu người Do Thái vùng Ghitômia [Jitomir] đã ly hôn với chồng.
”Anh ấy ác lắm, thật đáng kinh tởm” – cô phàn nàn với tôi.
Tôi bắt đầu dạy cô ta tập đọc. Mỗi ngày cô bỏ ra ít nhất nửa giờ trước bàn tôi, cố học hỏi bí quyết của bảng chữ cái và quá trình sắp xếp chúng thành một từ.
Hồi đó, một đứa bé được sinh ra trong gia đình và nhà cần một chị vú nuôi. Sau đó, tôi viết thư hộ cho chị này. Cô than vãn và kêu ca trong thư gửi người chồng đã sang châu Mỹ. Theo yêu cầu của cô, tôi cố mô tả lời cô nói với những màu sắc ảm đạm nhất rồi thêm vào: ”Riêng chỉ có đứa bé đang bú của chúng ta là một vì sao sáng trên bầu trời ảm đạm của đời em”. Chị vú nuôi thích thú đến tuyệt đỉnh. Bản thân tôi cũng khoái khi đọc bức thư, chỉ cảm thấy phiền phiền vì đoạn cuối lại có lời xin một ít đô-la.
Rồi chị vú nuôi lại đề nghị:
– Bây giờ cậu giúp cho một thư nữa.
– Cho ai? – tôi hỏi, sẵn sàng chuẩn bị cho tác phẩm.
– Cho người anh họ tôi – chị vú nuôi trả lời, nhưng trong giọng chị có gì không quả quyết lắm.
Lá thư này cũng nói về một đời sống ảm đạm, nhưng không hề đả động đến ”một vì sao” nào cả, và kết thúc rằng chị đồng ý đến thăm người nhận thư nếu anh ta muốn.
Cô vú nuôi vừa ra khỏi cửa thì cô hầu, học trò của tôi bước vào; chắc chắn cô đã nghe ngóng ở
ngoài cửa.
– Chẳng phải là anh họ gì đâu – cô thì thầm vào tai tôi vẻ bất bình
– Thế thì là ai? – tôi hỏi.
– Một ai đó, thế thôi…- cô trả lời.
Và tôi có dịp trầm ngâm về sự rắc rối trong những mối quan hệ con người.
Tới bữa trưa, chị Phanni Xôlômônốpna [Fanny Solomonovna] nói với tôi kèm một nụ cười bí
hiểm:
– Kìa thi sĩ, cậu không muốn ăn xúp nữa à?
– Sao? – tôi hoảng hốt hỏi.
-, không sao! Cậu biên thư hộ chị vú nuôi, vậy cậu là thi sĩ rồi còn gì… Cậu viết thế nào nhỉ: ”…
một vì sao sáng trên bầu trời ảm đạm…”; đúng là một thi sĩ thực thụ rồi!
Và không kìm được nữa, chị phá lên cười.
Môixây Philíppôvích trấn an tôi:
– Cậu viết hay đấy. Nhưng cậu biết không, đừng viết hộ thư cho cô ấy nữa, để chị Phanni viết thì
hơn.
Mặt rối rắm của cuộc sống mà mọi người không muốn nói ra trong gia đình cũng như trên học
đường, không vì thế mà không tồn tại; chúng còn khá mạnh và có mặt ở mọi nơi để thu hút sự chú ý của một chú bé lên mười. Người ta không cho chúng vào lớp học cũng như vào nhà qua cửa chính, nhưng chúng tự tìm thấy đường thông qua nhà bếp.
Người Do Thái được dành mười phần trăm trong các trường của nhà nước, chỉ số ấy được đặt ra năm 1887. Hầu như vô vọng nếu muốn được vào trường Trung học Cổ điển: phải có ô dù hoặc đút lót. Trường Trung học Hiện đại khác với Trung học Cổ điển ở chỗ tại đó người ta không dạy những ngôn ngữ cổ điển, ngược lại chương trình toán học, vạn vật học và các ngôn ngữ hiện đại được mở rộng hơn. Chỉ số nói trên cũng được áp dụng cho các trường Trung học Hiện đại nhưng người ta thi vào đó ít hơn, thành thử các thí sinh có nhiều hi vọng được nhận hơn.
Thời ấy trên các báo và tạp chí, người ta tranh cãi hồi lâu về cách giáo dục cổ điển và hiện đại. Phái thủ cựu cho rằng giáo dục cổ điển truyền cho con người một thứ kỷ luật; nói đúng hơn họ hi vọng một công dân đã chịu đựng ê a tiếng Hy Lạp thời thơ ấu thì suốt đời cũng sẽ chịu đựng được thể chế Nga hoàng. Ngược lại, những người có tư tưởng tự do – dù không phủ nhận chủ nghĩa cổ điển, anh em cùng vú nuôi với chủ nghĩa tự do vì cả hai cùng được sinh ra trong thời Phục hưng -, nhưng họ vẫn ủng hộ ngành học hiện đại. Vào thời kỳ tôi phải quyết định học loại nào, cuộc tranh luận này đã lắng xuống do một thông tư đặc biệt của chính phủ, cấm việc tranh cãi ngành học nào hơn ngành học nào.
Mùa thu, tôi thi vào năm thứ nhất trường Trung học Hiện đại Xanh Pôn [Saint Paul]. Kết quả cuộc thi ấy khá thường; tôi được điểm ”3” môn tiếng Nga và điểm ”4” môn số học. Điểm thi như thế không đủ bởi chỉ số nói trên đòi hỏi một sự chọn lọc rất chặt chẽ. Hệ thống thi cử còn nặng nề thêm vì nạn đút lót. Người ta quyết định cho tôi vào lớp dự bị, đó là một lớp tư thục hoạt động phụ bên cạnh trường công. Từ lớp đó, người Do Thái được lên năm thứ nhất vẫn theo chỉ số nói trên, nhưng được ưu tiên so với sinh viên ngoại trú.
