Thuật ngữ mercantilism (chủ nghĩa trọng thương) do Mirabeau đưa ra năm 1763 để mô tả hệ thống rời rạc các tư tưởng kinh tế chi phối tiến trình kinh tế từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII. Cho dù mang tính quốc tế (chủ nghĩa trọng thương phổ biến ở các quốc gia cựu lục địa như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ), nhưng ít có sự nhất quán và liên tục giữa các nhà tư tưởng nổi bật của chủ nghĩa trọng thương. Theo cách đánh giá trên diện rộng, việc thiếu sự cố kết giữa các tác giả chủ nghĩa trọng thương có thể quy cho sự thiếu vắng các công cụ phân tích thông thường có thể chia sẻ và truyền lại cho thế hệ sau kế thừa. Vả lại, việc trao đổi thông tin giữa những người theo chủ nghĩa trọng thương khá khiêm tốn, trái với mạng lưới tương quan chặt chẽ giữa các nhà kinh tế học hiện đại.

Tóm tắt súc tích nhất các nguyên tắc của chủ nghĩa trọng thương là do Philipp Wilhelm von Hornick đưa ra. Ông vốn là một luật sư người Áo đã đề ra tuyên ngôn của chủ nghĩa trọng thương năm 1684. Chín nguyên tắc kinh tế quốc gia quan trọng theo ông gồm:
- Mỗi tấc đất trong nước phải sử dụng cho nông nghiệp, khai khoáng, hay sản xuất nông nghiệp.
- Mọi nguyên liệu thô phát hiện trong nước đều sử dụng để sản xuất trong nước, vì hàng thành phẩm có giá trị cao hơn nguyên liệu thô.
- Khuyến khích có nhiều người trong độ tuổi lao động
- Cấm đoán xuất khẩu vàng, bạc và tất cả tiền tệ trong nước phải đem ra lưu thông
- Khuyến khích nhập hàng hóa nước ngoài càng nhiều càng tốt
- Nơi nào bắt buộc phải nhập khẩu thì phải nhập khẩu trước để trao đổi hàng hóa trong nước thay vì trao đổi vàng, bạc
- Hàng nhập có thể giới hạn ở nguyên liệu thô để sản xuất hàng thành phẩm trong nước, càng nhiều càng tốt.
- Phải luôn tìm kiếm cơ hội để bán sản phẩm thặng dư trong nước ra nước ngoài, càng xa càng tốt, để đổi lấy vàng, bạc.
- Không được phép nhập khẩu nếu hàng như thế đã có đủ và trong nước có thể cung cấp.
Chín điểm trên không phải lúc nào cũng được tuân thủ, hay tuân thủ nghiêm ngặt ở các nền kinh tế theo chủ nghĩa trọng thương. Tuy nhiên, có thể thấy các quốc gia theo chủ nghĩa trọng thương thường theo đuổi hai chính sách chủ chốt là tạo ra thặng dư thương mại thông qua định hướng nền kinh tế nội địa và định hướng sản xuất công nghiệp để xuất khẩu thông qua nhập cảng nguyên liệu thô giá rẻ.
Kết hợp cả hai chính sách này dẫn tới việc bảo hộ nền kinh tế trong nước (chủ yếu thông qua hàng rào thuế quan). Khoản thặng dư thương mại thu được có thể giúp các quốc gia này nâng cao sức mạnh bằng cách xây dựng công nghiệp, mở rộng quân đội, qua đó củng cố an ninh quốc gia và nâng cao vị thế quốc tế.
Chủ nghĩa trọng thương là một tiền đề cho chủ nghĩa tự do vào thế kỷ XVIII. Adam Smith cho rằng việc một quốc gia cố gắng sản xuất một sản phẩm vốn có thể được sản xuất một cách rẻ hơn ở các nước khác là một hành vi không năng suất. Lập luận này trở thành cơ sở cho lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo, nền tảng về lý thuyết cho chính sách tự do thương mại. Tuy nhiên nội dung này sẽ được bàn sâu hơn, cả về chủ nghĩa trọng nước và chủ nghĩa tự do.
Tham khảo:
- Robert B. Ekelund, Robert F. Hébert-Trung tâm nghiên cứu dịch thuật-Lê Sơn (hiệu đính) (2004), Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb. Thống kê.
- Đào Minh Hồng, Lê Hồng Hiệp (đồng chủ biên) (2013), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, ĐHKHXH&NV-ĐHQGTPHCM.