Phỏng vấn CRISTINA GROEGER*/ Mike Stivers thực hiện
Dịch: Gọt Bút Chì
Hơn một thế kỷ qua, việc xem giáo dục là phương thức tốt nhất để giải quyết bất bình đẳng là một trong những ý tưởng dai dẳng nhất trong đời sống chính trị Hoa Kỳ. Dẫu vậy, ý tưởng này dai dẳng không phải vì nó đúng mà bởi nó là một huyền thoại hữu ích của giới tinh hoa kinh tế và chính trị, những kẻ đang khư khư bảo vệ tiền bạc và quyền lực của mình.

Học sinh ở Trường Trung Học Nghệ Thuật Cơ Khí, Boston, Massachusetts, 1889 (A. H. Folsom / Boston Public Library)
Từ giữa thế kỷ XIX, số trẻ em đi học ở Hoa Kỳ đã tăng lên một cách đều đặn. Bình đẳng về mặt kinh tế thì lại không như thế. Tuy nhiên người ta vẫn không nghi ngờ gì về ý tưởng trường học là cách tốt nhất để giảm thiểu nghèo đói và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Trong quyển sách mới của mình, The Education Trap (tạm dịch: Bẫy Giáo Dục), sử gia Cristina Groeger đã đề cập đến huyền thoại này.
Lấy Boston làm trường hợp điển hình và tập trung vào giai đoạn từ nửa sau thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, Groeger khảo sát mối quan hệ giữa trường học và bất bình đẳng trong thời đại giáo dục công mở rộng nhanh chóng. Trên bình diện tổng quát, các bằng chứng cho thấy sự tăng nhanh giáo dục công không mang lại thịnh vượng kinh tế trên quy mô rộng khắp. Đúng là trường học đã đào tạo một số công nhân tìm được công việc với mức lương cao trong bộ máy hành chính đang phình to. Thế nhưng, bằng cách cắt giảm những công đoàn thủ công mạnh mẽ và thiết lập hệ thống chứng nhận, trường học còn củng cố sự phân tầng hiện có.
Công trình của Groeger chỉ ra lịch sử thăng trầm của nền giáo dục như một công cụ chống đói nghèo. Có lẽ điều quan trọng nhất là nó giúp các nhà giáo dục và người tổ chức nghĩ về những điều thực sự kéo giảm bất bình đẳng: chương trình phúc lợi toàn dân và những công đoàn mạnh.
Cộng tác viên của Jacobin là Mike Stivers (MS) trò chuyện với Groeger (CG)- một nhà sử học ở Đại học Lake Forest về quyển sách mới của bà và về việc giáo dục có thể và không thể làm gì trong xã hội bất bình đẳng.
MS: Ý tưởng cơ bản trong quyển sách của bà cho rằng giáo dục là một chính sách giúp giải quyết bất bình đẳng. Lý thuyết nào làm nền tảng cho ý tưởng này?
CG: Lịch sử lâu đời của việc nhìn nhận giáo dục như một cách giải quyết bất bình đẳng có thể truy ngược về Horace Mann ở thế kỷ XIX, người đã gọi giáo dục là “bộ cân bằng vĩ đại”. Nhưng trong cuộc tranh luận đương đại, lý thuyết về vốn nhân lực bắt nguồn từ kinh tế học, đang là khung thống trị. Lý thuyết này xem sự tưởng thưởng trong thị trường lao động phản ánh trình độ kỹ năng của một người, thường được đo bằng những thuật ngữ giáo dục và đào tạo.
Những nhà kinh tế học như Claudia Goldin và Lawrence Katz lập luận rằng trong các thập niên gần đây, sự thay đổi về công nghệ, vốn được những người lao động tay nghề cao ưa thích, đã tăng tiến, nhưng số lượng người đi học lại không theo kịp, điều đó nghĩa là chỉ có một lượng giới hạn người mới có thể tiếp cận được những công việc được trả lương cao nhất. Vì vậy, giải pháp để giải quyết sự bất bình đẳng xã hội ngày nay chính là mở rộng giáo dục.
Nhiều bằng chứng cho thấy trình độ học vấn không tự chuyển đổi thành mức lương cao hơn. Song mối quan hệ giữa giáo dục và bất bình đẳng phức tạp hơn thế. So với những quốc gia khác, Hoa Kỳ có tỉ lệ tiếp cận và ghi danh học tập thuộc hàng cao nhất trên thế giới – tuy nhiên, đây cũng là một trong những nước có tỉ lệ bất bình đẳng cao nhất. Đó là một nghịch lý nếu chúng ta nghĩ rằng giáo dục là công cụ tốt nhất để giảm thiểu bất bình đẳng.
