Trào lưu tư tưởng chủ nghĩa Marx nhân đạo ở Đông Âu những năm 60 – 70 của thế kỉ XX: thực chất và một số bài học kinh nghiệm

Nguyễn Thị Minh Hương (Tạp chí Khoa Học)

Trào lưu tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu ra đời và phát triển với nội dung chính là chống lại sự tha hóa con người trong chủ nghĩa xã hội hiện thực, đưa ra mô hình định hướng cho chủ nghĩa xã hội nhân đạo. Nghiên cứu thực chất của trào lưu tư tưởng trên nhằm thấy rõ những hạn chế về mặt lí luận và những bất cập về mặt thực tiễn của chủ nghĩa xã hội hiện thực, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác ở Việt Nam.

1. Những điều kiện ra đời trào lưu tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu

Đông Âu là một khái niệm dùng để chỉ các quốc gia nằm ở phía Đông của châu Âu với ranh giới địa lí là dãy Uran và dãy Cápca, được hình thành giai đoạn cuối sau Chiến tranh thế giới thứ hai và chịu sự ảnh hưởng lớn của Liên Xô, được liên kết bởi liên minh quân sự (khối Vácsava) và liên minh kinh tế (khối SEV), đều định hướng đất nước đi lên chủ nghĩa cộng sản. Từ năm 1989, khi bức tường Béclin sụp đổ, Đông Đức đã sáp nhập Tây Đức thành nước Đức. Các nước Đông Âu dần tan rã, đến cuối năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, thì khối Đông Âu cũng sụp đổ.

Chính vì những biến cố lịch sử to lớn và tính chất phức tạp trong quá trình hình thành, phát triển và tan rã của Đông Âu, nên cần lưu ý một vài điểm khác biệt trong mối quan hệ của Liên Xô với Đông Âu:

Về chính trị: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu thành công là khác nhau, Nam Tư và Anbani làm cách mạng chủ yếu bằng nội lực bên trong, nên khá độc lập về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này, những nước còn lại phụ thuộc vào Liên Xô trong quá trình làm cách mạng, thì sẽ tiếp tục phụ thuộc trong quá trình xây dựng đất nước.

Về kinh tế: Sự phát triển không đồng đều của các nước gây khó khăn khi vận dụng một chính sách kinh tế chung, Tiệp Khắc và Đông Đức có trình độ phát triển công nghiệp cao nhất, nên khi đi theo mô hình xã hội chủ nghĩa của Liên Xô thì những nước này buộc phải chấp nhận áp đặt vào một hệ thống kinh tế lạc hậu hơn.

Về hệ tư tưởng: Nhà nghiên cứu chủ nghĩa xã hội Kornai Janos (Hunggari) đã tổng kết sự ảnh hưởng lớn của các nước Đông Âu từ Liên Xô, dựa vào tầng sâu là chủ nghĩa Mác – Lênin, hệ tư tưởng chính thống bấy giờ “gắn với cá nhân Stalin và được nhiều người gọi là hệ tư tưởng Stalin. Ảnh hưởng của nó vượt ra ngoài biên giới Liên Xô, và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ tư tưởng chính thống của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa” (Kornai Janos, 2002, tr.47).

Với những đặc điểm chính trị, kinh tế và tư tưởng như trên, chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu ra đời và phát triển vào giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX như một trào lưu tư tưởng triết học đối lập với hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác chính thống trên một số phương diện, bác bỏ những hình thái ý thức hệ của Liên Xô và tư tưởng Stalin. Gọi là chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu, vì các nhà tư tưởng Đông Âu thời kì này đã đặt con người vào trung tâm của sự nghiên cứu, đã lấy xuất phát điểm từ sự tha hóa con người để giải quyết những vấn đề liên quan đến giá trị con người như khả năng, lợi ích, phẩm chất, sự tự do, tự quyết, sáng tạo và hạnh phúc của con người. Từ đó đưa ra mô hình xã hội mới trên nguyên tắc chung trong mối quan hệ với xã hội, thì xã hội phát triển càng cao, càng phải tạo ra nhiều điều kiện, nhiều cơ hội để đảm bảo sự phát triển tự do và toàn diện của mọi người cũng là sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người.

