Daniel Bessner phỏng vấn Derek Davison
Maxie Johnson chuyển ngữ
Sự sụp đổ nhanh chóng của Afganistan vào tay Taliban đã tạo ra một tình huống hỗn loạn và phức tạp. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là nước Mỹ đã không đạt được gì sau hai thập niên đổ máu và chiếm đóng.
Chuyện gì đang diễn ra tại Afganistan? Trong vỏn vẹn vài tuần sau khi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ bắt đầu rút quân, lực lượng Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul và tự xưng là nhà nước mới. Tổng thống được Mỹ chống lưng đã bỏ chạy ra nước ngoài. Giới tinh hoa so sánh sự kiện này với việc “Sài Gòn sụp đổ” năm 1975 một cách bất an và lo lắng.

Để hiểu rõ hơn những vấn đề này, Daniel Bessner (DB) và Derek Davison (DD) hai chủ tọa của kênh đàm thoại cánh tả về chính sách đối ngoại, American Prestige, đã có buổi nói chuyện vào cuối tuần qua. Sau đây là bản biên tập với các nội dung quan trọng nhất của buổi phỏng vấn. Bạn có thể tìm nghe nội dung phỏng vấn (bản tiếng Anh) ở đây.
DB: Tại sao Afganistan sụp đổ?
DD: Câu trả lời ngắn gọn đó là quân đội và nhà nước Afganistan là một tập thể lỏng lẻo và bất ổn. Chuyện này không mới. Thanh tra đặc biệt chung về tái thiết Afganistan đã nhắc đi nhắc lại điều này. Hai năm trước, tờ Washington Post đã xuất bản “The Afganistan Papers” tập tài liệu gây phẫn nộ trong công luận vì phơi bày căn bản sự dối trá của tất cả những tuyên bố của Nhà Trắng về khả năng của quân đội Afganistan cũng như diễn biến cuộc chiến từ trước tới nay.
Hậu quả là lực lượng Taliban, chỉ sau vài tuần, đã chiếm được toàn bộ đất nước. Tổng thống Afganistan bỏ chạy ra nước ngoài, có thể nhằm tránh gây ra đổ máu (ít nhất thì tôi tin là để tránh máu của ông ta đổ). Mọi thứ hiện tại đang trong trạng thái vô định do chưa có một chính phủ mới, tuy nhiên có lẽ nó sẽ giống như chính phủ do Taliban lãnh đạo trước đây. Người ta đồn Trưởng đoàn đàm phán của Taliban là Maulavi Abdul Hakim sẽ được chỉ định làm người đứng đầu chính quyền mới.
Tình trạng của các sứ quán phương Tây chính là thứ đang làm căng thẳng thêm tình hình hỗn loạn tại Afghanistan. Rất nhiều chính phủ bao gồm cả Mỹ đã di tản lãnh sự quán, đưa nhân viên đến sân bay Kabul và gần như chạy đua để đưa người rời khỏi Afganistan. Khả năng đưa những người không mang quốc tịch Mỹ ra khỏi quốc gia này đang bị bỏ ngỏ. Số phận của thông dịch viên cùng những người bản địa từng làm việc với quân đội Mỹ và các cơ quan khác của Mỹ chưa biết sẽ về đâu. Đáng lẽ họ nên được di tản trong thời gian dài trước đây, nhưng bây giờ sau khi đất nước này sụp đổ ta mới chạy đua để làm điều đó.
DB: Tôi nghĩ từ quan điểm của chúng ta, chính sách đối ngoại tốt nhất cho Afganistan là một chính sách đối nội xoay việc chấp nhận người nhập cư. Chính phủ Mỹ có thể cho phép bất kì ai tại mọi thời điểm đến Mỹ và liên kết với một chương trình việc làm. Nhưng có lẽ điều đó sẽ không xảy ra ngoại trừ vài trường hợp tượng trưng.
Trước khi chúng ta tiếp tục, tôi muốn nhấn mạnh hơn nữa vào tốc độ của sự sụp đổ. Tôi nghĩ trong khoảng thời gian vài ngày và vài tuần tới bạn sẽ thấy rất nhiều sự so sánh với Việt Nam. Nhưng chính quyền Nam Việt Nam chỉ tan rã sau hai năm. Sự sụp đổ nhanh chóng của Afganistan càng nhấn mạnh hơn tính lố bịch của toàn bộ dự án “xây dựng quốc gia” mà Mỹ đã thực hiện sau cuộc xâm lược và chiếm đóng. Điều tốt đẹp nhất mà ta có thể mong đợi từ chuyện này đó chính là dấu chấm hết cho ý tưởng “xây dựng quốc gia” này.