Tiền thân sơ kỳ của mô hình vốn nhân lực có thể tìm thấy ở những nhà cải cách cấp tiến đầu thế kỷ XX, những người nghĩ rằng người lao động bị trả công thấp là vì họ thiếu kỹ năng. Theo đó, nếu có thể đào tạo người giúp việc ở trường nghề thì điều đó không những sẽ làm tăng lương mà còn chuyển đổi công việc thành một cái gì đó chuyên nghiệp hơn.
Vấn đề là nhiều người giúp việc và người lao động thu nhập thấp khác không có thời gian đi học. Nó cũng bỏ qua lý do nhiều người Mỹ gốc Phi mắc kẹt trong những công việc có đồng lương ít ỏi: không phải vì không có đủ kỹ năng hay là trình độ học vấn của họ, mà vì sự phân biệt chủng tộc trong thị trường lao động hoặc những dạng bất bình đẳng khác đã cấu thành thị trường ấy.
MS: Quyển sách của bà bắt đầu với Thời đại Hoàng kim khi mà Boston và nhiều thành phố lớn khác của Hoa Kỳ quyết định đầu tư mạnh vào giáo dục công. Tại sao mở rộng trường công đã trở thành hướng cải cách chủ đạo, đối lập với những lựa chọn khác trong chương trình nghị sự?
CG: Lúc bấy giờ giáo dục công nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Những nhà cải cách cấp tiến nghĩ rằng giáo dục là cách tốt nhất để đưa người lao động với mức lương thấp thoát khỏi nghèo đói và Mỹ hóa dân nhập cư. Với những người thuê mướn lao động, giáo dục công là một giải pháp hấp dẫn để giảm thiểu chi phí đào tạo của họ – họ chuyển việc đào tạo cho hệ thống trường học – và điều đó cũng giảm áp lực phải cải thiện điều kiện làm việc hoặc nâng cao tiền lương cho người lao động.
Nhưng tôi cũng cho rằng có một lượng khổng lồ những người thuộc giai cấp công nhân ủng hộ giáo dục công, đặc biệt là nền giáo dục có thể đào tạo cho nhóm công việc cổ cồn trắng đang bùng nổ: nhân viên bán hàng, thư ký, người đánh máy, kế toán.
Mô hình vốn nhân lực mô tả khá tốt những động lực trong nhóm công việc này. Nhiều học viên, chủ yếu là phụ nữ da trắng và dân nhập cư thế hệ thứ hai, đã tận dụng trường học, đặc biệt là trường công, để gia nhập lĩnh vực công việc văn phòng mới nổi. Và điều này đã trở thành nền tảng vật chất cho hệ tư tưởng cho rằng giáo dục là một phương tiện để chuyển dịch xã hội, ngay cả khi nó chỉ mô tả một nhóm học viên đặc thù, trong một khu vực việc làm đặc thù của thời kỳ lịch sử này.
MS: Một số người cánh Tả nói rằng trường công lập đã trợ cấp phần đào tạo nghề cho các doanh nghiệp tư nhân bằng cách chuẩn bị lực lượng lao động tương lai. Họ nói cần thay thế điều này bằng việc các công ty phải chịu chi phí đào tạo người lao động – kiểu như đào tạo khi đang làm việc. Nhưng đây lại đúng là điều mà nhiều chủ sử dụng lao động đã làm ở đầu thế kỷ XX, còn các công đoàn vào thời điểm đó đã chống đối dữ dội. Tại sao lại như vậy?
CG: Vào thời điểm đó, hầu như không có công đoàn nào của công nhân cổ cồn trắng và cơ bản là không ai phản đối mở rộng đào tạo việc làm. Tình hình khác biệt ở khu vực lao động thủ công và công nghiệp. Công nhân thủ công đã tập hợp quyền lực trong các công đoàn thủ công nghiệp, và quyền lực đó đến từ khả năng kiểm soát tiếp cận những kỹ năng đặc thù thông qua quá trình học nghề trong công đoàn. Những người thuê mướn lao động thủ công rất sẵn lòng dò xét công đoàn và quá trình học nghề, bởi một mặt, nó điều hòa mức lương họ phải trả cho người học nghề và mặt khác, chủ sử dụng lao động không thích công đoàn và muốn cắt giảm cơ sở quyền lực của những công đoàn đó.

