The Idiot (dịch)
Cách tiếp cận của phe Cánh tả đối với vấn đề tại Cuba thực ra khá đơn giản: phản đối các nỗ lực cấm vận tàn phá kinh tế của Hoa Kỳ đối với nước này.
COVID-19 đã gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội cho nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại các nước Thế giới thứ ba – những nơi mà cơ sở hạ tầng yếu kém, đói nghèo, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên, bất bình đẳng và thiếu trách nhiệm là những vấn đề phổ biến. Các cuộc biểu tình chống lại sự khan hiếm hàng hóa , bạo lực, sự tàn bạo của cảnh sát và tham nhũng đã nổ ra khắp nơi từ Hoa Kỳ đến Colombia, Haiti, Brazil, Guatemala, Ecuador, Chile và Argentina, và nhiều nơi khác. Tình trạng bất ổn đó ở các nước Mỹ Latin hiếm khi được báo chí Hoa Kỳ đề cập – cho đến khi nó xảy ra ở Cuba.

Một mặt, các cuộc biểu tình ở Cuba cũng tương tự như các cuộc biểu tình ở những nơi khác trong khu vực. Nhưng mặt khác, chúng không giống nhau. Người dân Cuba phản đối một chính phủ mà Hoa Kỳ chính thức tuyên bố là kẻ thù và đã tích cực cố gắng lật đổ trong hơn sáu mươi năm. Hoa Kỳ vẫn đang tích cực thúc đẩy hoạt động chống chính phủ ở Cuba bằng lời nói, tiền bạc và vũ khí. Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Joe Biden hầu như chẳng bày tỏ quan điểm gì về việc hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương do cảnh sát trấn áp trong các cuộc biểu tình ở Colombia, ngoài việc bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với tổng thống cánh hữu của Colombia, ông Iván Duque, nhưng lại liên tục công khai ủng hộ những người biểu tình tại Cuba chống lại “chế độ độc tài của chính quyền Cuba”.
Thông điệp Biden đưa ra lan rộng khắp cả mạng lưới truyền thông chính thống của Hoa Kỳ, với một số ít ngoại lệ thuộc về các học giả thực sự biết ít nhiều về Cuba, như Louis Pérez và William LeoGrande. Về các cuộc cách mạng ở Mỹ Latin, các chính trị gia và chuyên gia theo chủ nghĩa tự do đã ngả theo phe cực hữu và Donald Trump – đây cũng chính là người đứng đầu chính quyền đã gọi Nicaragua, Venezuela và Cuba là “tam đại chuyên chế”, đồng thời tuyên bố sẽ “chấm dứt sự hào nhoáng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Vào thời điểm đó, Thời báo New York đã ngoan ngoãn phụ họa với Trump, hạ bệ chuyến thăm của Bernie Sanders về tới Nicaragua năm 1985. Thậm chí, các tờ báo khác cũng tham gia vào dàn đồng ca.
Di sản của âm mưu lật đổ do Hoa Kỳ phát động
Sau chiến thắng cách mạng ở Cuba ngày 26 tháng 7 năm 1959, các quan chức Hoa Kỳ đã cân nhắc cách đối phó. Liệu họ có thể kiểm soát cuộc cách mạng này vì lợi ích của các tập đoàn Hoa Kỳ, như họ đã làm ở Bolivia vào năm 1954? Họ đặc biệt lo lắng về những tác động lớn hơn của một cuộc cách mạng thành công. Một quan chức Bộ Ngoại giao đã viết rằng “có những dấu hiệu cho thấy nếu cuộc cách mạng Cuba thành công, các nước khác ở Mỹ Latin và có lẽ ở những nơi khác sẽ hướng tới đây như một hình mẫu. Chúng ta nên quyết định xem chúng ta có muốn Cách mạng Cuba thành công hay không”. Vài tháng sau, một người khác cảnh báo rằng “thái độ của chúng ta cho đến nay [có thể] được coi là một dấu hiệu của sự yếu kém và do đó khuyến khích các phần tử dân tộc chủ nghĩa cộng sản ở những nơi khác tại Mỹ Latin tổ chức phong trào tương tự như của Castro.”
Mặt khác, chính quyền Hoa Kỳ thể hiện rõ “người dân Cuba” không phải là mối bận tâm lớn của họ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Cuba vào thời điểm đó nói người dân nơi đây “có vẻ đoàn kết trong việc thần tượng hóa” nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro. Vị đại sứ kết luận: “Đây là chế độ lãnh đạo độc tôn với sự ủng hộ toàn vẹn của dân chúng”. Một người khác, trong khi cá nhân đang thúc đẩy Hoa Kỳ thành lập một “chính phủ kế thừa” ở Cuba, miễn cưỡng thừa nhận “những tác động của sự trung thực, đặc biệt là ở cấp độ triển khai hành động, lên đất nước” và “thực tế là phần lớn người dân Cuba. . . đã được thức tỉnh và nhận thấy rõ nhu cầu cải cách kinh tế và xã hội”.
