Tác động của Cải tổ ở Liên Xô tới Bungari

Lê Trung Dũng

Trương Nhiên số hóa

Là một trong hai đại cường quốc có tiếng nói quyết định trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế, từ đầu những năm 70 của thế kỉ 20, Liên Xô bắt đầu bước vào tình trạng trì trệ. Trong vòng 20 năm, tính từ giữa những năm 60, tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân của Liên Xô  giảm 2,5 lần. Một loạt chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội không được hoàn thành trong nhiều năm liền. Cơ sở vật chất cho khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa bị tụt hậu so với sự phát triển chung của thế giới. Những  biện pháp được Đảng và Nhà nước Liên Xô thông qua nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất không mang lại kết quả mong đợi.

Tranh cổ động của Cộng hòa Nhân dân Bungari: Chúng ta sẽ bảo vệ thành tựu xã hội chủ nghĩa của nhân dân

Trong tình trạng này, sau khi Brezhnhev, Andropov và Chernenko qua đời, tháng 3 năm 1985, Mikhail Sergeyevich Gorbachov được cử làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản (lúc đó ông 56 tuổi). Là một con người năng động và nhiệt tình, Gorbachov nhận thức rõ được mối nguy hại của sự trì trệ nên đã hăm hở bắt tay vào công cuộc Cải tổ đất nước.

Chính sách Cải tổ mà lúc đầu gọi là đường lối Tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội được Gorbachov đưa ra tại Hội nghị Tháng Tư năm 1985 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và sau đó được cụ thể hóa, chính thức thông qua tại Đại hội 27 Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 3 năm 1986 [1].

Xét theo những nhiệm vụ cụ thể, chính sách Cải tổ của Gorbachov nhằm vào việc khắc phục những sai sót của chủ nghĩa xã hội hiện thực Xô Viết trong hơn 7 thập kỉ qua, tạo cho xã hội Xô Viết tính năng động và đẩy mạnh phát triển.

Mũi nhọn cơ bản của chính sách cải tổ ở Liên Xô là việc dân chủ hóa đời sống xã hội. Cần phải nói rằng trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô đã mắc không ít những sai lầm, vi phạm những nguyên tắc của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Lên nắm vị trí số một trong Đảng Cộng sản Liên Xô và đề ra chủ trương cải tổ, Gorbachov nhận thức rằng để chủ trương cải tổ đi vào thực tiễn, cần phải phát huy tính tích cực, sáng tạo của quần chúng lao động. Điều này, về phần mình lại đòi hỏi phải mở rộng dân chủ.

Như vậy có thể nói, về mặt đối nội, Cải tổ ở Liên Xô có nghĩa là cải cách nền kinh tế đất nước bằng con đường khắc phục sai sót trong chủ nghĩa xã hội hiện thực và mở trộng dân chủ. Vấn đề còn lại là hiện thực hóa đường lối này bằng những chính sách cụ thể và đưa nó vào cuộc sống. Tuy nhiên, chính trong công việc này, khả năng yếu kém, tính giao động và hai mặt của “vị cha đẻ’’ ra Cải tổ đã được bộc lộ rõ. Những khó khăn to lớn, chồng chất dường như vượt quá khả năng giải quyết của êkip Gorbachov. Điều này khiến cho Cải tổ trở nên mâu thuẫn, rối rắm. Người lãnh đạo trở nên ngả nghiêng, mất phương hướng và cuối cùng đi tới chỗ bán rẻ của thành quả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

Cùng với chính sách đối nội và nhằm tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện nó, chính sách đối ngoại của Liên Xô cũng có những thay đổi cơ bản.

Thay đổi quan trọng nhất là chính sách đối ngoại của Liên Xô là việc từ bỏ đối đầu trong quan hệ với các nước phương Tây.

Một số thay đổi không kém phần quan trọng nữa trong chính sách đối ngoại của Liên Xô  thời Cải tổ diễn ra trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là với các nước XHCN Đông Âu.

