
==============
Có ý kiến cho rằng kinh tế nước ta hiện nay là nền kinh tế thị trường, nó độc lập và khác biệt với nền kinh tế kế hoạch. Do đó có xu hướng đối lập nền kinh tế nước ta hiện nay đối với kinh tế kế hoạch hóa và cho rằng kinh tế thị trường tốt hơn kinh tế kế hoạch, kinh tế thị trường đẻ ra kinh tế xã hội chủ nghĩa. Điều đó đúng không ?
Cơ chế kinh tế thị trường là cơ chế kinh tế dùng thị trường để điều tiết sản xuất và các hoạt động kinh tế. Bản thân sự tồn tại của kinh tế thị trường đồng thời cũng sẽ phủ định vai trò của kế hoạch kinh tế. Nhưng rõ ràng là ở nước ta hiện nay, không có chuyện thị trường tự điều tiết và chi phối nền kinh tế. Mà do nhà nước điều tiết, ở một mức độ nào đó thị trường cũng tự điều tiết, nhưng không phải nắm vai trò chủ đạo.
Lý giải vấn đề này là do nền kinh tế thị trường sẽ tồn tại khách quan trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tức là khi nền sản xuất xã hội chủ nghĩa chưa được tổ chức hoàn chỉnh và phát triển, chưa đủ khả năng để thu hẹp thị trường tự do. Trong hệ thống kinh tế thời kỳ quá độ sẽ tồn tại hai loại thị trường – thị trường có tổ chức (thuộc khu vực NN quản lý) và thị trường tự do. Cơ chế kinh tế của chúng ta là lấy kinh tế kế hoạch làm trung tâm để phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa và kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng quan hệ thị trường.
Thị trường tự do đầy rẫy nạn đầu cơ, tích trữ, buôn lậu, hoàn toàn đối lập với kinh tế kế hoạch, cho nên mục tiêu chủ yếu trong tương lại của sự phát triển kinh tế nước ta là phải thủ tiêu nó, mở rộng thị trường tổ chức (gắn liền với thương nghiệp xã hội chủ nghĩa). Có nghĩa là phải cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh và tập thể. Đó là điều rất rõ ràng.
Nhưng, muốn xóa bỏ thị trường tự do ngay lúc này thì đồng nghĩa là nông cạn. Rõ ràng, thị trường tự do vẫn còn đất sống, và trong một thời gian tương đối nó sẽ tồn tại ở nước ta. Chúng ta muốn kế hoạch hóa nền kinh tế, thì trước nhất cần phải duy trì thị trường tự do, từng bước phát triển thị trường có tổ chức của quốc doanh, từng bước thu hẹp thị trường tự do cho đến khi nó suy yếu và tan rã, cho đến khi thị trường có tổ chức phát triển và chiếm địa vị tối quan trọng trong toàn bộ hệ thống kinh tế nước ta. Lúc đó, bản thân kinh tế kế hoạch hóa cũng sẽ chiếm địa vị tối quan trọng tương ứng.
Thị trường tự do không thể kế hoạch hóa trực tiếp, nhưng có thể được điều tiết bởi Nhà nước, thông qua pháp luật, cơ chế chính sách, … đưa nó theo phương hướng của kế hoạch, bổ sung cho thị trường có tổ chức. Lenin từng nói: << Muốn không thay đổi bản chất mình, Nhà nước vô sản chỉ có thể thừa nhận cho thương nghiệp tự do và CNTB được phát triển trong một chừng mực nhất định nào đó và chỉ với điều kiện là thương nghiệp tư nhân, và tư bản tư nhân phải phục tùng sự điều tiết của Nhà nước >> (Lenin toàn tập, t.14, Nxb Tiến bộ, Moskva, 1978, tr.418)
Ở Liên Xô, sau Cách mạng tháng Mười 1917 nền kinh tế đã được tổ chức theo hướng kết hợp giữa kinh tế kế hoạch và thị trường. Trước Nội chiến và can thiệp vũ trang, Lenin đã chủ trương việc phát triển đa thành phần kinh tế và ưu tiên phát triển kinh tế quốc doanh thông qua cái gọi là Ủy ban kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân được thành lập vào năm 1918 để phát triển kinh tế quốc doanh và củng cố thị trường có tổ chức, đồng thời từng bước ngăn ngừa và hạn chế sự phát triển của thị trường tự do. Đi cùng với sự phát triển của chính quyền Xô viết, việc hạn chế thị trường tự do bắt đầu đẩy mạnh hơn. Sau Nội chiến, Chính sách Kinh tế mới (NEP) đã hoàn thiện những quan điểm đó của Lenin. Từ 1926, Liên Xô xóa bỏ thương nghiệp tự do, thay thế bằng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, hàng hóa đều phải chảy qua các hệ thống phân phối lưu thông của NN. Từ năm 1928, đấu tranh tiến hành xóa bỏ giai cấp phú nông, phát triển kinh tế hợp tác hóa nông nghiệp – thông qua việc tổ chức các nông trang tập thể được trang bị hoặc thuê máy kéo của NN. Từ năm 1931, xóa bỏ hoàn toàn kinh tế tư nhân, tư bản chủ nghĩa. Đến năm 1935 là xóa bỏ kinh tế cá thể, tiểu sản xuất, đưa hết thảy nền kinh tế vào hai thành phần quốc doanh và tập thể. Địa vị của kinh tế kế hoạch hóa từng bước được xác lập và đi đến chỗ kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế quốc dân trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa chiếm hầu hết toàn bộ nền kinh tế.
