Maxie Johnson dịch
Ba thập niên sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, các nước vùng Baltic vẫn lưu giữ dấu tích về nửa thế kỷ thời Xô-viết. Ngày nay, những công trình hoành tráng theo chủ nghĩa hiện đại chỉ còn là những cái vỏ rỗng, giống như biểu tượng cho sự phù phiếm của nhà nước – nhưng di sản của họ cũng cho thấy nỗ lực của các kiến trúc sư sở tại chống lại chủ nghĩa tuân thủ kiểu cách.

Vào những năm trước đây của Liên Bang Xô-viết, nghệ sĩ, công chức của Đảng và kể cả những tên đầu sỏ tội phạm đều tụ họp ở Jurmala, một thành phố nghỉ dưỡng ven biển cách thủ đô Cộng Hòa Xô-viết Latvia, Riga, hai mươi lăm dặm. Điểm dừng chân nổi tiếng ở đây là một sự kết hợp giữa nhà hàng và hộp đêm, Jūras Pērle, hay “Viên ngọc của biển cả” – một nơi lui tới hào nhoáng và suy đồi với những người phục vụ quầy rượu, vũ công tạp kỹ và những người làm trò tiêu khiển giỏi nhất mà quốc gia với tính chất Xô-viết qua loa này có thể cung cấp, trong đó bao gồm cả ca sĩ Laima Vaikule.
Con gái của Leonid Brezhnev, một chính trị gia Xô-viết cũng như con gái của Erich Honecker từ Đông Đức đều từng đến đây, một nơi với quy định ăn mặc rất kín kẽ: Nam giới không đeo cà-vạt sẽ không được vào, kể cả có đặt chỗ trước. Người ta đồn rằng phải xếp hàng từ lúc 6 giờ sáng để vào hộp đêm còn ánh đèn dưới sàn kính chớp theo nhạc trong khi những vũ công hở hang phục vụ khách hàng của họ.
Những gì diễn ra phía trong tòa nhà để lại tiếng xấu, nhưng bản thân nó là một thứ kỳ lạ. Kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại này được thiết kế và xây dựng bởi kiến trúc sư địa phương Josif Goldenberg từ năm 1964-1965 và mở cửa cho công chúng năm 1969, một kiến trúc bê tông với cửa sổ kính khổng lồ nhoài ra bãi biển. Goldenberg là một người tiên phong với phong cách hiện đại trong vùng, trước đó ông đã thiết kế cửa hàng Bērnu Pasaule (Thế giới của Trẻ em) ở trung tâm Riga, áp dụng các yếu tố Phong cách Quốc Tế vào công trình của mình. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 – cùng với hai vụ hỏa hoạn bí ẩn sau đó – câu lạc bộ Jũras Pẽrle bị tháo dỡ năm 2001.
Các quốc gia Baltic là quê hương của vài “viên ngọc” chủ nghĩa hiện đại tương tự thời Xô-viết song, trong thời gian dài người ta đã khá chần chừ về việc bảo tồn chúng – một phần vì thời đại mà chúng đại diện, và một phần vì chi phí cần thiết cho việc này. Các quốc gia Baltic nằm dưới sự chiếm đóng của Liên Xô lần đầu tiên từ 1940-1941 theo như sự phân chia các nước Bắc và Đông Âu theo Hiệp ước Motolov – Ribbentrop và lần tiếp theo là từ khi kết thúc chiến tranh Thế giới thứ Hai. Những nước này chỉ giành được độc lập năm 1991 sau một chuỗi các cuộc đấu tranh khó khăn và đôi lúc có cả đổ máu.
Các tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại Xô-viết độc đáo ở mỗi quốc gia là minh chứng cho cả sự phá cách của các kiến trúc sư địa phương trong thời kỳ chiếm đóng và lý tưởng tập thể ẩn mình trong công trình. Đa số chúng là đại diện duy nhất còn lại của phong cách ấy, nhưng nỗi đau của thời kỳ Xô-viết, chi phí và những vấn đề liên quan tới hợp đồng tư nhân cũng là những lý do khiến chúng bị bỏ mặc.
Linnahall (trước đây là Cung Văn hóa Thể thao V.I.Lenin) ở Tallinn, Estonia được kiến trúc sư Raine Karp (cùng với Riina Altmäe) xây dựng năm 1980 phục vụ Thế vận hội Mùa hè tại Moscow. Suốt kỳ thi đấu, Estonia là chủ nhà tổ chức môn đua thuyền buồm do Moscow nằm sâu trong lục địa.