Lệnh cấm vận thực ra là một công cụ [hữu ích]. Theo báo cáo tóm tắt của Bộ Ngoại giao, mục tiêu [của cấm vận] là làm suy yếu nền kinh tế của Cuba, để “thúc đẩy bất đồng nội bộ; làm xói mòn sự ủng hộ chính trị nội bộ. . . [và] tìm cách tạo ra các điều kiện có lợi cho cuộc nổi loạn mới bắt đầu”. Bộ Ngoại giao đưa ra “phương tiện khả thi duy nhất để loại bỏ sự ủng hộ của chính nội bộ quốc gia là thông qua sự bất mãn và không hài lòng do khó khăn về kinh tế. . . . Mọi biện pháp có thể phải được thực hiện kịp thời để làm suy yếu đời sống kinh tế của Cuba. . . [để loại bỏ] tiền và vật tư cho Cuba, giảm giá trị tiền tệ và tiền lương thực tế, gây ra nạn đói, tuyệt vọng và lật đổ chính phủ.”. Trong khi các tài liệu nội bộ của các chính quyền gần đây chưa được giải mật, lệnh cấm vận vẫn tiếp tục là trụ cột trong chính sách của Hoa Kỳ, và nó đã nhiều lần được củng cố và thắt chặt.
Một công cụ khác, cái mà chính quyền Clinton gọi là “Con đường số hai” (Track Two), là nuôi dưỡng và tài trợ cho các phong trào đối lập tiềm năng ở Cuba. Ngay cả Đạo luật Helms-Burton khét tiếng, hay “Đạo luật Đoàn kết Dân chủ và Tự do Cuba” năm 1996, nổi tiếng nhất với việc tăng cường lệnh cấm vận, cũng bao gồm các kế hoạch hỗ trợ các tổ chức có thể thành lập một “chính phủ chuyển tiếp” tiềm năng trên đảo. USAID tiếp tục tài trợ hàng triệu USD mỗi năm cho các “kiến tạo dân chủ” và “các tổ chức xã hội dân sự độc lập” trên hòn đảo này để thuyết phục họ đứng lên chống lại chính quyền.
Khi Fidel Castro từ chức vào năm 2008, Hoa Kỳ đã than phiền về tình trạng của phe đối lập Cuba mà họ đang tài trợ và hỗ trợ. Một bức điện ngoại giao bị rò rỉ năm 2009 do Trưởng Bộ phận Quyền lợi Hoa Kỳ Jonathan Farrar ký có đoạn: “Kiểu phong trào ly khai truyền thống không có khả năng thay thế chính phủ Cuba hiện tại. . . . Chúng ta sẽ cần phải tìm kiếm thêm, bao gồm cả trong chính phủ, để tìm ra những người kế vị có thể tiếm quyền chế độ Castro. Không có nhiều bằng chứng cho thấy các tổ chức bất đồng chính kiến tại Cuba tạo được tiếng vang và sự ủng hộ của người dân Cuba”. Thay vào đó, bức điện đàm đưa ra một cái nhìn đầy hy vọng hướng tới “những cá nhân trẻ hơn, bao gồm các blogger, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và nghệ thuật tạo hình” với tư cách là những nhà lãnh đạo tiềm năng của một phong trào chống chính phủ. “Chúng tôi tin rằng chúng ta phải cố gắng mở rộng mạng lưới liên lạc của mình tại Cuba. . . để tạo điều kiện và khuyến khích các thế hệ trẻ của Cuba đang tìm kiếm tự do và cơ hội lớn hơn”.
Tiền tiếp tục chảy vào, phần lớn đến với các tổ chức phi chính phủ không tên tuổi và các tổ chức “xã hội dân sự” hoạt động thúc đẩy mục tiêu lật đổ chính quyền. Các tổ chức tuyên bố ủng hộ phụ nữ, cộng đồng người Cuba gốc Phi và cộng đồng LGBTQ dần nhận được sự quan tâm. Các tổ chức nhận tài trợ như DAI (Development Alternatives Incorporated) và CAI (Creative Associates International) đã cử nhân viên bí mật đến Cuba để “tìm kiếm cơ hội kết nối”. Năm 2010, CAI báo cáo: “Chương trình của chúng tôi đã hỗ trợ hình thành và phát triển một sáng kiến nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các nhà lãnh đạo văn hóa và thủ lĩnh cộng đồng. Nòng cốt của dự án là những người thúc đẩy văn hóa với tầm nhìn về một xã hội có nhiều người tham gia hơn. Một số lượng lớn các nhân vật văn hóa đã được mời ủng hộ dự án”. Tuy nhiên, CAI vẫn phải vật lộn để “chống lại sự thờ ơ, đồng thời kêu gọi sự tham gia của công dân”. Các dự án của CAI bao gồm “Khơi dậy các cộng đồng người Cuba gốc Phi tham gia hành động”, “Tìm kiếm các nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ” và “Xây dựng năng lực cho hoạt động xã hội hòa bình”.
