Chỉ đến thế kỷ XX, phụ nữ mới có quyền bỏ phiếu như nam giới (ở nước Nga Xô viết).
Quyền bầu cử dựa vào tài sản, mức thuế đóng góp bị bãi bỏ chậm rãi từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1964, là năm Tu chính án thứ 24 có hiệu lực (ở Mỹ).
Ở nước ta, pháp luật kế thừa tinh thần của dân luật Xô viết, nên Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định:
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 1)
Phổ thông, nghĩa là toàn thể công dân có quyền bầu cử, không phân biệt giới tính, sắc tộc, giai cấp, tài sản, nghĩa vụ thuế…
Bình đẳng, là giá trị lá phiếu của mọi công dân trong hòm phiếu là như nhau, dù là tỷ phú hay chị ve chai.
Lá phiếu được cử tri tận tay đọc, ghi, và bỏ vào hòm, vậy là trực tiếp. Trực tiếp còn là việc cử tri trao quyền cho các đại biểu của 3 cấp của Hội đồng nhân dân (xã, huyện, tỉnh) và Quốc hội.
Không ai ngoài chính cử tri đó biết mình chọn ai, bỏ ai, không ai biết lá phiếu chọn con ông này, cháu bà kia là của ai, đó là bỏ phiếu kín.
Như vậy, việc kiểm đếm hoàn toàn cơ học. Đó là thành tựu dân chủ sau hàng trăm năm đấu tranh giữa những giai tầng xã hội.
Bầu cử luôn là vấn đề đau đầu với mọi chế độ chính trị. Từ cách bầu cử vỏ sò của thành bang Athens (Hy Lạp cổ đại), đến bỏ phiếu bằng giấy, nhiều máu đã đổ để bảo vệ chỉ hai điều: truyền thống chọn lựa người tài đức để phụng sự cộng đồng, và kết quả của cuộc bầu cử.

Ở Tây Ban Nha, phái quốc gia bảo thủ thua Mặt trận Nhân dân (cánh tả) trong cuộc bầu cử năm 1936 nên dấy lên đảo chính và mở đầu cuộc nội chiến để lật đổ chính phủ Cộng hòa.
Ở Myanmar năm 1962, khi phái quân sự của tướng U Nu thất bại trong cuộc bầu cử, họ liền lật đổ chính phủ dân sự và chấm dứt định chế bầu cử tự do, đa nguyên mới chớm từ năm 1948.
Bầu cử cũng là con dao hai lưỡi trong một số trường hợp, khi nhân dân đưa một đảng phái xấu xa lên nắm quyền và chính đảng ấy bóp nghẹt dân chúng, như trường hợp đảng Quốc xã của Hitler năm 1933.
Định chế bầu cử hiện đại đã cải cách rất nhiều để ngăn chặn những đảng phái chính trị mị dân thắng cử, chủ yếu bằng cơ chế buộc đại biểu dân cử phải trung thành với lời hứa trước cử tri và trung lập hóa quân đội. Hay nói khác đi, đấy là thiết lập hệ thống giúp nền dân chủ liên tục tái sinh, bất kể điều kiện chính trị như thế nào. Không nhiều quốc gia làm trọn vẹn điều đó, rất nhiều quốc gia thất bại hoặc đạt được nửa vời. Chúng dẫn đến tình trạng, hoặc là quân đội thông qua các conglomerat không chịu từ bỏ quyền lực chính trị cho dân sự, hoặc là toàn hảo dân chủ một cách hình thức. Dân chủ hình thức trông toàn hảo, vì chúng được thiết kế để giảm bớt sự tham gia của nhân dân vào tiến trình bầu cử, lập pháp và vận hành của bộ máy nhà nước. Cả hai đều là bóng ma phủ lên các nước đang phát triển với nhiều mỹ từ, ví như “sự cai trị của giới tinh hoa” hay “độc tài phát triển”. Cả hai đều đi ngược lại những ý tưởng về nền dân chủ, về một nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Trong kỳ bầu cử gần nhất (năm 2016), tác giả bài viết này không được phát phiếu bầu. Danh sách cử tri, vì lý do nào đó, không có tên của tác giả ở cả nơi thường trú và tạm trú.