Công trình ven biển ngập trong các hình vẽ Graffiti và xuống cấp này bị bỏ hoang trong vòng một thập niên, nhưng từ năm trước đến nay đã có nhiều cuộc đàm phán mới nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng. Gần đây nhất, người ta dùng địa điểm này như một cảnh quan trọng trong bộ phim hành động Tenet của Christopher Nolan.
Tái sử dụng
Tháng Hai vừa rồi, công ty lữ hành Baltic Sea Tallink tuyên bố triển khai kế hoạch chuyển đổi Linnahall thành trung tâm hòa nhạc – hội nghị đa chức năng và bến phà. Dịch bệnh COVID-19 đã cản trở các kế hoạch này. “Mọi chuyện thực sự đều phụ thuộc tình hình sắp tới của đại dịch. Ưu tiên hiện tại của chúng tôi là bảo toàn và khôi phục các mảng làm ăn cốt lõi của công ty”, Katri Link, giám đốc truyền thông của Tallink & Sija Line cho biết. Tiến độ dự án tiếp tục bị chậm nhưng kế hoạch không có sự thay đổi. Sở Quy hoạch Đô thị Tallinn cho biết tòa nhà hiện tại vẫn trong tình trạng được bảo tồn di sản. “Trước cuộc khủng hoảng, chính quyền thành phố Tallinn và công ty vận chuyển đường thủy Tallink đã đồng ý cải tạo tòa nhà”, phát ngôn viên của Sở là Margit Lokk trả lời. “Hiện tại thì chúng tôi không thể nói khi nào sẽ triển khai dự án.”
Phe bảo thủ trong chính phủ mới có những ý tưởng gay gắt hơn về số phận sắp tới của tòa nhà. “Linnahall cùng với nhiều thứ khác, là một biểu tượng của phong cách hiện đại xấu xí của thời đại Xô-viết,” cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mart Helme, một người thuộc đảng cực hữu EKRE tuyên bố vào tháng Tám. Ông ta còn chỉ trích đài tưởng niệm Thế chiến II Maarjamäe ở Pirita, một quận đông bắc Tallinn. Phức hợp này được xây dựng vào những năm 1960 để tưởng nhớ binh sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống bọn Quốc Xã cùng những người Bolshevik chết khi chiến đấu với nước Estonia mới độc lập năm 1918.
Trong giai đoạn chiếm đóng hậu Đệ nhị Thế chiến, nhiều tượng đài được dựng lên để vinh danh những người Xô-viết chống Quốc xã, cùng với Lenin, Stalin và các tác phẩm điêu khắc hiện thực xã hội chủ nghĩa, tất cả về sau bị di dời về ngoại vi thành phố. Di sản này là một chiến trường văn hóa. Dù Liên Bang Xô-viết tan rã đã lâu, khoảng cách giữa người bản địa và cộng đồng người Nga, hiện nay đang chiếm khoảng gần 30% dân số ở các nước vùng Baltic, vẫn tồn tại.
Có nhiều vấn đề pháp lí đáng đề cập liên quan đến các công trình thời kỳ Xô-viết ở cả ba nước vùng Baltic. Năm 1992, Luật Bảo vệ Công trình kỷ niệm Văn hóa của Latvia không cho phép liệt kê các tòa nhà dưới 50 năm tuổi vào danh sách được bảo vệ, khiến cho nhiều công trình trong suốt thập niên 1990 bị bỏ hoang hoặc tháo dỡ bất kể chất lượng kiến trúc của chúng. Những tòa nhà sót lại thường xuống cấp, đổ nát thậm chí nguy hiểm – một vài trong số chúng không thể được phục hồi. Công trình duy nhất được công nhận là công trình kỷ niệm văn hóa tại quốc gia này là Ngôi nhà mùa hè năm 1959 của Modris Gelzis tại Pabaži, bốn mươi dặm về phía đông bắc của Riga.