Thực tế của những mối quan hệ giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu từ sau năm 1945 cho thấy: với tư cách là Nhà nước đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, Liên Xô không chỉ là tấm gương, mà thực sự đã trở thành một chỗ dựa cụ thể, chắc chắn về kinh tế, an ninh, quân sự cho các nước này. Với mục đích củng cố và tăng cường sức mạnh cho hệ thống xã hội chủ nghĩa và vì những lợi ích địa chiến lược của bản thân trong cuộc đối đầu với thế giới tư bản, Liên Xô đã trợ giúp rất nhiều cho các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Sự viện trợ, giúp đỡ của Liên Xô là một trong những yếu tố giúp các nước Đông Âu phát triển ổn định và đạt được những thành tựu không nhỏ. Nhưng mặt khác, nó cũng là một gánh nặng với nền kinh tế Liên Xô.

Xuất phát từ thực trạng này, trong quá trình Cải tổ, Liên Xô chủ trương trút bỏ gánh nặng trách nhiệm với các nước Đông Âu, đặt quan hệ với các nước đó trên cơ sở hợp tác thực sự bình đẳng và cùng có lợi. Tuy nhiên, sau gần nửa thế kỉ tồn tại, quan hệ “xin – cho’’ giữa các nước Đông Âu với Liên Xô đã trở thành yếu tố tự nhiên, cần thiết, chi phối sự ổn định và phát triển của các nước Đông Âu. Việc Liên Xô đột ngột từ chối cung cấp nguyên nhiên liệu theo giá ưu đãi và áp dụng chi trả bằng ngoại tệ mạnh khiến cho các nước này rơi vào tình trạng của “những đứa con bị bỏ chợ”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực này bị suy giảm.

Như vậy, có thể nói rằng: do khả năng yếu kém, tính do dự, ngả nghiêng của những người dẫn dắt, Cải tổ của Liên Xô ngày càng trở nên mâu thuẫn với chính nó và đi vào chỗ bế tắc, thất bại, kéo theo đó là sự thất bại của bản thân chế độ xã hội chủ nghĩa và sự tan rã của Liên Xô.

Thực tế tồn tại và phát triển trong gần 50 năm của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cho thấy: Liên Xô đã thực sự trở thành hạt nhân, chỗ dựa vững chắc về mọi mặt cho các nước này. Todor Zhivkov, người giữ cương vị đứng đầu Đảng Cộng sản Bungari trên 30 năm viết:

“Trong điều kiện của sự đối đầu kéo dài nhiều năm trên trường quốc tế, liên minh của chúng ta với Moskva là điều bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển. Đồng thời, đối với chúng ta, Liên Xô là nguồn nguyên liệu không bao giờ cạn, và là thị trường vô biên cho sản phẩm của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm qua chúng ta đã phát triển một cách bền vững và năng động”[2].

Điều Zhivkov viết không phải là một nét đặc thù của Bungari, mà là một điểm chung cho phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Thực tế là cho tới năm 1989, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (ngoại trừ Anbani và Nam Tư), mà Liên xô là một hạt nhân đã thực sự liên kết với nhau và trở thành một hệ thống thống nhất. Liên Xô với tư cách là hạt nhân, là quốc gia dẫn dắt hệ thống này đã là mọi cách để đảm bảo sự thống nhất đó. Về phần mình, để đảm bảo có được sự ủng hộ, giúp đỡ mọi mặt của Liên Xô, các nước Đông Âu đều phải thống nhất chính sách cũng như hành động của mình với chính sách hành động của Liên Xô. Mọi hành động cho dù bất cứ ban lãnh đạo nước nào, nếu như có thể làm tổn hại tới sự thống nhất của cả hệ thống sẽ bị trả giá đắt. Minh chứng cho điều này là chiến dịch phê phán Nam Tư từ năm 1948, là việc quân đội Liên Xô vào Hunggari năm 1956 và Khối Vacsava vào Tiệp Khắc năm 1968.

Như vậy có thể nói rằng, cho tới khi các biến động chính trị nổ ra, các nước Đông Âu đã trở thành một hệ thống hữu cơ, mà Liên Xô là hạt nhân nòng cốt. Điều này có nghĩa là mọi thay đổi, chấn động của hạt nhân tất yếu sẽ dẫn tới những biến động tương ứng ở các bộ phận cấu thành, trong thực trạng như vậy, chính sách Cải tổ đầy mâu thuẫn, yếu kém của Gorbachov không thể không ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình ở Đông Âu, trong đó có Bungari.

Ảnh hưởng của Cải tổ Liên xô tới tình hình ở Bungari có thể nhận thấy ở 2 mặt, kinh tế và chính trị.