Các nhà lí luận theo chủ nghĩa Mác nhân đạo Đông Âu lấy chủ nghĩa Mác nhân đạo thời kì đầu trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844” “Luận cương về Phoiơbắc” để làm cơ sở giải thích cho tư tưởng nhân đạo và dân chủ của mình. Đồng thời, họ nghiên cứu sâu hơn tư tưởng của các nhà triết học phương Tây như M.Haiđơgờ, E.Huxéc, H.G.Gađamơ, G.Lucátsơ, G.P.Xáctrơrơ. Từ năm 1964 đến năm 1974, họ tổ chức mỗi năm một lần “Trại hè nghiên cứu Coocunla” ở Nam Tư, mời các nhà triết học phương Tây nổi tiếng như Đ.Mácquiđơ, E.Phrom. G.Habecman, L.Goman, M.Ruyben… hợp tác và tham gia, cho nên quan điểm triết học của họ vừa là sự phát triển có kế thừa tư tưởng triết học Đông Âu và Tây Âu, vừa là sự phê phán chủ nghĩa xã hội hiện thực nhằm tìm ra một mô hình mới thích hợp hơn thoát khỏi mô hình xã hội chủ nghĩa nhà nước hiện tại, mà theo họ mô hình này đã làm tha hóa trầm trọng con người. Việc tìm kiếm mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu mới được các nhà lí luận theo chủ nghĩa Mác nhân đạo Đông Âu đi từ phạm trù thực tiễn đến phê phán mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Stalin và xây dựng mô hình mới: mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ – nhân đạo.

2. Những nội dung chính trong trào lưu tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu

2.1. Thực tiễn là bản thể luận của tồn tại con người, là mọi hoạt động sống của con người, là cơ sở để phê phán hiện thực

Những năm 60 -70 của thế kỉ XX, ở Nam Tư, phái thực tiễn (nhóm “Pracxis”) ra đời với nhân vật nổi tiếng như M.Máccôvích, G.Pitrôvích, S.Xtôiannôvích, R.Xupếc, P.Phranhixki. Họ thảo luận các vấn đề triết học nói chung, mà nội dung chính là thảo luận về khái niệm “thực tiễn” và hoạt động “thực tiễn”, phân tích, mổ xẻ chúng không chỉ trên phương diện lí luận, mà còn cố gắng hiện thực hóa chúng trong thực tiễn. Từ đó phân tích xã hội hiện đại, đặc biệt xã hội Nam Tư, chỉ ra con đường giải phóng triệt để nhân loại. Cơ sở lí luận đầu tiên của họ là quan điểm thực tiễn với những nội dung cơ bản sau:

  • Thực tiễn mang tính chủ thể gắn với hoạt động của con người, là năng lực tiềm ẩn đã được xác định, là sức mạnh đã được đối tượng hóa, là sự tự khẳng định và tự thực hiện của con người.
  • Thực tiễn là hoạt động lí tính, qua đó con người phát hiện được quy luật của tự nhiên và xã hội, dự đoán tương lai, xác định mục tiêu và tìm các biện pháp hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu đó.
  • Thực tiễn là hoạt động tự do, tự do với sự cưỡng chế của ngoại cảnh, tự do thực hiện dự tính của mình.
  • Thực tiễn có tính thẩm mĩ vì là loại hình hoạt động phục tùng quy luật cái đẹp.
  • Thực tiễn vừa là chân lí, vừa là tiêu chuẩn của chân lí, vì nó mang những giá trị căn bản phổ biến và là tiêu chuẩn để phê phán mọi hình thức hoạt động khác.
  • Thực tiễn không phải là một mắt khâu của quá trình nhận thức, mà nhận thức là một mắt khâu, một bộ phận trong tổng thể của thực tiễn, từ đây khách thể và chủ thể không phải có sẵn, mà là được sinh ra trong thực tiễn.

