Nguyễn Giang*
Dẫn nhập
Năm 1989, đúng 30 năm trước, tại Ba Lan diễn ra Hội nghị Bàn tròn, tạo môi trường chia sẻ quyền lực giữa Công đoàn Đoàn kết và đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, đưa tới chỗ giải thể mô hình Xô-Viết ở Ba Lan, phục hồi chế độ dân chủ đa đảng. Nước Ba Lan dân chủ nhưng kiệt quệ về kinh tế phải đối mặt với nhiều lựa chọn chiến lược về đối nội, và đối ngoại. Đặc biệt, sau khi Liên Xô tan rã cuối 1991, sức ép ý thức hệ XHCN không còn nữa, mà Ba Lan và các nước Đông Âu mới độc lập tự chủ lại đối mặt với vấn đề địa chính trị muôn thuở: làm gì với Nga, với Đức, và các láng giềng lớn nhỏ ở châu Âu. May thay cho các chính phủ Ba Lan, một chính sách ngoại giao khá hoàn chỉnh đã có sẵn để họ chọn.
Từ chính phủ Tadeusz Mazowiecki, qua thời chính quyền gốc cộng sản của Tổng thống Aleksander Kwasniewski, tới chính quyền thiên hữu hiện nay, về cơ bản, Cộng hòa Ba Lan đã thực hành Chính sách phía Đông của nhóm trí thức hải ngoại tập trung quanh tạp chí Kultura ở Paris, tồn tại từ 1947 đến 2000.
Về cơ bản, ban đầu chỉ có tên khiêm tốn là Chính sách Nga và ULB, viết tắt của Ukraine, Lithuania và Belarus, nói Ba Lan cần chú ý tối đa vào việc xây đắp quan hệ hữu hảo với ba láng giềng phía Đông để phòng ngừa tham vọng bá quyền của Nga, đường lối này đã phát triển rộng thành chiến lược ngoại giao đầy đủ cho Ba Lan.
Điểm lại các nét chính trong việc hình thành tư tưởng chính trị – ngoại giao của các trí thức quanh tờ Kultura và Viện Nghiên cứu Văn học (Instytut Literacki) của người Ba Lan tại Tây Âu, chúng tôi thấy cần giới thiệu tạp chí Kultura và tư tưởng canh tân cho Ba Lan qua các nội dung sau:
- Bối cảnh lịch sử Chiến tranh Lạnh và trí thức Ba Lan ở hải ngoại, với thất bại chính trị mang tính thế hệ và ‘cạm bẫy địa chính trị’, Ba Lan luôn bị kẹt giữa Đức và Nga;
- Các cá nhân nổi bật và các giai đoạn hoạt động của tạp chí Kultura;
- Tư tưởng mới về ngoại giao cho Ba Lan việc ứng dụng các ý tưởng chính của Kultura vào thực tiễn. Các vấn đề đạt được, chưa đạt được ngày nay;
- Kết luận về vai trò của trí thức cho canh tân, phát triển

Tạp chí Kultura (1947-2000)
Trong Thế Chiến 2, Ba Lan bị thua Đức cùng Liên Xô và mất nước (09/1939) nhưng các lực lượng chính trị, quân sự chủ chốt đã di tản khỏi nước này. Chính phủ Ba Lan hợp pháp sau khi chạy sang Romania đã tới Pháp và sang Anh, đóng trụ sở ở London.
Ở chiến trường Tây Âu, một lực lượng lớn do tướng Wladyslaw Anders chỉ huy thoát khỏi Liên Xô sang Iran rồi tập kết ở Tây Âu. CH Ba Lan có danh nghĩa chính thức là bên tham chiến cùng phe Đồng Minh tại Tây Âu với các quân đoàn tác chiến (245 nghìn) dưới sự chỉ huy của Anh và Mỹ.
Ở phía Đông, sau vụ thảm sát Katyn, Stalin đã cần quân Ba Lan nên đồng ý cho lập ra Lực lượng Quân đội Nhân dân Ba Lan do tướng Zygmunt Berling chỉ huy. Sau khi Thế Chiến 2 kết thúc, quân đội này đã làm chủ Ba Lan cùng quân Liên Xô, còn hàng trăm nghìn quân Ba Lan chiến đấu ở Tây Âu (chiến trường Ý, Pháp, Đức) phải giải ngũ và sống lưu vong.
Câu hỏi Ba Lan đứng về phe bại trận hay thắng trận năm 1945, đã không có câu trả lời rõ ràng.
Về lãnh thổ, Ba Lan bị mất 1/3 đất đai, đô thị lớn cũng là các trung tâm văn hóa quan trọng như Lvov và Vilnius, cho Liên Xô. Đổi lại, Ba Lan nhận ¼ lãnh thổ của Đức và nhiều vùng công nghiệp, trung tâm khoa học, hải cảng quan trọng (Katowice, Wroclaw, Szczecin).
Nhưng về thể chế, nền dân chủ tư sản và văn hóa nghị trường tự do bị xóa sổ, với chính quyền mới theo mô hình Stalinist áp đặt hệ thống toàn trị lên xã hội Ba Lan, triệt tiêu thảo luận. Đặc biệt, mọi hoạt động xuất bản độc lập bị cấm, trừ một số ấn phẩm của Giáo hội Công giáo được phát hành nội bộ, nhưng tránh đề cập trực tiếp đến chính trị.