Công nhân thủ công khá hiệu quả trong việc đóng cửa trường nghề tư nhân và tách những kỹ năng thủ công đặc thù khỏi chương trình học của giáo dục công nghiệp công cộng. Những ngành nghề thuộc lĩnh vực xây dựng là số ít nơi vẫn còn tồn tại quá trình học nghề, đó là vì công đoàn thủ công nghiệp đã không cho phép sự kiểm soát quá trình đào tạo hướng ra ngoài, vào hệ thống trường học.
Bà cũng lưu ý rằng sự việc xảy ra không phải như thể người thuê mướn lao động đã ân cần cung cấp khóa đào tạo miễn phí. Một loạt những trường tư mới đã mọc lên để bán các khóa đào tạo. Điều này có vẻ giống với những gì mà chúng ta bây giờ gọi là trường học vị-lợi-nhuận.
CG: Vâng, điều này một lần nữa lại tùy thuộc vào từng khu vực. Có vài trường nghề tư nhân, thường là có mối quan hệ với những người thuê mướn lao động. Nhưng sự tăng trưởng thực sự của khu vực vị-lợi-nhuận vào đầu thế kỷ XX nằm trong lĩnh vực công việc văn phòng, nơi các trường có thể mở khóa đào tạo với ít sự chống đối trong công việc, khi người lao động chưa tổ chức công đoàn của họ.
Các trường cao đẳng kinh doanh hoặc thương mại này chiếm phần lớn ngành giáo dục cho đến khi trường trung học công thay thế chúng.
Trước khi trường công trở thành nơi đào tạo việc làm, sau nhiều năm xung đột giữa công đoàn và chủ sử dụng lao động, giới chủ đã quan tâm hơn đến những trường học nào dạy đọc viết và tính toán cơ bản. Giới chủ không muốn trường học dạy những kỹ năng nghề như là thợ mộc hoặc thợ máy. Tại sao lại như thế?
CG: Trong tác phẩm của mình, tôi lập luận rằng chúng ta có thể nghĩ về sự trỗi dậy của nền đại sản xuất, đặc biệt là vào khoảng Đệ nhất Thế chiến, như là một phần của chiến lược nhắm đến việc giảm thiểu số lượng người lao động thủ công nói chung và dịch chuyển toàn bộ lực lượng lao động sang những loại việc làm mới, nơi mà họ có ít quyền lực hơn.
Cũng có nhiều lao động được đào tạo phần lớn ở trường thay vì tại nơi làm việc. Họ gồm dân nhập cư làm công việc vận hành máy móc, vốn là những người có vài kỹ năng đọc viết và tính toán cơ bản học được ở tiểu học, đồng thời lại có thể được đào tạo làm việc một cách nhanh chóng. Số khác là lực lượng lao động cổ cồn trắng, hầu hết là học sinh đã tốt nghiệp trung học tham gia vào bộ máy hành chính song hành cùng những ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt khổng lồ. Và trường học cũng đào tạo một số lượng rất nhỏ quản lý trình độ đại học cũng như những công nhân thuộc hàng top.
Vì vậy, điều mà chúng ta thấy là người thuê mướn lao động có thể dựa vào những loại trường học khác nhau dành cho những thành phần khác nhau trong lực lượng lao động của bọn họ, nhưng trước những năm 1920 hoặc 1930, cũng chính lực lượng lao động này đã bị phi-công-đoàn-hóa một cách nặng nề và có ít quyền lực hơn so với những người cùng địa vị với họ ở những công việc thủ công.
MS: Đúng vậy. Và bà lưu ý rằng sự trỗi dậy của một tầng lớp quản lý – bà nói nhiều về những kỹ sư cấp cao, có trình độ học vấn cao – có mối quan hệ chặt chẽ với phương pháp sản xuất Taylor và sự loại bỏ kỹ năng của lực lượng lao động một cách có hệ thống.
CG: Chúng ta có thể xem những điều này như hai mặt của một đồng xu. Ngay khi những người thuê mướn lao động chuyển sang mô hình công nghiệp sản xuất hàng loạt vốn phụ thuộc vào công nhân dây chuyền ở dưới đáy và lực lượng lao động cổ cồn hồng mới với sự tham gia rộng rãi của phụ nữ, chúng ta thấy xuất hiện một nhóm lớn công nhân có rất ít quyền lực và một giai tầng quản lý mới ở bên trên.