Trường Trung học Hiện đại Xanh Pôn do người Đức sáng lập. Nó thuộc về cộng đồng Tin Lành Luthơ [Luthe] và đáp ứng nhu cầu của nhiều kiều dân Đức sống ở Ôđétxa và khắp miền Nam. Mặc dù trường này được hưởng các ”quyền lợi nhà nước” nhưng vì nó chỉ có sáu lớp, người ta buộc phải học năm thứ bảy trong một trường Trung học Hiện đại khác, nếu muốn vào trung cấp hay đại học. Có lẽ bằng cách đó, chính phủ hi vọng sẽ loại bỏ được những học sinh ưu tú nhất của dân tộc Đức vào năm cuối. Hơn nữa, ngay trong trường Xanh Pôn, bản thân thứ ”tinh thần” Đức ấy càng mai một dần, năm này qua năm khác. Học sinh người Đức chiếm không đầy một nửa sĩ số. Các thầy giáo người Đức bị loại bỏ thẳng thừng khỏi ban lãnh đạo trường.
Trong trường, những ngày đầu tiên đầy đau buồn, niềm vui chỉ đến vào sau đó. Tôi đi học với bộ đồng phục mới, đầu đội chiếc cát-két mới tinh buộc dải màu vàng, lại được tô điểm bằng một huy hiệu tuyệt vời: những chữ đầu tiên của tên trường cuộn vào nhau giữa hai cành cây, mỗi cành có ba lá. Tôi đeo trên lưng một cái cặp mới tinh đựng sách học, bìa đóng sáng loáng và mới nguyên cùng một hộp bút đẹp có chiếc bút chì gọt nhọn đầu, quản bút mới tinh và một cái tẩy. Hào hứng, tôi dạo khắp phố dài Útxpenxcaia [Ouspenskaia] với cả bộ đồ lộng lẫy ấy, lòng vui khi nghĩ rằng còn xa mới tới trường. Tôi tưởng tượng tất cả những người qua lại đều nhìn ngắm bộ đồ nghề tuyệt vời của tôi với vẻ khâm phục, thậm chí ghen tị. Vô cùng tự tin và tò mò, tôi nhìn chằm chằm vào mọi gương mặt đi ngược chiều. Nhưng hoàn toàn bất ngờ, một thằng bé cao gầy, khoảng mười ba tuổi – có lẽ từ một xưởng nào ra vì nó cầm một vật gì đó bằng tôn – dừng lại cách tôi hai bước, ngửa đầu về phía sau khạc ầm ĩ và nhổ một bãi to vào vai áo choàng mới tinh của tôi, rồi nó khinh bỉ nhìn tôi và tiếp tục đi chẳng nói chẳng rằng.
Điều gì khiến nó hành động như vậy? Ngày nay, tôi thấy rõ ràng: một chú bé bần cùng, áo rách như sơ mướp, đi đôi giày rách nát không tất, phải làm những việc bẩn thỉu cho chủ, trong khi đó các cậu con ông chủ vênh vang, hãnh diện trong bộ đồng phục học sinh đẹp đẽ… và bằng hành động của mình, đứa bé đã thể hiện sự phản kháng xã hội của nó. Nhưng trong giây phút đó tôi nào biết khái quát hóa. Tôi lau chùi vai áo rất lâu bằng lá cây dẻ, không kìm nổi sự phật ý bất lực và đi hết chặng đường còn lại với tâm trạng đen tối.
Đòn thứ hai chờ tôi ở sân trường.
– Thưa thầy Piốt Páplôvích [Pierre Pavlovitch], lại có một thằng còi lớp dự bị cũng mặc đồng phục!
– bọn học sinh la lên.
Sao vậy? Nguyên là thế này: lớp dự bị được coi là lớp tư thục nên học sinh lớp này bị cấm ngặt không được mặc đồng phục. Ông giám thị Piốt Páplôvích, một thầy có bộ râu đen giải thích cho tôi: phải cất huy hiệu trên mũ cát két, cất phù hiệu trên cổ áo, cất vòng trên thắt lưng và thay khuy áo có chạm phượng hoàng bằng những khuy xương thường. Tai họa thứ hai đến với tôi như thế.
Hôm đó chúng tôi không phải học. Học sinh người Đức và những bọn còn lại cùng đến nhà thờ Tin Lành mà nhà trường được mang tên. Lập tức một thằng bé mập mạp che chở và bảo tôi ngồi cạnh trên một chiếc ghế băng trong nhà thờ, nó lưu ban và đang học lại lớp dự bị, thông thạo mọi nội quy, tập quán. Lần đầu tiên tôi được nghe đại phong cầm (đàn ống) và âm thanh của nó làm hồn tôi rung động. Rồi xuất hiện một người cao lớn, râu cạo nhẵn, áo ve trắng và tiếng nói của ông tràn khắp tòa nhà, tạo nên một làn sóng âm thanh chạy đuổi nhau. Ông nói bằng một ngôn ngữ tôi không hiểu khiến bài thuyết giáo đường bệ hơn gấp hàng chục lần
– Ai vậy? – tôi hỏi vẻ hồi hộp.
– Đích thân ông mục sư Binneman [Binnemann] đấy – Cácxơn [Karlsohn] giảng giải -, ông ấy thông thái vô cùng, đó là người thông minh nhất ở Ôđétxa.
– Thế ông ấy nói gì?
– Cậu biết đấy, ông ấy nói tất cả những gì phải nói trong các dịp như thế này – lời giảng giải của Cácxơn không còn hào hứng như trước. – Ông nói chúng ta phải học giỏi, phải chăm chỉ và sống hòa thuận với bạn bè…
Sau này tôi mới biết thằng bé có gò má cao sùng bái Binneman ấy là đứa đại lười nhác trong đám học sinh, nó luôn gây gổ và đánh nhau loạn xạ trong các giờ nghỉ.