Những trở ngại tương tự xuất hiện khắp khu vực. Tòa “Banga” café xây năm 1976 ở vùng nghỉ dưỡng ven biển Planga của Lithuanian được miêu tả là “khó có thể nhận ra” và “ngập trong quảng cáo”, theo mô tả của Vaidas Petrulis, nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Công nghệ Kaunas. Tòa khách sạn Hotel Britanika, mở cửa năm 1986 ở thành phố thứ hai của Lithuania, Kaunas, hiện cũng đang chờ bị tháo dỡ và thay thế bằng một khách sạn mới. Một “con quái vật bê tông” khác của Kaunas là khách sạn Hotel Respublika, bắt đầu khởi công năm 1988. Công trình bị bỏ dở trong vài năm trước khi cái xác thô mộc to lớn của nó bị phá dỡ.
Và quay trở lại với Riga, tại khu dân cư phía đông Mežciems, có một khối trụ vĩ đại đang mục ruỗng – nơi từng là bệnh viện phụ sản vào những năm 1980s – giờ là nơi thu hút những người khám phá thành phố tuổi teen và người vô gia cư. Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, hội đồng thành phố quyết định phát triển một khu dân cư cao tầng ở khóm rừng gần đó, nơi sau này trở thành một chợ đen Xô-viết khét tiếng. Hội đồng xây dựng thành phố Riga cho biết hiện tại “không có thông tin về công ty định tu sửa hay tháo dỡ tòa nhà này”, Edgars Butāns-thành viên hội đồng nói, ông cũng cho biết năm 2018 cũng có vài cuộc thảo luận về xây dựng trung tâm y tế trong phạm vi này.
Rapla là một thị trấn nhỏ với khoảng 5000 dân ở tây bắc Estonia. Ngược với quy mô dân số nhỏ bé, nơi đây có một điểm hấp dẫn lớn – tòa nhà hành chính màu trắng 8 cạnh của Toomas Rein – Văn phòng Xây dựng Rapla Kolkhoz. Cấu trúc to lớn và đẹp đẽ này là biểu tượng của chính sách tập thể hóa nông nghiệp bắt buộc áp dụng khắp vùng Baltic dưới thời Xô-viết từ cuối thập niên 1940 trở đi.
Những tòa nhà này thường được thiết kế bởi những kiến trúc sư trẻ và tài năng ở địa phương, và đặc biệt là ở Estonia, nơi họ được hưởng một chút tự do, nhờ vào Ủy ban Xây dựng Xô-viết Nhà nước Estonia yêu cầu các tòa nhà văn phòng của hợp tác xã nông nghiệp “được xây dựng đặc biệt theo một thiết kế duy nhất để tuân thủ tính đa chức năng của chúng và nhấn mạnh dấu ấn địa phương,” Laura Ingerpuu nói. Mặc dù thường tọa lạc ở vùng hẻo lánh, chúng vẫn là điểm đến hấp dẫn cho những người đam mê kiến trúc. Tòa nhà Rapla của Rein mở cửa lần đầu năm 1977 – hiện tại nó vẫn nằm trong diện nguy cơ dẫu đã được xếp hạng là di sản vào năm 2015. “Nếu không có hành động gì trong tương lai gần, sẽ chẳng còn lại gì để bảo tồn hay sửa chữa nữa,” Mait Väljas, hiện đang công tác tại Học viện Mỹ thuật Estonia cho biết.
Tình hình ở các thủ đô cải thiện đôi chút với vài tòa nhà Xô-viết thời hậu chiến được chuyển đổi mục đích sử dụng và người ta công nhận dấu ấn văn hóa của chúng– giống như trường hợp của Linnahall.
Sự báng bổ
Cung Thể thao và Nhạc hội Vilinus là một trong những trung tâm thể thao mang phong cách hiện đại Xô-viết còn sót lại. Tòa nhà hình thân tàu được kiến trúc sư đến từ Kaunas, Eduardas Chlomauskas xây dựng năm 1971 với sức chứa bốn nghìn khác giả, bị bỏ hoang suốt nhiều năm. Kể từ lúc khởi công, tòa nhà này đã là tâm điểm tranh cãi khi xây chồng lên một nghĩa trang Do Thái, nấm mộ được giữ nguyên và họ chỉ di dời các tấm bia.