Từ tư tưởng trên của phái thực tiễn, mà phái nhân văn triết học, phái biện chứng khi nghiên cứu giải quyết các vấn đề xã hội hiện thực, vấn đề con người và lịch sử loài người đã dựa trên nguyên tắc đồng nhất chủ thể với khách thể, xem con người và lịch sử vừa có tính khách quan, vừa có tính chủ quan, nhưng suy đến cùng tính chủ quan quyết định sự phát triển lịch sử xã hội loài người. Điều này thấy rõ trong lí luận của L. Côlacốpxki thuộc phái nhân văn trong triết học Ba lan, khi ông cho rằng hoạt động thực tiễn của con người là nhân tố của tồn tại để con người nhận thức hành vi của mình. Thực tiễn không chỉ quyết định đối tượng, mà cả năng lực nhận thức của con người, bức tranh hiện thực chỉ là vật do con người sáng tạo, vì vậy sản phẩm của thế giới phải do con người tạo ra. Còn C. Côxích (Tiệp Khắc) khẳng định thực tiễn là lĩnh vực, trong đó cái khách quan chuyển hóa thành cái chủ quan và cái chủ quan chuyển hóa thành cái khách quan. Thực tiễn là trung tâm hoạt động, trong đó ý định của con người được thực hiện và quy luật tự nhiên được phát hiện. Thực tiễn không chỉ có yếu tố cơ bản là lao động, còn bao gồm những yếu tố sống còn như lo lắng, chán ghét, sợ hãi, vui mừng, hi vọng… làm hình thành cái chủ quan của con người. Liên hệ vào thực tiễn phát triển của lịch sử loài người, M.Máccôvích lại nghiêng về tính chủ quan trong quá trình phát triển sáng tạo lịch sử. Theo ông, con người cố gắng hướng thực tiễn của mình vào thực tiễn hoạt động của tập thể, của lịch sử, nhưng lịch sử này không nhất thiết đi theo quy luật khách quan. Một mặt, lịch sử có những xu thế chất chồng, thay thế các sự kiện theo một quy luật nào đó, mặt khác lịch sử được quyết định bởi hoạt động sáng tạo của số đông con người. Một khi mọi người tập trung các nỗ lực của mình lại thành ý chí của một cộng đồng, đồng thời quyết tâm nỗ lực tập thể cho một lí tưởng chung, thì quá trình lịch sử sẽ không còn được quyết định bởi tình huống có khả năng phát sinh nhất theo quy luật cũ, mà được quyết định bởi tính chất của thực tiễn mới và bởi tính chất thay đổi xảy ra trong toàn bộ cục diện xã hội. Vì vậy, M.Máccôvích khẳng định “trong lịch sử không phải chuyện gì cũng tất yếu phải xảy ra. Trong điều kiện nào đó quy luật có tác dụng của nó. Nhưng con người có thể thay đổi được điều kiện này, và sẽ sáng tạo ra những hình thức mới làm cho một số quy luật mới phát huy tác dụng” (Trang Phúc Linh (Chủ biên), 2004, tr.599), nhờ vậy con người mới chống được tha hóa, cải tạo xã hội cũ để xây dựng xã hội mới tốt đẹp.

2.2. Chủ nghĩa xã hội hiện thực và sự tha hóa toàn diện con người

Dựa trên lí luận thay đổi điều kiện lịch sử xã hội hiện thời, tạo ra điều kiện lịch sử xã hội sẽ mới giúp con người thoát khỏi tha hóa, nhưng khác với C.Mác nhấn mạnh đến tha hóa lao động, các nhà lí luận tư tưởng nhân đạo Đông Âu xem tha hóa con người toàn diện và đó là hiện tượng tất nhiên, không chỉ bắt nguồn từ lao động xã hội, mà chủ yếu là bắt nguồn từ bản thân con người và trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người. Con người là thực thể tồn tại trong thực tiễn có tính sáng tạo tự do, không ngừng thông qua hoạt động để tái tạo bản thân và thế giới của mình. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tiễn của con người cũng chứa đựng những nhân tố phủ định và chính những nhân tố này đem lại hình thức tha hóa mới. Vì vậy, xóa bỏ tuyệt đối sự tha hóa là không thể. Tha hóa không chỉ có trong chủ nghĩa tư bản, mà trong chủ nghĩa xã hội cũng vẫn còn tồn tại rất nhiều sự tha hóa cùng với những hình thức tha hóa mới. P.Phrannixki phân tích toàn diện sự tha hóa trong chủ nghĩa xã hội hiện thực: thứ nhất, có sự tha hóa về kinh tế do sản xuất hàng hóa và phân công lao động xã hội tạo ra; thứ hai, có sự tha hóa về chính trị do sự tồn tại của nhà nước và sự phân chia chủ thể chính trị và khách thể chính trị; thứ ba, có sự tha hóa về hình thái ý thức trong tín ngưỡng tự giác giả dối hay trong sự thống nhất ý chí dân tộc giả tạo. Ông viết: “Đối lập với quan điểm cho rằng vấn đề tha hóa ở chủ nghĩa xã hội là hoang đường, là không có căn cứ, chúng ta cần phải ra sức khẳng định luận điểm sau đây: điểm trung tâm của chủ nghĩa xã hội là vấn đề tha hóa” (P.Phrannixki, 1965, s.2). A.Sápphơ (Ba Lan) phân tích cụ thể hơn về vấn đề tha hóa của xã hội xã hội chủ nghĩa, về sự khó khăn và khó tin có thể xóa bỏ những tha hóa của ý thức, quan niệm và tập tục xã hội nhanh chóng tuyệt đối khi xóa bỏ xong việc sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Ông thấy sự cần thiết khó khăn lâu dài của thời kì quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản và khẳng định chủ nghĩa xã hội ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản không phải do nó thoát khỏi mọi sự tha hóa, mà do nó tạo điều kiện tốt hơn để chống lại tha hóa một cách tự giác.