Về kinh tế

Là một nước nghèo về tài nguyên, để có thể đứng vững và phát triển Bungari chủ yếu trông chờ vào việc buôn bán và hợp tác với Liên Xô. Với hơn 55% tổng kinh ngạch ngoại thương là buôn bán với Liên Xô, với 11 triệu tấn dầu được Liên Xô cung cấp hằng năm theo giá ưu đãi, Bungari quả là đã gắn chặt vận  mệnh kinh tế của đất nước với Liên Xô. Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Liên Xô cũng như sự sa sút, rối loạn của nền kinh tế của đất nước này trong quá trình Cải tổ đã cướp đi phần lớn những nguồn sống của nền kinh tế Bungari: cả nguồn nguyên, nhiên liệu, cả thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong hồi kí của mình T. Zhivkov viết: “Từ sau năm 1985, trao đổi hàng hóa của chúng ta với Liên Xô bị giảm đi 30%, quan hệ kinh tế với các nước khác trong khối SEV giảm 40%” [3]. Điều này có tác động tiêu cực lớn tới kinh tế Bungari. Mặt khác, việc Liên Xô hạn chế và xóa bỏ những ưu đãi kinh tế truyền thống giành cho Bungari cũng như các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác cũng đồng nghĩa với việc gỡ bỏ những ràng buộc đối với các nước này. Đây chính  là tiền đề khách quan cần thiết để Bungari cũng như các nước Đông Âu khác có thể phát huy tính tự chủ sang tạo trong việc quản lí điều hành đất nước nhằm lấp đầy những chỗ trống do sự rút lui của Liên Xô để lại.

Về chính trị

Công cuộc Cải tổ ở Liên Xô đặc biệt là từ năm 1988 với chủ trương “công khai’’, “đa nguyên chính kiến’, cũng như việc đánh giá lại những sự kiện năm 1956 ở Hungari, 1986 ở Tiệp Khắc còn có những tác động có tính chất quyết định tới thời sinh hoạt chính trị ở Bungari. Trước hết, nó như một sự khai thông, gỡ bỏ những điều vốn được cấm kị trong xã hội Bungari và ở các nước Đông Âu khác. Dưới ảnh hưởng của những cái được gọi là “quá trình dân chủ hóa đời sống chính trị’’, “công khai’’ v.v… lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo, cũng như sách báo chính thức Bungari đã ít nhiều công khai nhìn nhận những sai sót, khiếm khuyết của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở những phân tích, tìm hướng đi trong tình hình mới, tại Hội nghị Trung ương Tháng 7 năm 1987, Đảng Cộng sản Bungari thông qua Đường lối Tháng Bảy nhằm cải tổ toàn diện xã hội Bungari.

Mặt khác, công cuộc Cải tổ ở Liên Xô cũng có thể coi như tín hiệu “đèn xanh” mở đường cho sự hồi sinh hoạt động của các lực lượng chống đối, chống cộng trong xã hội Bungari. Không phải ngẫu nhiên mà từ cuối năm 1988, khi Liên Xô, do kết quả của đường lối “Công khai”, bắt đầu lấn sâu vào khủng hoảng chính trị và những tư tưởng đa nguyên bắt đầu xuất hiện thì người thì người ta cũng thấy ở Bungari xuất hiện những tổ chức chống đối đầu tiên. Cùng với thời gian và những thay đổi của Đảng Cộng sản Bungari sau Zhivkov, những lực lượng chống đối này ngày càng lớn mạnh và cuối cùng cũng trở thành lực lượng thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Bungari. Chính Zhelo- Zhelev, Chủ tịch đầu tiên của Liên minh các lực lượng dân chủ – tổ chức đối lập lớn nhất ở Bungari giai đoạn 1989 – 1991 đã công nhận: “Chúng ta đều biết rằng chúng ta nợ gì  ở Gorbachov, ở đường lối cải cách của ông, ở công cuộc Cải tổ của ông. Tất cả mọi người đều biết rằng nếu không có  công cuộc Cải tổ của Gorbachov thì quá trình và thay đổi ở Đông Âu là không thể có được” [4]. Điều này quả là một nghịch lý khi sứ mệnh của Cải tổ là nhằm đổi mới và củng cố lại chủ nghĩa xã hội nhưng trên thực tết nó lại làm hồi sinh chính những kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.