Ngày thứ hai đã an ủi tôi. Tôi nổi lên ngay về môn số học và chép lại đúng các mẫu chữ trên bảng. Thầy giáo Ruđencô [Rudenko] khen tôi trước lớp và cho tôi hai điểm ”5” liền. Điều đó hòa giải tôi với các khuy xương mà tôi mang trên áo. Trong các lớp dưới, đích thân thầy hiệu trưởng Khơrítxchian Khơrítxchianôvích Svanêbắc [Christian Christianovitch Schwane-bach] dạy tiếng Đức. Đó là một người ăn mặc rất chải chuốt, sở dĩ trèo lên được địa vị cao như thế chỉ vì ông ta là con rể của Binneman. Bắt đầu giờ học, ông kiểm tra tay tất cả học trò và thấy tay tôi sạch. Sau đó vì tôi chép cẩn thận các từ tiếng Đức ở trên bảng, thầy hiệu trưởng khen tôi và cho tôi một con ”5”. Như thế sau ngày học đầu tiên ấy, tôi về nhà với trọng lượng nặng trĩu của ba điểm ”5”. Tôi giữ chúng trong cặp như một của quý, không đi mà chạy trên phố nhỏ Pốcrốpxki với lòng khát khao được gia đình khen ngợi.
Tôi đã trở thành học sinh như thế. Tôi dậy sớm uống vội vàng chén trà buổi sáng, nhét vào túi áo choàng bữa ăn trưa bọc trong mảnh giấy và vội vã chạy đến trường cho kịp giờ đọc kinh buổi sáng. Không bao giờ tôi chậm trễ. Tôi luôn ngồi ngoan ngoãn trên chiếc ghế dài. Tôi nghe giảng chăm chú và chép cẩn thận những thứ thầy viết trên bảng. Ở nhà tôi chăm chỉ chuẩn bị bài vở. Tôi luôn đi nằm đúng giờ để ngày hôm sau lại uống vội chén trà sáng, rồi lại chạy đến trường với nỗi lo chậm giờ đọc kinh buổi sáng. Tôi lên lớp đều đặn, lớp này tiếp nối lớp khác. Khi gặp một thầy giáo ngoài phố, tôi chào với một lòng kính trọng lớn nhất có thể có.
Trong số những người bên tôi có rất nhiều kẻ kỳ quặc, tỉ lệ này đặc biệt cao trong giới giáo viên. Ở trường Xanh Pôn, trình độ các thầy giáo cao hơn mức trung bình. Nhà trường có một tiếng tốt và không phải không có lý do: chế độ ở đây nghiêm ngặt, mọi đòi hỏi cũng cao; năm này qua năm khác, dây cương càng căng hơn. Nhất là sau khi ông hiệu trưởng Svanêbắc được ông Nhicôlai Antônôvích Caminxki [Nikolas Antonovitch Kaminsky] thay thế.
Ông này nếu xét về nghiệp vụ thì là một nhà vật lý, còn về tâm tính là kẻ thù ghét con người. Không bao giờ ông nhìn thẳng vào người ông nói chuyện. Ông lướt qua các hành lang và các lớp không một tiếng động trên đôi giày đế lót cao su. Giọng nói của ông mỏng và rè, chẳng cần cất cao cũng gây nên sợ hãi. Nhìn bề ngoài Caminxki có vẻ cân bằng nhưng bên trong không bao giờ ông thoát khỏi trạng thái cáu kỉnh dồn ép. Ngay cả với những học trò giỏi nhất ông cũng giữ một thái độ trung lập có tính đối phó. Ông cũng đối xử với tôi như thế.
Là nhà vật lý, Caminxki sáng chế ra một thiết bị để chứng minh định luật Bôilơ-Mariốt [Boyle- Mariotte] về tính nén được của các chất khí. Sau khi giới thiệu thiết bị ấy, thế nào cũng có hai ba đứa học sinh thì thào với nhau, nhưng cốt để thầy nghe được:
-Cừ thật đấy!
Thỉnh thoảng còn có đứa nào đó đứng lên và nghi hoặc hỏi:
-Thưa thầy, thế ai làm ra cái thiết bị này?
Caminxki hững hờ trả lời với giọng như người bị cúm:
-Tôi đấy.
Mọi người nhìn nhau và những kẻ có nguy cơ lưu ban thở dài thán phục hết sức to.
Khi thầy Caminxki thay thế thầy Svanêbắc vì vấn đề Nga hóa, ông Antôn Vaxiliêvích Cơrưgianốpxki [Anton Vassiliévitch Kryjanovsky] dạy môn ngôn ngữ và văn học được bổ nhiệm làm thanh tra học tập. Đó là một người láu lỉnh, râu màu hung, cựu học sinh chủng viện, có thoáng một chút tư tưỏng tự do. Ông ta rất thích quà biếu và rất tài che giấu những suy nghĩ bên trong của mình dưới bộ mặt vui tươi giả tạo. Vừa được bổ nhiệm làm thanh tra, ông đã tỏ ra nghiêm khắc và bảo thủ hơn. Cơrưgianốpxki dạy tiếng Nga từ năm thứ nhất. Ông quý tôi vì khả năng đọc-viết và vì tôi thích học tiếng Nga. Theo một thông lệ được đặt ra chặt chẽ, ông đọc to giữa lớp những bài viết của tôi và cho tôi điểm ”5” cộng.