Trước ngày bầu cử, thông tin ứng viên được dán trang trọng lên bảng thông báo của các cơ quan và điểm bỏ phiếu. Giấy trắng, mực đen, có ảnh, và chỉ đến thế. Cử tri không tiếp xúc với ứng cử viên, ứng cử viên không trải qua dịp bị cử tri “hạch hỏi”.
Nhưng vấn đề không chỉ có bấy nhiêu. Một người có thể bỏ phiếu hộ vài người khác. Cha tôi, vợ tôi đi công tác xa, tôi bỏ phiếu hộ họ.
Điều đó rõ ràng trái quy định của luật bầu cử, nhưng người ta nghiễm nhiên chấp nhận. Một phần vì ý thức tôn trọng pháp luật thấp, phần vì sự tin tưởng bởi đại biểu tương lai, thành viên ban tổ chức, cử tri sau cuộc bầu cử lại trở về là đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng của nhau. Đa số vận hành theo tập quán chính trị đã có từ mấy mươi năm qua. Ngày nay chúng ta không hình dung tập quán ấy đã hình thành như thế nào.
Hay một khía cạnh khác, đó là biểu hiện thờ ơ chính trị?
Cử tri không lo lắng đến kết quả cuộc bầu cử và người đại biểu họ bầu. Mấy ai nhớ mình đã bầu cho ai? Vả, nếu người đại biểu nhân dân làm sai, thoái hóa, đã có luật pháp chế tài, tại sao mình phải quan tâm?
Cải cách chế độ bầu cử là nhằm nâng cao hiệu quả cuộc bầu cử, nhưng không chỉ ngừng ở đấy bởi bầu cử chỉ là ngạch cửa. Người đại biểu bước qua ngưỡng thềm của quyền lực dân trao, theo sau họ là sự tin tưởng của người dân vào năng lực và đức độ người được bầu. Phía trước họ, là giềng mối quốc gia, là bao cơ chế đan xen và nhiều lúc là cám dỗ vinh hoa, phú quý.
Nếu cải cách chỉ để cuộc bầu cử có thêm nhiều cử tri hơn, thì không cần thiết vì số cử tri luôn đạt mức 98-99% đi bầu. Cải cách hướng đến chiều sâu, ví dụ tăng dần tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 35 lên 40%, hướng đến tiệm cận 100% đại biểu chuyên trách như nghị viện các nước phát triển, là cần thiết. Một trong những hệ quả của thể chế hiện tại, là trình độ lập pháp kém. Tuổi thọ trung bình của một văn bản quy phạm pháp luật nước ta ít khi đạt trên 10 năm. Nguyên nhân chính là đại biểu lập pháp ít có thời gian xem xét, nghiên cứu văn bản, đối chiếu với thực tế và dự phóng chính sách. Nói cách khác, người đại biểu phải được quyền trọn thời gian với đứa con tinh thần của mình, trở thành đại biểu chuyên trách. Nhưng việc này lại đụng chạm đến cơ cấu phân bổ số lượng đại biểu, phân công công việc, nói dân dã là cách chia ghế.
Hai vấn đề quan trọng khác mà cải cách chưa nhắm đến, hoặc chưa đi đúng, là cơ chế để cử tri giám sát đại biểu trong và hậu bầu cử, cũng như tỷ lệ tự ứng cử.
Công bằng mà nói, nếu tôi không thể giám sát anh, tôi có cần quan tâm lá phiếu trên tay mình không?
Cơ chế để bảo vệ và nâng cao tỷ lệ tự ứng cử sẽ giúp gỡ rối nút thắt thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước. Trong điều kiện một đảng cầm quyền, việc đồng thuận để người đại biểu không phải đảng viên hiện diện, gia tăng tính dân chủ, đặc biệt cho phép cử tri có thêm lựa chọn. Cơ chế tự ứng cử nên phát triển cùng với các hình thức vận động tranh cử, giúp ứng viên có điều kiện tiếp xúc cử tri. Tất nhiên, đối thoại trực tiếp sẽ tránh được tình trạng mị dân hoặc mù mờ chính trị.
Những cải cách trên, dù sớm hay muộn chúng ta cũng phải nghĩ đến và thực hiện.