Hồi ký Đời Tôi của nhà cách mạng Leon Trotsky đã được nhóm Đệ tứ Cộng sản Việt Nam dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và xuất bản tại Pháp năm 1998 cũng như trên website Tủ Sách Nghiên Cứu. Do nhiều nguyên nhân, hiện tại ấn bản điện tử đã không còn trên mạng.
Nhận thấy tác phẩm cung cấp góc nhìn sâu và từ cá nhân của Trotsky, có thể giúp độc giả hiểu về chủ nghĩa Marx chân chính, hiểu cuộc đấu tranh phức tạp trước, trong và sau cách mạng Nga, Chuông Rè trân trọng đăng tải toàn văn tác phẩm này.
Nguyên tác: ЛЛЕЕВВ ТТРРООЦЦККИИЙЙ:: ММООЯЯ ЖЖИИЗЗННЬЬ II––IIII
Tủ sách Nghiên cứu dịch theo bản tiếng Pháp:
Léon Trotsky: Ma Vie
Nhà xuất bản Gallimard, Paris 1953
Hoàng Nguyễn đối chiếu, sửa chữa và chỉnh lý theo bản tiếng Hung: Lev Trockij: Életem
Nhà xuất bản Kossuth, Budapest 1989
Trình bày bìa: Hoàng Giang In lần thứ nhất tại Hungary, 1998
Lời Cám ơn
Cuốn sách này được ra đời nhờ sự góp sức của một tập thể anh em gồm có những người trốt-kít và những người không xu hướng đảng phái chính trị, trong số đó, có người ở Việt Nam, có người ở Pháp, có người ngụ cư ở Đông Âu.
Mặc dầu ở cách xa nhau hàng ngàn cây số, họ đã liên lạc, phân công và hợp tác với nhau trong việc dịch thuật, hiệu đính, chỉnh lý, sửa chữa bản thảo và in ấn.
Thay mặt bộ biên tập Tủ sách Nghiên cứu, chúng tôi xin chân thành cảm ơn hết thảy các bạn và mong rằng sự hợp tác này sẽ tiếp tục để những cuốn sách khác của Trốtxki có điều kiện ra mắt đông đảo độc giả, theo chương trình đã ấn định.
Paris tháng Ba năm 1998
Hoàng Khoa Khôi
Lời Giới thiệu
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày tên sát nhân gốc Tây Ban Nha Ramôn Méccađe [Ramon Mercader] thực hiện bản án của những ông chủ từ Mạc Tư Khoa dành cho người sáng lập Đệ tứ Quốc tế.
Trong khi Trốtxki [Trotsky] còn sống cũng như sau khi ông bị giết, tên tuổi ông thường xuyên là đề tài bôi nhọ, vu cáo và thóa mạ của những kẻ tự đặt mình dưới sự dắt dẫn của điện Cẩm Linh.
Độc giả các quốc gia xã hội chủ nghĩa (cũ) nói chung, và Việt Nam nói riêng, biết rất sơ sài về Trốtxki. Có thời muốn kết tội một ai, chỉ cần vu cho anh ta là trốt-kít! Một thời gian dài, trong những tài liệu tuyên truyền cộng sản, cái tên Trốtxki đồng nghĩa với phát-xít, bán nước, phản cách mạng, chỉ điểm, điệp viên cho đế quốc…
Vậy, hẳn nhiều người có thể đặt câu hỏi: ”Trốtxki là ai?”
*
Nhắc đến Trốtxki, những người am tường lịch sử thường nghĩ đến hình ảnh một nhà cách mạng ”siêu việt” (chữ của báo chí phương Tây đương thời), lãnh tụ chủ chốt của thợ thuyền Xanh-Pêtécbua [Saint-Pétersbourg] trong các cuộc cách mạng 1905 và 1917 trên cương vị chủ tịch Xô-viết thành phố. Đặc biệt, giữ chức chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng, bên cạnh Lênin [Lénine], Trốtxki là người lãnh đạo tối cao của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Nga năm 1917. Chính Lênin về sau cũng phải công nhận: trong những ngày cách mạng tháng Mười, không có người bôn-se-vích nào hơn Trốtxki. Là người sáng lập và tổ chức Hồng quân Liên Xô kiêu hùng một thời, Trốtxki còn có vai trò chính trị và quân sự nổi bật trong thời nội chiến Nga. Không phải ngẫu nhiên mà trong ”di chúc chính trị” viết khi lâm trọng bệnh, Lênin từng khẳng định:
”Về mặt cá nhân, hẳn có lẽ đồng chí ấy [Trốtxki] là người tài năng nhất trong Ban Trung ương [đảng bôn-se-vích] hiện nay”.
Dĩ nhiên những chi tiết này đều bị Xtalin [Staline] và bè cánh của ông ta xuyên tạc hoặc giấu nhẹm trong những thập kỷ kế tiếp. Chẳng những thế, trong cả ba vụ án ngụy tạo lớn ở Mạc Tư Khoa thời kỳ 1936-1938, Trốtxki còn là bị cáo chính (vắng mặt!) với những tội danh bịa đặt như ”kẻ cầm đầu mọi tổ chức đối lập”, ”người khơi mào và tổ chức chính yếu các hành động khủng bố”… Mười năm sau ngày thành lập nhà nước Xô-viết mà Trốtxki là một trong những người có công lớn nhất sau Lênin, tên tuổi và hình ảnh ông bị xóa khỏi mọi sách báo, tự điển, tổng luận, phim ảnh.
Vào những năm ”cải tổ” và ”công khai” cuối thập niên 80 ở Liên Xô (cũ), đại đa số các nhà cách mạng bôn-se-vích bị chết oan uổng dưới triều đại Xtalin đều được phục hồi danh dự. Nhưng chưa bao giờ Trốtxki, tác giả những cuốn sách đề cập đến cốt lõi của thể chế xta-lin-nít như Cuộc cách mạng bị phản bội, Trường phái giả mạo lịch sử kiểu xta-lin-nít…, được đưa vào danh sách ”minh oan” này.
”Chủ nghĩa trốt-kít là kẻ thù hung hãn nhất của chủ nghĩa lê-nin-nít”: đó vẫn là lời đánh giá chính thức của phe cộng sản ”chính thống” Nga.
Ngày nay, theo đánh giá của nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu nghiêm túc, Trốtxki và chủ thuyết ”cách mạng thường trực” của ông là một nhánh đặc biệt trong lịch sử những phong trào cách mạng mác-xít. Trong sự nghiệp chính trị của ông, nhân tố ”người anh hùng cô đơn” luôn tồn tại như một nét chủ đạo. Trốtxki ”cô đơn”, vì trong mọi trường hợp, ông đều cấp tiến và đều theo đuổi những giải pháp độc đáo so với thời đại ông sống. Về căn bản, nhiều ý tưởng và vấn đề ông đặt ra, cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và đáng để chúng ta suy ngẫm.
*
Có điều, nếu chỉ nhìn nhận Trốtxki như một chính khách xuất sắc – có tầm nhìn chiến lược sáng suốt, sâu rộng và nhiều khi có những ý tưởng vượt thời đại -, thì dẫu đúng nhưng chưa đủ. Người ta đã không quá lời khi nói rằng Trốtxki còn là một cây bút siêu việt. Nói về tài diễn thuyết của Trốtxki, Lunatrácxki [Lounatcharsky] cho rằng ông là diễn giả ”cừ khôi nhất thời đại” với những bài phát biểu đậm tính văn chương. Phải nói rằng, tài văn chương của Trốtxki, có lẽ không thua kém tài diễn thuyết của ông là bao.
Một đặc điểm nổi bật là các nhà chính trị cách mạng mác-xít nổi tiếng nửa cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này thường là những học giả, những cây bút xuất sắc trên báo chí. Mặt mạnh của họ cố nhiên là ở các bài viết, bài luận về đề tài triết học hay chính luận: với mục đích ”tải đạo” (theo nghĩa tuyên truyền những ý tưởng, những đường lối của bản thân họ hay đảng họ). Trong một thời kỳ mà bạo lực chưa được coi là liều thuốc chính yếu để chữa mọi căn bệnh, nhiều khi một cuốn sách sắc sảo, một bài báo đanh thép có tác động mạnh đến xã hội đương thời hơn súng đạn.
Về mặt này, Trốtxki không thuộc ngoại lệ. Nói về sự nghiệp cầm bút của ông, cần phải nhấn mạnh rằng trước hết ông là một nhà báo chính luận tài ba. Trong đời hoạt động cách mạng chìm nổi, Trốtxki từng là chủ nhiệm, đồng thời ông cũng là cộng tác viên và là cây bút chủ lực của nhiều tờ báo, tạp chí Nga ngữ như Tạp chí phương Đông, Bình minh, Tia lửa, Báo nước Nga, Buổi đầu, Sự thật, Tư tưởng Kiép [Kiev], Tiếng nói của chúng ta, Thế giới mới… (trước năm 1917) và Thông tin Đối lập… (sau ngày bị trục xuất khỏi Nga). Trong số đó, không ít tờ có tiếng vang lớn cả ở Tây Âu. Ngoài ra, trong thời gian sống lưu vong ở nước ngoài, Trốtxki cũng viết thường xuyên cho báo chí xã hội Pháp, Đức, Áo, Ba Lan… với phong cách được giới hiểu biết đương thời đánh giá là ”chói lọi”,”quyến rũ” và ”xuất chúng”. Bản thân Lênin – ngay trong lần đầu gặp gỡ – cũng phải thừa nhận chàng trai 24 tuổi Trốtxki là một ”ngòi bút” (Piêrô) [Péro] ”có năng lực phi thường” (Piêrô là biệt danh do các đồng sự dành cho Trốtxki, bằng chứng công nhận bút lực lớn lao của ông).
Nếu không tham gia phong trào công nhân và cách mạng, rất có thể Trốtxki đã trở thành một văn sĩ thuần túy. Nhưng, hoạt động tuyên truyền và tổ chức phong trào từ thủa thanh niên cùng những ngày tháng tù đày biệt xứ đã biến ông thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Từ đó trở đi, nói chung, Trốtxki thường dùng cây bút của mình như một vũ khí sắc bén trên chính trường (như lời bộc lộ của chính ông:
”Kể từ năm 1897, tôi chiến đấu chủ yếu bằng ngòi bút. Thành thử, lịch sử đời tôi đã đọng lại trên những trang in hầu như liên tục trong suốt ba mươi hai năm”.)
Vốn có học thức sâu rộng, thông thạo nhiều ngoại ngữ, Trốtxki không ngừng trau dồi tầm hiểu biết của mình qua sách vở thuộc đủ các thể loại trong những năm lưu lạc qua Áo, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Hunggari [Hongrie], Mỹ, Canađa [Canada]… trước cách mạng tháng Mười 1917. Chính vì thế, những bài viết của ông không chỉ bó gọn trong khuôn khổ chính trị, ý thức hệ, đảng phái…: các tác phẩm của ông về đời sống nông dân Nga, xã hội Nga, văn hóa Nga… cũng đều có giá trị không nhỏ. Cạnh đó, tác phẩm Văn học và cách mạng cho ta thấy một quan niệm rộng rãi, bao dung về mối quan hệ giữa văn nghệ và quyền uy, rất khác (và có nhiều nét trái ngược) với chính sách văn nghệ ở nhiều xứ cộng sản theo mô hình xta-lin-nít. Đó là chưa nói đến những diễn giải mang tính phê bình về lịch sử văn học Nga với nhiều sắc thái rất ”đặc thù” Trốtxki.
Dĩ nhiên, một độc giả bình thường không quan tâm đến chính trị cùng mọi khái niệm phức tạp và rối rắm của nó, hẳn sẽ đặt câu hỏi: ”Trốtxki có một văn nghiệp ‘thuần túy’ không?” Đây là điều cần khẳng định, đồng thời cũng là một ”điểm son” khiến Trốtxki có chỗ đứng cao hơn trên văn đàn so với các chính trị gia, triết gia… chỉ viết những tác phẩm mang nội dung chính luận.
Từ những năm còn rất trẻ, Trốtxki đã có nhiều tiểu luận văn học đặc sắc về các văn hào cổ điển Nga như Goócki [Gorki], Anđrâyép [Andréiev], về các nhà văn phương Tây như Ípxen [Ibsen], Haotman [Hauptmann] hay Môpátxăng [Maupassant]. Phải nói con mắt sắc sảo của Trốtxki đã khiến ông có biệt tài trong thể loại ”chân dung văn học” này: về sau, Trốtxki còn nhiều phác thảo rất hay và đậm tính thơ về các văn hào (Maiacốpxki [Maiakovsky], Goócki, Manrô [Malraux]…), bạn bè, đồng chí và người thân (Lunatrácxki, Cơrúpxcaia [Kroupskaia], Riadanốp [Riazanov], Lép Xêđốp [Léon Sedov]…). Với kẻ thù, địch thủ của mình (Xtalin, Iagôđa [Iagoda]…), ông cũng có những biếm họa tỉnh táo và sắc nét. Ngay trong Đời tôi, người đọc cũng hay gặp những bức chân dung, nhiều khi ngắn gọn mà rất đủ ý và hóm hỉnh. Đây là sở trường chính của ông.
Nhưng, muốn hiểu rõ tư cách con người cũng như văn phong, nghệ thuật cầm bút của Trốtxki, không gì hơn là đọc Đời tôi, một cuốn sách thuộc thể loại văn-hồi ký mà tác giả đã cho ra đời từ đầu thập niên 30. Giới sử học tìm thấy ở đây nguồn tư liệu vô cùng quý giá về cách mạng Nga và những người khởi sự nó. Đối với độc giả ”ngoại đạo” thông thường, cuốn sách cũng có thể đem đến nhiều thông tin, dữ kiện bổ ích về một thời kỳ tuy đã xa vời, nhưng vẫn có những tác động không nhỏ đến thời đại chúng ta đang sống. Đặc biệt, Đời tôi rất có ích cho thế hệ thanh niên, muốn tìm hiểu quá khứ trên căn bản tài liệu và sự thực.
*
Viết hồi ký – trong đó cố làm đẹp và biện minh cho những thất bại hay sai lầm của mình trong quá khứ – là việc làm thường thấy và dễ hiểu của các chính khách, các lãnh tụ cao cấp khi họ không còn ở tột đỉnh của quyền lực. Nhưng Đời tôi của Trốtxki, xét trên nhiều phương diện, là một cuốn hồi ký đặc biệt. Được viết khi các sự kiện còn nóng hổi và tác giả cuốn sách còn theo đuổi một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, khi đa số các nhân vật chính còn sống – thậm chí còn hoạt động chính trị tích cực -, Đời tôi vừa trung thực, vừa mang tính luận chiến sắc sảo, khác những tự truyện của các chính khách về già, không còn quan hệ với ”đời”, viết sách chỉ nhằm ”trà dư tửu hậu” và ngầm ca ngợi bản thân.
Trong số những địch thủ của Xtalin, có lẽ Trốtxki là người duy nhất có thời gian và điều kiện để viết lại cuộc đời mình cùng mọi thăng trầm của cuộc cách mạng Nga: đa số các yếu nhân khác của đảng Cộng sản (bôn-se-vích) Liên Xô như Camênhép [Kamenev], Dinôviép [Zinoviev], Bukharin [Boukharine], Rưcốp [Rykov], Rađéc [Radek]…, hoặc bị hành quyết sau những phiên tòa ngụy tạo (mặc dù đã quy phục, ”hối cải” và trở thành con rối trong tay bộ máy đàn áp khổng lồ G.P.U. -N.K.V.D.), hoặc gục ngã trong lao tù của ”nhà độc tài đỏ”.
Ngành mật vụ của Xtalin đã phạm sai lầm gây tai hại lớn cho họ khi cho phép Trốtxki rời Liên Xô được mang theo toàn bộ những thư từ, giấy tờ cá nhân của ông. Được lưu trữ trong các kho văn khố và thư khố ở Bốtxtôn [Boston], Xtenpho [Stanford] và Amxtécđam [Amsterdam], những tư liệu đó vô cùng quý báu và không thể thiếu được cho các sử gia cũng như những người muốn tìm hiểu về phong trào công nhân và cách mạng Âu châu đầu thế kỷ XX nói chung, cũng như cách mạng Nga và Trốtxki nói riêng. Những văn kiện ấy đã giúp Trốtxki một phần không nhỏ trong quá trình viết hồi ký.