Vị thế của người Ba Lan hải ngoại và sự ra đời của Kultura
Ra đời nhờ một ngân quỹ của các cựu chiến binh Ba Lan ở cả Pháp, Bỉ, Anh…đóng góp, tờ Kultura đã tập hợp hàng chục trí thức, cựu quân nhân Ba Lan và trở thành điểm thảo luận của mọi vấn đề chính của chính trị quốc tế, cộng đồng Ba Lan lưu vong, và nước Ba Lan thời cộng sản.
Người sáng lập ra Kultura là Jerzy Giedroyc (1906-2000), một cựu quân nhân gốc quý tộc Ba Lan-Lithuania, sinh ra ở Minsk, trong gia đình công tước Giedroyc có các sĩ quan cao cấp trong quân đội Nga Hoàng (bản thân Jerzy Giedroyc từng có vợ Nga, Tatiana).
Sau khi định cư tại Pháp vào năm 1947, ông đã cùng các chiến hữu lập ra tạp chí văn học – chính trị Kultura trên cơ sở các hoạt động văn hóa trước đó, khi Giedroyc còn đóng quân ở Ý vào năm 1946.
Chiến trường Ý là nơi các lực lượng Ba Lan ghi công lớn nhất cho Đồng Minh chống phát-xít, cụ thể là trận chiến ở Monte Casino (1-5/1944, với số thương vong phía Đức là 20 nghìn, quân Đồng Minh là trên 50 nghìn). Các ấn phẩm ở Ý chủ yếu là in lại văn học Ba Lan yêu nước, đăng tải bởi nhóm mang tên Viện Nghiên cứu Văn học (Instytut Literacki) do Jerzy Giedroyc gặp một số bạn cùng chí hướng trong Quân đoàn 2, Lực lượng Ba Lan Tự do lập ra.
Phải đến khi sang Pháp và đã giải ngũ Jerzy Giedroyc mới thực sự để toàn tâm toàn ý vào công tác văn hóa, lịch sử cho tờ Kultura. Về mặt kỹ thuật, Viện Nghiên cứu Văn học Ba Lan ở hải ngoại là cơ sở xuất bản nguyệt san Kultura và viện này còn hoạt động – do bà Zofia Hertz phụ trách đến tận năm 2010. Tuy thế, Kultura gắn liền với tên tuổi Jerzy Giedroyc và ngừng ấn bản năm 2000, khi ông qua đời.

Về nhân sự, Jerzy Giedroyc là lãnh đạo của cả Viện Nghiên cứu Văn học (IL) và chủ bút tờ Kultura.
Các cộng sự thân tín nhất của ông có Zygmunt Hertz, nhà sử học, cựu binh phòng không, cựu tù nhân ở Liên Xô, và vợ, bà Zofia Hertz (họ gốc Neuding, người Do Thái từ Warsaw); Jozef Czapski, nhà văn, họa sĩ, cựu thiếu tá quân đội Ba Lan (Jozef Czapski là bá tước dòng họ Hutten và Thun-Hohenstein, song ngữ Ba Lan – Nga, trưởng thành ở St Petersburg, sáng tác cả bằng tiếng Pháp); Gustaw Herling-Grudziński, nhà văn, nhà báo gốc Do Thái Ba Lan, anh hùng kháng chiến, tù binh ở Liên Xô, tham gia chiến dịch Bắc Phi, và một số người khác.
Từ 1947 đến 2010, nhóm của Giedroyc xuất bản 637 số Kultura, ngoài ra là ‘Tập san Lịch sử’ (Zeszyty Historyczne – 171 số), nhiều gần 100 đầu sách.
Về mặt tổ chức, Jerzy Giedroyc cho rằng để có tự do thì phải độc lập toàn bộ ngay cả trong hoạt động in ấn, xuất bản. Sống bằng tiền mua báo và đóng góp của công chúng Ba Lan, Kultura tránh xa mọi đảng phái chính trị Ba Lan ở hải ngoại. Giedroyc dùng khái niệm “Cuộc hành hương tới Tự do” của văn hào Adam Mickiewicz (1789-1855) để làm tôn chỉ cho hoạt động. Chỉ tự do khỏi cả các định kiến lịch sử, chính trị ám ảnh dân tộc Ba Lan trong hai thế kỷ liền, thì người Ba Lan mới tìm được lối đi tới độc lập.
Kultura phấn đấu trở thành Nghị viện cho Ba Lan ở hải ngoại, theo lời Juliusz Mieroszewski, một cộng sự thân tín của Jerzy Giedroyc. Vì thế, tạp chí này chấp nhận tất cả các xu hướng chính trị: phái Pilsudski, xã hội chủ nghĩa, bảo thủ, gốc cộng sản, và cũng phỏng vấn các nhà bình luận châu Âu về các vấn đề của họ và của Ba Lan.