Tác động của Cải tổ ở Liên Xô tới tình hình Bungari còn được thể hiện trong thái độ của êkip Gorbachov đối với chương trình Cải tổ Tháng Bảy của Bungari.

Việc Gorbachov phát động Cải tổ ở Liên Xô, ngay từ đầu đã được Bungari, mà đại diện là Tổng Bí thư  Đảng Cộng sản T. Zhivkov đón nhận nhiệt tình như một người cùng chí hướng. Từ những thực tế ở Bungari, T. Zhivkov cho rằng đã đến lúc đặt ra công khai, thẳng thắn những vấn đề sống còn của chủ nghĩa xã hội. Ngày 18-6-1985, tức là chỉ 3 tháng sau khi Gorbachov được cử làm Tổng Bí thư và 2 tháng sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô đưa ra chiến lược Tăng tốc, T. Zhivkov gửi một lá thư chính thức tới M. Gorbachov trình bày những suy nghĩ của mình về những vấn đề của các nước xã hội chủ nghĩa. Bức thư của T. Zhivkov đặt ra một loạt vấn đề gay cấn của chủ nghĩa xã hội: sự tụt hậu về kinh tế, sự lạc hậu về khoa học kĩ thuật và công nghệ, tệ quan liêu, tham nhũng… Sau đó bức thư viết:

“Lý luận và thực tiễn chính trị của chúng ta chưa tạo ra đối trọng cho hiện tượng nguy hiểm này, nhưng một trong những nguyên nhân của nó, rõ ràang là nằm ở việc trì hoãn vô căn cứ công cuộc cải tổ và hoàn thiện hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội cho phép phù hợp với hiện thực mới. Vấn đề đặc biệt quan trọng là sự căng thẳng xã hội được tích lũy lại trong những thập niên gần đây đang trở thành một thử thách đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản …

Từ những điều này, chúng ta thấy được nhiệm vụ và trách nhiệm của các đảng chúng ta là phải bảo đảm cho sự hoạt động của chủ nghĩa xã hội không bị biến dạng và lệch lạc: phải khôi phục lại niềm tin vào luật pháp của nhà nước xã hội chủ nghĩa …”  (5).

Những tài liệu chúng tôi có được không đề cập cụ thể để tới thái độ của Gorbachov đối với bức thư của T. Zhivkov. Nhưng Chakyrov, trợ lí cho T. Zhivkov trong thời gian này cho biết:

“Nhà lãnh đạo Xô viết cảm thấy bị tổn thương bởi bức thư của T. Zhivkov và ông làm cho người ta hiểu rằng ông không muốn người khác “dạy” mình. Đây không phải là một sự tự ái cá nhân ân hoặc một sự miệt thị. Gorbachov phản ứng lại một cách phù hợp – với tư cách là người đứng đầu một siêu cường quốc và thủ lĩnh đảng cộng sản hàng đầu thế giới” [6].

Nếu như thực tế quả đúng như Chakyrov viết thì đây là lần va chạm đầu tiên giữa Zhivkov và Gorbachov, nó báo hiệu về một sự bất hòa ngày càng sâu sắc giữa hai người đứng đầu hai nhà nước xã hội chủ nghĩa và có tác động, không nhỏ tới những biến động sau này ở Bungari.

Trong quá trình nghiên cứu, phân tích thực trạng đất nước để tìm ra con đường và phương thức Cải tổ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Bungari vẫn luôn tìm tòi, rút kinh nghiệm  từ Cải tổ ở Liên Xô. Tuy nhiên diễn biến đáng buồn của công cuộc Cải tổ của Gorbachov đã dẫn những nhà lãnh đạo Bungari đi tới kết luận rằng không thể đi theo con đường này. Hồi kí của T. Zhivkov viết :

“Với nỗi đau trong tim, trong những năm 1986-1987-1988, càng ngày tôi càng thấy rằng Gorbachov đi theo một logique khác. Sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, ông ta không ngừng đề ra những khẩu hiệu. Mặc dù một số những khẩu hiệu đó chỉ là những khẩu hiệu  đã quá quen thuộc từ thời êm ả của Brezhnev được tái tạo lại quen thuộc về mặt ngôn ngữ … Người ta nói biết bao điều về Cải tổ. Người ta  làm ầm ĩ lên ở mọi nơi, mọi lúc về Cải tổ. Nhưng chủ nghĩa xã hội vẫn không thay đổi. Nó vẫn như vậy. Sau đó thì xuất hiện điều tệ hại nhất đã xảy ra. Đã bắt đầu dấu hiệu sự của sự tan rã” [7].