Việc chống tha hóa một cách tự giác phải bắt đầu từ sự phê phán thực tiễn xã hội đương thời, phê phán mô hình chủ nghĩa xã hội “kiểu Stalin” trong việc đặt ngang chủ nghĩa xã hội với nhà nước, chế độ sở hữu xã hội với chế độ sở hữu nhà nước tạo ra một thể chế nhà nước quan liêu đồ sộ. R.Xupếc nhận định rằng, chủ nghĩa quan liêu này đã lạm dụng khái niệm chỉnh thể trong thực tiễn xã hội, về mặt chính trị đã đối lập một cách giáo điều giữa “nhà nước xã hội chủ nghĩa” với chủ nghĩa xã hội: “Về mặt kinh tế, đã đối lập giữa kinh tế kế hoạch hóa, tập trung chặt chẽ với sản xuất tập thể; về mặt xã hội, đã đối lập giữa ý chí của cơ cấu tổ chức với tinh thần sáng tạo của tập thể và cá nhân; về mặt văn hóa đã đối lập giữa sự lãnh đạo sáng suốt với quan niệm sáng tạo tự do” (Trang Phúc Linh (Chủ biên), 2004, tr.602). B.Agon thì nhấn mạnh đến vấn đề niềm tin và tệ sùng bái nhà nước trong chủ nghĩa xã hội kiểu Stalin. Chủ nghĩa xã hội kiểu như vậy không những tập trung quyền lực chính trị, kinh tế, tư tưởng trong tay mình, mà còn xây dựng quyền lực xã hội to lớn ấy bên trên lí tưởng cao cả nhất và sâu xa nhất của nhân loại: lòng tin vào chủ nghĩa xã hội được trình bày dưới một số danh nghĩa nào đó vì mục tiêu tương lai “cao đẹp”, vì “hạnh phúc của nhân loại”, điều này ngăn cản tư duy phản biện những gì vô nhân đạo với con người và dẫn đến sự sùng bái mù quáng nhà nước một cách tồi tệ. Cho nên, chủ nghĩa xã hội muốn thành công, thì không chỉ vượt qua quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa, quan hệ hàng hóa – tiền tệ, từ đó thoát khỏi lao động làm thuê, mà còn phải tính đến vấn đề xóa bỏ nhà nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở của “liên hợp lao động tự do”, mà trong đó tự quản là nguyên tắc để chống lại chủ nghĩa nhà nước quan liêu. R.Xupếc khẳng định xây dựng chủ nghĩa xã hội tự quản Nam Tư là con đường cơ bản thay thế mô hình chủ nghĩa xã hội Stalin hiện tại.

Trong trường phái Buđapét, A.Hêgeđusơ phê phán cả mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước quan liêu, lẫn mô hình mô phỏng kinh tế chủ nghĩa tư bản thúc đẩy thị trường phát triển. Ông yêu cầu xây dựng xã hội nhân đạo và hợp lí, mà xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chỉ là bước đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sau đó phải xóa bỏ tệ quan liêu, dân chủ hóa bằng “tổ chức xã hội của nhân dân lao động”. Xã hội nhân đạo và hợp lí không chỉ được dân chủ hóa mà còn tạo điều kiện phát triển cá nhân và tối ưu hóa được sự tự do lựa chọn của cá nhân, mà xóa bỏ tư hữu cũng chưa giải quyết được. Ông yêu cầu “cần làm cho con người phát huy tác dụng trong cuộc sống như là một cá thể, chứ không phải là một công nhân trong chỉnh thể phân công lao động, phải trả lại cho con người vị trí chủ nhân trong quan hệ xã hội, vị trí kiến tạo số phận của mình” (Trang Phúc Linh (chủ biên), 2004, tr.632).