Trong di cảo để lại của Trốtxki, chúng ta đuợc biết ông đã có ý định viết những hồi tưởng về cuộc đời mình ngay trong thời kỳ bị đày ải và lưu trú tại Anma-Ata [Alma-Ata] (đầu tháng 2-1928). Mùa xuân năm 1989, kho thư khố Amxtécđam công bố một bài viết bằng tiếng Nga dài bảy trang của Trốtxki, có dáng dấp một bản tiểu sử tự thuật. Dường như đó chính là dàn ý đầu tiên cho cuốn hồi ký đồ sộ sau này.
Trốtxki khởi sự công việc vào giữa hè năm 1928 theo lời khuyên của Prêôbơragienxki [Préobrajensky]. Cuốn hồi ký cũng được Racốpxki [Rakovsky] tán đồng, trong một lá thư gửi Trốtxki được lưu trữ trong kho tư liệu ở Bốtxtôn, ông coi nó rất có ý nghĩa về mặt nguyên tắc. Trong vòng gần một năm tại Anma-Ata, Trốtxki đã hoàn thành chừng một phần ba Đời tôi: ông hoàn tất những chương về thời niên thiếu và thanh niên, về hai lần đi đày ở Xibêri [Sibérie]. Xét về mặt văn học, có thể nói rằng đây là phần tươi tắn nhất, nhuần nhuyễn nhất và chứa nhiều dấu ấn cá nhân nhất trong cuốn hồi ký.
Ngày 18-1-1929, theo quyết định của Ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, cơ quan mật vụ G.P.U. buộc Trốtxki lập tức phải rời khỏi quê hương bởi ”những hoạt động chống chính quyền Xô-viết” (!) của ông. Sau khi bị ”các nền dân chủ Tây Âu” khước từ, Trốtxki đến Cônxtatinốp [Constantinople] (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 12-2-1929, rồi định cư ở đảo Prinkipô [Prinkipo].
Với sự trợ giúp của vợ (Natalia Xêđôva [Natalia Sédova]) và con trai (Lép Xêđốp), Trốtxki bắt tay ngay vào việc bổ sung những phần đã khởi thảo và viết tiếp những chương mới của Đời tôi. Ông dự định sẽ cho ra đời cuốn sách đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày sinh của mình, ngày 7-11-1929. Để thực hiện dự kiến gấp gáp ấy, Trốtxki có một phương thức làm việc độc đáo và khá… ”khoa học”: như lời thuật lại của một sử gia, cạnh ngòi bút, ông còn làm việc với… hồ dán và kéo! Chẳng hạn, câu chuyện về cuộc vượt ngục từ Xibêri lần thứ hai, vốn viết từ năm 1907 (trong cuốn sách 1905, rất được ưa chuộng trong thời kỳ lưu vong), nay được chép lại hầu như y nguyên trong hồi ký (trừ một số chi tiết nhỏ mà ông cố tình viết khác đi trong lần xuất bản trước để đánh lạc hướng cảnh sát Nga hoàng). Tương tự như vậy, những tình tiết về vụ trục xuất khỏi Tây Ban Nha năm 1916 – tạp chí Đất hoang đỏ đăng tải đầu thập niên 20 và sau đó, được xuất bản dưới dạng sách có minh họa – cũng được ông đưa toàn vẹn, không chút sửa đổi vào Đời tôi. Một số trang cuối của cuốn sách cũng từng được ra mắt trên tờ Thông tin Đối lập số tháng 7-1929. Cạnh đó, già nửa số trang viết về Lênin trong cuốn hồi ký là một phần tác phẩm mang tên Lênin của ông, do Nhà xuất bản Quốc gia Mạc Tư Khoa ấn hành năm 1924.
Trong số những phần cuối của Đời tôi, có khá nhiều đoạn do vợ và con trai Trốtxki viết. Khi còn ở Anma-Ata, ông đã đề nghị Lép và Natalia ghi chép lại đầy đủ mọi chi tiết cần thiết. Trong hồi ký, những đoạn này được Trốtxki đưa vào ngoặc kép và nêu rõ xuất xứ; tất nhiên, chúng đã được chỉnh lý kỹ càng trong thời gian gia đình Trốtxki cư ngụ trên đảo Prinkipô. Phải nhấn mạnh sự trợ giúp đáng kể của Xêđốp trong những trang viết của Trốtxki: theo chính lời ông,
”sự cộng tác của anh [Xêđốp] thật vô giá” và ”thực ra, trong hầu hết những sách vở tôi viết sau năm 1928, cạnh tên tôi cần đề thêm tên Xêđốp nữa”.
Như đã nói ở trên, Trốtxki tự đặt cho mình một thời hạn rất gấp rút để hoàn tất cuốn hồi ký. Ông ký khá nhiều hợp đồng với các tòa báo lớn ở châu Âu cho việc đăng tải Đời tôi. Do thời gian bó buộc, thoạt tiên Trốtxki không định viết kỹ lưỡng về thời kỳ sau cách mạng tháng Mười (1917); ta có thể nhận biết điều này qua mục lục và dàn ý đầu tiên còn lưu lại trong bản thảo Đời tôi. Nhưng do việc ấn loát tại Đức bị chậm trễ, đến cuối năm 1929, chỉ mới có Quyển một của cuốn sách được ra đời. Càng ngày, bản thảo càng được bổ sung bằng những dữ liệu, sự kiện mới nhất: Trốtxki viết thêm nhiều chương mới phản ánh cuộc đấu tranh chống lại Xtalin của ông và các cộng sự. Cứ như thế, Quyển hai đồ sộ hơn nhiều so với dự kiến và người đọc có cảm tưởng dù ở xa, Trốtxki vẫn theo sát và cập nhật tình hình chính trị của đất nước Xô- viết đương thời.
Bản tiếng Nga của Đời tôi do Nhà xuất bản Granit (Berlin) ấn hành lần đầu năm 1930. Trong vòng vài năm ngắn ngủi, cuốn sách được dịch ra 20 thứ tiếng, trong đó có tiếng Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hà Lan, Trung Hoa, Nhật Bản và Do Thái. Những người hâm mộ Trốtxki còn dịch vài chương của cuốn sách ra Quốc tế ngữ và in thành những tập nhỏ để giáo dục con cái. Chiến dịch tuyên truyền cho Đời tôi trên báo chí cũng đạt được mục đích: vài nhà xuất bản năng động không chờ nguyên bản tiếng Nga mà dịch gấp cuốn sách từ những bản gián tiếp như Anh ngữ hay Đức ngữ. Đặc biệt, Đời tôi rất được phổ biến ở Đức: cuốn sách có mặt trong hầu hết các quầy sách ở nước này do sự vận động và giới thiệu của Phơranxơ Phemphe [Franz Pfemfert], chủ nhiệm tạp chí Die Aktion, một môn đệ của chủ nghĩa trốt-kít.
Tuy nhiên, cuốn sách cũng làm nhiều kẻ điên đầu. Báo chí cực hữu – cũng như báo chí ”cộng sản” Tây Âu – tìm mọi cách bôi nhọ Trốtxki và thuyết phục độc giả tẩy chay cuốn hồi ký. Ở Liên Xô, người ta nói và bàn tán nhiều về Đời tôi, nhưng đọc và truyền bá cuốn sách bị coi như trọng tội. Cũng ít ai được thấy tận mắt cuốn sách của ông. Nhưng trong số sách vở ấn hành ở Tây Âu của Trốtxki, đây là tác phẩm duy nhất lọt về Nga: vào thập kỷ 30, một số ít văn nghệ sĩ và lãnh đạo đảng, nhà nước Xô-viết còn được ra nước ngoài, chính họ giấu giếm và mang lậu cuốn hồi ký về nước.
*
Đời tôi được chia làm hai phần với số trang gần tương đương.
Quyển một (Chương I – Chương XXIII) bao gồm những sự kiện trong vòng 38 năm, từ ngày cậu bé Brônsten [Bronstein] cất tiếng khóc chào đời (ngày 8-11-1879) tại một làng nhỏ thuộc chính phủ Khécxôn [Kherson] (Ucơraina [Ukraine]) đến khi Trốtxki trở về Nga sau những năm dài lưu vong, trên cương vị một nhà cách mạng ưu tú, được ưa chuộng nhất thời ấy.
Quyển một chứa nhiều trang rất sinh động và hấp dẫn, đó là phần thành công nhất của tác phẩm, xét về mặt văn chương. Chúng ta đọc Trốtxki thoải mái nhất khi ông đi thẳng vào những vấn đề cụ thể: trong những đoạn ấy, có thể thưởng thức trực tiếp phong cách hóm hỉnh, ý nhị và và trong sáng của tác giả. Trong một số đoạn tả cảnh, tả tình hay độc thoại, đối thoại, ta có cảm giác như đang đọc một tác phẩm văn học thực thụ chứ không phải một hồi ký thuần túy. Các trang sách về thời thơ ấu, thuở đến trường, về những năm tháng đầu trên con đường cách mạng của Trốtxki là những đoạn như vậy.
Quyển hai (Chương XXIV – Chương XLV) bắt đầu với những ngày sôi động của cách mạng tháng Mười 1917 và kết thúc bằng cảnh nhà cách mạng – ở tuổi ngũ tuần – bị lưu đày và lang bạt trên những xứ sở xa lạ, với niềm tin mãnh liệt pha chút cay đắng về lý tưởng của mình.
Trong phần này, người đọc có dịp tìm hiểu kỹ những sự kiện phức tạp diễn ra trên chính trường Nga-Liên Xô. Thoạt đầu là cuộc cách mạng tháng Hai (năm 1917) khiến nước Nga đứng trước tình trạng ”nhị quyền”, đến thắng lợi của cách mạng tháng Mười, đưa chính quyền vào tay đảng bôn-se-vích, một chính đảng nhỏ nhưng biết lợi dụng thời cơ, có chiến thuật linh hoạt và kỷ luật nghiêm thích hợp với hoàn cảnh. Kế đó là những năm nội chiến đẫm máu, khi nhà nước Xô-viết non trẻ đứng trước cảnh ”thù trong, giặc ngoài”, đến thời kỳ hòa bình với những khó khăn chồng chất. Trốtxki dành nhiều trang nói về những tranh chấp quyền lực trong nội bộ thượng đỉnh đảng bôn-se-vích sau khi Lênin mất, kết cục dẫn đến thất bại của phe ”Tả đối lập” trước tập đoàn quan liêu xta-lin-nít, khiến người đứng đầu phe này bị đày ải và trục xuất khỏi Liên bang Xô-viết.
Quyển hai là một nguồn tư liệu khả tín về những gì xảy ra trong hậu trường đảng bôn-se-vích Liên Xô, vốn bị bè phái của Xtalin giấu bặt trong nhiều thập kỷ liền. Đọc phần này (và cuốn Cuộc cách mạng bị phản bội về sau), độc giả có thể hiểu thể chế độc tài quan liêu xta-lin-nít đã phản bội cuộc cách mạng tháng Mười như thế nào, và tại sao Liên bang Xô-viết không tiến triển như ý muốn của những người đã sáng lập ra nó.
Vài lời về hình thức nghệ thuật và nội dung cuốn hồi ký.
Đọc Đời tôi, ta có thể thấy sự khác biệt trong hình thức và chất lượng giữa các chương, các phần của cuốn sách.
Văn phong của tác giả thay đổi tùy theo từng đoạn, khi thì mang phong thái trong sáng của văn học cổ điển Nga, khi thì khô khan do sự pha trộn với văn phong đặc trưng cho các văn kiện mác-xít kinh điển với những ngôn từ của phong trào công nhân và xã hội đầu thế kỷ XX.
Trong Đời tôi, ta thấy tác giả hiểu biết chính xác diễn tiến của cách mạng Nga thời kỳ ”hậu chiến”, khi Lênin bị thất bại nặng nề trước Xtalin và bộ máy quan liêu của đảng. Nhưng qua cuốn sách, Trốtxki không hề đả động đến chuyện ông đã không đứng dứt khoát về phía Lênin – lúc ấy đang lâm trọng bệnh – như mọi lần, mỗi khi ông đồng tình với Lênin.
Qua các trang sách của Đời tôi, người đọc có thể ngạc nhiên về giọng văn khá ”cầm chừng”, xa lạ với phong cách ”nảy lửa” của Trốtxki, khi ông tố cáo những sai lầm và tội ác của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Liên Xô. Ông không nói về tình cảnh đất nước sau khi Lênin mất, về âm mưu, thủ đoạn và các hành vi của Xtalin, về những quyết định ”mật” của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô… Có giả thuyết cho rằng vào thời kỳ ấy, Trốtxki còn nghĩ đến việc trở về. Ông cho rằng những mâu thuẫn nội tại trong ban lãnh đạo đảng – nhất là sự đối đầu giữa Xtalin và Bukharin – sẽ dẫn đến khủng hoảng không lối thoát, và trong tình hình như vậy ông sẽ có điều kiện trở lại chính trường. Ngoài ra, Trốtxki còn cân nhắc kỹ lưỡng để ngòi bút của ông khỏi bị lợi dụng, chống lại những lợi ích của Liên Xô.
*
Bản dịch này được dựa chủ yếu vào bản Pháp ngữ, có tham khảo, đối chiếu, chỉnh lý và hiệu đính theo bản tiếng Hunggari. Để độc giả có điều kiện hiểu rõ và tường tận hơn về những nhân vật, sự kiện và khái niệm – nhiều khi phức tạp và xa lạ – của thủa xa xưa, chúng tôi mạnh dạn bổ sung Đời tôi bằng các chú giải không có trong nguyên tác.
Cho đến nay, đánh giá di sản chính trị và tinh thần, cũng như hệ tư tưởng và lý thuyết của Trốtxki vẫn là đối tượng quan tâm của nhiều người. Điều chắc chắn là tấn thảm kịch Trốtxki vẫn để lại nhiều thông điệp đáng lưu tâm cho thời đại chúng ta.
Khi người đọc cầm trên tay ấn bản Việt ngữ đầu tiên của cuốn sách thì Đời tôi đã sắp được bảy mươi năm tuổi.
Năm mươi bảy năm sau ngày bị thảm sát, tác giả cuốn sách này vẫn chưa hề được khôi phục chính thức ngay tại quê hương mình.
Một sự chậm trễ kép mang tính trớ trêu của lịch sử!
Nhưng, xét cho cùng, Trốtxki không cần ai phục hồi danh dự cho mình. Cuộc đời của ông, sự nghiệp của ông cùng những tác phẩm ông để lại cũng đủ chứng minh giá trị đích thực của ông, người đã từng cống hiến đời mình cho lý tưởng cộng sản và phấn đấu tới cùng chống lại những kẻ phản bội nó như Xtalin.
Tháng Chín năm 1997
Hoàng Nguyễn
QUYỂN THỨ NHẤT
TỰA
Thời đại chúng ta, một lần nữa, có quá nhiều những hồi ký, có lẽ nhiều hơn bao giờ hết. Bởi vì có biết bao nhiêu chuyện để kể. Thời đại càng nhiều kịch tính bao nhiêu thì lịch sử đương đại lại càng được quan tâm bấy nhiêu. Nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh đã không thể nảy sinh ở sa mạc Xahara [Sahara]. Các thời kỳ ”chồng chéo” như hiện nay tạo ra nhu cầu phải nhìn nhận ngày hôm qua, giờ đã trở nên xa xôi, dưới con mắt những kẻ đã tích cực tham gia vào đó. Điều này giải thích sự nở rộ của thể văn hồi ký kể từ cuộc chiến tranh sau chót. Và đây cũng có thể là lý do của cuốn sách này.
Cuốn sách được ra đời nhờ một lần tạm nghỉ trong sự nghiệp hoạt động chính trị sôi động của tác giả. Cônxtantinốp đã trở thành một chặng bất ngờ, tuy không ngẫu nhiên của đời tôi. Tôi dựng một lều trại tạm thời ở đây, không phải là lần đầu, và kiên nhẫn đợi chờ những gì sẽ xảy ra. Hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi cuộc đời một nhà cách mạng nếu thiếu một chút vẻ ”định mệnh” nào đó. Dù sao đi nữa, khúc chuyển hồi ở Cônxtantinốp là khoảng khắc thuận lợi nhất để nhìn lại phía sau, chừng nào các tình huống còn chưa cho phép tôi tiếp bước.