Lực lượng lao động này rẻ hơn nhiều. Phụ nữ làm những công việc đó thường được trả công bằng một nửa công của đàn ông, và lực lượng ấy về cơ bản là không có công đoàn, không có quyền lực được tổ chức lại. Khi lực lượng cổ cồn trắng mở rộng, từ chỗ là một sự học nghề thương nghiệp duy nhất và uy tín, họ chuyển sang cái mà bây giờ chúng ta gọi là công việc cổ cồn hồng.
MS: Bà cũng chỉ ra rằng một số người Mỹ gốc Phi đạt được trình độ học vấn cao nhất song vẫn còn nằm ở cấp bậc thấp nhất của bảng lương.
CG: Vâng, tôi đã không mong đợi điều này, nhưng nếu chúng ta so sánh trẻ em thuộc giai cấp công nhân và sự ghi danh nhập học của họ, thì người Mỹ gốc Phi có mức độ ghi danh cao hơn cả học sinh bản xứ và những học sinh nhập cư da trắng. Mặc dù vậy, họ vẫn liên tục bị đẩy vào những vị trí có thu nhập thấp nhất.
Đây là ví dụ rõ ràng nhất về sự thất bại của lý thuyết vốn nhân lực trong việc giải thích sự trả công trong thị trường lao động. Những người Mỹ gốc Phi hầu như đã bị trục xuất hoàn toàn khỏi công việc thư ký, ngay cả khi họ học trường trung học.
MS – Nhiều người Mỹ ngày nay nghĩ rằng bằng cao đẳng (college) là một tấm hộ chiếu đi đến sự giàu có và sung túc, nhưng bà đã chỉ ra rằng trong lịch sử, việc lập ra tấm bằng trung học và cao đẳng đã vừa cố kết sự bất bình, lại vừa giảm thiểu nó. Điều này đã diễn ra như thế nào?
CG: Khi trường trung học trở thành một thể chế chiếm đa số trong thời kỳ này, và khi nhân khẩu mới – người nhập cư, phụ nữ – tham gia vào những công việc cổ cồn trắng, chúng ta thấy một phản ứng mạnh mẽ trong tầng lớp thống trị nghề nghiệp và kinh tế ở Boston. Họ cấu kết với trường đại học tư nhân để biến tấm bằng cao đẳng thành một giấy chứng nhận quan trọng cho những việc được trả lương cao nhất trong nền kinh tế mới – trong khi đó, ở thế kỷ XIX, hầu hết chủ doanh nghiệp và quản lý đều không có bằng đại học, thậm chí có lẽ là không có bằng trung học. Chúng ta có thể thấy điều này trong những lĩnh vực có mức lương cao khác, như sự phát triển của lĩnh vực luật doanh nghiệp.
Trong công trình của mình, tôi nhìn vào sự hợp tác giữa giới chủ và viên chức trường đại học, những người đang giúp sinh viên tốt nghiệp cao đẳng có việc làm. Đây là một nguồn tư liệu lớn lao để thấy được tại sao giới chủ lại thích sinh viên tốt nghiệp cao đẳng hơn. Tôi phát hiện ra rằng một số cuộc thảo luận của họ liên quan đến kỹ năng, hoặc vốn nhân lực, nhưng rất nhiều trong số đó lại dính líu đến sự thiên vị của người thuê mướn lao động đối với chủng tộc hoặc giai cấp, hoặc những đặc tính cá nhân khác.
Vì thế, điều này nghĩa là các trường đại học ưu tú có khả năng tái sản xuất giới tinh hoa truyền thống cho các vị trí ở những công ty mới, nhưng giờ đây giới tinh hoa mang vỏ bọc chứng chỉ dựa trên thành tích để hợp pháp hóa vị trí của họ trong nền kinh tế.
MS: Mặc cho những bằng chứng nghèo nàn về việc giảm thiểu sự bất bình đẳng, ý tưởng cho rằng giáo dục là một chính sách để giải quyết sự bất bình đẳng vẫn tồn tại ở mọi nơi. Tại sao giáo dục lại là một chính sách quyến rũ như thế đối với những vấn đề kinh tế?