2.3. Xây dựng chủ nghĩa xã hội dân chủ – nhân đạo dựa trên giá trị đạo đức tự giác nhằm phát triển nhân cách, bảo vệ quyền lợi và thỏa mãn nhu cầu của con người

Dựa trên việc phê phán chủ nghĩa hiện thực, các nhà tư tưởng nhân đạo Đông Âu đưa ra mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ – nhân đạo với tính tự quản rất cao, trong đó yếu tố “tổ chức xã hội của nhân dân lao động” hay các “liên hợp lao động tự do” đóng vai trò chính. Xã hội tự quản sẽ thể hiện thật sự tư tưởng mác xít về việc xóa bỏ nhà nước và “những người sản xuất liên hiệp lại”, thật sự làm cho quần chúng từ khách thể trở thành chủ thể chính trị và kinh tế, từng bước thoát ra khỏi mọi sự tha hóa. Để thực tiễn tự quản không bị chủ nghĩa quan liêu bóp chết và phát triển, biện pháp khả thi là tìm được một hình thức tổ chức xã hội và kinh tế dân chủ, tăng cường và mở rộng dân chủ, đồng thời từng bước nâng chính trị lên trình độ của thực tiễn, có nghĩa là hạn chế quyền lực của các nhà chính trị ở mức độ nhất định, không tập trung quyền lực quá đáng dẫn đến quan liêu hóa. Song song với hoạt động chính trị là chú trọng xây dựng lối sống mới cho con người, bảo đảm nguyên vẹn tính nhân văn với con người như quan niệm của chủ nghĩa Mác về một xã hội có tính người chân chính là xã hội mở ra khả năng cho sự phát triển tự do và sáng tạo của mỗi người. Từ đó, B.Agon nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội không phải là mục tiêu cuối cùng của Mác, chủ nghĩa xã hội là một giai đoạn tiếp cận với mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội là xây dựng một xã hội có tính người” (Trang Phúc Linh (Chủ biên), 2004, tr.594).

Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội có tính người chỉ thành công khi xây dựng được đạo đức cá nhân tự giác và xây dựng được xã hội trong đó nhân cách cá nhân phát triển toàn diện. L.Côlacốpxki đã kết hợp đạo đức cá nhân tự giác và quyết định luận xã hội của Mác để đánh lại quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước Đông Âu, đánh giá lại quá trình phi Stalin hóa. Theo ông, đạo đức trong cơ cấu xã hội thì do lịch sử quyết định, trách nhiệm của con người là tiếng nói của những nhu cầu xã hội, nhưng mỗi cá nhân phải xây dựng đạo đức trên nền tảng tự giác. Đặc biệt, sự tham dự của con người vào bất cứ hoạt động chính trị nào đều là hành vi đạo đức, vì vậy, sự lựa chọn về đạo đức của con người dù có bị điều kiện lịch sử chế định, thì nó vẫn là hành vi tự lựa chọn, cho nên không ai có thể vin vào lí do bắt buộc nào đó thuộc về xã hội để dung túng cho sự đồi bại về đạo đức.

Có nghĩa là không ai có thể được miễn trách nhiệm đạo đức nếu ủng hộ hành vi tội ác, dù anh ta tin rằng hành vi ấy là đúng và không thể vin vào lí do tất yếu lịch sử để tán thành một chế độ chính trị, một học thuyết hoặc một chế độ xã hội phản nhân đạo. Sự lựa chọn cuộc sống hiện thực của con người là do đạo đức của con người quyết định, một người trở thành đảng viên cộng sản không phải vì tin vào sự tất yếu của chủ nghĩa cộng sản, mà vì anh ta chọn đứng về phe những người bị áp bức phản đối những người áp bức. Lựa chọn thực tiễn là một sự lựa chọn giá trị, là hành vi đạo đức, có nghĩa mỗi cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Xã hội quyết định niềm tin đạo đức của con người, nhưng quyết định niềm tin không đồng nghĩa với xã hội chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn và hành vi đạo đức của cá nhân con người. Vì nếu vậy, thì giá trị đạo đức theo đúng nghĩa không còn tồn tại nữa.

