Mối quan tâm chủ đạo của phái trọng thương là sự tăng thêm không ngừng quyền lợi vật chất cho nhà nước. Theo họ, nguồn nguyên liệu xã hội phải được dùng để gia tăng sự thịnh vượng cho nhà nước dân tộc. Thế kỷ XVI-XVII chứng kiến lần đầu tiên sự hiện diện của các cường quốc thương mại toàn cầu với các hình thức thăm dò và thực dân hóa, là một phản ánh hệ quả của chủ nghĩa trọng thương.
Tiền tệ và sự tích lũy tiền là quan tâm chính của các nhà nước dân tộc đang phát triển trong kỷ nguyên trọng thương. Vàng trở thành đơn vị thanh toán quốc tế. Sự thủ đắc vàng thông qua thương mại và nhiều kiểu hạn chế thương mại là hai quan diểm phổ biến thời bấy giờ.

Một trong những mục tiêu lý tưởng của thương mại và sản xuất là phải tăng thêm của cải bằng sự tích trữ vàng khối nhiều hơn. Càng trữ nhiều vàng, càng giàu có. Tiêu dùng nội địa và công nghiệp được thúc đẩy bằng cách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thô và khuyến khích xuất khẩu thành phẩm. Ở góc độ vĩ mô, người ta mong muốn sự thặng dư hàng xuất khẩu nhiều hơn hàng nhập khẩu (xuất siêu), vì cán cân thương mại phải chuyển thành vàng. Điều này nghe có vẻ hợp lý nếu phái trọng thương duy lý hóa những thuận lợi so sánh có từ trước trong các quốc gia thương mại. Nhưng sự thật là, họ không hiểu tổng sản lượng gia tăng có thể đến từ sự chuyên môn hóa và thương mại. Nhiều người theo phái trọng thương xem thương mại và sự tích lũy vàng khối như một trò chơi có tổng bằng zero, nơi mà một quốc gia A có ít hơn các quốc gia B, C, D,… Vì thế chính sách bảo hộ và thương mại bất đối xứng được phái trọng thương xem là chính sách duy trì sự gia tăng của cải theo ý muốn.
Một số tác giả, như Gerard de Malynes, theo chủ nghĩa tiền tệ vàng bạc, phản đối mọi hình thức xuất khẩu tiền đồng. Edward Misselden phản đối việc này. Ông đề xuất cách tiếp cận rằng chính phủ nên điều khiển để tối đa hóa lợi nhuận từ tiền đồng trên cơ sở một cán cân thương mại chung.
Sự định hướng của họ đối với tiền tệ có vẻ mâu thuẫn. Nhưng quá trình nghiên cứu về thương mại của phái trọng thương đã cung cấp nhận thức đầu tiên về tầm quan trọng chính trị và tiền tệ của ngoại thương. Đồng thời đề ra cho kinh tế chính trị học khái niệm cán cân thương mại bao gồm các khoản hữu hình và vô hình (chi phí vận tải đường thủy, bảo hiểm…). Ví dụ, trong lúc công kích những người theo chủ nghĩa tiền tệ vàng bạc, Misselden phát triển khái niệm tinh vi về cán cân thương mại diễn đạt theo nghĩa bên nợ và bên có. Trong tác phẩm The Circle of Commerce (1623), ông tính toán cán cân thương mại cho nước Anh (từ Giáng sinh 1621 đến Giáng sinh 1622) và thấy đó là một năm thâm hụt:
“Chúng ta xem đó là nỗi đau buồn của mình, chúng ta rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại với các nước khác. Chúng ta cảm thấy nó từ trước nhưng lúc này chúng ta biết sự thâm hụt bằng khoa học, chúng ta nhận thấy trước khi nó tác động, nhưng lúc này chúng ta nên nghiên cứu, tìm hiểu nó: Chúa ơi, thương mại là phá sản và mờ nhạt, chúng ta đang trong tình huống này (trang 46).”
Misselden muốn nhấn mạnh tính chất “khoa học” trong tính toán của mình, và chính thực tế này, chứ không phải là sự chính xác về số liệu, ấn định cách tính của ông không phải là tập hợp các chữ số đơn thuân, vốn trước đây phổ biến ở Ai Cập và Mesopotamia. Misselden sắp xếp số liệu với mục đích tìm hiểu các hiệu quả kinh tế và thúc đẩy các mục đích xã hội.
Ngày nay, quan điểm của phái trọng thương về một cán cân thương mại đa phương phức tạp hơn, gồm năm loại tài khoản:
1. Tài khoản hiện hành (nghĩa là cán cân thương mại trọng thương) gồm hàng hóa và các khoản vô hình (dịch vụ tàu biển, bảo hiểm…)
2. Tài khoản vốn đầu tư gồm vốn đầu tư ngắn hạn và dài hạn
3. Chuyển giao đơn phương (như quà biếu, viện trợ quân sự)
4. Vàng
5. Sai lầm và sơ suất.
Cán cân thanh toán luôn cân bằng do bởi sổ sách kế toán kép, vì thế khái niệm “thâm hụt” hay “thặng dư” phải được rút ra từ sự sắp xếp những giá trị của một số tài khoản. Một số tài khoản là tự trị, số khác là bù trừ. Ví dụ tiền mặt dự trữ của vốn tư bản dài hạn và các biến động thương mại hàng hóa được xem là bị kích thích bởi các tác động kinh tế cơ bản, khác biệt lãi suất, trong giá tương đối của hàng nhập và hàng trong nước… Những biến động như thế được xem là tự trị. Những biến động khác là tài khoản bù trừ, phản ánh kết quả của các biến động tài chính và thương mại tự trị. Vì thế vàng của Mỹ xuất sang Pháp, hay ngân hàng trung ương Pháp tăng số đô la nắm giữ, sẽ là một khoản đền bù được Mỹ thanh toán cho Pháp đối với thâm hụt mậu dịch hay đối với thâm hụt tịnh trong tiền mặt dự trữ vốn dài hạn của chúng ta với Pháp. Người ta có thể mô tả sự thâm hụt này giữa quốc gia chủ nợ và phần còn lại của thế giới như sau:
Thặng dư tài khoản hiện hành – (thâm hụt tư bản dài hạn + thâm hụt chuyển ngân đơn phương) = Thâm hụt ròng = Biến động bất lợi trong tư bản ngắn hạn + vàng.
Mặc dù một số người theo phái trọng thương ám chỉ vào sự hiểu biết vai trò của đầu tư tư bản dài hạn quốc tế như một tác động trong việc xác lập vị trí quốc tế của quốc gia, dường như không có lời giải thích rõ ràng về cán cân thanh toán theo nghĩa hiện đại. Phái trọng thương không có cơ sở lý thuyết vững chắc về tiền tệ, đó là nguyên nhân dẫn đến những sai lầm về sau.