Tháng 7 – 1987, Bungari thông qua chương trình Cải tổ Tháng Bảy. Nội dung chủ yếu của Chương trình Tháng Bảy bao gồm những điểm cơ bản sau: 1- Biến xã hội Bungari thành xã hội tự quản; 2- Công nhận sự tồn tại của bình đẳng của các hình thứ sở hữu, kể cả tư nhân; 3- Tách Đảng khỏi bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, Chương trình Tháng Bảy không được ban lãnh đạo Liên Xô đánh giá tích cực. Từ một trích dẫn đoạn nhỏ biên bản tốc ký cuộc trao đổi giữa Gorbachov và T. Zhivkov tại Điện Cremly vào tháng 10 năm 1987 chúng ta thấy nhà lãnh đạo Liên Xô không nhất trí với đường lối Cải tổ của Bungari ít nhất về 3 điểm: Việc tiến hành cải cách đồng loạt, việc cắt giảm bộ máy ở cả Trung ương lẫn các địa phương và việc không coi Đảng Cộng sản như chủ thể chủ yếu của chính quyền. Gorbachov nói:

“ Chúng ta không được có sai lầm. Vấn đề dân chủ là vậy. Chúng ta không thể trì hoãn vấn đề này. Nhưng chúng ta không thể vội vã. Điều này sẽ được được giải quyết trong tương lai xa hơn …

….Về vấn đề này, chúng tôi có một số câu hỏi cho các đồng chí. Thí dụ, chúng tôi tự hỏi làm thế nào mà Bungari có thể tiến hành Cải tổ cả ở Trung ương và cả các địa phương, thay đổi tất cả cùng một lúc. Điều này, một cách rất thân hữu làm cho chúng tôi lo lắng… Tôi cho rằng cần phải suy nghĩ lại về vấn đề này … Nhưng với một cái phẩy tay chúng ta không thể tạo ra được cái mới.

… Vấn đề khác là vấn đề về Đảng… Chúng tôi lấy làm lo lắng về công thức của các đồng chí Đảng sẽ ko còn là “chủ thể chủ yếu của chính quyền”. Ở đây nảy ra câu hỏi: vậy thì tiếp theo, sự phát triển  của xã hội chủ nghĩa sẽ được lãnh đạo thế nào? Cải tổ không có Đảng, dân chủ không có Đảng là không thể” [8].

Điều đáng lưu ý ở đây là: nếu như vào tháng 10-1987 Gorbachov phê phán Zhivkov đã quá nôn nóng về vấn đề dân chủ, đặc biệt là đánh giá lại vai trò của Đảng (tức là đã phạm sai lầm khi tiến hành cải cách hệ thống chính trị), thì chỉ hơn 1 năm sau quan điểm của Gorbachov đã chuyển hẳn sang thái cực bên kia. Gorbachov tập trung phê phán Zhivkov không tiến hành cải cách chính trị. Vài năm những biến động chính trị ở Bungari, tờ Duma, cơ quan của Đảng XHCN Bungari viết: “Trong một lần thảo luận với Zhivkov, Gorbachov cứ khăng khăng rằng: về mặt lịch sử, đúng hơn là trước hết phải phá bỏ hệ thống chính trị, sau đó mới tiến hành những  thay đổi về kinh tế và tinh thần. Vị thủ lĩnh Bungari thì bảo vệ quan điểm: trước hết phải cải cách hệ thống kinh tế, mở đường tới kinh tế thị trường, sau đó song song với cải cách kinh tế tiến hành mô hình hóa những hiện thực chính trị” [9] Điều này không chỉ cho chúng ta thấy sự ngả nghiêng của Gorbachov và Cải tổ của ông ta, mà còn vạch rõ tính hai mặt của “vị cha đẻ” ra Cải tổ.