Mặc dù vậy, hiện tại đang có một dự án của công ty địa phương là Architektai Sigito Kuncevičiaus projektavimo firma nhằm biến nơi đây thành một trung tâm hội nghị quốc tế, dự kiến khánh thành vào năm 2023. “Vào thời điểm này, đây mới nằm trong giai đoạn đề án. Nhiệm vụ của đề án là xây lại cấu trúc có sẵn của trung tâm nhạc hội và thể thao Vilius”, theo thông cáo chính thức từ công ty. Bộ Tài chính của Lithuania chưa giải ngân phần cần thiết cho dự án trong năm nay, và có thể đã làm chậm trễ tiến độ.
Trong khi công ty cho biết “sẽ chuyển đổi khu vựng xung quanh nơi từng là nghĩa trang Do Thái thành khu tưởng niệm” để giữ lại “đặc điểm của kiến trúc thô mộc”, các thành viên trong cộng đồng Do Thái vẫn phản đối hướng đi của dự án này. Biên tập viên của tờ Defending History và cựu giáo sư môn ngôn ngữ Yiddish tại Đại học Vilnius là Dovid Katz, đã gọi công trình này là “một thứ quái dị thời Xô-viết và là sản phẩm của những truyền thống mọi rợ”. Ông cũng nói thêm rằng nghĩa trang Do Thái này nên được tái lập thay vì chỉ là khu tưởng niệm, bởi nếu không thì vẫn có một trung tâm hội nghị ở nơi linh thiêng, đồng nghĩa với việc hát hò, ăn uống và vệ sinh ở chỗ đáng ra nên có một chút trang trọng.
“Vilinius cần một trung tâm hội nghị hiện đại” ông nói thêm, nhưng “nó phải đại diện cho sự hài hòa các nền văn hóa đã giúp Vilinus có ngày hôm nay, chứ không phải tái sử dụng một tòa nhà Xô-viết nằm giữa một nghĩa trang mà bất kỳ ai có lương tâm trên thế giới này sẽ không đặt chân vào.” Hơn 90% dân số Do Thái ở Lithuania đã bị thảm sát trong sự kiện Holocaust, do đó không còn nhiều hậu duệ đấu tranh vì nơi chôn cất này. “Nói ngắn gọn, tài sản bị chiếm đoạt thì cần được trả lại”, Katz nói.
Ảnh hưởng từ Bắc Âu
Những kiến trúc Xô-viết về sau này, như Cung Thể thao và Nhạc hội hay Văn phòng Xây dựng của Rapla Kolkhoz, thậm chí cả Linnahall, đều không rõ ràng về ý thức hệ như những công trình trước đó; chúng không phải đài tưởng niệm Hồng quân hay những kiến trúc Stalinist thực thụ. Giới kiến trúc sư địa phương được chính quyền Xô-viết trọng dụng từ thập niên 1960 trở đi đã giới thiệu các phong cách ảnh hưởng bắt nguồn từ những nơi khác. Goldenbergs học tại Paris, tôi luyện ở nhiều nơi khắp châu Âu hồi thập niên 1930. Lithuania cũng là quê hương của kiến trúc sư Vytautas Čekanauskas. Ông được trao tặng giải thưởng Lê-nin và vẫn kết hợp một cách có chủ ý những yếu tố Phần Lan vào các thiết kế của mình. Ông là người phụ trách một số những tòa nhà ấn tượng nhất Vilnius, như Šiuolaikinio Meno Centras, hiện tại được bảo tồn với công năng là Bảo tàng Mỹ thuật Đương đại. Modris Gelzis của Latvia, người thiết kế Ngôi nhà mùa hè mà chúng ta đã nói đến, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc sư Alva Aalto người Phần Lan.
Ảnh hưởng từ Bắc Âu đã khiến vùng Baltic “không tuân theo mà đặt ra những chuẩn mực mới và thay đổi quan điểm về kiến trúc thời Xô-viết,” Marija Drėmaitė, một giáo sư lịch sử tại Đại học Vilnius viết. “Trong chủ nghĩa hiện đại Bắc Âu, các kiến trúc sư Baltic được truyền cảm hứng bởi một đặc điểm – sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa hiện đại quốc tế và bản sắc địa phương”. Vùng Baltic có một lịch sử về việc ẩn giấu ý tưởng nổi loạn trong các dự án trực quan, với những câu truyện về “sự chống đối thầm lặng” vẫn tồn tại trong vùng. Bức tượng Người lính Đồng của Tallin trứ danh (xây dựng dưới thời Stalin) bị chuyển từ trung tâm thủ đô Estonia ra vùng ngoại ô năm 2007, kích động bất ổn diện rộng trong cộng đồng người Nga ở đây.