Vào ngày 30 tháng 6 năm 2021, USAID đã công bố chiến dịch mới cho các tổ chức nộp đơn xin tài trợ, ghi nhận sự chấp thuận:
Vài tháng qua là thời điểm quan trọng đối với những người Cuba đòi hỏi các quyền tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Các nghệ sĩ và nhạc sĩ đã xuống đường để phản đối sự đàn áp của chính phủ, với các bài quốc ca mới như “Patria y Vida”. Điều này không chỉ khiến toàn thế giới hiểu rõ hơn hoàn cảnh khó khăn của người dân Cuba mà còn là lời kêu gọi tập hợp cho sự thay đổi trên hòn đảo .
Mục tiêu của đợt tài trợ này là “nâng cao hiệu quả của các nhóm xã hội dân sự độc lập để vận động cho các quyền và tự do con người”. Công bố mới viết rằng:
Nhiều người Cuba né tránh các hình thức vận động truyền thống. Tuy nhiên, những nỗ lực gần đây của các tổ chức tín ngưỡng (faith-based organizations), các nghệ sĩ và các nhóm thiểu số khác cho thấy người dân Cuba ngày càng sẵn sàng lên tiếng yêu cầu trách nhiệm giải trình và đòi hỏi nhân quyền. Bằng cách kết hợp nhiều nhóm hơn, xã hội dân sự có thể mở rộng cấp bậc của mình một cách hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức về những thất bại của chính phủ Cuba, bao gồm cả quyền chính trị và xã hội. USAID tìm cách hỗ trợ các nhóm này thể hiện yêu cầu của họ về các quyền và tự do dân chủ. [nhấn mạnh được thêm vào]
Nói cách khác, chương trình kêu gọi người dân Cuba chống lại chính phủ, đồng thời ngầm thừa nhận rằng phần lớn người dân vẫn thiếu “nhận thức” về những thất bại của chính phủ.
Tôi không tin rằng những người Cuba xuống đường vào ngày 11 tháng 7 chỉ đơn giản là phản ứng với sự thao túng của chính phủ Hoa Kỳ hoặc hy vọng có được tài trợ. Họ bị thúc đẩy bởi những bất bình thực sự, và họ có mọi quyền để yêu cầu chính phủ phản hồi.
Cánh Tả nên phản hồi như thế nào?
Bài viết gần đây của Hilda Landrove mang tựa đề “Cánh tả sẽ phản ứng như thế nào với những người Cuba đang tỏ thái độ bất bình?” ca ngợi các cuộc biểu tình chống lại cái mà bà gọi là “chính phủ toàn trị lâu đời tại Cuba” và cáo buộc cánh tả quốc tế “mù quáng tự nguyện” trong việc ủng hộ Cuba. Đáng chú ý, bài viết thậm chí tuyên bố rằng các phương tiện truyền thông báo chí đã thất trong việc soi xét tầm nhìn sai lầm của Cánh tả về Cuba như một thiên đường xã hội chủ nghĩa. Vì cô ấy không trích dẫn một nguồn nào cho bất kỳ điều nào trong số này, nên độc giả không có cách nào biết được cô ấy đang đề cập đến “phe cánh tả” hay “phương tiện truyền thông tin tức” nào. Tuy nhiên, dựa vào bài viết có thể thấy những người cánh tả giấu tên này liên tục thông báo với Landrove rằng “sự thiếu tự do tại Cuba là cái giá mà họ phải trả cho chủ quyền của mình”.
Tôi biết nhiều người cánh tả, nhưng tôi không biết bất kỳ ai giống với bức tranh biếm họa Landrove đã vẽ lên. Một phản ứng phổ biến hơn và có nguyên tắc hơn từ Cánh tả là ủng hộ quyền biểu tình của người dân Cuba đồng thời phản đối các nỗ lực của Hoa Kỳ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Cuba. Chúng tôi phản đối những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kích động sự bất đồng chính kiến của Cuba bằng cách tàn phá nền kinh tế của đất nước với lệnh cấm vận và chúng tôi phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ nhằm thao túng các tổ chức Cuba đấu tranh thay đổi chế độ.
Trong khi chúng tôi phản đối việc chính phủ Cuba đàn áp những người biểu tình, chúng tôi cũng tin rằng chính phủ Cuba bị cáo buộc là “hoang tưởng” cho rằng bàn tay ác độc của Hoa Kỳ trong mọi thách thức đối với các chính sách của họ không thực sự quá xa vời. Cách tốt nhất để thúc đẩy tranh luận, phản đối và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng của đất nước này là Hoa Kỳ thừa nhận chủ quyền của Cuba, ngừng các hoạt động bí mật, chấm dứt lệnh cấm vận và cho phép viện trợ nhân đạo và viện trợ y tế chống lại đại dịch mà người dân Cuba đang rất cần để khắc phục tình trạng khẩn cấp về đại dịch và kinh tế đang ảnh hưởng đến hòn đảo.
* Aviva Chomsky là giáo sư sử học và điều phối viên nghiên cứu châu Mỹ Latin ở Đại học Bang Salem tại Massachusetts. Cô là tác giả của quyển Central America’s Forgotten History: Revolution, Violence, and the Roots of Migration (xuất bản tháng 4/2021).