Thầy giáo dạy toán Iurơtrencô [Iourtchenko] là một người mập lùn, lãnh đạm và láu lỉnh. Người ta đặt cho ông cái biệt hiệu ”Binđiugiơnhích” [Bindioujnik], trong ngôn ngữ ở Ôđétxa nghĩa là ”người lái xe tải”. Iurơtrencô mày tao với tất cả học sinh từ năm thứ nhất đến năm cuối và không lựa chọn khi ăn nói. Với vẻ bình dân có tính toán, ông làm cho học sinh kính trọng đến một mức nào đó, nhưng điều này bốc hơi theo thời gian khi bọn trẻ biết ông ta ăn của đút lót. Vả lại các thầy giáo khác cũng ăn của đút lót bằng nhiều cách. Cậu học trò nào dốt, nếu là người vùng khác, thì đến trọ ở nhà ông thày dạy môn mà anh ta lo ngại nhất. Nhưng nếu là người Ôđétxa thì cậu ta sẽ xin học thêm với giá cắt cổ từ thầy giáo nào đe dọa cậu nhiều nhất.
Một thầy giáo dạy toán khác, ông Dlôtranxki [Zlotchansky] thì hoàn toàn trái ngược với Iurơtrencô: gầy gò với bộ ria nhọn trên khuôn mặt vàng võ xanh nhợt, lòng trắng con mắt lúc nào cũng đục, cử chỉ mệt mỏi như vừa mới ngủ dậy, cứ từng phút, ông khạc ầm ầm ra đờm đặc và nhổ ngay trong lớp. Người ta biết ông có một mối tình bất hạnh, ông chơi bời trác táng và uống rượu. Dlôtranxki là nhà toán học không tồi nhưng dường như không lúc nào ông để ý đến học trò, đến những tiết học, thậm chí ông coi thường cả môn toán. Vài năm sau ông ta cắt họng bằng lưỡi dao cạo.
Mối quan hệ của tôi với hai thầy giáo toán lúc nào cũng cân bằng và mỹ mãn vì tôi giỏi môn này. Khi học đến những lớp trên của trường trung học, tôi còn cân nhắc cả đến việc theo con đường toán học thuần túy.
Dạy sử là ông Liubimốp [Lioubimov], vóc dáng to lớn và thẳng đuỗn, ông đeo kính gọng vàng trên cái mũi nhỏ, khuôn mặt đều đặn được viền bởi chòm râu trẻ và khỏe. Chỉ khi ông cười, người ta mới thấy – ngay cả đối với bọn trẻ chúng tôi – vẻ oai vệ và chững chạc ấy chỉ là ảo tưởng, ông là người kém nghị lực, rụt rè, nhút nhát, luôn bị cái gì đó giằng xé. Lúc nào ông cũng sợ người ta biết hoặc có thể biết gì đó về ông.
Tôi chìm vào môn lịch sử với sự chú ý ngày càng tăng, dù còn rất tản mạn. Từng bước một, tôi mở rộng phạm vi kiến thức từ những cuốn giáo khoa tồi tệ của nhà nước đến các giáo trình giảng dạy ở đại học hoặc các pho sách nặng của Slôsse. Không chút nghi ngờ, trong sự say mê của tôi về lịch sử bao hàm một thứ tinh thần thể dục: tôi học thuộc lòng vô số tên tuổi và chi tiết vô bổ, chỉ làm bề bộn thêm trí nhớ, với mục đích thỉnh thoảng đặt thầy giáo vào tình huống khó khăn.
Liubimốp không có khả năng giữ kỷ luật trong lớp. Đôi khi trong giờ học, đột nhiên ông hoảng hốt, giận giữ nhìn quanh, tìm cách chộp lấy những tiếng thì thào mà ông cho rằng chúng xúc phạm đến ông. Những lúc ấy cả lớp đều ngạc nhiên và đề phòng thận trọng. Liubimốp còn dạy cả ở một trường trung học nữ, ở đó người ta cũng bắt đầu nhận thấy những biểu hiện kỳ quặc ở ông. Kết cục là một bận, trong một cơn điên, ông tự treo cổ ở móc của một cửa sổ.
Chúng tôi sợ thầy địa lý Giucốpxki [Joukovsky] như sợ lửa. Ông ta nghiền học sinh như một chiếc cối xay thịt. Trong giờ học ông đòi hỏi một sự yên lặng tuyệt đối không thực hiện nổi. Nhiều khi ngừng một học sinh đang trả lời, ông dỏng tai như một con chim nghe ngóng nguy hiểm từ phương xa. Cả lớp biết điều này nghĩa là gì: khi ấy phải cứng đờ người ra, không động đậy và cố nhịn thở, nếu được.
Tôi chỉ nhớ đến độc một trường hợp khi Giucốpxki nới tay một chút, hôm ấy hình như là ngày sinh nhật của ông theo tôi nghĩ. Ai đó trong số học sinh bật ra một nhận xét nửa riêng tư, nghĩa là không liên quan trực tiếp đến tiết học; Giucốpxki cho qua. Bản thân điều này cũng đã là một biến cố lớn. Nhưng tức thì Vácke [Wacker], một thằng nịnh bợ bật dậy từ chiếc ghế băng và nói với nụ cười khẩy:
-Mọi người đều nói rằng Loubimov chẳng bằng cái đế giày của Giucốpxki.
Giucốpxki lập tức đờ người lại:
-Nói cái gì thế? Ngồi xuống!
Tức thì trong lớp lại xuất hiện sự im lặng đặc biệt chỉ có trong các giờ địa lý. Vácke ngồi sụp
xuống như bị sét đánh. Từ mọi phía, những khuôn mặt trách móc và khinh bỉ hướng về hắn.
-Lạy Chúa, đúng thế đấy ạ- Vácke thì thào, vẫn mong làm động tâm ông thầy địa lý vốn không ưa hắn chút nào.
Thầy giáo chính dạy môn tiếng Đức tên là Xtruvê [Struhve], một người Đức cao lớn, đầu to, râu dài đến thắt lưng. Chân nhỏ như chân một đứa trẻ, ông vần cái thân hình nặng nề ấy như một cái chum. Là một người vô cùng chân thật, Xtruvê đau khổ vì những kém cỏi của học sinh, ông lo lắng, động viên, bực bội vì phải cho một con ”2”- không bao giờ ông cho điểm ”1”. Ông cố không để cho bất kỳ ai phải lưu ban. Xtruvê đã xin vào trường cho đứa cháu chị đầu bếp của ông, thằng Vácke đã nói ở trên; một kẻ vừa kém năng khiếu vừa đáng ghét. Xtruvê là một nhân vật hơi hài hước, nhưng nhìn chung chúng tôi có thiện cảm với ông.