Trong khi tác phẩm khắc họa hình ảnh của một người lính vô danh trong đồng phục Hồng quân và người ta có thể nhìn thấy biểu tượng búa liềm được đặt ở bức tường phía sau, người ta vẫn rỉ tai nhau rằng nghệ sĩ điêu khắc người Estonia Enn Roos đã lấy khuôn mặt của Kristian Palusalu, một vận động viên Olympic Estonia và là một Hồng quân đào ngũ cho bức tượng. Điều này cũng được nhắc đến trong một bộ phim. Khi tôi gặp nhà sản xuất phim người Estonia Kristīne Bried năm 2017 để nói về dự án Bridges of Time của bà, bà đã nói với tôi rằng chim thường được sử dụng như mô típ biểu tượng cho sự tự do của vùng Baltic trong những thước phim tài liệu nên thơ. “Họ không muốn nói dối và họ không thể nói thật, nhưng họ muốn làm phim nên họ tạo ra những bộ phim được xây dựng trên những biểu tượng, phép ẩn dụ và hình ảnh”, bà ấy nói trong một buổi phỏng vấn sau này. Nghệ thuật và thiết kế thường là một phần của sự chống đối thầm lặng rộng rãi này.
Tuy nhiên việc sử dụng các kiến trúc sư địa phương cũng không kém phần rắc rối. Hiện tại, tổng thống Nga Vladimir Putin và những người ủng hộ ông ta thường hay lý luận (một cách sai trái) rằng việc Liên bang Xô-viết sát nhập các nước vùng Baltic “được thực hiện trên một nền tảng đồng thuận với sự đồng ý của các cơ quan dân cử”, nhờ đó văn hóa bản địa được bảo vệ và nhân dân địa phương đã chấp nhận chính quyền mới. Những người dân địa phương này, ở một phương diện nào đó, đã hợp tác với chình quyền chiếm đóng, kể cả khi họ cố gắng làm nó suy yếu bằng cách thêm vào mỹ học chức năng châu Âu hay Scandinavia.
Cũng có những vấn đề thực tiễn hơn về viẹc bảo tồn chúng. Ảnh hưởng của thị trường hậu Xô-viết và chất lượng ban đầu của các công trình cần được xem xét, và một lí do to lớn nữa là kết quả liệu có đáng với số tiền phải bỏ ra để trùng tu, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế xã hội với nhiều đợt di dân địa phương đến các nước khác trong khối Liên minh châu Âu kể từ khi các quốc gia Baltic gia nhập vào năm 2004. Mặc dù các bản vẽ của công trình rất tỉ mỉ, đôi lúc việc xây dựng chưa đạt chuẩn khiến các tòa nhà thiếu ổn định. Trong khi đó tài liệu du lịch cho rằng “Có những câu hỏi cần giải đáp về cấu trúc” của Linnahall ở Tallinn. Trong khi đó, Liên Xô đã giao việc xây dựng Hotel Viru ở gần đó cho một công ty Phần Lan, Repo Oy, vì so sánh năng lực với các xí nghiệp Xô-viết khác.
Có lẽ không có nhiều ý nghĩa khi bảo tồn những công trình hậu chiến này. Bỏ tiền ra để sửa chữa hay xây lại một tượng đài Xô-viết, thứ chỉ nhắc cho người dân về một thế lực chiếm đóng hay việc một nghĩa trang Do Thái bị phá hoại thì quá xúc phạm, đặc biệt khi người dân địa phương coi nó như một biểu tượng về bạo lực. Tuy vậy tính thẩm mỹ của những kiến trúc này do những nhà thiết kế Baltic hậu Stalin tạo nên bằng cách thử nghiệm kết hợp những ảnh hưởng từ bên ngoài và yêu cầu của Xô-viết, đáng được công nhận bởi vị thế có một không hai của chúng. Bây giờ thì những công trình này tiếp tục rục muỗng bên bờ biển của các thành phố, cạnh những con đường bị quên lãng hay ở những ngôi làng nhỏ, chờ đợi để được phát triển tiếp hoặc bị phá bỏ hoàn toàn – có lẽ là kết thúc phù hợp cho chúng, trong khi những cuộc tranh cãi đau đớn về số phận của chúng tiếp tục diễn ra.