Stalin giao nộp hàng trăm người cộng sản cho Hitler

Alex de Jong*

Hàm Ninh dịch

Trong suốt thập niên 1930, nhiều người cộng sản và xã hội chủ nghĩa ở Đức và Áo đã đào thoát đến Liên Xô để tránh rơi vào tay bọn Quốc xã. Nhưng với sự phản bội trân tráo, cảnh sát mật Xô Viết đã bắt hàng trăm người bọn họ và giao cho Gestapo của chế độ Hitler.

Cựu thành viên của Schutzbund Áo – cánh bán quân sự của Đảng Dân chủ Xã hội Áo, là những người bị NKVD trao cho Quốc xã
(Ảnh: German Federal Archives)

Hiến pháp năm 1936 của Liên bang Xô Viết cho phép “quyền tỵ nạn của công dân nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động”. Thế nhưng chính quyền Liên Xô phá vỡ cam kết này một cách đáng xấu hổ khi xử lý hàng trăm người Đức và Áo lưu vong bằng cách giao họ cho bọn Quốc xã hồi cuối thập niên 1930. Nạn nhân gồm những nhà cách mạng kỳ cựu, cộng sản Do Thái và các chiến sĩ chống phát xít.

   Một trong những người cộng sản Đức bị trục xuất là Margarete Buber-Neumann. Hồi ký bản tiếng Anh của bà xuất bản năm 1949 có tựa đề “Sống dưới hai nhà độc tài: Tù nhân của Stalin và Hitler” (Under Two Dictators: Prisoner of Stalin and Hitler), có lẽ là quyển hồi ký nổi tiếng nhất của những người bị trục xuất. Buber-Neumann mô tả khoảnh khắc các quan chức Xô Viết giao bà cho bọn Quốc xã giam giữ cùng 29 người khác:

“Cuối cùng đoàn tàu cũng ngừng lại và đấy là lần cuối chúng tôi nghe tiếng quát tháo quen thuộc: “Hay sẵn sàng. Với mọi thứ”. Cửa toa tàu được mở ra… xa một quãng là nhà ga. Chúng tôi chỉ có thể thấy tên của biển chỉ dẫn gần đó: Brest-Litovsk”.

Buber-Neumann tiếp tục hồi tưởng một nhóm đàn ông là bọn cảnh sát mật Xô Viết (NKVD), bọn này vẫn thường được người ta gọi với tên cũ là GPU. Chúng băng qua cây cầu vào lãnh thổ Đức, lát sau chúng trở lại: Xuất hiện cùng chúng là một số sĩ quan SS. Chỉ huy trưởng SS và GPU chào nhau theo kiểu quân đội”. Tay chỉ huy Xô Viết bắt đầu đọc rõ to tên các tù nhân:

“Một trong số họ là người Do Thái di cư từ Hungary, người khác là công nhân trẻ từ Dresden dính líu đến vụ đụng độ làm chết một tên Quốc xã năm 1933. Anh trốn thoát đến nước Nga Xô Viết ngay sau đó. Tại phiên tòa, những người khác đổ hết tội lên đầu anh ta, vì biết rằng, hay đúng hơn là nghĩ, anh ta được an toàn ở Liên Xô. Số phận của anh ta đã được an bày”.

Trốn khỏi Hitler

Buber-Neumann sinh năm 1901, bà tham gia phong trào thanh niên cộng sản năm 1921 và gia nhập Đảng Cộng sản Đức (KPD) năm 1926. Từ năm 1928 trở đi, bà làm việc cho tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản. Tại đây bà gặp Heinz Neumann là thành viên của ban lãnh đạo KPD rồi hai người kết cặp với nhau. Sau khi bọn Quốc xã chiếm Berlin, cả hai tìm cách tỵ nạn ở Liên bang Xô Viết.