Trên thực tế, Kultura đã trình bày ra nhiều trường phái chính trị của người Ba Lan, giới thiệu lại cả các tư duy trước Thế Chiến 2, và bàn nhiều về lịch sử các quốc gia châu Âu.
Các nhân vật tham gia hoặc được đăng tải
Ban đầu, Kultura chỉ có các cây biết từ cộng đồng Ba Lan hải ngoại ở các nước Phương Tây. Kultura cũng in lại nhiều tiểu luận, tác phẩm văn học và sách của các tác giả thời trước hoặc cùng thời (Witold Gombrowicz, Czeslaw Milosz, Marian Pankowski, Leo Lipski, Andrzej Chciuk).
Trong thập niên 1950s, tạp chí tập trung vào cả các bài nói về chủ nghĩa Stalin, Liên Xô và giai đoạn Tan băng sau khi Stalin chết (1953).
Cùng thời gian, Kultura dùng các sự kiện văn học như kỷ niệm sách của Stanislaw Rembek (1958) để mời các nhà bình luận trong nước cộng tác viết bài.
Các cây bút nổi tiếng như Stefan Kisielewski, Witold Jedlicki, Artur Maria Swinarski, Andrzej Stawar ở Ba Lan đều viết cho Kultura. Từ bên ngoài, các tác giả đã lưu vong, gồm cả những trí thức Ba Lan gốc Do Thái hàng đầu như Henryk Grynberg (nhà văn), Leszek Kołakowski (triết gia, tác giả phê phán Marxism), Leopold Tyrmand (biên tập tạp chí Chronicles of Culture cùng John A. Howard, Hoa Kỳ) đều có mặt trên Kultura. Ngoài ra là các ông Piotr Guzy (nhà văn, phóng viên BBC, Radio Free Europe), Włodzimierz Odojewski (nhà xã hội học, nhà văn, sống tại Munich, Đức).
Mặt khác, Kultura giới thiệu các nhà văn, triết gia, cây bút về khoa học chính trị nước ngoài cho bạn đọc Ba Lan, mà các tên tuổi lớn đều được điểm ra như James Burnham, Raymond Aron, Jeanne Hersch, Alexander Hertz, Daniel Bell, Milovan Dżilas, Simone Weil, Albert Camus, Wiktor Sukiennicki.
GS Sukiennicki là một chuyên gia tầm cỡ về Liên Xô tại Oxford (sau sang ĐH Stanford, Hoa Kỳ), người gốc Ba Lan và đã đóng vai trò quan trọng về phân tích chính trị Liên Xô, Đông Âu trên trang của Kultura.
Năm 1964, sau các cuộc khủng hoảng Poznan, Budapest, Cuba, hy vọng về thời cởi mở hậu Stalin tan biến, nhà văn Gustav Herling- Grudziński, tác giả cuốn ‘Inny Swiat’ (bản dịch tiếng Anh là ‘A World Apart: The Journal of a Gulag Survivor’) viết trên trang Kultura: “Chủ nghĩa cộng sản có mục tiêu cơ bản là xóa bỏ giá trị từng cá nhân con người”.
Ông kêu gọi các bạn văn cùng chí hướng hãy làm ngược lại, là xây dựng lại các giá trị đó từ gốc rễ. Đây cũng là điều triết gia Leszek Kolakowski đồng ý.
Sang những năm 1970, con số cây viết từ Ba Lan gửi bài cho Kultura ngày càng tăng và không chỉ đăng bài của họ, Kultura dùng không gian tự do ở Pháp để giúp hàng loạt tác giả trong nước phát hành sách, điều không chỉ tốn kém về mặt tài chính mà còn là ước mơ không thể đạt được tại Ba Lan vì kiểm duyệt gay gắt.
Giai đoạn này, sách, tập thơ, chính luận của các cây bút sống ở Ba Lan như Stefan Kisielewski, Jerzy Andrzejewski, Kazimierz Orłos, Bogdan Madej, Wiktor Woroszylski, Kazimierz Brandys, Jacek Bierezin, Stanisław Barańczak, Ryszard Krynicki, Władysław Bieńkowski, Adam Michnik, Jacek Kuron, Jakub Karpiński, Janusz Szpotański, Marek Nowakowski…đã ra mắt công chúng nhờ công tác xuất bản của Jerzy Giedroyc, Zymunt Hertz, và vợ ông này, bà Zofia Hertz và cộng sự. Ban đầu, có những người như Kisielewski phải ký bút danh khác (Tomasz Staliński) để ra cuốn ‘Szlak (Con đường), nhưng sau này, đa số các tác giả Ba Lan ở trong nước ký tên thật..
Giao lưu trong và ngoài nước ít ra là về mặt văn hóa và tư duy chính trị cũng đều đặn hơn và người ở Ba Lan có thể đọc lén Kultura mà không sợ bị bắt.
Đặt lại vị trí của Ba Lan trong thời hậu chiến và tương lai dân chủ
Đầu tiên là nhu cầu đổi mới viễn kiến Ba Lan về mọi mặt và nhìn lại chính mình.