Dạy tiếng Pháp là ông Gútxtáp Xamôilôvích Buốcnang [Gustave Samoilovitch Burnand] người Thụy Sĩ. Đó là một người gầy còm, trông nghiêng dẹt như bị lôi từ ê-tô ra, hơi hói đầu, môi xấu mỏng quẹt và xanh nhợt, mũi nhọn. Trên trán ông có một cái sẹo bí hiểm hình chữ ”X”. Tất cả học sinh đều nhất trí không thể chịu đựng được Buốcnang và điều này có lý do. Mắc chứng khó tiêu, suốt trong giờ học ông nuốt một thứ kẹo gì đó và tìm thấy trong mỗi học sinh một kẻ thù cá nhân. Cái sẹo trên trán ông là đầu đề của vô số những suy đoán và giả thuyết. Một số học sinh cho rằng vào thời thanh niên, Gútxtáp tham gia một cuộc đấu kiếm và địch thủ của ông đã để lại một chữ thập nghiêng trên trán ông. Vài tháng sau, giả thuyết ấy bị bác bỏ. Theo thuyết này, không có trận quyết đấu nào cả, trong một lần phẫu thuật người ta đã lấy một mảnh da trán để vá lên mũi ông. Lũ học sinh quan sát kỹ lưỡng cái mũi của ông thầy tiếng Pháp và những kẻ táo bạo nhất khẳng định chúng thấy rõ đường vá. Bọn trầm tĩnh hơn giải thích vết sẹo bằng một tai nạn xảy ra thời thơ ấu của ông: ông thầy tội lỗi bị ngã từ thang xuống và rách trán. Nhưng người ta gạt bỏ cách giải thích này vì nó quá thô sơ. Vả lại, tuyệt đối không thể hình dung được Buốcnang dưới những nét của một trẻ thơ.
Người gác cổng chính, kẻ có vai trò đáng kể trong đời sống chúng tôi, là một người Đức cứng rắn, vô cùng oai vệ với chòm râu má bắt đầu hoa râm. Ông ta tên là Antôn [Anton]. Khi giải quyết những vụ đi chậm, phạt mất bữa trưa, giam trong nhà ngục, dường như Antôn chỉ đóng vai trò kẻ thừa hành nhưng trong thực tế ông có quyền lực rất lớn và nên giữ những mối quan hệ thân thiện với ông. Tôi đối với ông khá thờ ơ, cũng như ông đối với tôi vì tôi không thuộc số ”khách hàng” của ông; tôi luôn đi học đúng giờ, chiếc cặp đeo lưng luôn ngăn nắp và lúc nào cũng mang thẻ học sinh trong túi trái áo vét-tông. Nhưng có hàng tá học sinh hàng ngày phải lệ thuộc vào Antôn và phải mua lấy cảm tình của ông bằng cách này cách khác. Dù sao đối với chúng tôi, ông vẫn là một trong những nền tảng của trường Xanh Pôn. Ngạc nhiên biết bao khi sau kỳ nghỉ hè, chúng tôi được biết vì mê mẩn và ghen tuông, ông già Antôn đã nã một phát súng vào cô gái mười tám tuổi, con một người gác cổng khác, và hiện đương ngồi tù.
Như vậy đó, trong cuộc sống chừng mực của học đường và cả đời sống bị bóp nghẹt, dồn nén vào bên trong xã hội đương thời, những thảm cảnh cá nhân cứ chen vào, mỗi lần tạo ra môt cảm giác thái quá, như một tiếng rên vang lên trong một tòa đại sảnh trống rỗng.
Gần nhà thờ Xanh Pôn có một cô nhi viện. Một góc sân chơi của chúng tôi được dành cho cô nhi viện này. Những đứa trẻ của cô nhi viện ra sân chơi với bộ mặt buồn bã, trong bộ quần áo vải xanh bạc màu vì bị giặt là nhiều lần, chúng lê bước ủ dột trong góc của mình, rồi buồn rầu cúi đầu lên lại thang gác trở về nơi chúng ở. Mặc dầu sân chơi là sân chung và không có chướng ngại vật nào ngăn cản giữa góc trẻ mồ côi và góc của chúng tôi, bọn học sinh Trung học và lũ ”cô nhi” – như cách chúng tôi gọi – tạo thành hai thế giới hoàn toàn cách biệt. Tôi đã thử nói chuyện hai, ba lần với các chú bé mặc quần áo vải xanh nhưng chúng trả lời tôi bằng giọng uể oải vẻ bất đắc dĩ rồi vội vã quay về: chúng được lệnh nghiêm ngặt không được quan hệ với học sinh trường trung học. Trong bảy năm ròng, tôi dạo chơi trong sân trường mà không biết tên đứa nào trong số trẻ mồ côi. Hẳn là vào đầu năm học, ông mục sư Binneman đã ban phát phước lành cho chúng bằng cách rút ngắn phần nghi lễ.