Thoạt đầu, tôi đã viết những phác thảo tự thuật ngắn cho báo chí và tôi cho rằng thế cũng đủ. Phải ghi nhận ngay là từ chốn lưu đầy này, tôi không theo dõi được tác động của những bài viết ấy đến độc giả. Nhưng mọi công việc đều có cái luận lý riêng của nó. Tôi chỉ cảm thấy điều này khi sắp hoàn thành các bài viết. Khi ấy, tôi quyết định sẽ viết một cuốn sách. Tôi chọn một cung bậc khác, rộng hơn rất nhiều và làm lại từ đầu. Điểm chung duy nhất giữa những bài báo và cuốn sách này là chúng cùng chung một đề tài. Trên mọi phương diện khác, đó là hai tác phẩm riêng biệt.
Tôi đặc biệt giành nhiều thời gian để nói kỹ lưỡng về giai đoạn hai của cách mạng Xô-viết, mở đầu bằng việc Lênin ốm và một chiến dịch chống ”chủ nghĩa trốt-kít” được công bố. Như bạn đọc sẽ thấy, cuộc đấu tranh giành quyền lực của những kẻ kế nghiệp bất tài không thể coi là đụng độ cá nhân. Nó mở ra một chương mới trong chính trị: đó là sự phản bội cuộc cách mạng tháng Mười và chuẩn bị cho một Técmiđo [Thermidor]. Từ đó, nghiễm nhiên suy ra lời giải đáp cho câu hỏi mà người ta hay đặt cho tôi: ”Ông đã để mất quyền lực như thế nào?”.
Tự truyện chính trị của một nhà cách mạng nhất thiết phải đụng chạm đến nhiều vấn đề lý luận có liên quan một phần đến sự phát triển xã hội của nước Nga và một phần đến toàn thể nhân loại, nhất là về những giai đoạn gay go được gọi là cách mạng. Lẽ cố nhiên, trong khuôn khổ cuốn sách này, tôi không thể xem xét đến cùng những vấn đề lý thuyết phức tạp ấy. Ví dụ như lý thuyết về cách mạng thường trực – một học thuyết đã đóng vai trò lớn lao trong đời tôi, và điều quan trọng hơn, hiện đang có tính thời sự sâu sắc tại các nước phương Đông -, đã xuyên suốt cuốn sách như một nét nhạc chủ đạo vang vọng từ xa. Nếu độc giả nào chưa hài lòng về điều này, tôi có thể nói rằng tôi sẽ phân tích các vấn đề của cách mạng trong một cuốn sách riêng biệt, ở đó tôi sẽ thử tổng kết mọi kinh nghiệm quan trọng nhất mang tính lý thuyết của những thập niên cuối này.
Vì trong những trang sách của tôi sẽ xuất hiện vô số chính khách và không phải bao giờ họ cũng được mô tả dưới thứ ánh sáng họ mong muốn, cho bản thân hoặc cho đảng của họ, hẳn trong số đó thế nào cũng có nhiều người cho rằng câu chuyện của tôi thiếu tính khách quan cần thiết. Ngay việc tôi công bố một số đoạn của cuốn sách này trên báo chí cũng đã gây nên nhiều ý kiến phản đối. Đây là điều không tránh khỏi. Chắc chắn, nếu hồi ký này chỉ đơn thuần là một phiên bản của đời tôi – điều mà tôi không hề muốn – thì nó cũng đã đủ để gây nên những bất đồng quan điểm bắt nguồn từ các cuộc xung đột được nhắc đến ở đây. Nhưng tập sách này không phải là bản sao tấm hình vô tri, mà là bộ phận cấu thành của đời tôi. Qua những trang sách, tôi tiếp tục cuộc chiến đấu mà tôi đã hiến dâng cả đời mình. Khi trình bày, tôi vừa phân tích và đánh giá; khi kể, tôi tự vệ và trong nhiều trường hợp tôi còn tấn công. Tôi cho rằng đó là cách duy nhất để một bản tự truyện có tính khách quan dưới một ý nghĩa cao hơn, tức là làm cho nó biểu đạt con người, hoàn cảnh và thời đại một cách thích đáng nhất.
Trong trường hợp này, tính khách quan không phải là sự lãnh đạm giả tạo, sự giả dối trước bè bạn và kẻ thù, gián tiếp gợi ý bóng gió cho độc giả những điều mà người viết cảm thấy bất tiện khi phải nói thẳng tuột ra. Kiểu khách quan ấy không khác gì thứ cạm bẫy của giới thượng lưu. Tôi không cần đến nó. Khi tôi buộc phải nói về mình – cũng chưa từng thấy ai viết tự truyện mà lại không nói về mình -, thì không có lý do nào để tôi phải che giấu những cảm tình hay ác cảm, tình yêu hay lòng căm thù của tôi.
Đây là một cuốn sách luận chiến, phản ánh tính năng động của một đời sống xã hội được thiết lập trên nền tảng những mâu thuẫn. Học trò láo xược với thày giáo; những lời chua chát đầy ganh tị được che đậy bằng bề ngoài thân thiện trong phòng khách; sự cạnh tranh không ngừng trên chốn thương trường; cuộc chạy đua điên cuồng trong mọi lĩnh vực kỹ thuật, khoa học, nghệ thuật, thể thao; các mâu thuẫn quyền lợi sâu sắc lúc lên lúc xuống ở chốn nghị trường; cuộc chiến dữ dội hàng ngày của báo chí; những cuộc đình công của thợ thuyền; súng nổ vào những người biểu tình; bọc chứa đầy thuốc nổ mà các nước láng giềng văn minh gửi cho nhau bằng đường hàng không; những ngọn lửa nội chiến hầu như không bao giờ tắt trên hành tinh của chúng ta – tất cả đều là những dạng khác nhau của cuộc ”luận chiến” xã hội, từ tính chất thường nhật, tự nhiên, bình dị, hầu như không nhận ra nổi mặc dầu tính căng thẳng của nó, cho đến thứ luận chiến được đẩy tới những thái cực bùng nổ như núi lửa và các cuộc chiến tranh, cách mạng. Thời đại chúng ta đang sống như thế đó. Chúng ta sinh ra, hít thở và trưởng thành cùng với nó. Làm sao có thể không luận chiến, nếu muốn trung thành với ”tổ quốc trong thời gian” của mỗi chúng ta?
Nhưng có một tiêu chuẩn khác sơ đẳng hơn: sự thành thật, đơn giản khi trình bày các sự việc. Tựa như cuộc đấu tranh cách mạng triệt để nhất cũng không thể bỏ qua những tình huống thời gian và hoàn cảnh, tác phẩm mang tính luận chiến nhất cũng cần giữ những tỷ lệ nhất định giữa người và việc. Tôi muốn hi vọng rằng tôi đã chú trọng đến đòi hỏi đó, trong toàn thể và trong cả những chi tiết.
Ở vài trường hợp nhất định, thật ra không nhiều, tôi thuật lại những cuộc nói chuyện dưới hình thức đối thoại. Sau từng ấy năm, không ai có thể đòi hỏi người viết kể lại những cuộc đàm thoại đúng từng câu, từng chữ. Tôi cũng không có ý định ấy. Một vài cuộc đối thoại chỉ mang tính tượng trưng. Nhưng trong đời mỗi người, có những lúc, những khoảng khắc mà một vài cuộc trò chuyện này khác đặc biệt khắc sâu trong trí nhớ của họ. Thông thường, người ta không chỉ kể lại một đôi lần những cuộc nói chuyện như thế với người thân hay bạn hữu chính trị, thành thử chúng đọng lại trong tâm tưởng. Cố nhiên, ở đây trước hết tôi nghĩ đến các cuộc nói chuyện chính trị.
Tôi muốn lưu ý bạn đọc rằng tôi thường tin tưởng vào trí nhớ của mình. Những lời trần thuật của tôi đã nhiều lần trải qua các kiểm nghiệm khách quan và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, ở điểm này tôi thấy cũng cần giải thích đôi chút. Nếu trí nhớ của tôi về địa thế – chưa kể đến trí nhớ về âm nhạc – là khá kém, còn trí nhớ thị giác cũng như ngôn ngữ học là khá bình thường thì trí nhớ của tôi về tư tưởng lại vượt xa mức trung bình. Vả lại, trong cuốn sách này, các tư tưởng cùng sự phát triển của chúng và cuộc đấu tranh của con người cho các tư tưởng đó nói chung lại chiếm phần chủ yếu.
Quả thật, trí nhớ không phải là một cái máy đếm tự động. Nó cũng hoàn toàn không vô tư. Nhiều khi, nó làm nổi bật lên, hoặc nhận chìm vào ngõ tối những tình tiết bất lợi cho bản năng sinh tồn của nó, lắm lúc nó làm thế chỉ vì tự ái. Nhưng chuyện này lại thuộc về lĩnh vực ”phân tâm học”, một môn nhiều khi thâm thúy và bổ ích nhưng lắm lúc cũng thất thường và độc đoán.
Thiết nghĩ khỏi phải nói rằng tôi đã không ngừng kiểm tra hồi ức của mình bằng các tư liệu. Cho dù các điều kiện làm việc của tôi có khó khăn đến mấy – đây là nói về sự tìm tòi trong các thư viện và kho lưu trữ -, tôi vẫn có khả năng kiểm nghiệm lại những hoàn cảnh và những thời điểm trọng yếu nhất khi cần đến.
Kể từ năm 1897, tôi chiến đấu chủ yếu bằng ngòi bút. Thành thử, lịch sử đời tôi đã đọng lại trên những trang in hầu như liên tục trong suốt ba mươi hai năm. Cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng trong đảng từ năm 1905 rất phong phú về mặt tình tiết cá nhân. Không ai nương nhẹ những ngón đòn, kể cả tôi lẫn các đối thủ. Tất cả mọi điều này đã để lại dấu ấn trên báo chí. Từ ngày cách mạng tháng Mười diễn ra, lịch sử phong trào cách mạng chiếm vị trí đáng kể trong những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Xô-viết trẻ tuổi và các học viện lớn. Người ta tìm tòi tất cả những gì đáng chú ý trong các kho lưu trữ cách mạng, trong các ban ngành của cảnh sát Nga hoàng, rồi công bố chúng cùng với các chứng cớ hiển nhiên và chi tiết. Trong những năm đầu tiên, khi chưa cần phải che giấu hoặc ngụy trang gì, công việc ấy đã được hoàn tất một cách hết sức tận tâm. Các tác phẩm của Lênin và một phần các tác phẩm của tôi được Nhà xuất bản Quốc gia ấn hành, mỗi tập lại kèm theo những chú giải đầy đủ và cần thiết về sự nghiệp của tác giả, cũng như về mọi sự kiện thuộc giai đoạn tương ứng. Dĩ nhiên, việc này giúp tôi thiết lập dễ dàng một mạng lưới thời gian chính xác và tránh được những sai lầm trong sự việc, ít ra là những sai lầm thô thiển nhất.
Không thể phủ nhận rằng cuộc đời tôi đã không hoàn toàn theo dòng chảy thường lệ. Nhưng, phải tìm những nguyên nhân của điều đó trong các hoàn cảnh thời đại chứ không phải trong bản thân tôi. Cố nhiên, cũng có một số nét cá nhân trong những công việc tốt hay xấu mà tôi đã thực hiện. Có điều, trong những điều kiện lịch sử khác, những đặc tính cá nhân ấy có thể chìm đắm trong giấc ngủ ngon lành, cũng như vô số những thiên hướng và đam mê của con người, vốn không được môi trường xã hội đòi hỏi. Ngược lại, những yếu tố khác, hiện đương bị gạt bỏ hay đè nén, lại có thể được biểu hiện. Cái khách quan vượt lên cái chủ quan và cuối cùng nó trở thành nhân tố quyết định.
Sự nghiệp tích cực và có ý thức của tôi – bắt đầu từ năm tôi mười bảy, mười tám tuổi – nằm trong cuộc chiến đấu thường xuyên cho những tư tưởng nhất định. Trong đời tư của tôi, không có những sự kiện mà bản thân chúng đáng được công luận lưu ý. Mọi việc ít nhiều đáng chú ý trong quá khứ của tôi đều gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng và nhờ đó chúng trở nên có ý nghĩa. Đó là điều duy nhất chứng tỏ lý do tại sao tôi công bố cuốn hồi ký của mình.
Nhưng nguồn gốc một số khó khăn nhất định cho tác giả cũng xuất phát từ đây. Những sự việc thuộc đời tư của tôi hòa quyện với những sự kiện lịch sử đến nỗi khó tách rời chúng khỏi nhau. Tuy nhiên, cuốn sách này không phải là một luận văn về đề tài lịch sử. Tôi lựa chọn các sự kiện không theo ý nghĩa khách quan của chúng, mà theo một chuẩn mực: chúng liên quan đến mức nào tới những vụ việc thuộc đời tư tôi. Thành thử, không có gì lạ nếu trong khi phân tích một số sự kiện và cả những giai đoạn, tôi đã không tuân thủ tỉ lệ phải có đối với một công trình nghiên cứu lịch sử. Tôi đành phải lần mò, dùng kinh nghiệm để tìm ra ranh giới giữa một cuốn tự truyện và một tác phẩm lịch sử viết về cách mạng. Không để lẫn lộn việc miêu tả đời người vào một cuốn sách nghiên cứu lịch sử, nhưng tôi lại phải giúp người đọc nắm bắt được quá trình phát triển xã hội. Xuất phát từ giả thiết độc giả đã biết các nét cơ bản của những sự kiện lớn, tôi chỉ cần giúp họ bổ sung trí nhớ bằng cách nhắc lại ngắn gọn sự kiện lịch sử theo thứ tự của chúng.
Khi cuốn sách này ra đời, tôi sẽ tròn năm mươi tuổi. Ngày sinh của tôi trùng lặp với ngày cách mạng tháng Mười. Các nhà thần bí học và các đồ đệ của Pitago [Pythagore] muốn rút ra từ đó những kết luận gì, tùy họ. Bản thân tôi chỉ nhận ra sự trùng hợp kỳ lạ này ba năm sau cách mạng tháng Mười. Cho đến năm lên chín, tôi sống tại một vùng quê hẻo lánh xa xôi và không bước chân khỏi đó bao giờ. Trong tám năm tiếp tới, tôi theo học trung học. Một năm sau khi ra trường, tôi bị bắt lần đầu. Như rất nhiều người cùng thời với tôi, trường đại học của tôi là nhà tù, là lưu đày và biệt xứ. Tôi bị giam hai lần trong các nhà tù của Nga hoàng, tổng cộng bốn năm. Tôi bị đi đày lần thứ nhất gần hai năm và lần thứ hai vài tuần. Hai lần tôi trốn khỏi Xibêri. Tôi sống lưu vong hai lần, cả thảy mười hai năm tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ – hai năm trước cách mạng năm 1905 và gần mười năm sau khi cuộc cách mạng này bị đè bẹp. Trong chiến tranh, năm 1915 tôi bị xử tù vắng mặt tại nước Đức của triều đại Hôhendôlécnơ [Hohenzollern]. Năm sau, tôi bị trục xuất từ Pháp qua Tây Ban Nha, ở đấy sau khi bị giam ít ngày tại nhà tù Mađrit [Madrid] và qua một tháng quản thúc của cảnh sát Cađích [Cadix], tôi bị tống sang Mỹ. Tôi được tin về cuộc cách mạng tháng Hai ở đó. Tháng Ba 1917, trên đường từ Niu Oóc [New York] trở về nước, tôi bị người Anh bắt và giam một tháng trong trại tập trung ở Canađa. Tôi đã tham gia các cuộc cách mạng 1905 và 1917 và từng là chủ tịch Xô-viết Pêtécbua [Pétersbourg] năm 1905, rồi 1917. Tôi trực tiếp tham gia cách mạng tháng Mười và là thành viên của chính phủ Liên Xô. Với tư cách dân ủy Ngoại giao, tôi đã dẫn đầu các cuộc thương thuyết hòa bình ở Bờrét-Litốpxcơ [Brest-Litovsk] với các phái đoàn Đức, Áo-Hung, Thổ Nhĩ Kỳ và Bungari [Bulgarie]. Trên cương vị dân ủy Quốc phòng và Hải quân, trong vòng năm năm, tôi đã tổ chức Hồng quân và phục hồi Hạm đội đỏ. Trong năm 1920, ngoài những công việc trên, tôi còn chỉ đạo hệ thống đường sắt, hồi ấy đang ở trong tình trạng khốn đốn.
Nhưng, không kể những năm nội chiến, phần chủ yếu của đời tôi là công tác đảng và viết văn.