Tư tưởng canh tân của tạp chí Kultura bắt đầu từ tinh thần dũng cảm bác bỏ một loạt định kiến về tôn giáo, văn hóa truyền thống, ‘dân tộc tính’ của Ba Lan, và phủ nhận cả hai nhân vật lớn của lịch sử Ba Lan trong thế kỷ 20.
Về tôn giáo thì Công giáo La Mã với gần 100% dân Ba Lan là tín đồ luôn đóng vai trò lớn trong việc duy trì bản sắc văn hóa Ba Lan nhưng cho đến năm 1939, về cơ bản Ba Lan là quốc gia đa tôn giáo.
Chỉ sau Thế Chiến 2, trên 12 triệu dân Đức với đa số theo đạo Tin Lành bị trục xuất khỏi Đông Âu, gồm gần 7 triệu phải rời các vùng đất Moscow trao về cho Ba Lan như Đông Phổ (East Prussia), cao nguyên Silesia và vùng biển Pomerania. Cuộc diệt chủng Holocaust khiến gần như toàn bộ cộng đồng Do Thái ở Ba Lan (3 triệu người) bị phát-xít Đức xóa sổ. Các sự kiện này khiến tính ‘thuần khiết’ về tôn giáo và dân tộc tính ở Ba Lan sau 1945 càng rõ nét.
Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Ba Lan cũng đã dùng hình ảnh ‘một dân tộc’ mà Thế Chiến đem lại để xây dựng tính chính danh cho chế độ mới. Ngay trong các năm 1945-46, Warsaw bài xích người thiểu số gốc Đức và dân Ukraine chống cộng sản, đưa hàng nghìn người vào trại cải tạo, rồi đến 1968 đã tung ra chiến dịch ‘chống chủ nghĩa Zionism’ để thanh trừng trí thức gốc Do Thái còn sót lại.
Trong bối cảnh đó, ta thấy Jerzy Giedroyc đã dũng cảm đi ngược dòng để đề cao tính đa văn hóa và đa nguyên cần có cho nước Ba Lan hậu chiến. Tiểu sử của người sáng lập ra Kultura – sinh ra ở môi trường đa văn hóa ở Minsk (nay thuộc Belarus) trong gia đình quý tộc Ba Lan gốc Lithuania – khiến ông không chấp nhận hình ảnh kiểu mẫu ‘Người Ba Lan Công giáo’ (Polak Katolik) hoặc mô hình xã hội Ba Lan ‘thuần chủng’, một dân tộc, một Giáo hội.
Trong nỗ lực ‘hạ bệ các hình tượng’, Kultura không chỉ chỉ trích các nhân vật thuộc hệ thống chính trị Stalinist ở Ba Lan thời hậu chiến (1945- 1953) mà còn phê phán cả hai nhân vật lớn của Ba Lan thời kỳ độc lập đầu thế kỷ 20, hai ‘người hùng’ của phe đối lập Ba Lan trong suốt thời kỳ hoạt động chống cộng sản tới 1989.
Đó là hai ông Roman Dmowski, nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và Thống chế Jozef Pilsudski, lãnh tụ của đảng xã hội chủ nghĩa Ba Lan, ‘người cha lập quốc’, đem lại độc lập cho Ba Lan năm 1918.
Tư tưởng độc lập bằng tính chất Ba Lan truyền thống, bài Do Thái, bài Nga, chống Đức của Dmowski thỏa mãn tinh thần dân tộc Ba Lan nhưng khiến Ba Lan dễ bị cô lập, lưỡng đầu thọ địch, nhất là trong giai đoạn 1918-39. Sau này, phái ủng hộ Dmowski gây ra nhiều xung đột sắc tộc giữa dân Ba Lan và Ukraine, để lại di chứng lâu dài đến tận ngày nay.
Ngược lại, tinh thần quốc gia xã hội chủ nghĩa pha trộn với tính quân phiệt của Thống chế – Quốc trưởng Jozef Pilsudski, người được cả Stalin và Hitler ngưỡng mộ, đã đảm bảo an ninh tạm thời cho Ba Lan sau khi giành độc lập năm 1918. Thế nhưng, lỗ hổng trong tư tưởng Pilsudski là sự thiếu vắng một kế hoạch tự cường kinh tế và hiện đại hóa quốc phòng. Sau cuộc đảo chính mà Pilsudski thực hiện năm 1926 – ông cho là nền dân chủ đại nghị ‘quá yếu đuối’ – chính quyền thiên hữu Ba Lan bị mất tính chính danh và toàn bộ hy vọng phòng thủ chống cả Đức và Liên Xô được đặt vào tay các nhóm tướng tá thân cận với vị thống chế.
Với cái chết của Pilsudski năm 1935, Ba Lan như ‘rắn mất đầu’ vì người kế nhiệm ông, Edward Rydz-Śmigły, không đủ tầm nhìn và tài năng lèo lái quốc gia trong hoàn cảnh chính trị mới, với sức ép gia tăng từ cả Stalin và Hitler. Năm 1939 Ba Lan bị tấn công từ hai phía và sụp đổ sau vài tuần cầm cự. Tuy thế, từ bài học mất nước đau đớn, nhóm Kultura vẫn tiếp thu ý tưởng có tên là thuyết ‘Interbellum Prometheist’ (hỗ trợ cho độc lập của các dân tộc thuộc đế quốc Nga cũ và Liên Xô sau này) do Pilsudski đề xuất mà chưa kịp thực hiện.