Ở phần sân tiếp liền với cô nhi viện, người ta dựng những dụng cụ thể dục phức tạp: vòng, sào, thang đứng và thang nghiêng, xà treo, xà đơn và nhiều thứ khác. Ngay sau khi được vào học, tôi muốn lặp lại một tiết mục mà một đứa trẻ ở viện cô nhi đã làm ngay trước mắt tôi. Trèo lên chiếc thang đứng, tôi treo người lên bậc trên cùng bằng những ngón chân, đầu quay xuống đất, hai tay nắm lấy bậc thang thứ nhất, dùng đầu ngón chân, tôi đạp khỏi bậc trên để uốn người 180 độ trên không trung và nhảy xuống đất một cách dẻo dai. Nhưng tôi thả tay quá muộn nên sau khi uốn vòng xong, cả người tôi đập vào thang. Ngực tôi như bị nằm trong một gọng kìm, tôi ngạt thở và lăn lộn dưới đất như một con sâu, tay bấu víu vào chân bọn trẻ xung quanh. Rồi tôi ngất đi. Sau lần ấy, tôi trở nên thận trọng hơn trong môn thể dục.
Tôi không biết mấy về cuộc sống ngoài đường phố, trên quảng trường cũng như thế giới của thể thao và các thứ giải trí ngoài trời. Những điều này tôi cố gắng bù lại vào các dịp nghỉ hè ở nông thôn. Đối với tôi, thành phố là nơi giành cho học tập và đọc sách. Tôi cho những cuộc đánh nhau của bạn bè trong phố là một điều nhục nhã. Mặc dù những lý do để xảy ra điều đó thì không bao giờ thiếu.
Học sinh trường Trung học Cổ điển do có khuy mạ bạc và phù hiệu, được gọi là ”cá trích bạc”, còn học sinh trường Trung học Hiện đại hai tay áo có nạm đồng màu vàng, bị gọi là ”cá trích hun khói”. Ở phố Iamxcaia [Iamskaia], trên đường đi học về, tôi bị một anh học sinh trường Cổ điển cao như sếu vườn theo đuổi một cách kiên trì và gạn hỏi:
-Ở chỗ chú mày, có bao nhiêu tên bị ”hun khói”?
Vì tôi không trả lời câu hỏi khách quan ấy, anh ta dùng vai hích tôi.
-Sao anh cứ chòng ghẹo tôi thế? – tôi nói với anh bằng một giọng lịch sự bắt buộc.
Sững sờ, anh ta suy nghĩ một phút rồi hỏi
-Mày có súng cao su không?
-Súng cao su? Là cái gì vậy? – tôi hỏi lại
Anh sếu vườn ”cổ điển” chẳng nói chẳng rằng rút từ trong túi ra một vật nho nhỏ; đó là một sợi
cao su buộc giữa hai nhánh của một cái ná bằng gỗ và một viên đạn chì.
-Tao nấp sau cái cửa sổ con trên mái nhà và bắn bồ câu, sau đó đem đi nướng.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh bạn mới. Một việc như thế đối với tôi không phải không thú vị, nhưng tôi thấy nó lạc lõng và không hợp với môi trường thành thị.
Trong số bọn con trai, nhiều đứa chèo thuyền ra biển và buông câu ở đầu ngọn sóng. Tôi hoàn toàn không biết những thú vui ấy. Điều kỳ lạ là hồi đó, biển không chiếm một vị trí nào trong cuộc đời tôi, mặc dầu tôi đã sống bảy năm bên bờ biển. Trong suốt thời gian ấy tôi không đi thuyền bao giờ, không câu cá và chỉ gặp gỡ biển mỗi khi về làng và quay lại. Khi Cácxơn xuất hiện vào ngày thứ hai với cái mũi cháy nắng bị trầy da và khoe đã câu cá ngoài khơi, niềm vui ấy xa lạ và chẳng liên quan gì đến tôi. Vào thời ấy tôi chưa có thú ham mê săn bắn và đi câu.
Ở lớp dự bị tôi chơi khá thân với Cốtxchia [Kostia] R., con một thầy thuốc. Anh ít hơn tôi một tuổi, người cũng thấp hơn, bề ngoài bình thản, kỳ thực anh chính là một tay hài hước láu lỉnh với cặp mắt tinh nhanh. Anh biết tường tận thành phố và tạo được lợi thế đáng kể với tôi về khoản này. Cốtxchia R. không thuộc loại chăm chỉ nhất, còn tôi luôn là một học sinh giỏi ngay từ đầu. Ở nhà, Cốtxchia R. chỉ nói chuyện về người bạn mới của mình. Cuối cùng mẹ anh, một bà người nhỏ quắt, đến đề nghị chị Phanni Xôlômônốpna:
-Những cậu bé của chúng ta – bà nói – có thể học chung với nhau được không?
Sau một cuộc hội ý ngắn mà tôi cũng được tham gia, nhà Spenxe quyết định đồng ý. Trong vòng hai hoặc ba năm chúng tôi ngồi cùng ghế, cho đến ngày Cốtxchia R. bị lưu ban và vì thế hai đứa xa nhau. Nhưng quan hệ giữa chúng tôi sau đó vẫn tiếp tục.
Cốtxchia R. có một người chị hơn anh hai tuổi học trong trường Trung học Cổ điển nữ. Chị có những cô bạn gái, những cô này lại có những anh em trai. Các cô gái học nhạc. Bọn con trai quanh quẩn bên bạn gái của các chị mình. Vào những ngày sinh nhật, các bậc cha mẹ mời bọn trẻ. Thế là hình thành một thế giới nhỏ của những cảm tình, những ganh đua, mọi người nhảy van-xơ, tham gia các trò vui, có những ghen tuông và hiềm khích. Gia đình ông A., một thương gia giàu, là trung tâm thế giới nhỏ ấy. Họ sống cùng nhà với bố mẹ Cốtxchia, cùng tầng gác, cả hai căn hộ cùng hướng ra một hành lang, ở đó có
những cuộc gặp gỡ tình cờ và không tình cờ. Ở nhà ông A., bầu không khí hoàn toàn khác, không như tôi đã quen ở gia đình Spenxe. Lúc nào cũng có nhiều con trai và con gái đều là học sinh trung học, họ tán tỉnh nhau cạnh nụ cười bao dung của người mẹ. Trong những cuộc trò chuyện, người ta thường kể tên một người đã phải lòng một người khác nào đó. Về vấn đề này, bản thân tôi luôn tỏ ra kiêu kỳ và như vậy cũng khá giả dối.