Những cuộc trao đổi ý kiến tiếp theo giữa hai Đảng không xóa được những khác biệt, bất đồng. Như vậy có thể nói: Ban lãnh đạo Liên Xô đánh giá đường lối Cải tổ Tháng Bảy của Tođo Zhivkov là tiêu cực. Về phần, mình Zhivkov cũng coi đường lối Cải tổ là sai lầm, và phủ định nó. Chakyrov kể lại:

“Ông bắt đầu lo lắng rằng ở Liên Xô người ta nói nhiều tới thay đổi, nhưng thực chất chẳng tiến hành việc gì đáng kể cả. Chính lúc đó ông thường kể chuyện tiếu lâm: “Thành phố nào ở nước ta được mang tên Cải tổ của Liên Xô? “Câu trả lời là “Batak”.( từ gốc Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là mông lung, hỗn loạn). Ông đã kể chuyện này vài lần trước chỗ đông người” [10].

Không dừng ở chỗ phủ định cái tổ của Gorbachov, T. Zhivkov còn đi xa hơn nữa. Theo Hồi ký của ông chúng ta được biết ông đã tìm cách thỏa thuận với một số lãnh đạo các Đảng Cộng sản ở Đông Âu để đối phó lại với Cải tổ của Gorbachov [11].

Thông tin về những động thái này của T. Zhivkov hẳn đã được lan truyền tới Gorbachov và làm căng thẳng hơn quan hệ vốn đã xa cách cách vì những bất đồng về đường lối. Năm 1988, một nhà động tình báo có tiếng ảnh của Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô – Victor Sharapov được cử tới Sofia làm đại sứ. Đồng thời, êkip Gorbachov tiến hành gây sức ép, tạo ra tình hình căn thẳng hơn đối với Bungari. Năm 1988, Liên Xô ngưng chuyển cho Bungari số tiền viện trợ 600 triệu đôla, đã được thỏa thuận từ thời Brêzhnhev như một sự bồi thường cho việc Liên Xô mua các sản phẩm của Bungari với giá rẻ, và sau đó thì ngưng cả việc cung cấp nhiên liệu và một số thiết bị khác cho Bungari [12]. Những “liệu pháp tâm lí” cũng được đưa ra áp dụng, Chakyrov nhớ lại “Trên tất cả mối kênh Liên Xô – ngoại giao, tình hình báo trước hoặc trực tiếp thông qua những mối liên hệ của tri thức hai nước – người ta đều đưa ra những thông tin tiêu cực về tình hình Bungari, về tình hình bản thân Tođor Zhivkor” [13].

Cùng với việc gây sức ép về kinh tế thế và tâm lý đối với Zhivkov, Gorbachov còn tiến hành chiến dịch lôi kéo hàng ngũ lãnh đạo Bungari chống lại ông. Todor Zhivkor cho biết: “Tôi cũng nhận được những thông tin cho rằng họ đã vận động những cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúng ta vì những lý do khác nhau được đi Liên Xô công tác… họ đã tìm cách thuyết phục người của chúng rằng không thể để Đảng trở thành một liên minh bình thường của những người cùng chí hướng và bỏ đi vai trò tuyệt đối của Đảng như Zhivkor mong muốn. Rằng không thể đi với bọn tư bản v.v…”[14].

Cao điểm của chính sách bất thân thiện của êkip Gorbachov đối với công cuộc Cải tổ ở Bungari là việc ủng hộ Peter Mladenov lên án Zhivkov và thay ông giữ chức Tổng bí thư Đảng.

Mùa thu năm 1989, công cuộc Cải tổ không mấy hiệu quả đã dẫn tới sự bất đồng sâu sắc trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất ở Bungari – P. Mladenov gửi một bức thư tới các Ủy viên Trung ương Đảng trình bày về một vụ va chạm với Zhivkov, lên án ông và xin từ chức. Bức thư có đoạn viết “ … tôi nghĩ rằng nguyên nhân thực sự để đồng chí đó đã hiểu rằng mình đã dẫn đất nước tới cuộc khủng hoảng sâu sắc về kinh tế, tài chính và chính trị, rằng với chính sách không chân thành và láu cá vặt vãnh nhằm bảo vệ ông ta và gia đình ông ta trong việc nắm quyền lâu hơn nữa, đã “đạt” được việc tách biệt Bungari khỏi thế giới rằng, chúng ta đã đi tới chỗ bị cô lập cả với Liên Xô, và ngày nay chúng ta ( và chỉ có chúng ta) đang trong một cái chăn với chế độ độc tài gia đình trị đang bị thối rữa của Chansesen. Nói một cách ngắn gọn, với chính  sách của mình, T. Zivkor đã gạt Bungari khỏi dòng chảy của thời gian…