Nhưng điều đặc biệt là trong khi xây dựng tinh thần phục hưng quốc gia trên đống tro tàn Thế Chiến và chỉ có trong tay di sản hoàn toàn đổ vỡ về ngoại giao của giai đoạn 1939-45, tờ Kultura lại không đòi phục thù, chống lại Liên Xô và CHLB Đức.
Kultura muốn từ bỏ hình ảnh lãng mạn ‘Ba Lan anh hùng đơn độc chống lại hai kẻ thù, Nga và Đức’ và nêu khái niệm ‘không có kẻ thù truyền kiếp’, theo cách nhìn chính trị thực tiễn được nêu ra tại Tây Đức và Anh Quốc.
“Kultura không phải tạp chí xã hội chủ nghĩa, không theo chủ nghĩa xét lại cũng không phải tân Marxist. Chúng tôi chỉ phụng sự một mục tiêu duy nhất: Ba Lan độc lập.”
Đây là tư tưởng rất mới, trong khi nhiều nhóm cựu binh Ba Lan ở hải ngoại (ước tính trên nửa triệu, sống tại Anh, Pháp, Ý, Tây Đức, Mỹ, Canada, Argentina, Brazil…), vẫn hy vọng có ngày phục thù giành lại các vùng đất đã mất cho Liên Xô. Họ tiếp tục hội họp, thậm chí luyện tập quân sự bán chính thức, chờ Thế Chiến III nổ ra để phục quốc.
Đáp trả các chỉ trích rằng Kultura “chủ hòa”, đầu hàng các đại cường, nội dung đăng tải trên tạp chí đã đặt ra một chính sách ngoại giao hoàn toàn mới, còn gọi là Chính sách Phía Đông.
Viễn kiến này đặt ra điều kiện: Ba Lan phải mạnh và an toàn ở phía Tây thì mới có vị thế thực hiện đối ngoại phía Đông.
Chính vì thế, từ 1952, Kultura đề nghị Ba Lan hoà giải với Đức, liên kết với Anh, Pháp để tái hội nhập đại gia đình châu Âu, và từ thế mạnh đó thì hòa giải với cả Nga. Xin nhắc rằng thông điệp này trên Kultura đi trước rất lâu ý tưởng về chính sách phía Đông của chính phủ Tây Đức. Phải đến năm 1965, các giám mục Ba Lan và Đức mới có Lá thư ngỏ nổi tiếng, tha thức và xin tha thứ. Phải đến năm 1970, Willy Brandt, thủ tướng CHLB Đức, mới có động tác quỳ gối trước tượng đài Cuộc nổi dậy ở Ghetto tại Warsaw.
Để hóa giải tâm lý thua trận sau Thế Chiến 2 của Ba Lan, Kulturta đặt ra vấn đề làm sao sau một thế kỷ thất bại, Ba Lan có thể trở lại vị trí như một quốc gia có uy tín tại châu Âu. Để làm được việc này, Ba Lan cần đi trước trong việc từ bỏ các tham vọng chính trị – lãnh thổ như không bao giờ đòi lại 1/3 lãnh thổ phía Đông, các thành phố Minsk, Vilnius và Lvov. Một Ba Lan hướng ngoại, không cay đắng về quá khứ mới có đủ độ rộng lượng để vươn lên.
Nhưng dù hai góc cạnh trên: quan hệ với Phương Tây, chủ yếu là Đức, và tâm lý, mặc cảm dân tộc Ba Lan đã được giải quyết, vẫn còn lại góc cạnh khó khăn nhất: quan hệ với Liên Xô (và Nga về sau).
Ở phần này, trong nhiều thập niên, đầu tiên Kultura làm công việc mở rộng sự hiểu biết về phía Đông. Sách, tiểu luận, thơ của các tác giả Hungary, Czech, Slovakia, Liên Xô được Kultura giới thiệu đều đặn. Thậm chí Kultura còn xuất bản sách bằng tiếng Ukraine như bộ antology về văn học Ukraine 1917-1933, do Yuri Lavrynenko biên soạn, và sách của Ivan Kosheliv “Ukraine 1956-1968”, của Boris Levickiy nói về chính
sách dân tộc của Moscow. Vào năm 1960, Kultura xuất bản sách nhìn lại vấn đề Hungary sau Cách mạng 1956 bị thất bại. Các cây bút tiếng Nga Andrei Sinyavsky, Yuri Daniel đã hợp tác với Kultura, và tác phẩm của những tên tuổi như Svetlana Allilueva, Andrei Amalrik, Boris Pasternak, Andrei Sakharov, Alexander Solzhenitsin, Aleksey Remizov đều được đăng tải.
Phải đến năm 1974, Jerzy Giedroyc và Juliusz Mieroszewski, còn gọi là ‘người London’ vì các trao đổi thư tín, bài viết của ông từ thủ đô Anh gửi cho Kultura ở Paris, đã đề xuất một cách nhìn mới về Liên Xô.