Trên quan điểm giá trị đạo đức là sự lựa chọn hành vi đạo đức tự giác, tự chịu trách nhiệm, L.Côlacốpxki xem chủ nghĩa xã hội là tổng hòa các giá trị xã hội, nên việc thực hiện chủ nghĩa xã hội là trách nhiệm đạo đức không thể từ chối từ mỗi cá nhân. Còn giá trị đó thực hiện như thế nào khác với việc cá nhân cố gắng thực hiện nó một cách vô vị lợi, đó mới là chủ nghĩa anh hùng trong đạo đức, thậm chí tổn thất càng lớn, giá trị đạo đức trong hành động của họ càng cao.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội dân chủ – nhân đạo với các giá trị đạo đức tự giác là tiền đề để phát triển toàn diện nhân cách cá nhân. Theo A.Sápphơ thì cá nhân luôn luôn là một bộ phận của tự nhiên và xã hội, nó là một bộ phận biết tư duy trong tự nhiên, đồng thời là một bộ phận biết tự giác cải tạo thế giới, vì thế nó cũng là bộ phận nền tảng của xã hội, mang tính bản thể cao nhất. Với tư cách là một chỉnh thể tự nhiên – xã hội, cá nhân có thể đạt đến chân lí mà không cần những yếu tố kèm theo, những yếu tố tách khỏi “thực tiễn”. Chống lại tư tưởng chủ nghĩa xã hội hiện thực, nhưng A.Sápphơ không chống chủ nghĩa Mác, ông nghiên cứu vấn đề giải phóng con người trong chủ nghĩa Mác và đã thấy được chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa nhân đạo triệt để, chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu, chủ nghĩa nhân đạo hoàn chỉnh và chủ nghĩa nhân đạo lạc quan, từ đó cho rằng nội dung của chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa mácxít hiện nay là muốn hạnh phúc phải “phủ định”, tức là xóa bỏ những cái gây đau khổ cho con người như đói rét, bệnh tật, chiến tranh… mà nguyên nhân gốc rễ của những nỗi bất hạnh của con người không nằm ở chính con người, mà ở điều kiện xã hội và quan hệ xã hội. Con người tự do là tự do trong sự lựa chọn, sự lựa chọn một mặt tuân theo giá trị xã hội, mặt khác dựa vào cá tính của con người, để hai mặt này không mâu thuẫn thì con người cần nhận được điều kiện sống và hệ thống giáo dục xã hội tốt đẹp.

A.Hêlơ thuộc trường phái Buđapét đã xoáy sâu vào vấn đề con người sẽ làm chủ số phận của mình và phát triển toàn diện nhân cách, khi và chỉ khi thỏa mãn được những nhu cầu chính đáng của mình. Xuất phát từ “thực tiễn” là đời sống hàng ngày của con người, nữ triết gia viết tác phẩm “Lí thuyết nhu cầu trong tư tưởng C.Mác” “nhằm cung cấp cho chủ nghĩa Mác một cơ sở quy phạm, tri thức luận và hữu thể học… bằng “nhân học triết lí bản thể” đặt ra một “yếu tính chủng loại” tự thực hiện trong lịch sử loài người”(Phan Quang Định (Biên dịch), 2015, tr.119). Bà đã thấy được thời kì đầu lí luận của C.Mác tồn tại vấn đề về mục đích của “xã hội những người lao động liên hiệp”, thời kì sau “mỗi người” sẽ quyết định phân bố lực lượng sản xuất và tiêu dùng, vì vậy C.Mác nói con người liên hiệp lại. Tuy nhiên, mỗi người quyết định vấn đề này như thế nào thì C.Mác chưa trả lời, có lẽ thời đại ông sống vấn đề đó chưa xuất hiện, còn trong xã hội chúng ta, sản xuất và tiêu dùng vật chất không còn quan trọng nữa, mà quan trọng là hoạt động phục vụ nhu cầu dịch vụ hàng ngày và nhu cầu quan hệ giữa con người với con người. Hiện tại, trong chủ nghĩa tư bản, nhu cầu bị sự chi phối của con người, còn ở Liên Xô và Đông Âu cũng không thỏa mãn được nhu cầu cơ bản của con người, vì nhu cầu của cả cộng đồng được hoạch định từ cơ quan trung ương, trong khi không tham khảo ý kiến của xã hội. Nữ triết gia cho rằng, lí luận về nhu cầu của mình vừa là lí luận hình thành xã hội, vừa là lí luận cách mạng. Theo lí luận ấy, tính chất cách mạng của một giai cấp, một tầng lớp xã hội, một cương lĩnh chính trị hay một phong trào chỉ có thể được xác định bằng nhu cầu hiện thực của những con người đã được giải phóng, do những con người đó nêu lên một cách có ý thức.

3. Đánh giá trào lưu tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu và bài học tư tưởng rút ra cho thực tiễn cách mạng Việt Nam

Sự hình thành và phát triển của trào lưu tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu đã khơi dậy làn sóng phê phán một số nhược điểm của chủ nghĩa xã hội hiện thực đương thời, làm đa chiều tư tưởng của nhân loại về chủ nghĩa xã hội, chống lại sự tha hóa của con người, tìm cách xây dựng và thực hiện mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ – nhân đạo cho con người. Tuy nhiên, xét đến cùng trào lưu tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu đã không vượt qua được lí luận của chủ nghĩa Mác trong học thuyết tha hóa con người và trong phương pháp giải phóng con người.