CG: Tôi nghĩ một phần là vì nhiều người ủng hộ giáo dục có thể tưởng tượng nền giáo dục đang làm được nhiều điều khác biệt. Chúng ta cũng thấy điều này ở đầu thế kỷ XX. Lúc ấy có một liên minh khổng lồ những người ủng hộ xoay quanh ý tưởng về giáo dục, dù họ có nhữngmối quan tâm trái ngược nhau trên nhiều địa hạt khác nhau.
Ý tưởng tưởng cũng dai dẳng bởi vì nó không thách thức một trong những tác nhân quyền lực nhất trong nền kinh tế. Nó không thách thức quyền lực của những người thuê mướn lao động trong việc họ muốn trả lương sao cũng được, hoặc là tạo ra những điều kiện lao động sao cũng được.
Rất dễ để nói về những mục tiêu và lý tưởng cao cả bên trong hệ thống giáo dục, nhưng có những giới hạn về chuyện nó có thể làm được bao nhiêu. Và giáo dục thường che khuất sự bất bình đẳng trong thị trường lao động, điều quan trọng hơn nhiều trong việc định hình sự bất bình đẳng xã hội mà chúng ta đã thấy ở đầu thế kỷ XX và đang thấy một lần nữa trong ngày hôm nay.
MS: Nhiều người Cánh Tả phản đối việc trường học chỉ đơn thuần là một nơi để đào tạo việc làm, nhưng chuẩn bị nghề nghiệp vẫn là một phần thiết yếu của nền giáo dục công. Những người xã hội chủ nghĩa có quan điểm như thế nào về mục đích của trường học trong thế kỷ XXI?
CG: Với lập trường giáo dục là sự cần thiết để tìm việc làm – dĩ nhiên, ở cấp độ cá nhân thì giáo dục là quan trọng – tôi nghĩ chúng ta không nên chê bai việc người học theo đuổi sự nghiệp học hành vì lý do ấy. Đối với xu hướng bác bỏ chủ nghĩa nghề nghiệp (careerism), hay là chủ nghĩa hướng nghiệp (vocationalism) của người học, tôi thấy về cơ bản đó là sự đổ lỗi cho người học về nền kinh tế họ phải đối mặt.
Nếu những người Cánh Tả muốn giải phóng nền giáo dục vì những mục tiêu giải phóng và sáng tạo, chúng ta nên tạo ra một nền kinh tế cung cấp sinh kế cho mọi người. Những đòi hỏi về giáo dục đại học miễn phí hay miễn nợ đều là những đòi hỏi tốt mang tính chủ nghĩa xã hội, nhưng chúng không đủ. Chúng ta đã thấy cách thức tầng lớp thống trị luôn tạo ra những rào cản mới bằng cách sử dụng những chứng chỉ cao cấp hơn.
Điều này dẫn đến tiêu đề của quyển sách, “Bẫy Giáo Dục”. Ở khắp các phổ chính trị, trường học được xem như giải pháp cho nhiều vấn đề xã hội, nhưng một sự tập trung vào trường học có thể tiện lợi cho những ai có quyền lực kinh tế nhiều nhất, bởi vì nó chuyển gánh nặng cải cách lên vai người học, lên vai giáo viên và tránh xa những gì mới thực sự là nguồn gốc của sự bất bình đẳng: sự đánh mất quyền lực của công nhân trong nền kinh tế và chính trị.
Những nhà giáo dục quả thật đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người lao động. Chúng ta đã thấy điều đó ở Chicago, nơi mà tôi sinh sống. Những công đoàn giáo viên đã chiến đấu không chỉ vì điều kiện làm việc của bản thân họ mà còn vì một chương trình nghị sự rộng hơn và vì sự đầu tư công cho sinh viên cũng như cộng đồng của họ.
Và tôi nghĩ, với tư cách là một người theo chủ nghĩa xã hội, nếu chúng ta giải thích vai trò của trường học một cách rộng rãi, ta nên xem những hình thức tổ chức chiến dịch này cũng là những hình thức giáo dục chính trị quan trọng. Chúng ta nên quảng bá những điều đó cả trong và ngoài trường học.
* Về tác giả
Cristina Groeger là một nhà sử học tại Đại học Lake Forest và là tác giả chuyển quyển sách The Education Trap: Schools and the Remaking of Inequality in Boston (Tạm dịch: Bẫy Giáo Dục: Trường học và Sự Tái Lập Bất Bình Đẳng ở Boston).