Thừa nhận người Ba Lan luôn có ‘mặc cảm Nga’ (Rosyjski kompleks Polski) và ngược lại, nước Nga từ thời đế quốc sang thời Liên Xô cũng luôn vướng phải vấn đề ‘Làm gì với Ba Lan’, hai ông đề nghị thay đổi nhãn quan địa chính trị này bằng cách định nghĩa lại vị thế của Ba Lan là ‘gần sát châu Âu’ và ủng hộ ba nước Ukraine, Lithuania và Belarus, gọi tắt là nhóm ULB, có chủ quyền tách khỏi Nga.
Theo Giedroyc và Mieroszewski, các nước ULB càng lớn mạnh thì an ninh chính trị cho Ba Lan càng được đảm bảo. Thoạt nhìn, đây không có gì là mới, nếu Ba Lan coi các quốc gia láng giềng phía Đông là vùng đệm cho an ninh của mình. Nhưng tư tưởng của Kultura nhân văn hơn thế, và cho là các nước nhỏ phía Đông phải được Ba Lan chân thành ủng hộ để họ cũng hướng về văn minh châu Âu.
Juliusz Mieroszewski, cựu xạ thủ binh đoàn Karpacz, sinh năm 1906 trong gia đình quý tộc song ngữ Đức – Ba Lan ở Krakow thuộc Đế quốc Áo –Hung, còn là một chuyên gia về chính trị Đức.
Ông lập luận rằng quyền lợi tương lai của Đức cũng phụ thuộc vào sự ổn định của các quốc gia nhỏ sát nách Nga ở Đông Âu và Baltic và bất cứ một chính phủ Đức tương lai nào cũng cần ủng hộ chính sách phía Đông mới của Ba Lan, mà khi đó mới chỉ do nhóm Kultura nêu ra trên giấy.
Điều kỳ lạ là sau năm 1991, chính sách của nước Đức thống nhất đã giống hệt những gì Kultura đề xuất, và đây cũng là chính sách ngoại giao của Ba Lan từ 1989.
Ba Lan sau 1989: thành công và thất bại ngoại giao trong chính sách phía Đông
Sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào tháng 6/1989 dẫn tới việc thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực giữa Công đoàn Đoàn kết và ban lãnh đạo của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR), Ba Lan bắt đầu hoạch định lại chính sách ngoại giao.
Song song với cải tổ thể chế bên trong, về ngoại giao, Ba Lan đã chuyển biến toàn bộ định hướng quan hệ quốc tế, với các cột mốc: thành thành viên Hội đồng châu Âu – Council of Europe (1991), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO (1995), OECD (1996).
Về an ninh, quốc phòng, chính sách ngoại giao mới đưa Ba Lan thành thành viên NATO năm 1999 và đỉnh điểm của xu hướng ‘thân Âu’ là tư cách thành viên Liên hiệp châu Âu – EU năm in 2004. Các thay đổi đi theo, như gia nhập khối lưu thông tự do, Schengen Area vào năm 2007, chỉ là bước kế tiếp logic.
Giáo sư Đại học Lodz, Stanislaw Konopacki, trong một bài ca ngợi viễn kiến châu Âu của Kultura hồi tháng 5/2010 đã viết:
“Tính thời sự (với Ba Lan hiện nay) của tư tưởng nhóm sáng lập tờ Kultura chính là ở chỗ họ nhìn vào ngoại giao Ba Lan một cách toàn diện. Giedroyc ngay trong năm đầu tiên ra báo Kultura đã viết cho Andrzej Bobkowski, rằng cần ra khỏi ghetto dân tộc và bắt đầu tư duy trên bình diện toàn châu Âu. Không phải nhìn vào Vilnius, Minsk, Kiev, Warsaw riêng lẻ, mà nhìn vào cả châu Âu.”
Giáo sư Agnieszka Bienczyk-Missala (ĐH Tổng hợp Warsaw) trong nghiên cứu cho EU năm 2016 đã tổng kết giai đoạn chuyển hướng ngoại giao sau 1989 của Ba Lan như sau:
“Khi đã là thành viên NATO và EU, Ba Lan vẫn là quốc gia nằm bên rìa của hai khối này, và đây là yếu tố quyết định cho chính sách ngoại giao của Warsaw.
Với các nước láng giềng (phía Đông), Ukraine và Belarus, ngoại giao Ba Lan đặt mục tiêu thúc đẩy, nuôi dưỡng dân chủ hóa, ủng hộ cho quan hệ tốt hơn của hai nước này với các định chế Phương Tây. Nhưng quan hệ với Nga vẫn là thách thức lớn nhất, vì hai lý do. Một là trước 1989, Ba Lan thuộc về khối Đông Âu do Liên Xô kiểm soát. Hai là các nước hậu Xô- Viết đã chọn các con đường, có các viễn kiến khác nhau về tương lai.”
Trên thực tế, Nga theo đuổi chính sách giữ các thuộc Liên Xô cũ trong vòng ảnh hưởng của mình, còn Ba Lan nỗ lực kéo về về càng gần càng tốt với Phương Tây.