Thế nhưng cuộc thanh trừng do Josef Stalin phát động vào nửa sau thập niên 1930 biến Liên Xô thành một nơi nguy hiểm chết người đối với phái cộng sản Đức. Bọn NKVD bắt giữ Heinz Neumann với vu cáo gián điệp và hành quyết ông vào ngày 26/11/1937. Chúng cầm tù Margarete Buber-Neumann rồi cuối cùng trục xuất bà năm 1940 đến nước Đức Quốc xã.

Liên Xô lúc bấy giờ là nơi dừng chân của một số nhóm công dân Đức khác nhau. Một số đến đây để tìm việc. Nhiều người trong diện này có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản nhưng không nhất thiết là đảng viên. Kế đến là nhóm lưu vong chính trị, những người Cộng sản và những người chống phát xít khác, bao gồm cả người Áo vốn chính thức trở thành công dân Đức sau khi Áo bị Đức nuốt chửng năm 1938. Một số khác đã nhập tịch Xô Viết.

Thông tin về số phận của những người này tản mác trong nhiều kho lưu trữ, một vài trong số đó vẫn chưa cho phép giới nghiên cứu tiếp cận. Do đó rất khó để xác định có bao nhiêu người chịu chung số nhận như Buber-Neumann. Người ta ước tính một cách thận trọng là có khoảng 600 người đã bị đày ải hoặc trục xuất.

Số phận của Franz Koritschoner

Trong số lưu vong nhân bị gửi đến nước Đức Quốc xã có cả các cựu binh của phong trào Cộng sản như Franz Koritschoner. Ông sinh năm 1892 ở Áo-Hung, nhà xã hội chủ nghĩa trẻ tuổi gốc Do Thái này phản đối những nỗ lực theo đuổi chiến tranh của các đảng Dân chủ Xã hội sau năm 1914. Năm 1916, Koritschoner gặp Vladimir Lenin trong Nghị hội Kienthal – một hội nghị tập hợp các nhà xã hội chủ nghĩa phản chiến cách mạng.

Koritschoner tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo trong các cuộc biểu tình và bãi công ở Áo-Hung đến tháng 1/1918. Năm này, ông gia nhập Đảng Cộng sản Áo (KPÖ) vừa mới thành lập. Koritschoner biên tập tập san của Đảng Cộng sản Áo và dịch các tác phẩm của Lenin – người gọi ông là một “người bạn thân tình”. Từ năm 1918 đến 1924, Koritschoner là thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Áo. 

Cuối thập niên 1920, ông đến Liên bang Xô Viết làm việc cho Quốc tế Công hội Đỏ (Profintern) và gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1930. Cơ quan NKVD bắt Koritschoner năm 1936, cáo buộc ông phạm tội phản cách mạng. Chính quyền Xô Viết quyết định giao ông cho bọn Gestapo vào tháng 4/1941.

Chúng ta biết một chút về những tuần cuối đời của Koritschoner bởi ông bị giam chung buồng với Hans Landauer, một chiến sĩ của Lữ đoàn Quốc tế còn sống đến sau chiến tranh. Theo Landauer, Koritschoner bị suy kiệt và đầy sẹo do bọn NKVD và Gestapo tra tấn. Răng ông rụng cả vì mắc chứng còi xương trong quá trình ông bị giam ở trại lao cải miền viễn bắc Xô Viết. Ngày 7/6/1941, bọn Quốc xã mang Koritschoner tới Auschwitz và giết ông hai ngày sau đó.

Phản bội Schutzbündler

Cuộc thanh trừng khắp Liên bang Xô Viết dưới bàn tay Stalin ảnh hưởng đến nhiều người hơn cả. Một nhóm trở thành nạn nhân là các cựu thành viên của Schutzbund Áo, hay là Liên đoàn Phòng vệ Cộng hòa, một cánh bán quân sự của Đảng Dân chủ Xã hội Áo (tồn tại từ Đệ nhất thế chiến đến năm 1934). Ngày 4/3/1933, Thủ tướng Áo Engelbert Dollfuß đình chỉ quốc hội và bắt đầu chế độ phát xít. Đến tháng 2/1934, thành viên của Schutzbund vũ trang chống lại chế độ mới nhưng họ không thể kháng cự cuộc đàn áp vũ trang hạng nặng của quân chính phủ. Khoảng hai trăm người bị giết trong các cuộc giao tranh hoặc bị xử tử ngay sau đó.