Thứ nhất, bàn về thực tiễn trong “Luận cương về Phoiơbắc”, C.Mác viết: “Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lí, nghĩa là chứng minh tính hiện thực, sức mạnh, tính bên này của tư duy” (C.Mác và Ph.Ăngghen, 1995, tập 3, tr.9) là C.Mác chỉ muốn đặt thực tiễn trong mối quan hệ với nhận thức để xem xét lí luận nhận thức, nhưng các nhà tư tưởng Đông Âu lại nâng khái niệm thực tiễn lên thành bản thể luận của tồn tại con người, chính trong thực tiễn, các hoạt động của con người tạo nên một thể thống nhất bao quát và suy ra tính thống nhất của thế giới chỉ tồn tại trong thực tiễn và trong sự sáng tạo của nhân loại. Đồng thời, họ đánh đồng chủ thể và khách thể trong hoạt động thực tiễn, đề cao chủ quan tính của con người là muốn nhân đạo hóa chủ nghĩa Mác, nhưng lí luận của họ lại pha tạp nhiều quan điểm của chủ nghĩa hiện sinh, vì vậy cuối cùng họ càng xa rời chủ nghĩa Mác. Nhấn mạnh chủ nghĩa Mác luôn luôn cần chú trọng thực tiễn xã hội, đó là điều chắc chắn đúng, nhưng sự phân tích của họ đối với xã hội hiện tồn dựa trên lập trường của chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng, thiếu tính giai cấp, khiến cho lí luận của họ chỉ

dừng lại ở trình độ phê phán, phủ định, không có khả năng đưa ra được những ý kiến có tính chất xây dựng về chủ nghĩa xã hội hiện thực, đồng thời còn thu hẹp vấn đề cơ bản của triết học như nhà triết học A. Hêlơ chủ trương triết học cần phải dựa vào việc phân tích thực tiễn xã hội để cung cấp một cơ sở vững chắc cho thực tiễn gần, cho thực tiễn của tương lai, chứ không phải là nghiên cứu quy luật chung nhất của xã hội. Ngoài ra, họ luôn đặt cao nhu cầu quan hệ xã hội, nhu cầu giao tiếp hơn nhu cầu sản xuất vật chất, nên cách thức giải phóng con người do trào lưu này đưa ra là không triệt để.

Thứ hai, về vấn đề tha hóa con người và giải phóng con người khỏi sự tha hóa, các nhà tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu thường dựa vào tác phẩm Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844 của C.Mác để làm cơ sở lí luận, nhưng họ đã không đi đến tận cùng nội dung tha hóa và chống tha hóa mà C.Mác đã đề cập. Trong Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844, C.Mác đã trình bày một cách khoa học và rõ ràng vấn đề tiền công, lợi nhuận, địa tô, đến quan hệ sở hữu tư nhân và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Phần Địa tô, C.Mác đã thấy được bản chất vấn đề “sự tha hóa của lao động”. Công nhân trong hoạt động thực tiễn lao động sản xuất của mình đã bị tha hóa, vì đó là lao động nằm bên ngoài con người, lao động bị cưỡng bức, làm cho công nhân thù địch với sản phẩm mình sản xuất ra, thù địch với chính hoạt động phần người của mình như một sự tự tha hóa, quan hệ giữa con người với con người cũng bị tha hóa, từ đó bản chất nhân loại của con người cũng trở thành xa lạ với con người, mà nguyên nhân sâu xa là do sở hữu tư nhân gây nên. C.Mác viết: “Vậy sở dĩ có được khái niệm sở hữu tư nhân là nhờ phân tích khái niệm lao động bị tha hóa, tức là khái niệm con người bị tha hóa, khái niệm đời sống bị tha hóa” (C.Mác và Ph.Ăng ghen, 2004, tập 42, tr.142). Từ lao động bị tha hóa dẫn đến các vấn đề khác còn lại của con người cũng bị tha hóa theo, mà thủ phạm là do chủ nghĩa tư bản gây nên, lao động bị tha hóa đã sản sinh ra các vật, các giá trị tinh thần giả dối, các quan niệm đạo đức hủ lậu. Rốt cuộc, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã “sản sinh ra con người không chỉ với tính cách là hàng hóa, không chỉ với tính cách là con người hàng hóa, con người với sự quy định của hàng hóa; nó sản xuất ra con người theo sự quy định ấy, như là một thực thể mất tính chất người cả về mặt tinh thần lẫn thể xác”” (C.Mác và Ph.Ăng ghen, 2004, tập 42, tr.149). Và Mác đã cố gắng giải quyết vấn đề tha hóa của chủ nghĩa tư bản trong tác phẩm “Tư bản” thông qua học thuyết giá trị thặng dư. Trong khi đó trào lưu tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo Đông Âu chỉ mượn tha hóa để xoáy vào vấn đề tha hóa trên tất cả các lĩnh vực của chủ nghĩa xã hội hiện thực, bỏ qua lí luận tha hóa trong tác phẩm “Tư bản” sau này.