Về việc định hình chính sách ngoại giao đó của Ba Lan trong thập niên 1990, GS Agnieszka Bienczyk-Missala nhận xét:
“Các mục tiêu ngoại giao của Ba Lan trong thập niên 1990 là kết quả của đồng thuận do tất cả mọi đảng chính trị Ba Lan soạn ra, với mục tiêu hội nhậư vào cơ chế Phương Tây và bình thường hóa quan hệ với các láng giềng phía Đông.”
“Chỉ sau khi Ba Lan đã vào EU, sự khác biệt mới dần dần xuất hiện giữa các đảng chính trị có ảnh hưởng nhất: Cương lĩnh Công dân (Civic Platform – Platforma Obywatelska, PO) và Pháp luật & Công lý (Law and Justice – Prawo i Sprawiedliwość, PiS). Tuy cả hai đồng ý về cơ bản là Ba Lan phải ở trong NATO và EU, nhưng cách thực hiện chính sách ngoại giao thì khác. PiS trong giai đoạn cầm quyền (2007-2008) và từ 2015 đến
nay có vẻ nghi ngờ dự án EU, và không tin vào Đức, nhưng cũng không có sáng kiến gì về quan hệ với Nga.”
Học thuyết ULB của Kultura đã được thực hiện thành công và thất bại ra sao sau 1990?
Năm 2004, Ba Lan hoàn toàn ủng hộ Cách mạng Cam và phong trào Maidan ở Ukraine, gây phản ứng mạnh từ Nga.
Cùng năm, ba nước vùng Baltic từng thuộc Liên Xô là Lithuania, Estonia và Latvia gia nhập NATO, một kết quả vượt qua dự báo và đề xuất của nhóm Kultura.
Nhưng việc NATO bành trướng sang phía Đông gặp phản ứng mạnh từ Moscow và Kremlin bắt đầu cản trở các hoạt động ủng hộ dân chủ hóa trong vùng.
Nếu như Belarus, quê cũ của Jerzy Giedroyc, được nhóm Kultura đặt rất cao trong học thuyết phía Đông của họ, chế độ của ông Alexandr Lukashenko vẫn vững mạnh trong mô hình Xô-Viết. Nỗ lực của Ba Lan ủng hộ cho các đảng phái dân chủ Belarus không thành và quan hệ Warsaw-Minsk lạnh nhạt trong nhiều năm.
Đến năm 2008, khi Nga xâm lăng và trừng phạt Georgia, Ba Lan lên án việc Moscow công nhận hai vùng thuộc Georgia là Nam Ossetia và Abkhazia.
Tuy thế, vị thế mới của Ba Lan trong EU và NATO cũng tạo ra sự vị nể từ Moscow.
Đầu 2008, Nga đón thủ tướng Donald Tusk của Ba Lan sang thăm chính thức. Tháng 9/2009, ông Vladimir Putin sang Ba Lan dự lễ 70 năm ngày mở màn Thế Chiến 2. Sau đó, ngày 7 tháng 4/2010, ông Putin cùng thủ tướng Tusk dự lễ tưởng niệm vụ thảm sát Katyn gần Smolenski, Liên bang Nga. Cùng năm, Viện Duma ra nghị quyết về “Thảm kịch Katyn và các nạn nhân”, lên án tội ác thời Stalin gây ra với các tù binh, sĩ quan Ba Lan năm 1940.
Nhưng một lễ tưởng niệm khác vào tháng 4/2010 ở Katyn đã tạo bước ngoặt cho quan hệ với Nga. Tổng thống Lech Kaczynski, cùng nhiều quan chức chính phủ, Quốc hội, quân đội Ba Lan và toàn thể phi hành đoàn chiếc TU-154 đã đâm xuống rừng Katyn ngày 10/04. Tất cả tử nạn tại chỗ, tạo ra nhiều câu hỏi về cuộc điều tra sau đó. Vụ tai nạn Katyn này khiến phe hữu Ba Lan từ đó đến nay nêu ra nhiều thuyết âm mưu, cho rằng Moscow…và thủ tướng Tusk của Ba Lan, đã gây tai nạn “giết người hàng loạt”. Quan hệ Nga- Ba Lan xuống dốc không phanh.
Từ năm 2009, Ba Lan đi đầu trong việc lập ra Đối tác phía Đông (Eastern Partnership) mà mục tiêu chính là lập ra cơ chế để EU hỗ trợ các
nước tân thành viên EU từng thuộc Đông Âu gốc cộng sản (Ba Lan, Lithuania, Latvia, Slovenia, Slovakia, Hungary, Bulgaria…) tăng cường hợp tác với các nước thuộc Liên Xô cũ, gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Moldova, và Ukraine.
Tuy nhiên, thành tựu của Đối tác phía Đông đến nay không rõ ràng, sau khi Ba Lan lại đứng vào vị trí chủ chốt trong nhóm Visegrad.
Juliusz Mieroszewski đã đúng khi tiên đoán về bước đi cần phải có trong quan hệ Đức – Ba Lan, nhưng ý tưởng “Âu hóa” nước Nga và vai trò cầu nối của Ba Lan giúp Nga làm điều đó của ông đã không thành sự thật.