Phong trào Cộng sản ca ngợi cuộc phản kháng của Schutzbund và Liên Xô mở lời cho phép họ tỵ nạn. Nhiều thành viên Schutzbund đã gia nhập Đảng Cộng sản vì họ thất vọng với sự yếu kém của nền Dân chủ Xã hội trong cuộc đấu tranh chống phát xít. Khoảng 750 Schutzbündler đã lưu vong ở Liên Xô.

Chỉ vài năm sau đó, quá khứ Dân chủ Xã hội của họ khiến họ trở thành mục tiêu của cuộc đàn áp. Trong khi khoảng một nửa rời khỏi Liên Xô, nhóm Schutzbündler còn lại trở thành nạn nhân các cuộc thanh trừng. NKVD trục xuất nhiều người trong số những người sống sót về Đức Quốc xã.

Một nhóm 25 người bị đày được chuyển giao vào tháng 12/1939 gồm 10 Schutzbündler. Trong số đó có Georg Bogner. Ông từng chiến đấu trong cuộc nổi dậy tháng 2/1934 ở quê hương Attnang-Puchheim trước khi đào thoát sang Liên Xô. Cảnh sát mật Xô Viết bắt giữ Bogner năm 1938. Đến cuối tháng 12/1939, ông bị cơ quan tình báo Đức là Sicherheitsdienst, giam giữ ở Warsaw. Điều gì đã xảy ra với ông về sau thì chúng ta không rõ.

Trước Hiệp ước

Tháng 8/1939, Liên bang Xô Viết ký hiệp ước bất tương xâm với Đức Quốc xã. Một tuần sau, Wehrmacht xâm lăng Ba Lan. Liền sau đó, các lực lượng Liên Xô tấn công đất nước này từ phía Đông. Trước khi giao tranh kết thúc, hai chính phủ đồng ý ký một “Hiệp ước Hữu nghị và Biên giới Đức-Xô” vào tháng 9 cùng năm.

Thỏa thuận trên vượt khỏi đảm bảo bất tương xâm lẫn nhau: các bên cam kết không ủng hộ một liên minh chống lại bên kia và trao đổi thông tin liên quan đến “lợi ích đôi bên”. Ngoài ra còn có các nghị định thư bí mật thêm vào các hiệp ước, theo đó Moscow và Berlin phân chia lãnh thổ của các nước Baltic và Ba lan giữa họ. Liên Xô đã không chính thức thừa nhận sự tồn tại của những nghị định thư này cho đến tận năm 1989.

Nhiều người cho rằng sự trục xuất các thành phần chống phát xít về Đức Quốc xã có liên quan đến hiệp ước hữu nghị. Margarete Buber-Neumann đồng ý với cách tiếp cận này, xem hành vi đó là “món quà của Stalin gửi đến Hitler” cũng như các ẩn dụ tương tự của những tác giả khác. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa việc trục xuất và hiệp ước dường như ít hơn thế.

Liên Xô đã trục xuất nhiều tù nhân chống phát xít sang Đức Quốc xã trước khi hiệp ước được ký kết. Năm 1937-1938, khoảng 60 người lưu vong, trong đó có người Do Thái và Cộng sản, đã bị trục xuất. Ernst Fabisch là một trong số đó.