-Khi cậu mê cô nào, nhất định phải nói cho mình biết đấy nhé – cô chị cả nhà A., một cô gái mười bốn tuổi nói với tôi bằng giọng kẻ cả.
-Có mất gì đâu, tôi có thể hứa được – tôi đáp giọng trang trọng với vẻ kiêu kỳ của một đứa bé tự
biết giá trị của mình: tôi đã là học sinh năm thứ hai rồi cơ mà.
Chừng hai tuần sau các cô gái làm những hoạt cảnh. Cô trẻ nhất làm hình tượng buổi đêm, trên nền một cái khăn đen lớn được giơ cao lấm tấm những vì sao bạc bằng giấy
-Cậu xem nó xinh không? – cô chị cả nói và huých nhẹ tôi bằng cùi tay.
Tôi chỉ nhìn, trong thâm tâm tôi cũng đồng ý thế và đột nhiên quyết định: đã đến lúc phải giữ lời
hứa của mình.
Sau đó không lâu cô chị cả tiếp tục tra hỏi tôi:
-Cậu không có gì nói với mình à?
-Trời ơi! – tôi cụp mắt xuống và trả lời. – Có chứ.
-Ai thế?
Tôi không còn sức để nói ra lời. Cô chị đề nghị tôi chỉ cần nói chữ cái đầu tiên. Như vậy dễ hơn. Cô chị cả tên là Anna, cô em út là Bécta [Berta]. T hành thử tôi đã nói không phải chữ đầu mà là chữ thứ hai trong bảng chữ cái (B).
-Bê (B)? – Anna nhắc lại vẻ thất vọng và câu chuyện dừng lại ở đó.
Hôm sau tôi đến nhà Cốtxchia học và cũng như mọi lần, tôi đi qua cái hành lang dài ở tầng ba về hướng sân chơi. Từ bậc nghỉ ở cầu thang, tôi đã thấy hai chị em với bà mẹ ngồi ở hành lang trước cửa nhà họ. Khi chỉ cách nhóm phụ nữ này vài bước, tôi cảm thấy bị đâm chồng chéo bởi những mũi kim trong cái nhìn chế nhạo của họ. Cô em không mỉm cười, ngược lại cô nhìn đi chỗ khác vẻ lạnh lùng kinh khủng. Tức thì tôi hiểu ngay là mình đã bị phản bội. Bà mẹ và cô chị bắt tay tôi với một ý rõ ràng: ”Này cậu, giờ thì chúng tôi đã biết sau cái bộ dạng nghiêm túc của cậu là thứ gì rồi”. Cô em chìa bàn tay cho tôi như một mảnh gỗ, không thèm nhìn và không đáp lại cái xiết tay của tôi. Sau đó, tôi còn phải đi một đoạn ngắn nữa trên hành lang rồi quay ngang dưới con mắt hành hạ của hội đàn bà. Trong suốt thời gian ấy, tôi cảm thấy những cái nhìn giết người xuyên vào lưng tôi. Sau cuộc phản bội tai quái ấy, tôi quyết định đoạn tuyệt với đám người xảo quyệt này, không đến nhà họ nữa, quên họ đi, tống họ vĩnh viễn khỏi trái tim tôi. May mà kỳ nghỉ hè sắp bắt đầu đã giúp tôi trong chuyện này.
Giữa chừng, hoàn toàn đột ngột, người ta nhận thấy tôi bị cận thị. Tôi được đưa đến một bác sĩ nhãn khoa, ông kê đơn cho tôi mua kính. Không thể nói rằng tôi buồn phiền vì thế: dù sao đôi kính cũng cho tôi một vẻ quan trọng. Tôi đã tưởng tượng ra trước cái cảnh tôi đeo kính khi trở về Ianốpca và tôi khoái chí. Nhưng với cha tôi thì cặp kính là một đòn ông không chịu nổi. Ông cho rằng tất cả chỉ là giả vờ, làm điệu và nhất quyết buộc tôi cất kính đi. Tôi cố thuyết phục ông rằng trong lớp tôi không thấy chữ cái trên bảng và tôi không đọc được các bảng treo trên đường phố, nhưng vô ích. Thành thử lúc về Ianốpca tôi chỉ có thể đeo trộm kính mà thôi.
Tuy nhiên khi về thôn quê, tôi bạo dạn, hiên ngang và tháo vát hơn nhiều. Dường như tôi hất được khỏi vai thứ kỷ luật của phố phưòng. Tôi cưỡi ngựa một mình đến Bôbrinhét và trở về ngay trong buổi chiều hôm ấy. Đó là một cuộc thử sức đường dài năm chục cây số. Ở Bôbrinhét, tôi đeo kính và không nghi ngờ về ấn tượng gây ra trong phố.
Tại Bôbrinhét chỉ có một trường thị trấn cho con trai. Trường Trung học Cổ điển gần nhất ở Êlidavétgơrát, cách đó chừng năm chục cây số. Nhưng Bôbrinhét có một tiền học đường Trung học cho nữ. Các nữ sinh trường này làm bạn với các cậu con trai trường thị trấn. Nhưng tình thế thay đổi hẳn trong vụ hè. Bọn Trung học Cổ điển và Hiện đại từ Êlidavétgơrát trở về với đồng phục lộng lẫy, điệu bộ thanh nhã, chúng làm lu mờ lũ học sinh ở Bôbrinhét. Mâu thuẫn thật khốc liệt. Bị xúc phạm, bọn con trai trường thị trấn làm thành những tổ xung kích nhỏ và không chỉ dùng đá và gậy gộc, chúng sử dụng cả dao.