DD: Ngoại trưởng (Mỹ) Antony Blinken xuất hiện trên các chương hình truyền hình sáng Chủ nhật mạnh mẽ bác bỏ mọi sự so sánh trường hợp Afghanistan với sự kiện Sài Gòn sụp đổ, tôi đồng tình với điều này, vì nó còn tệ hơn cả trường hợp sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Chuyện này do chúng ta tự gây ra nhiều hơn. Vào tháng 12 năm 2001, Taliban đề nghị được đầu hàng ở Kandahar là thành phố cuối cùng họ kiểm soát. Đổi lại, tất cả những gì họ muốn chỉ là lãnh đạo của họ tại thời điểm đó, Mullah Omar, được hưởng quy chế giam lỏng tại gia thay vì bị đày đi Abu Ghraib hay một nơi nào đó. Bộ máy chính quyền của Bush đã nói “Không, chúng tôi không quan tâm,” và dành 19 năm rưỡi tiếp theo để rồi quay trở lại điểm xuất phát.
Không hề có một dấu mốc nào tương tự như vậy ở Việt Nam với tình huống Bắc Việt xin đầu hàng, Mỹ từ chối và kéo dài cuộc chiến. Vì vậy, chuyện này thực ra còn nhục nhã và đáng xấu hổ hơn cả ở Việt Nam.
DB: Các bên duy nhất thu lợi từ cuộc xâm lược của Mỹ vào Afganistan có vẻ là nhà thầu quân sự, lái buôn heroin và những người có liên hệ với các phe phái trong chính quyền Afganistan thân Mỹ trong suốt những năm qua. Như vậy có đúng không? Vậy thì có gì “tốt đẹp” từ chuyện này không?
DD: Những nhà thầu quân sự tư nhân, đương nhiên rồi. Việc buôn bán heroin cũng hưởng lợi trong suốt 20 năm qua.
Đám lãnh chúa từng giàu lên và gom góp được cả một gia tài nhờ nước Mỹ, bây giờ gần như trắng tay. Cuối tuần này xuất hiện vài đoạn phim quay cảnh các thành viên Taliban vơ vét dinh thự của Abdul Rashid Dostum, cựu phó tổng thống và cũng từng là lãnh đạo của một nhóm phiến quân. Ông ta từng trưng binh để phòng thủ thành phố Mazar-i-Sharif, nơi thất hôm thứ Bảy và là con cờ domino lớn đầu tiên sụp đổ xuống cuối tuần này. Ông ta có một tòa lâu đài sang trọng đến nực cười, và giờ ông ta đánh mất nó. Ông ta đang lưu vong. (Dostum nên bị xét xử ở Hague, ông ta là một tên tội phạm chiến tranh).
Ngược lại, Ashraf Ghani có lẽ sẽ sống một cuộc sống lưu vong sung sướng sau khi thất bại trong công cuộc điều hành Afganistan của ông ta đẩy những người bị hắn bỏ lại vào vòng nguy hiểm. Có thể ông ta sẽ được tung hô, dự những buổi tiệc cốc-tai, diễn thuyết và giữ một vị trí ăn không ngồi rồi ở đâu đấy, và ông ta sẽ sống thoải mái. Vậy là ông ta hưởng lợi, đương nhiên rồi.
Vậy đấy, tôi không thể nghĩ ra thêm nhân vật nào nữa ngoài họ.
DB: Cho đến hiện tại thì có gì nổi bật về chế độ của Taliban?
DD: Taliban đã hứa rất nhiều rằng “Này, chúng tôi không còn là Taliban của ngày xưa nữa. Chúng tôi sẽ không cai trị theo kiểu cũ. Chúng tôi sẽ không đàn áp phụ nữ. Chúng tôi sẽ không phân biệt đối xử với các nhóm yếu thế trong xã hội”. Nhưng họ đã cai trị với đường lối rất áp bức (trong thập niên 1990), và chuyện đó rất có thể xảy ra lần nữa.