Ngày nay, nước ta cũng đương phải tiến lên trên con đường đó. Nhưng tốc độ, quy mô, cường độ, cách thức sẽ không giống và không đạt được như từng diễn ra ở Liên Xô. Đó là một điều chắc chắn.
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta còn phải đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn mà Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã chỉ ra:
1. Thị trường có tổ chức ở nước ta tuy lớn, nhưng hoạt động kém hiệu quả, chưa đóng vai trò địa vị then chốt; chưa đủ sức làm thu hẹp thị trường tự do. Nguyên nhân là do các << doanh nghiệp quốc doanh hoạt động kém hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước >> (Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng).
Nhiệm vụ trong tương lai chắc chắn là phải tập trung, tạo điều kiện và phát triển kinh tế quốc doanh; nhưng quan trọng nhất để làm đòn bẩy phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế xã hội chủ nghĩa đó là sử dụng và kết hợp đúng đắn các loại hình kinh tế Chủ nghĩa tư bản Nhà nước: cổ phần hóa DN; công tư hợp doanh; liên doanh hợp tác quốc tế;
2. Thị trường tự do ngày càng lớn, một phần quan trọng xuất phát từ việc chúng ta đang đương xây dựng thể chế kinh tế thị trường sao cho phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu (tức tiểu chuẩn của thế giới Tư bản chủ nghĩa) để hội nhập kinh tế quốc tế.
Phần còn lại là do thị trường có tổ chức đang có xu hướng bị thu hẹp, kém hiệu quả. Đi kèm với sự phát triển của thị trường tự do là đầu cơ, tích trữ, buôn lậu và các tệ nạn khác.
Dưới áp lực của “toàn cầu hóa”, nếu chúng ta không minh mẫn, không nhạy cảm thì nguy cơ rơi vào “chủ nghĩa xã hội thị trường” là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu như thế thị trường sẽ điều tiết toàn bộ nền kinh tế, vai trò điều tiết của NN bị suy yếu thì nguy cơ phục hồi chế độ tư bản ở nước ta sẽ xuất hiện.
Do đó, việc phát triển thị trường tự do trong một chừng mực vừa có lợi, nhưng vừa có hại. Phải biết lợi dụng và phát huy cái lợi để thúc đẩy sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất và nâng cao quan hệ sản xuất; đồng thời phải biết hạn chế cái hại, loại trừ cái hại – và đặc biệt là ngăn chặn quá trình thị trường tự do hóa toàn bộ nền kinh tế nước ta – bằng công cụ của chuyên chính vô sản. Tức là củng cố và phát triển bộ máy NN; chống sự tự diễn biến, tự chuyển hóa; chống lại các phần tử cơ hội chủ nghĩa leo sâu vào đầu não Đảng và NN; chống lại các thành phần con ông cháu cha, quan lại những kẻ mang đầu óc tư sản chủ nghĩa ham vinh hoa phú quý, đương đang làm lũng đoạn bộ máy NN.
Như vậy, bản chất nền kinh tế nước ta không phải là nền kinh tế thị trường thuần thúy, mà nền kinh tế thị trường đặt dưới sự kế hoạch hóa làm trung tâm. Tất nhiên nó chưa đạt đến cái trình độ kế hoạch hóa kinh tế tập trung.