Năm 1923, Nhà xuất bản Quốc gia tiến hành in toàn tập những tác phẩm của tôi. Họ đã ấn hành được mười ba tập, ngoài năm tập sách về quân sự được in trước đó. Việc xuất bản bị ngừng lại vào năm 1927, khi những cuộc khủng bố chống ”chủ nghĩa trốt-kít” đặc biệt trở nên kịch liệt.
Tháng Giêng 1928, tôi bị đi đày bởi chính phủ Xô-viết hiện tại. Tôi trải qua một năm ở biên giới Trung Quốc, rồi tháng 2-1929 tôi bị trục xuất đi Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi viết những dòng này ở Cônxtantinốp.
Dù có được trình bày một cách phác thảo như trên, cuộc đời tôi cũng không đơn điệu. Trái lại, nếu chỉ dựa vào số lượng những bước ngoặt, những tình huống bất ngờ, những xung đột gay go, những bước thăng trầm, có thể nói cuộc đời ấy có quá nhiều chuyện ”ly kỳ”. Tuy nhiên, xin được nói rằng không bao giờ tôi tự tìm kiếm những chuyện ly kỳ ấy. Trong những thói quen của mình, tôi là người mô phạm và bảo thủ thì đúng hơn. Tôi thích và biết đánh giá tính kỷ luật và hệ thống. Và hoàn toàn không phải là nghịch lý khi nói rằng tôi không dung thứ được sự lộn xộn và phá hoại. Đó là sự thực. Tôi luôn là một học sinh rất chăm chỉ và cẩn thận, hai đức tính ấy được tôi giữ gìn trong suốt cuộc đời sau này. Trong những năm nội chiến, khi vượt qua những chặng đường dài gấp nhiều lần đường xích đạo trên xe hỏa, tôi vui mừng mỗi khi trông thấy một hàng rào mới được gọt đẽo từ những tấm gỗ bách tươi. Biết tôi có sở thích đó, Lênin đã thân mật chế giễu tôi vài lần. Một cuốn sách hay làm tôi có thể tìm thấy những tư tưởng mới, một cây bút tốt giúp tôi truyền bá các suy nghĩ riêng tư đến người khác – đối với tôi đã và đang là những kết quả đáng quý và gần gũi nhất của nền văn hóa. Tôi chưa bao giờ hết ham muốn học hỏi và nhiều lần trong đời, tôi có cảm tưởng cách mạng đã cản trở tôi làm việc có phương pháp. Vậy mà tôi vẫn dành gần một phần ba thế kỷ trong cuộc đời có ý thức của mình cho cuộc đấu tranh cách mạng và nếu cần phải làm lại, tôi sẽ đi lại con đường ấy mà không ngần ngại.
Tôi viết những dòng này trong cảnh lưu đày lần thứ ba trong đời, giữa lúc các bạn bè thân thiết nhất bị đày ải và tù tội trong nước Cộng hòa Xô-viết mà họ đã góp phần quyết định để xây dựng nên. Một vài người trong số họ đã do dự lùi bước, đã đầu hàng địch thủ. Người thì vì cạn kiệt trữ lượng tinh thần; kẻ bởi không tìm thấy lối thoát trong cái thiên la địa võng của hoàn cảnh; số còn lại bởi sự o ép về vật chất. Đã hai lần tôi thấy quần chúng rời bỏ ngọn cờ chiến đấu: sau thất bại của cách mạng năm 1905 và khi Thế chiến nổ ra. Từ một khoảng cách khá gần, bằng kinh nghiệm bản thân, tôi biết các cao trào và thoái trào của lịch sử, tôi biết chúng bị những quy luật tự thân chi phối, không thể nhanh chóng biến cải chúng chỉ bằng sự nóng vội. Tôi đã quen tìm kiếm triển vọng của lịch sử không thông qua góc độ số phận cá nhân mình. Bổn phận hàng đầu của người cách mạng là nhận biết tính hợp lý của những sự kiện và tìm thấy chỗ đứng cho bản thân trong đó. Và đây cũng là niềm thỏa mãn cá nhân cao nhất với một kẻ tự cảm thấy còn bổn phận với ngày hôm nay.
Lép Trốtxki
Prinkipô ngày 14 tháng Chín 1929
CHƯƠNG I
IANỐPCA
Người ta nói tuổi thơ là thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời. Có phải lúc nào cũng vậy không? Không, chỉ ít người có tuổi thơ hạnh phúc. Sự lý tưởng hóa tuổi thơ bắt nguồn từ nền văn học cũ của những kẻ có đặc quyền, đặc lợi. Một tuổi thơ được đảm bảo, đầy đủ, được cung phụng và đùa chơi thỏa thích, không gợn một bóng mây, trong những gia đình thế tập giàu có và học thức – đọng lại trong ký ức như một bãi cỏ nhỏ bên bìa rừng thưa ngập ánh nắng ở bước đầu của đường đời. Các lãnh chúa lớn trong văn chương hoặc những ca sĩ bình dân của họ đã tụng ca cái ý tưởng về tuổi thơ thấm nhuần màu sắc quý tộc ấy. Trái lại, nếu có lúc nhìn lại phía sau, đại đa số chỉ thấy một tuổi thơ tăm tối, bần cùng, vất vưởng. Cuộc sống đánh vào kẻ yếu và còn ai yếu hơn lũ con trẻ?
Vào thuở đầu đời, tôi không bị đói và rét. Khi tôi ra đời, cha mẹ tôi đã khá giả. Nhưng đây là thứ no đủ ngặt nghèo của những con người vừa đi lên từ cảnh túng bấn và không muốn dừng lại giữa chừng. Căng thẳng đến từng cơ bắp, mọi ý nghĩ đều hướng về công việc và tích lũy. Trong guồng sống ấy, phần dành cho trẻ con là quá ít. Chúng tôi không thiếu thốn, nhưng cũng không được biết đến sự hào phóng và chiều chuộng của cuộc sống. Tuổi thơ không sống trong tôi như một cánh rừng thưa tràn ánh nắng như trong tâm trí một số ít ỏi; cũng không phải là hang sâu ảm đạm của đói khát, bạo lực và nhục mạ như tình cảnh thời niên thiếu của nhiều người, của đa số. Đó là những năm tháng thơ ấu xám xịt trong một gia đình tiểu tư sản tại vùng nông thôn hẻo lánh, nơi thiên nhiên thì khoáng đạt nhưng phong tục đạo đức, cách nhìn và nỗi quan tâm thì quá sầu thảm và hạn hẹp.
Bầu không khí tinh thần bao trùm lên những năm đầu của đời tôi và bầu không khí sau này, khi tôi đã sống một cách có ý thức, là hai thế giới riêng biệt, chẳng những cách nhau bởi vài thập niên và nhiều biên giới quốc gia mà còn bởi những cạnh sắc hiểm trở của các sự kiện lớn và những sụt lở nội tại, khó thấy hơn, nhưng không phải không đáng kể đối với một cá nhân. Lần đầu tiên khi phác họa những kỷ niệm này, nhiều lúc tôi cảm thấy dường như không phải tôi miêu tả thời thơ ấu của bản thân, mà chính là miêu tả về một chuyến du hành thời xưa cũ tại một xứ sở xa xăm. Tôi cũng đã thử nói về mình ở ngôi thứ ba. Nhưng cái hình thức giả tưởng ấy dễ rơi vào thứ văn chương thuần túy và đó là điều tôi muốn tránh trước nhất.
Mặc dầu có mâu thuẫn giữa hai thế giới kể trên, cá tính thống nhất chuyển từ thế giới này sang thế giới kia qua những đường mòn bí mật. Điều đó cắt nghĩa tại sao, nói chung, người ta chú ý đến tiểu sử và tự truyện của những người đã có một vị trí lớn trong đời sống xã hội, vì lý do này khác. Bởi thế, tôi sẽ cố kể lại chi tiết hơn về thời thơ ấu và những năm tháng đi học của tôi, không tìm cách báo trước hoặc suy đoán, nghĩa là không bắt các sự việc phải tuân theo những tổng quát hóa mang tính tiên nghiệm. Một cách đơn giản, tôi thuật lại như sự việc đã xảy ra và như ký ức còn lưu lại về quá khứ.
Đôi khi, hình như tôi còn nhớ được cả những lúc tôi ôm chầm lấy bầu vú mẹ. Nhưng chắc hẳn là tôi đã vơ về mình những điều tôi nhìn thấy ở các đứa trẻ khác. Tôi có những kỷ niệm mơ hồ về một cảnh đã diễn ra dưới một cành táo tây trong vườn khi tôi mới được một tuổi rưỡi. Nhưng ký ức ấy cũng chẳng đáng tin là bao. Sự việc sau cũng khắc sâu trong trí nhớ tôi: tôi ở Bôbrinhét [Bobrinetz] với mẹ tôi, trong gia đình X., ở đấy có một con bé lên hai hoặc ba tuổi. Người ta gọi tôi là ”chú rể” và con bé là ”cô dâu”. Hai đứa chơi đùa trên chiếc sàn được quét sơn trong phòng khách. Rồi con bé biến đâu mất để thằng bé trơ lại một mình, bần thần tựa vào chiếc tủ con nhiều ngăn như người trong cơn mơ. Mẹ tôi trở lại với bà chủ nhà. Người mẹ nhìn thằng bé và thấy gần nó có một bãi nước nhỏ. Rồi bà lại nhìn đứa con, lắc đầu vẻ trách móc và bảo nó:
– Con không thấy xấu hổ à?…
Thằng bé nhìn mẹ rồi nhìn lại mình, sau đó liếc vũng nước như một cái gì không liên quan đến nó.
– Không sao, không sao cả – bà chủ nhà nói -, trẻ con mải chơi là chúng quên hết ấy mà.
Chú bé chẳng cảm thấy xấu hổ hay hối hận gì. Chú độ mấy tuổi vào thời ấy nhỉ? Có thể hai, cũng
có thể ba tuổi.
Cũng trong thời gian ấy, một lần đi dạo với chị bảo mẫu trong vườn, chúng tôi gặp phải một con
rắn lục.
– Này, Liôva [Liova], nhìn kia kìa – chị chỉ cho tôi một vật gì lấp lánh trong cỏ và nói. – Có một cái
hộp thuốc lá được vùi ở đây này.
Chị cầm một cái que và đào bới chiếc hộp. Chị ấy cũng chưa quá mười sáu tuổi. Cái hộp đựng
thuốc lá duỗi ra và biến thành một con rắn, trườn trên đám cỏ rồi kêu phì phì.
– -i chà, ối chà!
Chị bảo mẫu thét lên, kéo tay tôi và bỏ chạy. Vất vả lắm tôi mới theo kịp. Sau đó, chúng tôi kể đến
không kịp thở về chuyện xảy ra.
Tôi còn nhớ một cảnh diễn ra từ thời niên thiếu trong nhà bếp của ”ông bà chủ”. Cả cha lẫn mẹ tôi đều vắng nhà. Trong gian bếp, ngoài những người ở và các chị đầu bếp còn có khách khứa của họ. Alếchxanđơrơ [Alexandre], anh của tôi về nghỉ hè cũng quanh quẩn ở đây. Anh thượng cả hai chân lên một cái xẻng gỗ như người đi thăng bằng trên đôi cà kheo và cứ thế, anh nhảy liên hồi trên nền đất nện của nhà bếp. Tôi nài anh cho tôi chơi với, nhưng vừa trèo lên thì đã bị ngã và òa khóc. Anh đỡ tôi dậy và bế tôi khỏi bếp.
Chắc tôi phải lên bốn khi đưọc ai đó đặt lên lưng một con ngựa cái lớn, lông xám, hiền như một con cừu, không yên cương, chỉ sơ sài một đoạn dây thừng để làm ”phanh”. Choạng hai chân, hai tay tôi nắm lấy bờm ngựa. Con ngựa cái từ từ đưa tôi đến một cây lê và đi qua dưới một cành vươn ngang tầm bụng tôi. Chẳng hiểu sao tôi trượt khỏi hông ngựa và ngã sóng xoài xuống cỏ. Tôi không thấy đau nhưng nhớn nhác.
Thời thơ ấu, tôi hầu như không có những thứ đồ chơi phải đi mua. Chỉ một lần mẹ đem về cho tôi một con ngựa bằng giấy bồi và một một quả bóng từ Kháccốp [Kharkov]. Tôi chơi búp bê với em tôi bằng những đồ tự làm. Một lần, các em gái của cha tôi, cô Phênhia [Fénia] và cô Raixa [Raissa] làm cho chúng tôi mấy con búp bê bằng vải vụn rồi cô Phênhia nguệch ngoạc vẽ mắt, miệng và mũi cho chúng. Những con
búp bê ngày ấy đối với tôi thật khác thường, đến nay tôi còn nhớ chúng.
Một tối mùa đông, người thợ máy của chúng tôi, anh Ivan Vaxiliêvích [Ivan Vassiliévitch] cắt bìa và dán lại thành một toa tàu có cả cửa sổ và bánh xe cho tôi. Anh tôi về nghỉ lễ Giáng sinh, lập tức tuyên bố anh cũng có thể làm một toa tàu như thế trong nháy mắt. Rồi anh liền bóc cả toa tàu của tôi, lôi thước, bút chì và kéo ra, anh vẽ hồi lâu và sau khi cắt theo vạch kẻ thì thấy các mảnh của toa tàu không khớp với nhau. Nhiều lần, họ hàng hoặc người quen của chúng tôi lên thành phố, họ hỏi tôi muốn quà gì từ Êlidavétgơrát [Elisavetgrad] hoặc Nhicôlaiép [Nikolaiev]. Khi ấy mắt tôi sáng lên. Xin cái gì bây giờ? Thường người ta góp ý kiến ngay với tôi. Người thì đồ chơi con ngựa, người thì sách, người bút chì màu, người giày trượt tuyết. Và tôi trả lời: ”giày trượt tuyết nửa-Heliphécxơ [Halifax]” vì đã nghe anh tôi nói đến thứ đó. Nhưng những kẻ hứa hẹn quên bẵng lời hứa ngay từ khi bước chân khỏi cửa. Tôi thì nuôi hi vọng hàng tuần và sau đó còn đau khổ rất lâu vì thất vọng.
Một con ong đậu lên bông hướng dương trong khu vườn nhỏ có rào dậu. Tôi biết loài ong đốt nên thận trọng, thế là tôi bứt một chiếc lá ngưu bàng và dùng lá ấy để bắt con ong bằng hai ngón tay. Đột nhiên, tôi cảm thấy đau buốt không chịu nổi. Tôi rống lên và chạy đến nhà xưởng tìm Ivan Vaxiliêvích. Anh nặn nọc ong ra và lấy thuốc nước bôi vào ngón tay tôi.
Ivan Vaxiliêvích có một cái lọ, vốn để đựng quả ngâm trong đó anh chứa những con nhện sói trong dầu hướng dương. Người ta cho đó là thứ thuốc tốt nhất để chữa những vết cắn. Tôi cũng đi bắt nhện sói cùng Vichia Ghéctôpanốp [Vitia Gertopanov]. Muốn bắt được chúng, phải buộc một cục sáp vào một sợi chỉ vòng xuống hố nhện. Chú nhện bám cả tám chân vào sáp và bị dính luôn ở đó. Rồi chỉ còn việc tống nó vào một bao diêm rỗng. Nhưng có lẽ việc đi bắt nhện sói phải thuộc về thời kỳ muộn hơn.
Tôi nhớ vào một buổi tối dài mùa đông, cạnh chén trà, người lớn nói về việc họ đã mua Ianovka [Ianovka] trong hoàn cảnh và thời điểm nào, khi ấy bọn trẻ lên mấy và Ivan Vaxiliêvích đến làm việc cho chúng tôi từ hồi nào. Mẹ tôi nói ”chúng ta đã mang sẵn Liôva từ trại về đây” và bà ranh mãnh nhìn tôi. Tôi suy nghĩ và hỏi: ”Vậy con sinh ra ở trại à?”. ”Không – mọi người trả lời. – Con sinh ra ở đây, ở Ianốpca”. “Vậy sao mẹ lại bảo con đã có sẵn ở trại và chỉ cần đưa con về đây?…”. “Thế là mẹ nói đùa đấy…”
Tôi không hài lòng lắm về câu trả lời và suy nghĩ: sao lại kỳ quặc thế? Nhưng tôi im lặng vì nhìn thấy trên nét mặt mọi người cái cười đặc biệt của những kẻ đã biết chuyện, cái cười tôi không thích chút nào.