Sinh năm 1910 trong một gia đình Do Thái tại Breslau, Fabisch gia nhập Đảng Cộng sản Đức (Đối lập) (KPO) khi mới 19 tuổi. KPO do Heinrich Brandler và August Thalheimer lãnh đạo là một nhánh cộng sản hình thành nên cái gọi là “Hữu Đối lập” trong phong trào, liên kết với các chính trị gia Xô Viết như Nikolai Bukharin, đối thủ lớn cuối cùng của Stalin. Đảng KPO bác bỏ thái độ thù địch phe phái của KPD đối với những người Dân chủ Xã hội và những nhà xã hội chủ nghĩa khác và đề ra yêu cầu thống nhất chống phát xít.

Sau vụ Quốc xã bắt giữ các thành viên hàng đầu của KPO năm 1933, Fabisch tham gia vào ban lãnh đạo ngầm mới, nhiều người trong số họ lần lượt bị bắt vào năm 1934. Ông đào thoát sang Liên Xô nhưng không lâu sau đó lại gặp nguy. NKVD bắt Fabisch năm 1937 và trục xuất ông về Đức ngay năm sau. Bọn Gestapo ngay lập tức bắt giam Fabisch và giết ông tại Auschwitz năm 1943.

Kẻ đồng lõa

Vì không có biên giới trực tiếp giữa Liên Xô và Đức Quốc xã vào thời điểm này, chính quyền mỗi nước đã điều phối việc chuyển giao tù nhân giữa hai quốc gia. Quan chức Xô Viết cấp cho họ giấy thông hành chỉ có giá trị để đi đến Đức và thông báo cho những người đồng cấp Quốc xã về tên và lai lịch của người bị trục xuất. Ngày nay, tài liệu như vậy có thể tìm thấy trong kho lưu trữ của Đại sứ quán Đức và Bộ Ngoại giao, là nguồn thông tin quan trọng về các nạn nhân.

NKVD, cảnh sát mật Xô Viết

Việc trục xuất không phải chỉ bắt đầu với hiệp ước Hitler-Stalin cũng như sự chia cắt Ba Lan, và số phận của những tù nhân như vậy dường như không nằm trong các cuộc t hảo luận giữa Moscow và Berlin. Tuy nhiên, số lượng bị trục xuất ngày càng nhiều lên kể từ thời điểm đó.

Hầu hết trường hợp bị trục xuất trong giai đoạn này là người Đức hay Áo lưu vong chính trị ở Liên Xô. Đôi khi chính quyền Đức yêu cầu trục xuất những cá nhân cụ thể. Song, bọn Quốc xã không mấy bận tâm đến những người bị trục xuất.

Tài liệu của Đại sứ quán Đức được sử gia người Áo Hans Schafranek trích dẫn trong quyển Zwischen NKWD und Gestapo minh họa cho luận điểm trên. Trong phần lớn các trường hợp, việc trục xuất diễn ra mà không có bất kỳ sự đáp trả nào của Đức Quốc xã nhằm chuyển giao tù nhân Liên Xô cần. Việc trục xuất tiếp tục diễn ra cho đến tháng 5/1941, chỉ vài tuần trước chiến dịch Barbarossa, khi quan hệ giữa hai nhà nước trở nên xấu đi.

Động cơ đằng sau cuộc trục xuất chủ yếu là nội bộ hệ thống Xô Viết. Những cuộc thanh trừng của Stalin tấn công vào nhóm người cụ thể: những nhà cộng sản bị xem là những người ủng hộ tiềm năng cho phe đối lập. Theo thời gian, tra tấn và các hình thức đàn áp khác buộc kẻ tình nghi phải chỉ điểm kết hợp với bầu không khí chung đầy hoang tưởng, ngờ vực và mệnh lệnh bắt bớ của bộ máy quan liêu, làm tăng nhanh số lượng người bị ngắm đến.