Một lần, tôi ngồi bình yên trên cành dâu trong vườn một gia đình quen và đang thưởng thức những quả chín thì bị ai đó ném một hòn đá lớn vào đầu. Đây chỉ là một tình tiết nhỏ trong cuộc chiến đấu kéo dài và không loại trừ đổ máu, chỉ dừng lại sau khi các đẳng cấp đặc quyền, đặc lợi ấy đi khỏi Bôbrinhét vào đầu năm học mới.
Ở Êlidavétgơrát tình hình lại khác: trong suốt năm, học bọn học sinh Cổ điển và Hiện đại chiếm
lĩnh đường phố và mọi trái tim. Nhưng khi hè đến bọn sinh viên đại học trở về từ Kháccốp, Ôđétxa và các đô thị xa hơn – nơi có trường đại học – lũ Cổ điển tức khắc bị dồn vào hậu trường. Mâu thuẫn ở đây cũng rất tàn khốc. Không thể tả xiết sự phản trắc của các cô nữ sinh trung học. Nhưng ở đây, theo những luật lệ đã định hình, vũ khí tinh thần được ưu tiên sử dụng hơn.
Ở làng tôi chơi bóng chày, chơi ky, tôi hướng dẫn các trò chơi nhỏ có đặt cược và nói những lời khiếm nhã với con gái. Cũng ở đó, tôi tập đi xe đạp trên cái thiết bị hai bánh hoàn toàn do Ivan Vaxiliêvích làm ra. Việc này giúp tôi sau này bạo dạn ra tập ở sân đua xe đạp Ôđétxa. Còn hơn thế: ở nông thôn tôi một mình cai quản một con ngựa đực giống thuần chủng, mắc vào xe đua. Thời kỳ đó ở Ianốpca, người ta đã có những con ngựa đẹp dùng để kéo xe. Tôi mời bác Brốtxki [Brodsky], vốn làm nghề nấu bia, đi dạo chơi với tôi.
-Nhưng cháu không để lật ngã bác đấy chứ? – bác hỏi. Brốtxki là người bản tính không ưa chuyện mạo hiểm.
-Lật làm sao được hả bác! – tôi nói vẻ phật ý khiến bác thở dài và đành ngồi lên xe sau lưng tôi.
Tôi ra khỏi tường rào, vượt qua cái rãnh ra con đường cạnh nhà cối xay mà cơn mưa mùa hè mới xối lên. Con ngựa hồng muốn ra chỗ thoáng đạt, nó bực bội vì phải leo một sườn dốc và chạy ngúng nguẩy. Tôi căng dây cương, dậm cả hai chân lên phần trước xe và nâng người lên vừa đủ để bác khỏi thấy cảnh tôi níu cả thân hình vào dây cương. Nhưng con ngựa đực cũng thuộc giống tự ái. Nó trẻ hơn tôi ba lần, nó lên bốn còn tôi thì mười ba. Lồng lên với cái xe nhẹ, nó tức tối như một con mèo muốn vứt khỏi cái vỏ đồ hộp bị buộc vào đuôi. Tôi cảm thấy sau lưng, bác Brốtxki đã thôi hút thuốc, thở dồn dập hơn và chuẩn bị đưa ra một thứ tối hậu thư nào đó. Tôi ngồi lại vững chãi hơn, thả lỏng dây cương và để thêm tự tin, tôi đánh lưỡi theo nhịp xóc của con ngựa giống đang chạy.
-Đừng giỡn chú nhóc ạ! – tôi nói giọng bề trên với con ngựa khi nó thử chạy nước kiệu và dang rộng khuỷu tay.
Tôi cảm thấy bác tôi đã bình tĩnh trở lại và lại rít thuốc lá. Tôi đã thắng cuộc, mặc dầu tim đập
mạnh như nước đua của con ngựa hồng.
Trở lại thành phố, tôi lại cúi đầu khuất phục trước cái ách kỷ luật. Tôi chịu đựng nhưng không phải cố gắng lắm. Các trò chơi và thể thao nhường chỗ cho sách vở và một phần sân khấu. Tôi phục tùng thành phố tuy không tiếp xúc với nó mấy. Đời sống đô thị hầu như trôi qua bên cạnh tôi. Và không phải chỉ bên cạnh tôi. Ngay những kẻ trưởng thành cũng cố gắng không thò đầu ra cửa sổ. Có lẽ Ôđétxa là thành phố sen đầm nhất trong nước Nga cảnh binh thời ấy.
Trong thành phố, nhân vật chính là gã thị trưởng có biệt danh Lục-nhị (Dêliônưi [Zélionoi] Đệ nhị), cựu chuẩn đô đốc hải quân. Quyền lực vô biên của hắn được phối hợp với một tính khí không gì phanh hãm nổi. Vô số giai thoại về hắn dược những người dân Ôđétxa truyền miệng thì thầm với nhau. Ở nước ngoài, trong một nhà in tự do, vào những năm ấy người ta ấn hành cả một tập sách về những chiến tích của cựu chuẩn đô đốc Lục-nhị.
Tôi chỉ thấy hắn một lần từ sau lưng. Và như thế cũng là quá đủ. Gã thị trưởng vươn cả thân hình lên khỏi đội ngũ lính tráng của hắn, tuôn ra bằng một giọng khàn khàn những lời chửi rủa trên khắp đường phố và vung vẩy nắm đấm. Trước mặt hắn, những cảnh binh sắp thành hàng ngũ, tay đặt lên vành mũ và những người tạp dịch cầm mũ trên tay. Sau các bức màn che cửa, thấp thoáng những khuôn mặt hoảng sợ. Tôi kéo lại dây quàng chiếc túi đeo lưng và rảo bước về nhà.
Khi muốn làm sống lại trong ký ức hình ảnh nước Nga chính thống thời niên thiếu, tôi thấy trước mặt mình cái lưng của gã thị trưởng, thấy nắm đấm của hắn vung vẩy trong không khí và nghe thấy những lời chửi rủa không mấy khi được đưa vào các pho tự điển.