Các nhiệm kỳ liên tiếp của ông Putin khiến Kremlin ngày càng trở thành một trung tâm quyền lực thù địch với Phương Tây, và sau cuộc sáp nhập Crimea, cuộc chiến miền Đông Ukraine (2014), nước Nga ngày càng thất vọng với Phương Tây và đang nghiêng về Trung Á, Trung Quốc hơn là hướng tới EU.
Kết luận về vai trò ‘think tank’ của Kultura
Ảnh hưởng của tạp chí Kultura và những người sáng lập ra nó với Cộng hòa Ba Lan ngày nay là không thể phủ nhận. Các tác giả Ba Lan hiện nay đồng ý rằng Kultura không chỉ là một ‘nghị viện Ba Lan tự do’ ở hải ngoại suốt thời Chiến tranh Lạnh, mà còn là một ‘thinktank’ lớn, trước khi khái niệm đó đến với công chúng Ba Lan.
Trang Polityka cho rằng Kultura đã “giáo dục, kiến tạo phe đối lập Ba Lan”, là cầu nối cho họ với thế giới văn minh hơn ở bên ngoài.
Để làm được điều đó, phải ghi nhận ba yếu tố quan trọng tạo nên tờ Kultura:
- Một là vai trò và tầm vóc của nhóm sáng lập. Họ đều xuất thân từ các gia đình trí thức, quý tộc, sĩ quan của nền Cộng hòa II, có sẵn tinh thần xả thân vì nước, danh dự cá nhân cao, và có trách nhiệm lớn với quốc gia. Khả năng đa ngôn ngữ của họ cũng khiến những người như Jerzy Giedroyc, Juliusz Mieroszewski có viễn kiến vượt lên cái bẫy của một văn hóa, một ngôn ngữ ‘dân tộc’.
- Hai là ý tưởng hoạt động độc lập hoàn toàn khỏi các tổ chức, đảng phái chính trị hải ngoại của Kultura, đã tạo chỗ đứng trung lập, thu hút mọi xu hướng chính trị Ba Lan trong và ngoài nước, gây ra thế mạnh trí tuệ cho tạp chí. Tóm lại, họ nhấn mạnh vào văn hóa và tránh chính trị đảng phái ở môi trường hải ngoại dễ mang tính cá nhân, bè phái.
- Ba là tính quốc tế cao của Kultura. Tạp chí sẵn sàng xuất bản cả các tập san bằng tiếng Ukraine, dịch sách, tác giả, tác phẩm tiếng Nga, Hungary, Czech, Đức, và đóng vai trò kết nối Đông – Tây, đưa văn hóa châu Âu, Hoa Kỳ tới cho bạn đọc Ba Lan.
Ngày nay nhìn lại, trong nửa sau Thế kỷ 20, hiếm có nhóm trí thức hải ngoại nào ở châu Âu có hoạt động lâu dài và tầm ảnh hưởng với quốc gia quê hương của họ như Kultura. Học thuyết phía Đông của họ đã giúp Ba Lan có vị thế như ngày hôm nay, nhưng đã không thành công trước một nước Nga đi về hướng khác. Có lẽ vì dù giàu mạnh hơn, Ba Lan vẫn là quốc gia tầm trung (39 triệu dân), khó có tầm ảnh hưởng lớn “quá sức” đối với Belarus (10 triệu dân) và Liên bang Nga (145 triệu dân).
Hiện ở Ba Lan đã xuất hiện thêm xu hướng xây dựng tuyến liên minh bốn nước Visegrad (V4): Ba Lan, Hungary, Czech và Slovakia. Về mặt nào đó, đây cũng là biến thể của chính sách liên kết các nước nhỏ ở phía Đông để tạo vị thế mạnh hơn sức lực đơn lẻ của Ba Lan. Nhưng xu thế này lại có vẻ đến từ thái độ e ngại Đức và EU từ Ba Lan và Hungary dưới quyền Victor Orban, hơn là hướng Âu, như Kultura đề xuất.
Các ý tưởng đến từ thập niên 1950-60 hiển nhiên không thể nào còn nguyên tính thời sự cho hàng chục năm sau, và đó là điều rất bình thường trong môi trường địa chính trị biến đổi mạnh tại EU những năm qua.
Viễn kiến của Kultura giúp Ba Lan và châu Âu giải quyết các vấn đề ngay sau Chiến tranh Lạnh, và chỉ như thế cũng là quá đủ để người Ba Lan ghi nhận công lao của các trí thức, cựu chiến binh đã biến thất bại của quốc gia và binh nghiệp của riêng họ thành dòng tư tưởng và phòng trào hoạt động góp phần đem lại thay đổi không chỉ cho đất nước họ mà cho cả một châu lục.
*Tác giả tốt nghiệp Khoa Luật, ĐH Tổng hợp Warsaw năm 1995 và đã làm nghiên cứu về các dòng ý thức hệ châu Âu tại Viện Triết và Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan (1995-1999). Hiện làm báo tại London, tác giả vẫn tiếp tục theo dõi các vấn đề thời sự của Ba Lan, Đông Âu và vùng Baltic).
Bài viết là tham luận tại Hội thảo hè của tạp chí Thời Đại Mới, tháng 8/2019.