….Tôi hiểu rõ bộ mặt đạo đức của T. Zhivkov. Tôi biết rằng ông ta sẽ không dừng lại trước bất kì cái gì, kể cả những tội ác thô bạo nhất khi người ta đụng chạm tới cái quý nhất của ông ta đó là quyền lực. Tôi biết rằng ông ta sẽ tạo ra hàng đống những điều dối trá và phỉ báng chống lại tôi ( ông ta đã làm điều đó rồi ). Tôi không loại trừ ông ta sẽ tìm cách thanh toán về thể xác với tôi hoặc với các thành viên trong gia đình tôi…” [15].

Trong bức thư nổi tiếng nêu trên, không chút e dè, Mledenov đã kết tội T. Zhivkov là kẻ độc tài gia đình trị, hám quyềm và chính sách của ông đã đưa đất nước tới cuộc khủng hoảng toàn diện. Những lời kết tội thật nặng nề đối với một người đương nhiệm đứng đầu Đảng và Nhà nước. Trong lịch sử của các nước xã hội chủ nghĩa,  điều tương tự mới chỉ xảy ra một lần. Đó là tại đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, khi Khrulsov lên án Stalin lúc đó đã qua đời, còn T. Zhivkov là người đương nhiệm. Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng uy tín của Zhivkov đã bị suy giảm nghiêm trọng và Mladenov đã tìm được chỗ dựa đủ tin cậy để có thể tự cho phép mình có những hành động như vậy.

Các tài liệu mà chúng tôi có được đều khẳng định rằng Mladenov nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía Liên Xô. Trong Hồi ký  của mình. T. Zhivkov kể lại rằng sau cuộc trao đổi giữa ông và Gorbachov tại Điện Cremly tháng 10 – 1987. Liên Xô đã lôi kéo được Peter Mladenov chống lại Zhivkov làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bungari [16].

Ucho Dimitrov, Giáo sư sử học, Ủy viên Trung ương Đảng lúc đó, viết: “ Không có những sự kiện ở Liên Xô thì không thể có những thay đổi ở Bungari: Mladenov sẽ chẳng viết bức thư đó, người ta cũng không thể hiện công khai sự chống đối, và Zhivkov cũng không lùi bước trước áp lực… Họ vui mừng với sự ủng hộ của Moskva …” (17).

Được sự ủng hộ từ êkip Gorbachov, tại Hội nghị Trung ương ngày 10-11-1989. Mladenov và những đồng chí giành thắng lợi T. Zhivkov buộc phải từ chức. Cùng ra đi với ông là Chương trình Tháng Bảy. Về sự ủng hộ của Liên Xô với Mladenov, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Bungari Atanas Semerdzhiev viết: “(sự thay đổi lãnh đạo tại Hội nghị Trung ương 10/11 – LTD chú thích) được thực hiện theo sang kiến của các Ủy viên Bộ chính trị, kể cả những người nằm trong số những đồng chí thân cận với T. Zhivkov từ những năm đấu tranh vũ trang chống phát xít. Tất nhiên, nó được tiến hành không chỉ với sự ban phước, mà với sự tham gia trực tiếp và tích cực của Moskva đồng ý và ủng hộ” [18].

Có người còn đi xa hơn nữa. K. Ivandzhisky, một trong những nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Bungari thời đó là người nắm được nhiều thông tin bí mật về nội bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản Bungari, viết trên tờ Tuyệt mật số 6 tháng 6 năm 2002: “Gabachov đã hạ lệnh loại bỏ Zhivkov. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi đại sứ lúc đó Sharapov, theo những kênh khác thì bởi cả phần lớn ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ” [19].