Thời gian được tính từ kỷ niệm những buổi uống trà đêm đông như thế. Tôi sinh vào tháng Mười, ngày 26. Như vậy cha mẹ tôi đã rời trại đến Ianốpca vào mùa xuân hoặc mùa hạ năm 1879.
Tôi ra đời vào năm những quả tạc đạn đầu tiên làm rung động chế độ Nga hoàng. Một chính đảng khủng bố mang tên Tự do Nhân dân hình thành trước đó ít lâu – hai tháng trước khi tôi sinh – đã tuyên án tử hình Nga hoàng Alếchxanđơrơ Đệ nhị (ngày 26 tháng Tám 1879). Vụ mưu sát bằng bom vào đoàn tàu của Nga hoàng được tổ chức ngày 19 tháng Mười một. Một cuộc chiến khủng khiếp bắt đầu, dẫn đến cái chết của Alếchxanđơrơ Đệ nhị ngày 1 tháng Ba 1881 nhưng cũng khiến đảng Tự do Nhân dân bị tiêu vong.
Chiến tranh Nga-Thổ kết thúc trước đó một năm. Tháng Tám 1879, Bítxmác [Bismarck] đặt nền móng cho Liên minh Áo-Đức. Cũng vào năm ấy, Dôla [Zola] xuất bản cuốn tiểu thuyết Nana trong đó hoàng thân xứ Ganlơ [Galles] đương thời – người tổ chức tương lai của Liên minh – được thể hiện như một kẻ hâm mộ các nàng diễn viên ca kịch. Luồng gió phản động – thổi càng mạnh trong nền chính trị Âu châu, kể từ chiến tranh Pháp-Đức và sau thất bại của Công xã Pari [Paris] – vẫn chưa hề giảm. Ở Đức, đảng Xã hội Dân chủ khốn khổ dưới đạo luật đặc biệt của Bítxmác. Năm 1879, Víchto Uygô [Victor Hugo] và Lui Blăng [Louis Blanc] đệ đơn lên Quốc hội Pháp đòi ân xá cho các chiến sĩ Công xã.
Nhưng những cuộc tranh cãi nghị trường, những tin tức ngoại giao, hoặc thậm chí những vụ nổ mìn cũng không có tiếng vang đến làng Ianốpca, nơi tôi sinh ra và trải qua chín năm đầu đời. Trong các thảo nguyên mênh mông của chính phủ Khécxôn và cả vùng Nôvôrốtxítxcơ [Novorossisk], vương quốc của lúa mì và lũ cừu vẫn sống theo những luật lệ riêng. Nhờ không gian bao la và đường xá tồi tệ, nó được cách ly vững vàng khỏi sự xâm lấn của chính trị. Các gò mộ trên thảo nguyên còn lại như các cột mốc ghi dấu thời đại của những làn sóng di cư lớn.
Cha tôi là nhà nông, lúc đầu nghèo thôi, nhưng sau này khá giả hơn. Khi còn rất trẻ, ông đã theo gia đình rời một khu dân cư Do Thái vùng Pôntava [Poltava] đi lập nghiệp trong vùng thảo nguyên mênh mông miền Nam. Thời đó tại các vùng Khécxôn và Êcacherinốtxláp [Ekaterinoslav], có gần bốn mươi tụ điểm quần cư nông nghiệp Do Thái với dân số chừng hai mươi lăm ngàn người. Các nhà nông Do Thái sống bình đẳng với những nông dân, chẳng những trong pháp luật (cho đến năm 1881) mà còn cả trong sự khốn cùng. Tích lũy ban đầu được kiếm bằng cố gắng không mệt mỏi, lao động cật lực không nương nhẹ bản thân và người khác, cứ thế cha tôi ngày càng đi lên.
Tại trại Grômôcơlây [Gromoklei], những chứng từ khai sinh không được ghi chép cẩn thận cho lắm. Nhiều thứ chỉ được ghi nhận về sau này. Trước khi vào trường trung học, gia đình tôi mới hay rằng tôi không đủ tuổi vào lớp một, thế là thay cho 1879, năm sinh của tôi được ghi vào giấy khai sinh là 1878. Bởi vậy lúc nào tôi cũng có hai ngày sinh: một ngày chính thức và một ngày của gia đình.
Trong chín năm đầu của cuộc đời, hầu như tôi không ra khỏi làng. Làng được gọi là Ianốpca vì người ta mua nó của một địa chủ tên là Ianốpxki [Ianovsky]. Ông lão Ianốpxki, xưa là lính trơn, sau leo được đến chức đại tá. Dưới triều Alếchxanđơrơ Đệ nhị, ông được lòng cấp trên và họ cho ông chọn năm trăm mẫu đất tại các vùng thảo nguyên hoang dã tại Khécxôn. Ông đại tá xây một nhà nhỏ bằng đất lợp mái rạ cùng một số công trình phụ đơn sơ tương tự trên thảo nguyên. Tuy nhiên, công việc làm ăn của ông không chạy. Sau khi ngài đại tá mất, gia đình ông đến ngụ cư tại Pôntava. Cha tôi đã mua hơn một trăm mẫu và ngoài ra còn thuê của nhà Ianốpxki độ hai trăm mẫu nữa. Tôi còn nhớ rất rõ bà đại tá, một phụ nữ bé tí, khô quắt: cứ mỗi năm bà đến một hai lần để thu tiền thuê đất và xem mọi thứ có đâu vào đấy không. Người ta cho một xe ra đón bà ở nhà ga và khi bà đến, họ lại đặt một chiếc ghế để bà bước xuống dễ dàng khỏi toa xe có lò xo. Mãi sau này cha tôi mới có một chiếc xe ngựa bốn bánh, lúc ấy ông cũng đã có ngựa kéo. Chúng tôi nấu xúp gà và làm món trứng thết bà đại tá già. Đi dạo trong vườn với chị tôi, bà lấy những móng tay khô và nhỏ cào vào những cây ăn quả cho chảy nhựa rồi quả quyết rằng đó là thứ kẹo bánh ngon lành nhất.
Đất trồng tỉa của chúng tôi rộng ra, đàn ngựa và gia súc tăng lên. Chúng tôi thử nuôi giống cừu Mêrinốt [Mérinos] nhưng không thành công. Ngược lại chúng tôi có rất nhiều lợn. Được thả tự do trong sân, chúng lấy mõm ủi tất cả đất đai xung quanh và cuối cùng phá tan tành vưòn rau. Việc kinh doanh được tiến hành với một nỗ lực lớn nhưng theo phương thức cũ: người ta chỉ áng chừng được lỗ lãi từ đâu đến. Cũng vì thế mà khó đánh giá được tổng giá trị tài sản. Toàn bộ tiền của đều nằm trong đất, lúa mì, hạt và sản phẩm mà sản phẩm thì luôn nằm trong vựa hoặc trên đường đến các cảng. Đôi khi trong lúc uống trà hoặc ăn tối, cha tôi sực nhớ ra:
– À! Ghi lấy cái này cho tôi, tôi đã cầm trước 1300 rúp của ông cầm đồ, trích 660 rúp gửi cho bà đại tá, 400 cho Đembốpxki [Dembovsky], ghi luôn vào đó là tôi đã đưa 100 rúp cho Phêôđôxia Antônốpna [Féodosia Antonovna] vào mùa xuân, khi tôi ở Êlidavétgơrát.
Công việc kế toán sổ sách đại khái được làm như thế. Tuy nhiên, dần dà nhưng kiên nhẫn, cha tôi vẫn cứ đi lên.
Chúng tôi ở trong cái nhà đất nhỏ do ông đại tá già xây. Mái nhà bằng rạ chìa ra và dưới đó có vô số tổ chim sẻ. Tường bị nứt nẻ phía mặt ngoài và rắn rết làm tổ trong những kẽ nứt này. Lắm lúc người ta tưởng đó là rắn lục và lấy ấm xa-mô-va rót nước sôi vào kẽ hở, nhưng vô ích. Những ngày mưa to, trần nhà bị dột, nhất là ở hàng hiên: người ta đặt trên nền đất nện chén, bát và chậu để hứng. Các căn phòng đều nhỏ với những cửa sổ tối tăm. Trong hai phòng ngủ và phòng của trẻ con, sàn đất là nơi sản sinh vô số bọ chét. Phòng ăn được lát gỗ và cọ bằng cát vàng mỗi tuần một lần. Gia đình tôi mời bà đại tá ở trong một căn phòng sàn bóng nhoáng, dài chừng tám bộ, được gọi một cách long trọng là ”phòng khách”.
Trong khu vườn bao quanh nhà có hoa keo vàng, hoa hồng bạch và hồng nhung, mùa hè thêm hướng dương. Sân không được rào dậu. Tòa nhà lớn lợp ngói do cha tôi xây bằng đất sét gồm xưởng, nhà bếp của chủ và phòng cho người ở. Rồi đến cái vựa ”tiểu”, vựa ”đại” đều lát gỗ và cuối cùng là cái vựa ”mới” để đựng thóc. Tất cả đều lợp lau sậy. Để nước không rò vào và hạt không lên men, cả ba vựa đều được xây trên những bệ đá. Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, bọn chó, lợn và gia cầm trốn biệt vào đó. Lũ gà mái tìm thấy ở đây chỗ kín đáo để giấu trứng. Nhiều lần tôi phải bò giữa những hàng đá để moi trứng ra ngoài: người lớn không chui vừa vào đây. Trên nóc của vựa thóc lớn, thường xuyên có vạc đến làm tổ. Giơ mỏ đỏ lên trời, chúng nuốt chửng rắn rết và ếch nhái, nom thật dễ sợ! Con rắn run rẩy cựa quậy ngoài mỏ chim và trông cứ như là nó ăn con vạc từ bên trong ra.
Vựa được chia ra thành những ngăn đựng lúa mì mới thơm phức, hạt đại mạch nhọn xù xì, hạt lanh dẹt dính gần như chảy nước, hạt cườm có ánh xanh đen, yến mạch tinh và nhẹ. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng khi có khách đến, người ta cho lũ trẻ em chơi trốn tìm cả ở trong vựa. Lách qua vách, tôi trèo lên đống lúa mì cao và lăn xuống phía bên kia. Khép mình đến đầu gối, tôi trùng khuỷu tay trong cái đống di động; hạt lúa mì chui vào đôi giày thường là rách nát của tôi và lùa cả vào tay áo. Cửa vựa được đóng và ai đó đã treo lên đó một ổ khóa nhưng không quay chìa để đánh lừa: luật chơi được đặt ra như vậy. Tôi nằm dài trong vựa lúa tươi mát, chìm vào đống hạt mì hít thở bụi thực vật và nghe Xênhia [Sénia] V. – hoặc Xênhia Gi-xki hoặc Xênhia X. hoặc chị Nida [Nisa] của tôi hoặc ai đó nữa – lần lượt tìm ra những kẻ nấp trốn, nhưng không sao tìm ra tôi đang vùi trong đống lúa mì tươi.
Chuồng ngựa và bò, chuồng lợn và sân nuôi gà ở phía bên kia của nhà ở, tất cả được nhào trát tạm bợ bằng đất sét, cành nho và rơm rạ. Cách nhà chừng một trăm bước có một giếng với cái cần vọt chĩa cao
lên trời. Sau nữa là dòng suối mà nông dân thường lấy nước tưới rau. Hàng năm, cứ vào mùa xuân, nước lớn lại làm trôi mất đập, phải củng cố nó bằng rơm, đất và phân. Có một chiếc cối xay trên gò cao ngay bên bờ suối. Một cái lán được tiện bằng gỗ phiến chứa chiếc máy hơi nước mười mã lực và một đôi trục lăn. Thời thơ ấu của tôi, phần lớn thời giờ mẹ tôi làm việc ở đấy. Cối xay không chỉ phục vụ cho việc kinh doanh của gia đình tôi mà còn cho cả vùng lân cận. Nông dân ở xa từ mười đến mười lăm dặm mang lúa mì đến đây thuê xay và trả công gia đình tôi bằng một phần mười số lượng. Vào thời kỳ cao điểm, trước khi đập lúa, cối xay làm việc hai mươi tư trên hai mươi tư tiếng mỗi ngày và khi tôi biết đếm, biết viết, thỉnh thoảng tôi phải cân các bao lúa mì và tính xem cần trả lại bao nhiêu bột cho những nông dân mang mì đến. Trong vụ gặt, người ta đóng cửa cối xay và dùng động cơ hơi nước để đập lúa. Sau này, có một động cơ cố định đặt tại nhà và nhà cối xay được xây lại bằng đá, lợp phiến thạch. Căn nhà đất của ông bà chủ cũng được thay thế bằng một nhà lớn bằng gạch, lợp tôn. Nhưng những việc này chỉ xảy ra vào năm tôi gần mười bảy tuổi. Trong kỳ nghỉ cuối tuần, tôi tính toán khoảng cách giữa các cửa sổ và kích thước các cửa lớn cho ngôi nhà tương lai, nhưng không sao ra kết quả. Khi về làng lần sau, tôi thấy đã có móng đá. Số phận không cho tôi được ở trong căn nhà này. Ngày nay, tại đó có một trường học Xô-viết…
Những người nông dân có khi phải chờ đợi nhiều tuần liền ở cối xay. Ai ở gần thì đặt các bao của họ theo thứ tự rồi quay về nhà. Những kẻ ở xa sống trên xe của họ, ngày mưa gió họ nằm trên các bao bì trong nhà cối xay. Có lần một khách hàng thấy biến mất cái dây cương. Ai đó thấy một gã thiếu niên không thuộc vùng này rình mò quẩn quanh bên con ngựa. Thế là họ lục lọi cỗ xe ngựa của bố nó và thấy chiếc dây cương giấu dưới cỏ khô. Cha đứa bé, một nông dân râu ria xồm xoàm, tính tình cau có, quay về hướng Đông khoát tay làm dấu và thề rằng chỉ có cái thằng trời đánh, cái thằng sổng tù ấy mới làm chuyện này, rồi ông ta sẽ rút ruột thằng vô lại. Nhưng chẳng ai tin. Người nông dân tóm cổ thằng bé, hất nó xuống đất và vụt lấy vụt để vào người nó bằng cái dây cương ăn cắp. Nấp sau lưng người lớn, tôi nhìn quang cảnh ấy. Thằng bé gào la thề sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Quanh nó đám đông đứng lặng lẽ, thờ ơ với tiếng kêu la của thằng bé, họ hút thuốc lá và nói lầm bầm dưới bộ râu rằng người nông dân không đánh thực sự, lão ta vờ vĩnh thôi và lẽ ra phải nện cả ông bố nữa.
Sau lán và chuồng trại là những kho đựng lúa, mái dài hàng hai, ba chục xaghen [sagenet], cái bằng lau sậy, cái bằng rơm rạ, dựa trên những cột đặt ngay ở nền đất không có bức tường chống nào. Người ta đổ hàng đống hạt trong những kho ấy và cho chạy máy quạt gió hay máy sàng vào những ngày mưa gió. Phía sau các mái che là sân đập lúa mì. Bên kia khe nước là một khu được bao quanh cho gia súc, lổn nhổn đầy phân khô.
Tất cả thời thơ ấu của tôi đều gắn liền với căn nhà nhỏ của ông đại tá và chiếc ghế đi-văng cũ trong phòng ăn. Tôi ăn trưa, ăn tối, chơi búp bê với em tôi và sau này, tôi đọc sách trên cái đi-văng ốp gỗ dán màu gụ ấy. Lớp vỏ bọc bị thủng hai chỗ. Lỗ nhỏ nằm về phía chiếc ghế bành của Ivan Vaxiliêvích và lỗ to ở chỗ tôi ngồi, cạnh cha tôi.
Ivan Vaxiliêvích nói:
– Đã đến lúc cần bọc lại nó bằng nỉ mới.
– Đáng ra phải làm việc này từ lâu rồi – mẹ tôi đáp -, chúng ta đã không bọc lại nó từ năm người ta sát hại Nga hoàng.
Cha tôi chống chế:
– Chà, cứ đến cái thành phố chết tiệt ấy là phải chạy ngược chạy xuôi, người xà-ích cáu kỉnh, thế là chỉ còn nghĩ đến chuyện chuồn cho lẹ, quên khuấy cả việc mua bán.