Hiện tại có vài vấn đề về ngoại giao cho Taliban. Họ phải cẩn thận về cách đối xử với người Hazaras, một nhóm lớn những người Shia thiểu số, vì có thể khiến Iran nổi giận. Có nhiều vấn đề Taliban phải đối mặt mà theo tôi, là không tồn tại trong cán cân của những năm 1990. Có lẽ lần này họ sẽ cố gắng làm khác đi nhưng hãy còn quá sớm để có thể đưa ra những nhận định.
DB: Khi nhắc đến một cuộc Cách mạng Hồi giáo, thường thì người ta nhớ đến trường hợp Iran và làn sóng di cư sau cách mạng. Liệu chúng ta có thấy chuyện này lặp lại ở Afganistan?
DD: Ở một mức độ nào đấy tôi đã thấy nó xảy ra rồi. Đã có một làn sóng dân nhập cư, chủ yếu qua ngả Iran vào Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi nghĩ nó sẽ còn tiếp tục.
Và theo đó, tất yếu thôi, là Mỹ, Anh và các chính phủ phương Tây giả vờ họ quan tâm đến người nhập cư, trong khi họ đối xử một cách dè chừng và buộc người nhập cư phải sống trong điều kiện thiếu thốn ở những nơi như Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia xung quanh.
Taliban hiện giờ kiểm soát rất nhiều các vùng biên này, nên việc đi khỏi quê hương sẽ khó hơn, nhưng tôi nghĩ vẫn sẽ tiếp tục xảy ra.
DB: Ông có dự đoán gì về những hành động tiếp theo của Hoa Kỳ trong những ngày và tuần tới? Và nước Mỹ nên làm gì?
DD: Những gì chúng ta sẽ làm là chúng ta nói rất nhiều về “Ôi, phụ nữ Afganistan, xã hội dân sự, chúng ta hi vọng Taliban sẽ không làm gì tổn hại đến những người này. Chúng tôi kêu gọi Taliban tôn trọng nguyện vọng của người dân Afganista”—Anh biết đấy, những thứ vô vị về dân chủ, tự do và công lý. Sau đó có thể chúng ta sẽ đưa ra những lời đe dọa về cấm vận và tổ chức một vụ tẩy chay trên diễn đàn quốc tế để không công nhận chính quyền mới này. Nhưng chúng ta có ít nhất 2 cường quốc trong khu vực, Trung Quốc và Nga, họ muốn có quan hệ với chính quyền này bởi nếu không thì đấy sẽ là một mối nguy về an ninh đối với họ. Nên tôi không nghĩ là mấy chuyện này sẽ thành công.
Chuyện chúng ta nên làm là điều anh đã nói lúc nãy, chúng ta nên nhận dân nhập cư. Đó nên là điều mà chính phủ Hoa Kỳ nên dành hết sự tập trung vào. Bất kì ai từng làm việc với chúng ta ở một mức độ đủ khiến họ gặp nguy hiểm nên được đưa ra khỏi Afganistan và đến Mỹ. Chúng ta nên ngừng lo lắng về pháp lí của thị thực.
Chúng ta nên nhận dân nhập cư từ mọi nơi, không chỉ Afganistan,. Chúng ta có khả năng, chúng ta chỉ không muốn. Nhưng riêng ở đây, ở cuộc chiến này do chúng ta tạo ra, chúng ta nên có trách nhiệm nhận những người đang tìm kiếm nơi an toàn.
DB: Hãy kết thúc bằng câu hỏi này. Tôi thấy trên Twitter có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ nên hành động theo “luật Pottery Barn”- Nếu anh làm vỡ nó thì anh phải mua – một lí do đã được dùng để hợp lí hóa việc Hoa Kỳ cứ nán ở lại Afganistan. Ông nghĩ sao về điều này?
DD: Tôi không nghĩ điều luật ấy có thể áp dụng vào trường hợp mà ta cứ không ngừng làm vỡ nó. Ý tôi là chúng ta đến và phá tan Afganistan, và trong suốt 20 năm sau đó chúng ta làm nó tan nát thêm nữa, từng ngày từng năm. Không có một thời khắc nào mà đất nước này được ổn định trở lại. Chúng ta cứ ngồi ở đó ngăn cản các quốc gia này hồi phục, và đó mới là chuyện thực sự đang diễn ra.