Sự ra đi của Zhivkov đánh dấu một bức ngoặt quyết định của công cuộc Cải tổ Bungari. Với chủ trương đa nguyên, đa đảng, dân chủ nghị viện…., đường lối Cải tổ của ban lãnh đạo mới nhanh chóng dẫn dắt đất nước tới sự mất ổn định sâu sắc về chính trị và sự suy yếu của bản thân Đảng Cộng sản. Mặc dù dành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6-1990. Đảng Xã hội chủ nghĩa Bungari (Đảng Cộng sản đổi tên) lần lượt bị phe đối lập gạt ra khỏi bộ máy lãnh đạo đất nước. Tháng 10-1991, trong cuộc bầu cử Quốc hội, Đảng XHCN mất đa số phiếu và trở thành đảng đối lập. Chủ nghĩa xã hội ở Bungari bị thất bại.

Tóm lại, công cuộc Cải tổ ở Liên Xô có những tác động to tớn tới sinh hoạt kinh tế và chính trị Bungari.

Trước hết, nó cho phép và đặt Bungari, cũng như các nước XHCN Đông Âu khác, trước nhu cầu thực tế và cần thiết là phải tự đổi mới mình cho phù hợp với những yêu cầu của sự phát triển của thế giới hiện đại. Điều này, theo chúng tôi là ý nghĩa tích cực của Cải tổ.

Mặt khác, tính mâu thuẫn, rối ren và sai lầm của đường lối Cải tổ của Gorbachov cũng như thái độ thiếu thiện chí của êkíp Gorbachov đối đầu với đường lối của Zhivkov đã góp phần tạo ra những khó khăn to lớn cho sinh hoạt kinh tế chính trị Bungari. Từ góc độ này, chúng tôi cho rằng Cải tổ của Gorbachov cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại của quá trình cải tổ ở Bungari, và kéo theo đó là thất bại của chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước này.

Chú thích:

[1] Xem: Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô – bản tốc ký. Nxb. Chính trị M. 1986, tr.43 và Niên giám quốc tế – Chính trị và kinh tế 1987, Nxb. Sách chính trị, M. 1987, tr. 113.

[2] Xem Todor Zhivkov – Hồi ký ­-  Tài liệu lấy từ Internet – ch 3-22.

[3] Như trên, tr. 2.

[4] Xem Bàn tròn – Biên bản tốc ký (3/1 – 15/5/1990), tr. 128.

[5], [6] Trích theo K. Charkyrov – Ghi chép của người trợ lý cho Todor Zhivkov trong “Lịch sử cận hiện đại”, số 6-1991, tr. 191-192.

[7] T. Zhivkov. Hồi ký, Sđd, ch. 3-9.

[8] T. Zhivkov. Hồi ký, Sđd, ch. 3-23.

[9] Chavdar Dobrev – “Zhelo Zhelev, nhà tư tưởng của sự tàn phế lịch sử” – Báo “Duma”, ngày 25/9/1995, tr. 7.

[10] Chakyrov – Sđd, tr. 192.

[11] Hồi ký viết: “…Gorbarchov đưa sự việc tới chỗ rút lui, đầu hàng, tới chỗ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Vì vậy cuối cùng tôi đã thử tổ chức những người lãnh đạo hàng đầu của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu để đáp lại. Tôi biết rằng với những hành động lại sẽ đi tới chỗ tự sát về chính trị. Nhưng điều này cũng không ngăn được tôi. I. Kadar, G. Husắc, E. Honeker cũng đã bằng lòng rằng cần phải làm mất một cái gì đó. Trong các cuộc thảo luận chúng tôi đều thống nhất. Nhưng đến khi cần phải hành động thì tất cả họ đều co lại…”. Xem Todor Zhivov – Hồi ký, Sđd, ch 3-13.

[12] Xem Krasimir Ivandzhisky – Về Zhivkov, Lucanov, Gorbachov và …Durov – trong “Tuyệt mật” tháng 6/2002. Tài liệu lấy từ Internet www.strogosekretno.com

[13] Chakyrov – Sđd – tr. 193.

[14] Todor Zhivov – Hồi ký, Sđd, ch 3-17.

[15] Trích “Tài liệu khởi động ngày 10-11” trong báo “Duma”10/4/1990, tr.5

[16] Todor Zhivov – Hồi ký, Sđd, ch 5-8,tr .2.

[17] Ilcho Đimitrov – Tiếng vọng từ cách mạng, Nxb. Dumav pres, Ruse, 1998, tr. 367.

[18] A. Semerdhiev, Sđd, tr. 300.

[19] Krasimir Ivandzhisky, Tài liệu đã dẫn.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s