Tưởng tượng và ngụy tạo

Cáo buộc với những kẻ phản bội và gián điệp ngày càng kỳ quặc hơn bao giờ hết. Một cựu lãnh đạo cánh bán quân sự của KPD, Roter Frontkämpferbund, bị tình nghi đã lập tổ chức khủng bộ “Trốt-kít phát xít” (Trotskyite-fascist). Quan chức Xô Viết thậm chí còn cáo buộc con cái của những nhà cộng sản lưu vong đã thành lập một đoàn Thanh niên Hitler bí mật.

Theo quy định, những nhà cộng sản ngoại quốc như Heinz Neumann phải đối mặt với cáo buộc trả thù cho “đất nước quê hương”. Stalin giải tán Đảng Cộng sản Ba Lan năm 1938 và các thành viên của đảng này bị hành quyết hoặc bị đưa đến Gulag với cáo buộc làm điệp viên cho cả chính phủ Warsaw và Leon Trotsky. Như sử gia Hermann Weber chỉ ra, trong số 39 lãnh đạo cao nhất của KPD, nhiều người chết trong ngục tù của cảnh sát mật Xô Viết hơn là bị Đức Quốc xã sát hại. Hàng trăm người Đức lưu vong bị hành quyết tức thời, trong khi nhiều người khác chết dần chết mòn trong các trại tù.

Sinh năm 1887, Hugo Eberlein là thành viên sáng lập của KPD. Ông thay thế Rosa Luxemburg trong vai trò đại diện của đảng tại Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản năm 1919. Eberlein đến Liên Xô năm 1936 nhưng bị bắt vào năm sau với cáo buộc tham gia “hoạt động khủng bộ” nhân danh Quốc xã.

Về sau người ta tìm thấy một lá thư ông gửi vợ trong thư khố của NKVD mô tả thử thách của ông: bị bắt đứng liên tục trong khi bị thẩm vấn “trong mười ngày đêm không ngừng nghỉ”, không được phép ngủ và hầu như không được ăn. Lính canh đánh đập Eberlein không ngớt: “Trên lưng anh không còn miếng da nào, chỉ có phần thịt trần trụi. Trong nhiều tuần, anh bị điếc một bên tai và một bên mắt”. Bọn NKVD cuối cùng thủ tiêu ông ngày 16/10/1941.

Nạn nhân của cuộc săn phù thủy

Buber-Neumann, Fabisch, Bogner, Eberlein và nhiều người khác là nạn nhân của cuộc săn phù thủy. Số phận cuối cùng của họ phụ thuộc vào các quyết định quan liêu độc đoán. Thay vì tự mình làm, chính quyền Xô Viết đã mượn tay Đức Quốc xã giải quyết hàng trăm nạn nhân.

Bọn Quốc xã đã đưa Margarete Buber-Neumann đến trại tập trung Ravensbrück dành cho phụ nữ. Tháng 4/1945, khi chế độ tan rã, bà được phóng thích. Lo sợ bản thân có thể bị quan chức Xô Viết bắt giữ lần nữa khi Hồng quân tiến đến, Buber-Neumann đi tiếp về phía tây 150 ki-lô-mét, nơi quân đội Hoa Kỳ là lực lượng chiếm đóng chính.

Buber-Neumann qua đời năm 1989 vài tuần trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Bà trở thành một người bảo thủ cánh hữu vì rằng kinh nghiệm bản thân bà cho thấy phát xít lẫn cộng sản là những hệ tư tưởng tội ác như nhau. Ngày nay, nếu các nhà xã hội chủ nghĩa muốn phản bác luận điểm này, chúng ta không được phép bỏ qua những trường hợp lịch sử đáng xấu hổ như thế. Lập trường của chúng ta về chủ nghĩa xã hội nên là sự giữ lời hứa và lấy phẩm giá con người làm cốt lõi. Chúng ta nợ các nạn nhân không gì khác hơn là những lời hứa và về phẩm giá con người.

Chú thích:

* Alex de Jong, biên tập viên của tập san Grenzeloos và là nhà hoạt động ở Hà Lan.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s