Tất nhiên, chủ nghĩa xã hội hiện thực bấy giờ dựa vào mô hình chủ nghĩa xã hội quan liêu, nhà nước, độc quyền của Stalin, sự phê phán của những nhà tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo Đông Âu cũng có phần đúng đắn, vì ngay chính những nhà nghiên cứu Liên Xô cũng cho rằng giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và nguyên lí của Stalin về chủ nghĩa xã hội là rất khác biệt. Các nhà nghiên cứu phương Tây cũng cho là như vậy. Trong bài nói chuyện với B.F. Slavin (Trưởng ban các vấn đề chung của chủ nghĩa xã hội, Viện Mác – Lênin)

GS R.Takker (Đại học Printon – Mĩ) nhận định Stalin chỉ dừng lại được ở việc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhà nước “Vào tháng 11 năm 1936 trong bài diễn văn nhân thông qua Hiến pháp mới, Stalin khẳng định chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng hoàn thành cơ bản ở Liên Xô. Nếu Lênin còn sống ông sẽ nói đó là trò nhảm nhí, bởi lẽ cái mà Stalin xây dựng là xã hội nhà nước hóa, chủ nghĩa xã hội nhà nước, trái với lí luận về thời kì quá độ trong “Nhà nước và cách mạng của Lênin, cũng như xa lạ với lí luận về nhà nước của Mác và Ăngghen” (B.F.Славин, 1990, c.29-30). Mặc dù phê phán chủ nghĩa xã hội hiện thực là cần thiết, nhưng lí luận của những nhà tư tưởng chủ nghĩa Mác nhân đạo Đông Âu mang tính chất mâu thuẫn giữa bản thể con người sáng tạo ra lịch sử loài người với xã hội loài người lại làm tha hóa con người, thì họ không thể đạt được mục đích xây dựng xã hội chủ nghĩa thực sự dân chủ và nhân đạo cho con người.

Thứ ba, việc phê phán chủ nghĩa xã hội hiện thực của chủ nghĩa Mác nhân đạo ở Đông Âu chỉ xoáy vào bản thể người hiện sinh, đề cao hoạt động sáng tạo của chủ thể, nên đã không chủ trương xây dựng xã hội mới bằng lực lượng cách mạng thực sự là giai cấp công nhân, liên minh công – nông – trí thức, đánh đổ áp bức, bóc lột, bất công, xóa bỏ quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tạo cho con người quyền làm chủ thực sự, mà chỉ giải phóng con người khỏi tha hóa của chính chủ nghĩa xã hội hiện thực, của cơ chế quản lí mệnh lệnh hành chính cứng nhắc bằng đạo đức tự giác, bằng cá nhân tự lựa chọn hành vi đạo đức, bằng phát triển nhân cách hoàn thiện của con người, nên những nhà tư tưởng thuộc chủ nghĩa Mác nhân đạo Đông Âu đã không chú ý đến hệ thống các quy luật xã hội của chủ nghĩa duy vật lịch sử, không dùng chúng để xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội tương lai cho con người và phần nhiều là đã phủ định lí luận thời kì chín muồi của C.Mác.

Phần cuối của bài: Vận dụng vào thực tiễn Việt Nam khá là ngây ngô, Chuông Rè mạn phép không đăng tải.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Славин, B. F. (1990). Демократически-гуманитарный социализм, Журнал: Социально- политические науки № 8/1990, c.29-30. Москва.

Phan Quang Định (Biên dịch). (2015). Các nữ triết gia trong lịch sử nhân loại. TPHCM: NXB Hồng Đức.

Janos, K. (2002). Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Quang A dịch. Hà Nội: NXB Văn hóa – Thông tin.

Trang Phúc Linh (Chủ biên). (2004). Lịch sử chủ nghĩa Mác, tập 4. Lê Cự Lộc, Nguyễn Ninh Hải, Mai Xuân Hải, Nguyễn Văn Đức, Phạm Đình Cầu, Lương Gia Tĩnh dịch. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.

C. Mác và Ph. Ăngghen. (2004). Toàn tập, tập 3, tập 42. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia. Phranninxki, P. (1965). Socialismus a problém odcizení, Věstník: Praktický Č. 3/1965, st.2.

Beograd.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s