Xuyên ngang phòng ăn, dưới cái trần thấp là một giá gỗ khổng lồ sơn trắng, trên đó đặt đủ mọi thứ: những đĩa thức ăn ngoài tầm nhảy của con mèo, đinh, dây rợ, sách vở, lọ mực nút bằng cục giấy, một chiếc bút cũ với cái ngòi đã han gỉ. Tôi không thiếu ngòi bút. Có những tuần tôi lấy con dao ăn gọt những chiếc ngòi gỗ để vẽ lại những chú ngựa mà tôi thấy trong các số báo ảnh Niva (Cánh đồng) cũ. Con mèo cái ở mãi trên cao tít, dưới trần nhà, nơi ống khói của lò sưởi nổi gồ lên. Nó đẻ và chăm sóc lũ con ở đó. Những khi quá nóng, nó cắn cổ những chú mèo con và lao xuống bằng một cú nhảy táo bạo. Tất cả những người khách cao lớn đến nhà chúng tôi đều bị đập đầu vào cái giá gỗ khi họ đứng dậy khỏi bàn ăn; vì thế, người ta có thói quen chỉ lên trần báo cho khách biết: ”Cẩn thận, cẩn thận đấy”.
Trong phòng khách, đáng chú ý hơn cả là một cây đàn cla-vơ-xin chiếm ít nhất một phần tư gian nhà. Tôi không nhớ chúng tôi có nó từ bao giờ. Một bà địa chủ phá sản ở cách chúng tôi chừng 15-20 dặm chuyển lên thành phố và bán tống tất cả đồ đạc. Chúng tôi mua của bà cái đi-văng, ba chiếc ghế kiểu thành Viên [Vienne] và cái đàn cla-vơ-xin cũ, hỏng, để mãi trong nhà kho với bộ dây đứt. Cây đàn giá mười sáu rúp và được chở về Ianốpca trên một chiếc xe bò. Khi người ta tháo rỡ nó ở trong xưởng, một đôi chuột chết được lôi ra từ dưới bàn hòa âm. Mùa đông năm ấy, trong nhiều tuần lễ liền, chiếc đàn cla-vơ-xin chiếm cả căn xưởng. Ivan Vaxiliêvích lau chùi, dán lại gỗ, đánh véc-ni cho nó, anh kiếm được một bộ dây mắc lên đàn và chỉnh lại tiếng. Toàn bộ phím đàn được sửa lại và cuối cùng không thể kìm được, cây đàn cũng lên tiếng dù hơi rè. Ivan Vaxiliêvích chuyển những ngón tay thần diệu đã quen với phím đàn phong cầm của anh sang bàn phím cla-vơ-xin, anh chơi bản Camarinxcaia [Kamarinskaia], một bản Pônca [Polka] và Oh, Mein lieber-Augustin. Chị cả tôi bắt đầu học nhạc. Đôi khi anh tôi cũng mổ cò xuống cây đàn, anh đã học vĩ cầm vài tháng ở Êlidavétgơrát. Cuối cùng tôi cũng chơi vung vẩy một ngón tay dựa theo bản nhạc soạn cho vĩ cầm của anh tôi. Tôi không có ”tai nhạc” và tình yêu của tôi với âm nhạc vĩnh viễn chỉ vô vọng và một chiều. Cũng trên cây đàn cla-vơ-xin ấy, Môixây Kharitônôvích M-xki [Moisei Kharitonovitch M-sky], một người hàng xóm của chúng tôi đã trổ tài bằng bàn tay phải ”có thể biểu diễn hòa tấu dương cầm” của ông.
Mùa xuân, cái sân trở thành một biển bùn. Ivan Vaxiliêvích tự đẽo những đôi guốc gỗ, thực ra là những chiếc giày cao gót và tôi khoái trá nhìn anh bước đi từ cửa sổ, người cao lên đến gần nửa ácsin [arshin]. Chẳng bao lâu xuất hiện trong trang trại một cụ già làm nghề thuộc da. Hình như không ai biết tên ông. Ông đã hơn tám mươi tuổi. Đó là một cựu chiến binh thời Nhicôlai [Nicolas] Đệ nhất, đã từng phục vụ hai mươi năm trong quân đội. Dáng người to, vai rộng, râu và tóc trắng toát, đi đứng nặng nề khó khăn, ông đi đến cái lán nơi đặt xưởng dã chiến của ông. ”Cái chân tôi nó yếu lắm rồi”- ông nói. Nhưng đã mười năm nay ông ca cẩm như thế. Ngược lại, bàn tay thuộc da của ông còn chắc hơn những gọng kìm. Móng tay ông như những phím ngà, rất nhọn.
– Mày có muốn ông chỉ cho thấy Mátxcơva [Mouscou] không? – ông già hỏi tôi.
Dĩ nhiên là tôi muốn. Ông già túm lấy tôi bằng đôi tay to lớn và nhấc bổng tôi lên. Những móng
tay kinh khủng cọ vào tai làm tôi đau và cảm thấy nhục nhã. Dãy dụa đôi chân, tôi đòi ông ta đặt xuống đất.
– Nếu mày không muốn thì thôi – ông già nói. Dù cáu, tôi cũng không chịu đi.
– Này – ông già nói -, trèo thang lên cái lán này mà xem trên gác xép có gì.
Tôi cảm thấy có cạm bẫy và ngập ngừng. Số là trên gác xép, anh thợ phụ ở nhà máy xay Cônxtanchin [Konstantin] đang tiêu khiển với chị nấu bếp Cachiusa [Katioucha]. Cả hai đều đẹp, vui tính và lao động giỏi.
– Khi nào thì anh cưới Cachiusa? – bà chủ hỏi Cônxtanchin.
– Chúng con thấy cứ như thế này là hơn – Cônxtanchin đáp. – Muốn cưới phải mất đến chục rúp, thà mua cho Cachiusa đôi ủng còn hơn.
Mùa hè cháy bỏng, căng thẳng của thảo nguyên trôi qua với cường độ làm việc kinh khủng, với mùa gặt và thời lao khổ phải làm việc xa nhà; những ngày đầu của mùa thu gần đến, khi ấy chúng tôi tính sổ một năm lao động gần như khổ sai. Việc đập lúa đang độ khẩn trương nhất. Mọi hoạt động dồn lại trên sân đập lúa, sau những nhà kho cách nhà chừng một phần tư dặm. Một đám mây bụi trấu bay mù mịt trên sân. Thùng trống của máy đập kêu ầm ầm. Anh thợ xay Philíp [Philippe] đeo kính đứng cạnh thùng. Bộ râu đen của anh đầy bụi xám. Người ta chuyển cho anh từng bó lúa từ xe bò, anh đỡ lấy mà không thèm nhìn, sau đó mở nút dây buộc, xòe bó lúa ra và thả vào thùng. Cái máy nuốt lấy cả ôm, làu nhàu như con chó ngoạm được cục xương; những chiếc thùng rũ rơm, gạt rơm ra ngoài như chơi đùa. Trấu chạy về một phía theo ống dẫn. người ta cuộn nó về phía đụn lúa và tôi thì đứng ở cuối các tấm ván, tay nắm dây điều khiển. ”Cản thận đấy con, kẻo ngã!” – cha tôi la lên. Nhưng tôi đã ngã hàng chục lần rồi, khi thì vào rơm, khi thì vào trấu. Đám mây bụi xám dày lên phía trên chiếc máy đập, cái thùng trống kêu ầm ỹ, trấu chui vào áo sơ mi, vào mũi làm người ta hắt hơi lia lịa.”Kìa Philíp, từ từ chứ!”- cha tôi kêu lên khi cái thùng trống gầm lên quá dữ tợn. Tôi nâng cây gỗ lên nhưng tuột tay làm nó rơi thẳng vào một ngón tay. Cơn đau làm tôi tối tăm mặt mũi. Tôi lẻn lẩn đi để không ai trông thấy mình khóc rồi chạy về nhà. Mẹ tôi dội nước lạnh lên ngón tay tôi rồi lấy giẻ quấn lại. Nhưng cơn đau không giảm. Ngón tay mưng mủ hành hạ tôi mất mấy ngày.
Những bao mì được chất đầy các vựa lúa, các kho, chúng được xếp lên nhiều tầng và che vải bạt ngoài sân. Ông chủ cũng hay đích thân đứng cạnh nơi sàng sẩy, giữa mấy trụ nhà và chỉ cho mọi người thấy phải quay bánh xe như thế nào để lùa trấu ra và sau đó chỉ cần hắt gọn một cái là hạt gạo sạch rơi hết xuống thành đống. Dưới các mái che và các lán được quây lại cho khuất gió, người ta quay máy sàng. Hạt lúa được làm sạch và chuẩn bị đem đi bán.
Dân buôn kéo đến, mang theo những chiếc bình bằng đồng và những cái cân đặt trong hộp đánh bóng cẩn thận. Họ xem thóc, đề nghị một giá và tìm cách đưa tiền đặt cọc. Chúng tôi tiếp đãi họ lịch sự, mời trà và bánh bích cốt với bơ nhưng không bán cho họ. Đây chưa phải là những khách sộp. Ông chủ đã vượt qua những hình thức buôn bán nhỏ. Ông có một mối giao hàng riêng tại Nhicôlaiép. ”Hạt lúa có thể nằm đây một thời gian – cha tôi nói – Nó không đòi ăn đâu”. Sau đó một tuần, chúng tôi thường nhận được thư, hoặc thỉnh thoảng điện tín, từ Nhicôlaiép: giá lúa mì đã lên năm cô-pếch mỗi pút [poud]. ”Thế là chúng ta đã được lợi một ngàn cácbôvantri [karbovantsi] – ông chủ hể hả – Tiền bắt được đấy!”. Nhưng ngược lại, cũng có khi giá cả đi xuống. Những sức mạnh huyền bí của thị trường thế giới cũng tìm đường tới tận Ianốpca. Từ Nhicôlaiép về, cha tôi rầu rĩ nói: ”Người ta nói rằng… gọi là cái quái gì nhỉ… Áchentina [Arghentina] năm nay xuất khẩu nhiều mì”.
Làng mạc yên tĩnh vào mùa đông. Chỉ có cối xay và xưởng hoạt động hết công suất. Nhà được sưởi bằng rơm rạ do kẻ ăn người ở trong nhà mang lên, họ ôm từng bó lớn, rơi vãi một phần dọc đường và cứ mỗi lần như thế họ lại phải quét lại. Thật là vui khi tống rơm vào lò và nhìn chúng bốc cháy. Một hôm, bác Grigôri [Gregory] thấy tôi và em Ôlia [Olia] trong phòng ăn, xanh xao vì nhiễm độc thán khí. Tôi quay cuồng giữa phòng và không thấy gì trước mặt, khi chú gọi, tôi lăn ra mê man bất tỉnh. Trong những ngày đông chúng tôi hay ở nhà một mình, nhất là khi cha tôi đi công chuyện và mọi thứ trong nhà đều vào tay mẹ tôi. Đôi khi vào lúc hoàng hôn, tôi và em gái tôi ngồi sát vào nhau trên ghế đi-văng, mắt mở to và không dám cử động vì sợ. Thỉnh thoảng từ bên ngoài băng giá, một bóng người khổng lồ lao vào căn nhà ăn tối tăm trong chiếc áo da đồ sộ, cổ to lật ngược, mũ bê-rê, găng tay, ủng dạ chạm vào nhau ken két, râu ria dính những mảnh băng và cất giọng oang oang trong bóng tối: ”Chào cả nhà!”. Chúng tôi kề vai nhau, chết lặng trong một góc đi-văng và không dám đáp lại. Khi ấy, người khổng lồ châm một que diêm và phát hiện ra chúng tôi. Hóa ra là một ông hàng xóm. Thỉnh thoảng, không chịu đựng nổi nỗi cô đơn trong phòng ăn, bất chấp trời băng giá, tôi chạy ra phòng ngoài, mở cửa và nhảy lên viên đá lớn phẳng trước thềm; từ đó tôi gào vào bóng tối: ”Masơca [Machka], Masơca! Về phòng ăn, về ngay phòng ăn!” – cứ như thế nhiều lần, rất nhiều lần, vì Masơca bận nhiều việc ở nhà bếp, nhà người ở và những nơi khác. Cuối cùng mẹ tôi từ nhà cối xay về, bà thắp đèn lên và mang ra một cái ấm xa-mô-va.
Buổi tối chúng tôi thường ở trong phòng ăn cho đến khi thấy buồn ngủ. Mọi người đi ra đi vào, mang đến hoặc lấy đi những chùm chìa khóa, cạnh bàn ăn, công việc được cắt đặt và chuẩn bị cho ngày hôm sau. Trong những giờ khắc ấy, tôi, em Ôlia, chị Lida và có khi cả người hầu gái, sống một cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn và ngạt thở vì họ. Đôi khi người ta buông một câu và gợi cho chúng tôi sực nhớ đến một kỷ niệm riêng, đặc biệt nào đó. Tôi nháy mắt nhìn em tôi, em bụm miệng cười; ai đó trong số người lớn lơ đãng nhìn em. Tôi lại nháy mắt lần nữa; em cố giấu cơn cười dưới tấm vải dầu và đập trán vào bàn. Tôi bật cười theo và đôi khi cái cười cũng lây sang cả chị tôi, chị tìm cách giữ vẻ trang nghiêm của cô gái mười ba, lập lờ giữa bọn trẻ và người lớn. Nếu cái cười trở nên quá ồn ào, tôi phải chui xuống gầm bàn, len vào chân những người lón và sau khi dẫm phải đuôi con mèo, tôi chạy trốn sang các xó nhỏ được gọi là ”phòng bọn trẻ”. Vài phút sau, mọi thứ bắt đầu từ đầu. Cười nhiều quá, ngón tay run đến nỗi không cầm được cả cốc nữa. Đầu, môi, tay, chân của tôi rã rời và hòa tan trong tiếng cười. ”Các con làm sao vậy?”- mẹ tôi hỏi, vẻ mệt mỏi. Hai vòng đời, vòng trên và vòng dưới, những khi ấy hòa vào nhau được một lúc. Người lớn nhìn bọn trẻ với vẻ thăm dò, đôi khi độ lượng nhưng cũng lắm khi bực bội. Thế là tiếng cười bất ngờ lại bật lên ồn ào. Ôlia lại chúi đầu xuống bàn, tôi nhào xuống chiếc ghế dài, Lida cắn môi dưới còn cô hầu gái thì biến vào sau cửa.
– Nào, thôi, chúng mày đi ngủ đi! – người lớn nói.
Nhưng chúng tôi không chịu ra, cứ nấp trong các góc và sợ phải trông thấy nhau. Em tôi được bế ra khỏi phòng còn tôi lắm khi ngủ luôn trên đi-văng. Ai đó đến bế tôi đi. Đang ngái ngủ, có khi tôi thét lên như điên. Tôi thấy hình như mình bị đàn chó bao quanh hoặc lũ rắn thở phì phì dưới chân, hay bị những tên cướp bắt vào rừng. Cơn ác mộng của tuổi thơ đi vào đời sống người lớn. Người ta tìm cách dỗ dành, vuốt ve, ôm ấp tôi. Thành thử từ cười đến mơ, từ mơ đến ác mộng, từ ác mộng đến khi thức dậy, tôi lại chìm vào giấc mơ, nhưng lần này trên giường đệm lông chim ở phòng ngủ có lò sưởi.
Như thế mùa đông là thời kỳ đầm ấm nhất trong năm. Có những ngày liên tục cha mẹ tôi dường như không ra khỏi nhà. Vào lễ Giáng sinh, anh chị tôi đều nghỉ học và về nhà. Chủ nhật, sau khi đã tắm rửa, đầu tóc chỉnh tề, anh Ivan Vaxiiliêvích cầm kéo và lược để tỉa đầu, trước tiên cho cha tôi rồi đến Xasa [Sacha], cậu học sinh trường Hiện đại và cuối cùng mới đến tôi. Xasa hỏi:
– Anh Ivan Vaxiliêvích, anh có biết cắt kiểu Capun [Capoul] không?
Mọi người ngẩng đầu nhìn Xasa, còn anh kể rằng ở Êlidavétgơrát, một người thợ cạo cắt cho anh kiểu Capun tuyệt vời nhưng ngay hôm sau ông thanh tra nhà trường đã nghiêm khắc khiển trách anh về tội đó.
Cắt tóc xong, chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Cha tôi và Ivan Vaxiliêvích chiếm hai chiếc ghế bành ở hai đầu bàn, lũ trẻ con ngồi trên đi-văng và mẹ tôi ngồi đối diện với chúng tôi. Cho đến khi chưa lấy vợ, Ivan Vaxiliêvích ăn cùng với chúng tôi. Vào mùa đông, bữa ăn kéo dài và sau đó chúng tôi còn trò chuyện. Ivan Vaxiliêvích hút thuốc và nhả ra những vòng khói tài tình. Đôi khi mọi người bắt Xasa hoặc Lida ngồi đọc truyện. Cha tôi ngồi ngủ gà ngủ gật trên tầng thấp của lò sưởi, nhưng thường bị phát hiện. Buổi tối, thỉnh thoảng lắm chúng tôi cũng chơi bài đurắc [dourak], khi đó khá ồn ào, chúng tôi cù nhau và cười như nắc nẻ, đôi lúc còn cãi cọ chút đỉnh. Thú nhất là đánh ăn gian với cha tôi, ông chơi rất lơ đãng và khi thua cũng cười, khác hẳn với mẹ tôi, chơi giỏi hơn, luôn hồi hộp và cảnh giác theo dõi để không bị anh cả tôi ăn gian.
Trạm bưu điện gần nhất cách Ianốpca hai mươi ba cây số, đến được đường sắt thì phải hơn ba mươi lăm cây. Còn xa mới đến được các công sở, các cửa hàng, các trung tâm trong thành phố; những sự kiện lịch sử lớn thì còn xa hơn nữa. Nhịp điệu lao động nông nghiệp là nhân tố duy nhất điều hành cuộc sống ở đây. Tất cả những thứ khác đều trở nên không đáng kể: mọi thứ, trừ giá lúa mì trên thị trường thế giới. Những năm ấy người ta không đưa báo, tạp chí đến làng; chúng chỉ có về sau này, khi tôi đã là học sinh trường Hiện đại. Thư từ chỉ đến một cách ngẫu nhiên, rất hiếm hoi. Đôi khi, người hàng xóm mang một lá thư từ Bôbrinhét, anh ta cũng giữ lại trong túi một hai tuần. Nhận được thư là cả một sự kiện, điện tín thì chứng tỏ một tai họa đã xảy ra.
Người ta giải thích cho tôi là điện được báo đi trên dây thép, thế mà chính mắt tôi trông thấy một người cưỡi ngựa mang đến từ Bôbrinhét và phải trả cho anh ta hai rúp năm mươi cô-pếch. Điện báo là một mảnh giấy cũng như một lá thư và chữ trong đó được viết bằng bút chì. Thế thì làm sao nó đi được trên giây thép, hay là bị gió đẩy đi? Người ta trả lời tôi: đó là vì có điện. Điều này lại càng mù mịt. Một hôm chú Abram hăm hở giải thích cho tôi:
– Dòng điện chạy trong dây thép và ghi lại dấu hiệu trên một cuộn băng. Nhắc lại đi!
Tôi nhắc lại:
– Điện chạy trong đường dây và ghi lại dấu trên cuộn băng.
– Thế cháu đã hiểu chưa?
Tôi hiểu.
– Nhưng sau đó làm sao ra được bức thư? – tôi hỏi vì nghĩ đến mảnh giấy điện báo thường được mang về từ Bôbrinhét.
– Thư nó đi riêng đến – chú tôi trả lời.
Tôi hồ nghi không hiểu tại sao lại cần đến dòng điện nếu cái ”thư” được ngựa đưa đến. Nhưng chú
tôi nổi cáu:
– Để cho tao yên với cái thư của mày – ông la lên -, tao giải thích cho mày thế nào là điện báo mà mày thì cứ nói chuyện cái thư!
Thế là vấn đề này vẫn mù mờ đối với tôi.
Một lần bà Pôlina Pêtrốpna [Polina Petrovna], một nữ địa chủ ở Bôbrinhét đến thăm gia đình chúng tôi. Bà đeo những đôi hoa tai lớn và có một món tóc dài trải xõa xuống trán. Sau đó mẹ tôi đưa bà về lại Bôbrinhét và tôi cũng đi theo. Khi đi qua cái gò cách nhà mười một dặm, tôi thấy những cột dây thép và nghe tiếng dây kêu u… u.
– Điện báo nó đi như thế nào hở mẹ? – tôi hỏi mẹ.
– Con hỏi bà Pôlina Pêtrốpna ấy – lúng túng mẹ tôi đáp -, rồi bà ấy sẽ giải thích cho con.
Bà Pôlina Pêtrốpna giải thích cho tôi như sau:
– Các dấu trên cuộn băng tương đương với những chữ cái, một điện báo viên phiên ra thành chữ trên giấy và một người cưỡi ngựa mang tờ điện báo ấy đi.
Như thế thì hiểu được.
– Nhưng dòng điện thì đi như thế nào vì cháu chẳng nhìn thấy gì cả? – tôi nhìn đường dây thép và
hỏi.
– Dòng điện đi bên trong – bà Pôlina Pêtrốpna đáp. – Những đường dây thép ấy được làm theo hình ống và dòng điện chạy bên trong.
Điều này cũng sáng sủa và tôi yên tâm một thời gian dài. Bốn năm sau, khi thầy giáo vật lý giảng về sóng điện từ, tôi còn cảm thấy khó hiểu hơn thế nhiều.
Mặc dầu không phải không có mâu thuẫn, song về cơ bản, cha mẹ tôi rất hòa thuận với nhau trong suốt cuộc đời bận rộn, tuy hai người xuất thân từ những thành phần xã hội khác nhau. Mẹ tôi thuộc một gia đình tiểu tư sản thành thị, khinh thường người nông dân tay chân nứt nẻ. Nhưng cha tôi thời trai trẻ là một thanh niên khôi ngô, cao ráo với gương mặt rắn rỏi và quyết đoán. Ông đã gom góp một chút tiền nên vài năm sau mới mua được trang trại Ianốpca. Trôi dạt từ thủ phủ của vùng về một làng quê ở thảo nguyên, người phụ nữ trẻ ấy không dễ dàng hòa nhập vào các điều kiện nghiệt ngã của nền kinh tế nông nghiệp, nhưng cuối cùng bà cũng quen dần và bị trói buộc vào đó gần bốn mươi lăm năm. Trong tám đứa trẻ ra đời từ cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi, bốn đứa còn sống sót. Tôi là thứ năm theo thứ tự. Bốn đứa chết từ thuở sơ sinh vì bệnh bạch hầu, bệnh sốt phát ban; chúng chết gần như không ai để ý, cũng như chẳng mấy ai quan tâm đến những đứa sống sót. Đất đai, đàn gia súc, gia cầm, nhà cối xay đòi hỏi một sự chú ý đặc biệt. Mùa tiếp mùa, công việc đồng áng liên miên lấn át những tình cảm gia đình. Trong gia đình không có sự yêu thương vỗ về, nhất là trong những năm đầu, nhưng công việc đã tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa cha và mẹ tôi. ”Lấy một cái ghế cho mẹ”- cha tôi nói mỗi khi thấy mẹ bước tới thềm nhà, người trắng toát vì bụi cối xay. ”Masơca, chuẩn bị ấm nước nhanh lên – khi khác, mẹ tôi lại kêu lên như thế, ngay cả khi chưa bước chân vào đến nhà. – Ông sắp ở đồng về rồi đấy”. Cả hai đều biết rất rõ cái giới hạn tột cùng của sự mệt nhọc thể xác.
Cha tôi hơn mẹ tôi rõ ràng cả về tinh thần lẫn tính cách. Ông sâu sắc hơn, điềm đạm hơn và tế nhị hơn. Ông có cái nhìn sắc sảo hiếm có khi đánh giá, không chỉ về vật mà cả về người. Thường thường cha mẹ tôi không mấy khi mua sắm, đặc biệt là trong những năm đầu; cả cha lẫn mẹ tôi đều biết dè sẻn từng đồng cô-pếch. Nhưng cha tôi biết, không một chút sai lầm, về giá trị những gì mình mua. Từ mảnh dạ, cái mũ, con ngựa hay cỗ máy, ở đâu ông cũng có ý thức về chất lượng.
– Cha không thích những đồng xu này – sau này ông nói vói tôi như để thanh minh về tính keo kiệt của mình -, nhưng cha cũng không thích nếu thiếu chúng. Thật là một tai họa lớn khi cần tiền mà lại thiếu.
Cha tôi nói sai ngữ pháp, lẫn lộn tiếng Nga với tiếng Ucơraina và nặng về tiếng Ucơraina hơn.
Ông đánh giá con người theo phong thái, khuôn mặt, cách ứng xử và thường thường ông đúng.
– Thế nào ấy, tôi không thích cậu sinh viên này – ông nói về một người khách mới đến chơi -, có phải là hắn ta hơi ngốc nghếch không?
Lũ trẻ không bằng lòng vì cha nghĩ thế về khách, nhưng trong lòng chúng thấy ông nói đúng. Chỉ đôi lần đến thăm một nhà lạ là ông đoán ra rất đúng mặt bên trong của đời sống gia đình ấy.
Sau nhiều lần sinh đẻ và công việc, mẹ tôi bị ốm một thời gian và phải đi điều trị đều đặn tại một thầy thuốc ở Kháccốp. Những lần đi lại như vậy là sự kiện lớn, phải chuẩn bị lâu la từ trước. Mẹ tôi để dành tiền, sắp xếp những lọ bơ, bánh quy bơ, gà quay và nhiều thứ khác. Bà dự kiến phải tiêu pha nhiều tiền. Mỗi lần khám bệnh, mẹ tôi trả ba rúp cho bác sĩ. Mọi người nói nhiều về chuyện đó, cả trong gia đình, cả trước mặt khách khứa, vừa nói vừa giơ ba ngón tay với một bộ mặt đầy ý nghĩa đặc biệt: trong đó có sự tôn sùng khoa học nhưng cũng có ý phàn nàn vì nó quá tốn kém và cả lòng hãnh diện vì chúng tôi có khả năng trả những khoản tiền không thể tưởng tượng ấy. Chúng tôi hồi hộp chờ mẹ về. Bà về với một chiếc áo dài mới, trông thật lịch sự giữa căn nhà bếp ở Ianốpca. Bà còn mang về một cái bếp dầu dùng để nấu nướng trong mấy tuần, một quả bóng cao su và một con ngựa bằng giấy bồi cho tôi, một con búp bê cho em gái tôi.
Hồi còn nhỏ, cha tôi đối xử với chúng tôi dịu dàng và điềm đạm hơn. Mẹ tôi hay cáu kỉnh, đôi khi vô lý do, đơn giản bà muốn trút lên đầu lũ trẻ sự mệt nhọc hay thất bại gì đó của công việc. Thời ấy, khi cần gì chúng tôi thường xin cha nhiều hơn. Nhưng thời gian trôi qua, ông trở nên khẳn tính bởi những khó khăn trong cuộc sống, những mối lo ngày càng tăng với sự tấn tới của công việc kinh doanh – nhất là trong khủng hoảng nông nghiệp thập niên tám mươi -, và những thất vọng do lũ trẻ gây ra.
Những mùa đông dài, khi tuyết vùng thảo nguyên bao phủ Ianốpca tứ bề và vun thành đống cao quá cửa sổ xung quanh nhà, mẹ tôi thích ngồi đọc sách. Bà ngồi trên cái tầng thấp hình tam giác của phòng sưởi, đặt chân lên một chiếc ghế, hoặc những khi hoàng hôn xuống rất nhanh vào mùa đông bà chuyển sang ghế bành của cha tôi cạnh cánh cửa sổ nhỏ đầy những bông tuyết và đọc thì thầm, nhưng vẫn nghe rõ từng câu, một cuốn tiểu thuyết đã cũ mòn của thư viện Bôbrinhét, ngón tay mệt mỏi lần theo các hàng chữ. Bà thường bị sững lại ở một từ nào đó và lúng túng trước những câu rắc rối. Đôi khi, một đứa con ”nhắc bài” làm cho bà hiểu khác hẳn những gì đã đọc. Nhưng bà vẫn kiên trì và đọc không biết mệt mỏi: trong những giờ rỗi rãi của những ngày đông yên tĩnh, có thể nghe ngay từ thềm cửa ra vào tiếng đọc thì thầm và đều đặn của bà.
Cha tôi đã già khi ông tập đánh vần để ít nhất cũng đọc được các tựa đề sách của tôi. Năm 1910 ở Béclin [Berlin], tôi rất cảm động nhìn ông cố hết sức để hiểu cuốn sách tôi viết về đảng Xã hội Dân chủ Đức.
Khi cách mạng tháng Mười diễn ra, cha tôi đã là một người hết sức sung túc. Mẹ tôi mất vào năm 1910 song cha tôi còn sống đến khi chính quyền Xô-viết được thiết lập. Trong giai đoạn cao điểm của cuộc nội chiến đặc biệt kéo dài ở phía Nam, khi các chính quyền bị thay đổi liên tục, ông già bảy nhăm tuổi ấy đã phải đi bộ vài trăm cây số để tìm một chỗ ẩn náu tạm thời ở Ôđétxa [Odessa]. Hồng quân nguy hiểm đối với ông vì ông là địa chủ, còn Bạch vệ săn đuổi ông vì ông là cha tôi. Sau khi quân đội Xô-viết quét sạch phương Nam, ông có thể về Mátxcơva. Cố nhiên cách mạng tháng Mười đã tước đoạt mọi thứ ông dành dụm được trong đời. Trong hơn một năm, ông quản lý một nhà cối xay nhỏ của nhà nước tại vùng ngoại ô Mátxcơva. Xiurupa [Tsiouroupa], dân ủy Bộ Lương thực và Thực phẩm thời ấy thích nói chuyện với cha tôi về những vấn đề kinh tế. Cha tôi mất vào mùa xuân năm 1922 vì bệnh dịch tả, đúng lúc tôi đang thuyết trình tại Đại hội lần thứ tư Quốc tế Cộng sản.
Nơi chủ yếu, quan trọng nhất ở Ianốpca là nhà xưởng, chỗ làm việc của Ivan Vaxiliêvích Grêben. Anh phục vụ cha tôi tôi từ năm hai mươi tuổi, đúng vào lúc tôi ra đời. Anh mày tao với bọn trẻ, kể cả những đứa lớn, chúng tôi gọi anh là ”anh” và gọi ”Ivan Vaxiliêvích” một cách kính trọng. Khi bị gọi nhập ngũ, cha tôi đi cùng anh và bỏ tiền hối lộ ai đó, thế là Grêben được ở lại Ianốpca. Đó là một người rất tài giỏi và điển trai, ria màu vàng suộm và chòm râu cằm để kiểu Pháp. Anh thạo tất cả mọi việc: sửa chữa máy hơi nước, trông coi nồi hơi, tiện những chiếc ốc vít bằng thép và gỗ, những vòng bi bằng đồng đặt trên lò xo, sửa đồng hồ quả quýt, đồng hồ để bàn, điều chỉnh đàn dương cầm, bọc đệm bàn ghế và lắp một cái xe đạp hoàn chỉnh tuy không có lốp. Xong lớp dự bị, trong khi chờ vào lớp đệ nhất, tôi tập xe đạp trên bộ khung ấy. Từ xa, những người Đức nhập cư đến nhà xưởng nhờ sửa chữa máy gieo hạt, máy bó lúa và mời Ivan Vaxiliêvích đến chỗ họ khi họ cần mua một chiếc máy đập hoặc máy hơi nước. Người ta hỏi cha tôi về những vấn đề kinh tế và hỏi Ivan Vaxiliêvích về kỹ thuật. Trong nhà xưởng có cả những thợ phụ và thợ học nghề. Tôi đã phải học lại rất nhiều việc từ những thợ học nghề này.
Người đến học việc đầu tiên là Xênhia Ghéctôpanốp [Sénia Gertopanov], con một địa chủ xưa kia cũng giàu có nhưng đã hoàn toàn phá sản; hắn không lưu lại đây được lâu vì bị Ivan Vaxiliêvích đuổi đi. Vichia Ghéctôpanốp, một thanh niên khôi ngô, rắn rỏi thế chân anh ta, rồi đến Đavít Sécnhikhốpxki [David Chernikhovsky], con ông già Hécsơ [Hersh], một thợ xay có bộ râu khó tưởng tượng được. Đavít yếu nhưng chăm làm. Ở xưởng, một vài lần anh sửa cái dây treo quần cho cha anh, vốn bị sa ruột.
– Làm cái gì thế, Đavítca [Davidka]? Một cái dây cương cho bố cậu à? – anh cai Phôma [Foma] hỏi.
Đavít cười lúng túng và vội vã quay về công việc của anh.
Nhiều lần tôi làm gien cho ê-cu và đinh vít ở trong xưởng. Tôi rất thích công việc này vì kết quả có ngay trong tay. Đôi khi tôi cũng đòi hòa màu trên một cái đĩa bằng đá rất nhẵn. Nhưng chẳng mấy chốc, tôi đã mệt và ngày càng hỏi nhiều xem như vậy đã được chưa. Ivan Vaxiliêvích thọc ngón tay vào hỗn hợp ấy và lắc đầu tỏ ý chưa được. Cuối cùng tôi trả đĩa đá cho một người học việc.
Đôi khi Ivan Vaxiliêvích ngồi lên trên một cái rương con đựng đồ nghề để trong góc, sau bàn thợ. Anh hút thuốc và nhìn mơ hồ vào không trung, có lẽ anh suy nghĩ hoặc nhớ lại một cái gì, cũng có thể anh chỉ nghỉ ngơi vô tư lự. Những lúc đó, tôi trườn đến bên anh và vân vê một sợi ria dày màu vàng suộm, hoặc chăm chú nhìn bàn tay với những ngón rất đặc biệt của người thợ cả. Tất cả làn da trên tay anh lấm tấm những chấm đen: đó là những mảnh vô cùng bé đã chui vĩnh viễn vào da thịt khi anh mài sắc đĩa mài. Ngón tay dinh dính như những rễ cây, nhưng hoàn toàn không cứng, nó bè ra ở đầu cùng, hết sức linh hoạt và ngón tay cái có thể bẻ thành vòng cung. Mỗi ngón tay biết tự mình hoạt động theo mỗi cách, chung sức lại chúng tạo thành một ê-kíp tuyệt vời. Dù còn rất bé, tôi vẫn nhìn và cảm thấy bàn tay ấy không cầm búa hay kìm như những bàn tay khác. Ngón cái bàn tay trái có một đường sẹo vòng tròn nằm hơi chếch. Đúng vào ngày tôi ra đời, Ivan Vaxiliêvích bị lưỡi rìu bập phải tay, ngón tay treo lủng lẳng chỉ còn dính một tý da. Cha tôi tình cờ nhìn thấy người thợ máy trẻ này đang đặt bàn tay lên một tấm ván chuẩn bị chặt rời hẳn ngón tay. ”Khoan, dừng lại đã – cha tôi kêu lên -, ngón tay có thể liền lại được”. ”Ông cho là nó sẽ liền lại à?” – người thợ máy hỏi và thả cái rìu xuống. Ngón tay cái dính lại thật và hoạt động tốt, chỉ có điều là không thể bẻ cong nó về phía sau như ngón cái của bàn tay phải.
Ivan Vaxiliêvích sửa một cái súng cổ kiểu Bécđan [Berdan] thành súng bắn đạn chì và thử độ chính xác của nó: theo thứ tự, mỗi người bắn một viên để làm tắt một cây nến đặt cách vài bước. Không phải ai cũng thành công. Tình cờ cha tôi bước vào. Khi nâng khẩu súng lên vai và bắn, tay ông run run và ông cầm súng cũng không vững. Tuy nhiên, ông làm tắt ngay ngọn nến. Cha tôi có con mắt chắc chắn trong mọi việc và Ivan Vaxiliêvích cũng hiểu điều đó. Hai người không bao giờ bất hòa mặc dù đối với kẻ khác, cha tôi sử sự như một ông chủ, thường rầy la và cảnh cáo họ.
Trong xưởng tôi luôn luôn có việc. Tôi thổi bệ lò được Ivan Vaxiliêvích thiết kế theo cách riêng của anh: không thấy chiếc quạt gió vì nó nằm trên gác xép và điều này khiến những người đến thăm phải kinh ngạc. Tôi quay bánh xe của máy tiện đến mệt nhoài, nhất là khi người ta tiện những hòn bi tròn có khía bằng gỗ keo để làm cái móc. Ngoài ra, trong nhà xưởng người ta còn nói nhiều chuyện thật lý thú. Không phải lúc nào họ cũng giữ phép lịch thiệp, nói đúng hơn là chẳng bao giờ họ giữ ý tứ. Ngược lại, tầm nhìn của tôi được mở rộng không phải ngày này sang ngày khác, mà giờ này qua giờ khác. Phôma kể về các đại điền trang nơi anh đã làm việc và những cuộc phiêu lưu của các ông chủ, bà chủ. Phải nói rằng anh không có thiện cảm mấy với họ. Anh thợ xay Philíp nhập cuộc với những kỷ niệm thời quân ngũ. Ivan Vaxiliêvích đặt câu hỏi, xoa dịu mọi người và bổ sung điều này, điều khác vào những chuyện đã kể.
Anh Iasơca [Iachka] – thợ đốt lò, đôi khi kiêm thợ rèn – là một người tóc hung, mặt mày ủ dột, chừng ba mươi tuổi và không ở đâu lâu một chỗ. Luôn luôn có một cái gì đó thúc đẩy anh: khi thì mùa thu, khi thì mùa xuân, anh biến đi và nửa năm sau mới quay lại. Ít khi anh uống rượu nhưng khi đã uống thì ra trò. Anh rất mê săn bắn nhưng đã bán cả khẩu súng của mình để uống. Phôma kể chuyện một lần Iasơca đi chân đất vào một cửa hiệu ở Bôbrinhét: đôi chân trần của anh dính đầy bùn đen ngoài ruộng, anh hỏi mua một mồi đạn cho khẩu súng hỏa mai của mình. Cố tình làm đổ cái hộp, anh cúi xuống nhặt mồi đạn, giữa chừng giẫm chân lên một cái và cứ thế anh tha nó đi.
– Phôma bịa phải không? – Ivan Vaxiliêvích hỏi.
– Anh ấy bịa làm gì? – Iasơca trả lời -, lúc đó tôi không có lấy một cô-pếch.
Tôi thấy cách kiếm những thứ người ta đang cần như thế thật tuyệt vời và đáng bắt chước.
– Igơnát [Ignat] nhà ta đã đến – cô hầu phòng Masơca báo tin. – Nhưng Đunca [Dounka] lại không có ở đây, chị ấy về nhà nhân ngày lễ rồi.
Khi nói về anh thợ đốt lò Igơnát, người ta nói Igơnát ”nhà ta” để phân biệt với Igơnát gù lưng, ông này vốn là hương trưởng trước Tarát [Tarass]. Igơnát ”nhà ta” bị gọi đi tòng quân. Ivan Vaxiliêvích thân chinh đo vòng ngực của anh ta và nói: ”Chẳng bao giờ người ta bắt hắn đi đâu”. Hội đồng Kiểm tra cho Igơnát vào bệnh viện một tháng để khám. Ở đó, anh làm quen với những công nhân thành phố và quyết định thử vận may trong một nhà máy. Igơnát đi ủng thị thành và mặc một cái áo khoác da ngắn thêu diêm dúa. Anh ở suốt ngày trong xưởng để kể về thành phố, về công việc, về các tập tục, máy móc và lương lậu.
– Đúng rồi, nhà máy… – Phôma trầm ngâm nói.
– Nhà máy không phải như một cái xưởng – Philíp nói đế vào. Và thế là mọi người suy tư nhìn về hướng nhà xưởng.
– Nhiều máy lắm hả? – Víchto [Victor] háo hức hỏi.
– Như rừng…
Tôi mở to mắt lắng nghe và tự tưởng tượng ra một nhà máy như ngày xưa tôi tưởng tượng ra rừng: cả trên, cả phải, cả trái, cả đằng sau, cả đằng trước – chẳng thấy gì ngoài máy móc và Igơnát đứng giữa những cỗ máy ấy, lưng thắt chặt một chiếc dây da. Chúng tôi còn được biết Igơnát có cả một chiếc đồng hồ quả quýt. Người ta chuyền tay nhau xem. Buổi tối ông chủ đi dạo trong sân với Igơnát, theo sau có anh thư ký. Tôi cũng quẩn quanh bên họ, lúc cạnh cha tôi, lúc thì cạnh Igơnát.
– Thế thức ăn thì sao? Anh mua bánh mì trong hiệu à? Cả sữa nữa? Phải trả tiền thuê nhà hả?
– Đúng thế, phải trả tiền tất cả – Igơnát gật đầu công nhận. – Có điều tiền lương cũng khác.
– Tôi biết là khác, nhưng tất cả những gì cậu kiếm được xem ra đều đi theo cái ăn cả.
– Thế mà – Igơnát quả quyết nói -, trong nửa năm tôi cũng may mặc được chút ít, lại còn tậu được cái đồng hồ nữa, trong túi tôi đây này.
Và anh lại lôi chiếc đồng hồ ra để khoe. Lý lẽ này không ai cãi lại được. Ông chủ lặng thinh rồi hỏi:
– gì? Hẳn cậu cũng uống chứ, Igơnát? Ở đấy cậu có những ông chủ, họ tập cho cậu nốc rượu ngay chứ?Làm gì có chuyện ấy, tôi đâu có thèm cái thứ vốt-ca đó.
– Thế thì – bà chủ hỏi -, Igơnát, anh đưa Đunca đi theo chứ?
Igơnát nhìn sang một bên, cười với vẻ hối hận thoáng qua, nhưng không trả lời.
– Chà! Tao đã biết mà – bà chủ nói -, mày lại dính với con nào ở thành thị, thú thật đi, đồ lừa đảo! Và như thế Igơnát đi khỏi Ianốpca.
Lũ trẻ con bị cấm vào nhà người ở. Nhưng ai quản được chúng? Bao giờ ở đó cũng có nhiều điều lý thú. Một thời gian dài, đầu bếp của chúng tôi là một bà có gò má dô, mũi dị dạng. Chồng bà, một ông già liệt nửa bộ mặt, trông coi gia súc. Những người như họ bị gọi là caxáp vì họ xuất thân từ vùng nội địa của chính phủ. Đôi vợ chồng này có một cô con gái tám tuổi rất xinh, mắt xanh và tóc vàng. Nó đã quen việc cha mẹ nó cãi nhau liên miên.
Ngày chủ nhật, các cô gái lại chơi trò lục lọi tìm kiếm trong tóc nhau hoặc trong tóc các chàng trai. Trong phòng người ở, trên một bó rơm, hai cô Tachiana [Tatiana] – cô lớn và cô bé – nằm ườn cạnh nhau. Gã coi ngựa Aphanátxi [Afanassi] – con anh thư ký Pútđơ [Poud] và anh của cô đầu bếp Parátxca [Paraska] ngồi bắt ngang giữa hai cô: chân đặt lên Tachiana bé và cùi tay chống lên người Tachiana lớn.
– Này, thưa quan tổng trấn Môhamét [Mohamed] – anh thư ký nói với vẻ ghen tức -, chẳng phải đã đến lúc dắt ngựa đi uống nước ư?
Gã Aphanátxi tóc hung này cùng với anh Mutudốc [Moutouzok] tóc đen là những người hay hành hạ tôi. Khi vô tình tôi dến đúng vào lúc chia cháo đặc, thế nào cũng có một giọng nói giễu cợt vang lên: ”Nào Liôva, ăn trưa với chúng tôi chứ”, hoặc ”Này Liôva, cậu xin bà cho chúng tôi một ít thịt gà đi”. Những khi ấy tôi lúng túng và rón rén đi ra.
Đến lễ Phục sinh, người ta làm bánh xốp và nhuộm trứng cho công nhân. Cô Raixa rất khéo tay trong việc nhuộm trứng. Bà mang mấy quả trứng tô màu từ trại về và cho tôi hai quả. Sau hầm rượu, trên một sườn dốc, người ta lăn trứng, đập quả nọ vào quả kia xem trứng của ai cứng nhất? Tôi đã gần thắng cuộc, chỉ còn lại Aphanátxi. ”Đẹp chứ, phải không?”- tôi chỉ cho anh những quả trứng vẽ. ”Cũng khá – Aphanátxi trả lời với bộ mặt hờ hững. – Cậu có muốn mình đập trứng không, xem của ai cứng hơn?”. Tôi không dám từ chối lời thách thức. Aphanátxi cầm trứng đập và quả trứng vẽ của tôi bị dập đầu.”Nào thấy chưa, trứng của tôi cứng hơn – Aphanátxi nói -, thử quả khác xem nào?” Tôi ngoan ngoãn chìa nốt quả kia ra. Aphanátxi lại đập: ”Tôi lại thắng rồi”. Anh vồ lấy cả hai quả trứng và đi không ngoảnh lại. Tôi ngơ ngác nhìn anh ta và muốn bật khóc nhưng sự đã rồi.
Những người thợ làm việc thường xuyên cả năm cho gia đình chúng tôi chỉ chiếm số ít. Trong những năm trồng trọt lớn, đội ngũ vài trăm công nhân phần lớn là những người làm theo thời vụ, đến từ Kiép, Trécnhigốp [Tchernigov], Pôntava. Người ta thuê họ làm vệc cho đến lễ Thiên mạc, tức là ngày 1 tháng Mười. Vào những năm được mùa, chính phủ Khécxôn thu nạp hai, ba trăm ngàn công nhân loại ấy. Trong bốn tháng hè, những thợ gặt đàn ông được nuôi ăn và lĩnh bốn mươi đến năm mươi rúp, đàn bà hai mươi đến ba mươi rúp. Cánh đồng là nhà của họ, khi mưa thì đã có các đụn rơm. Bữa trưa của họ gồm có món củ cải hầm và cháo đặc, bữa tối có cháo kê. Người ta không cho họ ăn thịt, về chất béo hầu như họ chỉ được ăn dầu thực vật nhưng cũng rất ít. Thành thử đôi lúc họ cũng bất bình. Công nhân bỏ gặt, tụ tập trong sân, nằm sấp trong bóng râm các vựa thóc, họ giơ lên không những bàn chân trần nứt nẻ, bị rạ cứa nát và chờ đợi. Khi ấy người ta cho họ sữa chua hoặc dưa đỏ, hoặc nửa túi cá khô và họ lại quay về làm việc, nhiều khi còn ca hát. Điều này xảy ra ở tất cả các trang trại nông nghiệp. Có những người thợ gặt tuổi khá cao, lực lưỡng, rám nắng đến làm vệc ở Ianốpca trong mười năm liền vì biết rằng ở đó luôn có công việc cho họ. Họ được lĩnh hơn những người khác vài rúp và thỉnh thoảng được một ly vốt-ca vì họ giữ được nhịp điệu lao động. Những người khác đem cả gia đình tới đây thành một ổ. Họ đi bộ hàng tháng trời từ xứ sở của mình, sống bằng bánh mì và đêm ngủ trong chợ. Có một vụ hè các công nhân đều lần lượt mắc chứng quáng gà. Khi hoàng hôn xuống họ đi lại chậm chạp, hai cánh tay giơ ra phía trước. Một người cháu của mẹ tôi đến thăm gia đình, anh viết một bài tường thuật về chuyện này, được Hội đồng Tự quản địa phương chú ý. Họ cử một thanh tra đến chỗ chúng tôi. Cả cha lẫn mẹ tôi đều rất bực dọc với việc làm của cậu ”phóng viên”, người mà họ vẫn yêu quý. Bản thân cậu cũng không thích thú gì với sáng kiến này. Sự việc cũng không đem lại hậu quả đáng tiếc: ông thanh tra xác định nguyên do của căn bệnh là vì chế độ ăn uống thiếu mỡ, phổ biến trong gần hết miền này, bởi ở đâu người ta cũng nuôi công nhân như vậy, có nơi còn tệ hơn.
Trong nhà xưởng, nhà người ở, nhà bếp, sân sau, thế giới mở rộng ra trước mắt tôi và khác so với trong gia đình. Cuốn phim cuộc sống không bao giờ hết mà tôi mới chỉ ở những khúc đầu. Khi tôi còn bé, sự có mặt của tôi không làm phiền ai. Họ tha hồ mở miệng, không bị ai cản trở, nhất là khi vắng mặt Ivan Vaxiliêvích hoặc anh thư ký, những người dù sao cũng tham gia ít nhiều vào ban điều khiển. Bên ánh lửa của lò rèn hoặc bếp nấu ăn, cha mẹ tôi, những người thân thích và bà con hàng xóm nhiều khi xuất hiện trước mắt tôi dưới một ánh sáng hoàn toàn mới. Rất nhiều điều trong những câu chuyện hồi đó vĩnh viễn đọng lại trong tôi và có thể trên nhiều phương diện, chúng đã đặt nền móng cho cái nhìn của tôi về xã hội hiện đại.